Friday, May 29, 2015

Bi kịch nông sản Việt Nam

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2015-05-29
Xe chở dưa hấu bị ùn tắc hàng chục km trước cửa khẩu ở Lạng Sơn

Xe chở dưa hấu bị ùn tắc hàng chục km trước cửa khẩu ở Lạng Sơn-RFA

Khủng hoảng liên tục

Bi kịch nông sản theo cách gọi của ông Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, đang là vấn đề được bàn cãi nhiều ở Việt Nam. Báo chí đưa nhiều tin bài về sự kiện dưa hấu, thanh long và ngay cả gạo bị ùn tắc ở cửa khẩu biên giới với Trung Quốc đến hư hỏng. Thống kê chính thức cho biết tăng trưởng khu vực nông nghiệp quí 1/2015 chỉ còn 2,14% so với cùng kỳ năm 2011 ở mức 5,02% tức giảm hơn một nửa. Điều gì khiến việc tiêu thụ xuất khẩu nông sản của Việt Nam gặp khủng hoảng liên tục trong mấy năm gần đây.
Trả lời Nam Nguyên vào tối 28/5/2015, Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long chuyên gia kinh tế hiện sống và làm việc ở Hà Nội nhận định:
Trong thực tế hiện nay phải nói thẳng là cả nhà nước và người nông dân đều chưa thực sự hoạt động theo mô hình của kinh tế thị trường, chưa tìm hiểu thị trường cần gì.
-PGS Ngô Trí Long
“Kinh tế thị trường là một nền kinh tế tùy thuộc thực sự vào thị trường để thực hiện chức năng của mình. Có nghĩa là sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào, sản xuất bằng cách nào phải do thị trường quyết định, phải tùy thuộc đầu ra. Nếu những sản phẩm đó đã có trên thị trường thì phải tạo ra sản phẩm mới, tạo ra cái ‘cầu’ mới cho thị trường. Trong thực tế hiện nay phải nói thẳng là cả nhà nước và người nông dân đều chưa thực sự hoạt động theo mô hình của kinh tế thị trường, chưa tìm hiểu thị trường cần gì. Nhà nước và nông dân hai yếu tố này cộng lại, phần lớn trên những qui hoạch về cây con giống, qui hoạch đất đai các vùng chủ yếu là để phát huy lợi thế của vùng đó; chưa thực sự chú ý vùng đó sản phẩm đó sản xuất ra thị trường có đáp ứng, có cần hay không.
Phó Giáo sư Ngô Trí Long nhấn mạnh tới mặt thứ hai của vấn đề, chính sách chủ trương đối với nông sản thực phẩm là làm sao ngoài việc  đáp ứng nhu cầu thị trường thì vấn đề chất lượng, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm là tối quan trọng. Theo lời ông, hiện nay tất cả những vấn đề này ở Việt Nam là rất hạn chế. Phó Giáo sư Ngô Trí Long tiếp lời:
“Tất cả mọi yếu tố cộng lại làm cho đầu ra của nông sản hiện nay bị bế tắc thậm chí bị tồn đọng rất là lớn. Đây cũng là một trong những vấn đề gây bức xúc của toàn xã hội, đặc biệt của nông dân và đã được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội. Và Quốc hội đã giao cho Chính phủ là làm sao phải có những biện pháp, đề án như thế nào để giải quyết vấn đề này. Nhưng theo tôi nghĩ là nếu cứ theo những tư duy cũ thì chắc chắn sẽ không xử lý được và cũng khó có khả năng giải quyết được vấn đề này một cách có hiệu quả.”
Một số sản phẩm nông nghiệp Việt Nam (minh họa)
Một số sản phẩm nông nghiệp Việt Nam (minh họa)
Báo điện tử VnEconomy bản tin trên mạng ngày 28/5/2015 trích lời Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ nói rằng, ông đặc biệt quan tâm đến vấn đề liên kết trong sản xuất nông nghiệp, mà quan trọng nhất là liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Nơi nào có doanh nghiệp chống lưng thì vấn đề tiêu thụ ổn, bi kịch nông sản thừa phải đổ bỏ ít xảy ra. Đây là một phần nội dung câu trả lời của nhân vật lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, khi được tờ báo nêu câu hỏi “nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, những bế tắc của ngành nông nghiệp 15 năm trước thế nào thì bây giờ vẫn thế.”
Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi nhà phản biện xã hội dân sự TS Nguyễn Quang A khi trả lời câu hỏi về vai trò của Nhà nước, Hội Nông dân Việt Nam do Đảng Cộng sản chỉ đạo và bản thân người nông dân trong cuộc khủng hoảng tiêu thụ xuất khẩu nông sản, đã từ Hà Nội đưa ra nhận định:
“Tôi nghĩ rằng chính phủ có thể có những chính sách vĩ mô của mình về vấn đề thuế, vấn đề hỗ trợ lãi suất về vấn đề thông tin. Chứ còn đòi chính phủ rằng phải tổ chức như thế này, tổ chức như thế kia thì điều ấy hơi quá. Bởi vì Chính phủ không làm được những việc như vậy. Việc cần phải đòi Chính phủ là, ông vẽ ra hội nông dân của ông, tiêu tốn tiền ngân sách, chúng tôi có thể đòi phải dẹp đi. Nhưng mà chúng tôi không tin cái Hội ấy nữa mà chúng tôi lập ra Hội Nông dân An Giang hay Cần Thơ  của chúng tôi chẳng hạn, để chúng tôi bảo vệ quyền lợi những người nông dân của An Giang hay Cần Thơ thì đấy mới là điều nông dân cần làm và giới trí thức ở các vùng ấy phải xúc tiến động viên họ làm.”

Cần một cuộc đổi mới lần thứ hai

“Đổi mới” 1986 đã giúp Việt Nam từ chỗ thiếu ăn phải nhập khẩu lương thực tới chỗ dư thừa lúa gạo, mỗi năm xuất khẩu 5-6 triệu tấn gạo. Tuy vậy theo các chuyên gia nền kinh tế Việt Nam đã hết động lực phát triển và cần một cuộc đổi mới lần thứ hai. Trên báo chí và các diễn đàn chính thức, các chuyên gia nói nhiều về một nền kinh tế thị trường thực sự thay vì mô hình trừu tượng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với kinh tế nhà nước là chủ đạo.
Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh được báo chí nhà nước trích nguyên văn trong dịp ông nói chuyện tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh hồi năm 2014: “Kinh tế Thị trường Định hướng Xã hội Chủ nghĩa làm gì có mô hình đó mà đi tìm”.
Có thể hiểu rằng, nếu Việt Nam không đổi mới thể chế kinh tế và chính trị để áp dụng nền kinh tế thị trường đích thực, thì các nút thắt sẽ giữ Việt Nam trong bẫy thu nhập trung bình không thể tiến xa hơn nữa. Nhưng bi kịch của nông sản Việt Nam có thể nói là bắt nguồn từ chính sách đất đai manh mún, nhỏ lẻ, hạn điền và nông dân không có quyền tư hữu đất đai.
Một mặt mình phải gây sức ép đòi hỏi Đảng Cộng sản hay chính quyền này phải tạo điều kiện cho nông dân có thể phát huy sức mạnh của mình. Nhưng mặt khác thì bản thân những người nông dân hay những người tâm huyết với nông dân cũng phải giúp họ tự đứng lên.
-TS Nguyễn Quang A
Phó Giáo sư Ngô Trí Long nhận định:
“Đó cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến hậu quả hiện nay. Bởi vì trong bối cảnh hiện nay thì người ta phải tập trung trên một qui mô lớn thì mới tạo điều kiện nâng cao năng suất lao động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và trên cơ sở đó mới có thể tạo điều kiện để năng suất lao động tăng lên thì đấy là một trong những nguyên nhân của vấn đề về chính sách đất đai hiện nay là như vậy.”
Theo VTC News bản tin trên mạng ngày 28/5/2015, Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng việc “được mùa mất giá” là hết sức tự nhiên. Một trong những tình trạng kéo dài nhiều năm qua là “được mùa mất giá” “được giá lại mất mùa”. Ông Thứ trưởng lý giải, tại sao như vậy thì đó là thực tế thị trường, hết sức tự nhiên. Người đọc báo có thể hiểu là ông Thứ trưởng qui lỗi cho kinh tế thị trường, trong khi Việt Nam lại không phải là nền kinh tế thị trường thực sự.
Vẫn theo VTC News, Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải đã phát biểu như vậy trong cuộc họp báo của Chính phủ tổ chức ngày 27/5 ở Hà Nội. Ông viện dẫn thực tế thị trường và cũng nói tới chuyện đất đai nhỏ lẻ manh mún cần phải tập trung qui mô lớn mới có thể đưa công nghệ vào sản xuất với năng suất cao, để tạo ra giá thành mang tính cạnh tranh.
Như vậy Việt Nam đang loay hoay gỡ các nút thắt cổ chai bắt nguồn từ chế độ xã hội chủ nghĩa với chủ trương đất đai sở hữu toàn dân tức là thuộc về nhà nước và đi theo thể chế mơ hồ tự đặt ra kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với kinh tế nhà nước là chủ đạo.
Thế hệ nông dân Việt Nam hiện nay phần lớn đang sản xuất trên các thửa ruộng nhỏ bé từ vài công tới dưới một ha và thí dụ trong lúa gạo thì bị chi phối đầu ra bởi các doanh nghiệp lớn của nhà nước. Trong thực tế như thế cần giúp gì cho nông dân. TS Nguyễn Quang A nhận định rằng, nông dân phải có tổ chức độc lập của chính mình để tự cứu mình.
“Nông dân hay những người cảm tình với nông dân, bất luận vẫn còn Điều 4 Hiến pháp hay bất kể điều gì…thậm chí người ta để cho Vinafood I hay Vinafood II độc quyền xuất khẩu gạo; tôi nghĩ rằng nếu người nông dân có tổ chức của mình thì có thể dẹp được tất cả những trở ngại ấy. Một mặt mình phải gây sức ép đòi hỏi Đảng Cộng sản hay chính quyền này phải tạo điều kiện cho nông dân có thể phát huy sức mạnh của mình. Nhưng mặt khác thì bản thân những người nông dân hay những người tâm huyết với nông dân cũng phải giúp họ tự đứng lên.”
Trong vài năm qua Việt Nam bắt đầu đề án tái cơ cấu nền nông nghiệp, nhưng mọi giải pháp cũng sẽ có hiệu quả rất hạn chế, khi mà cơ hội cải cách thực sự đã qua đi, bản Hiến pháp 2013 sửa đổi vẫn giữ điều 4 Hiến pháp qui định sự độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản; các điều khoản khác của Hiến pháp vẫn qui định đất đai sở hữu toàn dân tức của nhà nước, không chấp nhận sở hữu tư nhân hay đa sở hữu về đất đai và đặc biệt vẫn xác định nền kinh tế Việt Nam là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với kinh tế nhà nước là chủ đạo.
Chuyên gia kinh tế Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long đã có nhận định rất thuyết phục khi trả lời phỏng vấn của chúng tôi. Đó là nếu cứ theo những tư duy cũ thì chắc chắn sẽ không xử lý được và cũng khó có khả năng giải quyết được vấn đề bế tắc thị trường nông sản một cách có hiệu quả.

No comments:

Post a Comment