Friday, May 29, 2015

Vì sao các tướng Công an không ủng hộ việc bổ sung quyền im lặng?

Anh Vũ, thông tín viên RFA
2015-05-29
000_Hkg10109894-622.jpg
Một phiên họp Quốc hội Việt Nam, ảnh minh họa.AFP
Những ngày vừa qua, Quốc hội đã thảo luận dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), tuy nhiên các ĐBQH là tướng công an đều không muốn quy định “quyền im lặng” được bổ sung trong bộ luật này. Tại sao lại có hiện tượng như vậy?

Phương tiện hạn chế bức cung

Tình trạng bức cung, dùng nhục hình của các điều tra viên đã dẫn tới việc có rất nhiều bản án oan sai, đã trở thành hiện tượng phổ biến trong lĩnh vực tư pháp của VN.
Quyền im lặng này nó xuất phát từ một quyền cơ bản của con người, đó là quyền của người bị tình nghi là tội phạm hay người là bị can, bị cáo phải nhận được sự trợ giúp pháp lý ngay từ đầu.
-LS Phan Trung Hoài
Quyền im lặng là một phương tiện quan trọng để hạn chế bức cung, nhục hình - nguyên nhân dẫn đến oan sai trong tố tụng hình sự.
Quyền im lặng là quyền của nghi phạm, của người bị kháng cáo, trong một vụ án có quyền im lặng cho tới khi được tiếp xúc với luật sư hỗ trợ về pháp lý cho mình.
Nói về ý nghĩa của việc bổ sung quyền im lặng của bị can, bị cáo trong Bộ luật TTHS (sửa đổi), từ Sài Gòn LS. Phan Trung Hoài thuộc Đoàn LSVN giải thích:
“Quyền im lặng này nó xuất phát từ một quyền cơ bản của con người, đó là quyền của người bị tình nghi là tội phạm hay người là bị can, bị cáo phải nhận được sự trợ giúp pháp lý ngay từ đầu. Chính vì thế cái quyền im lặng này sẽ cho phép thể hiện trên thực tế họ có quyền chờ luật sư trước lúc cơ quan điều tra tiến hành thẩm vấn đối với họ.”
Hiện nay, Quốc hội VN đang thảo luận việc có nên bổ sung “quyền im lặng” của bị can, bị cáo vào trong trong Bộ luật Tố tụng Hình sự (TTHS). Tuy nhiên đã có vấn đề khác biệt lớn về quan điểm giữa các ĐBQH.
Theo báo Tuổi trẻ, vừa qua Quốc hội thảo luận dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), các ĐBQH là tướng công an đều không muốn quy định “quyền im lặng” trong bộ luật này. Theo đó, quan điểm của ngành Công an là “Luật cần phải tạo điều kiện cho cơ quan tư pháp làm việc, nếu không sẽ xảy ra tình trạng chúng ta bó tay trong cuộc đấu tranh chống tội phạm”. Còn các ĐBQH khác thì cho rằng “quyền không khai báo các nước đã làm hết, còn VN nếu không như thế là hạ thấp quyền của người dân Việt Nam xuống.”
Đây là vấn đề do khác biệt về quan điểm, đánh giá về hiện tượng này, từ Hà nội LS. Trần Thu Nam cho biết:
cong-an-nhuc-hinh-622
5 bị cáo là công an, đã tham gia trong vụ bắt giữ, đánh đập nạn nhân Ngô Thanh Kiều đến tử vong tại phiên xử hôm 27/3/2014.
“Từ trước đến nay, ở VN người ta chưa quen với cách thức làm luật theo cái hướng bảo vệ quyền con người một cách tối đa, như các nước khác. Khi cho rằng khi bản án chưa có hiệu lực thì con người họ vẫn có các quyền của họ. Tuy nhiên ở VN, các bản án được xét xử không dựa trên cơ sở tranh luận, họ đã quen cách thức cũ là người bị coi là phạm tội phải có trách nhiệm trả lời. Và qua nhiều vụ án cho thấy, khi không trả lời theo yêu cầu của họ thì họ sẵn sàng dùng vũ lực.”
Việc đưa “Quyền im lặng” đối với các bị can, bị cáo bổ sung trong Bộ luật TTHS là điều HP đã quy định và hết sức quan trọng, LS. Phan Trung Hoài ghi nhận:
“Theo quy định của pháp luật VN, thì bị can, bị cáo có quyền, nhưng không buộc chứng minh là mình vô tội. Theo quy định của khoản 2 điều 72 của Bộ luật TTHS thì không thể sử dụng lời khai nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội, nếu như nó không thống nhất với các chứng cứ khác trong hồ sơ. Quyền đó là quyền con người, đã được nhà nước VN ký kết khi ra nhập công ước của LHQ về các quyền Dân sự và chính trị từ năm 1966. ”

Quyền tham gia tố tụng của LS sẽ bị vi phạm

Nếu không bổ sung “Quyền im lặng” đối với các bị can, bị cáo thì quyền tham gia tố tụng của LS sẽ bị vi phạm. Nói về các vướng mắc và trở ngại, LS. Phan Trung Hoài cho biết:
“Nhưng vấn đề vướng mắc cụ thể hiện nay là ở chỗ cơ hội của người bào chưa – luật sư tiếp cận với người bị bắt giữ ngay từ đầu, nó có một rào cản rất lớn, đó là trình tự cấp giấy phép chứng nhận người bào chữa. Đến đây thì nó lại phát sinh tình trạng, khi tiếp xúc lấy ý kiến của người bị bắt hay bị tạm giữ nhưng không có sự có mặt của luật sư cho nên chúng tôi thường nhận được cái gọi là giấy hoặc quyết định từ chối có người bào chữa. Vì họ cho rằng, bị can trong giai đoạn điều tra thì chưa cần thiết có luật sư.”
Khi được hỏi, lý do tại sao ngành Công an lại kiên quyết bác bỏ việc bổ sung quyền im lặng của các bị can, bị cáo trong Bộ luật TTHS (sửa đổi)?
Một khi luật pháp công nhận quyền này thì việc phán xử một bản án phải được dựa trên các chứng cứ, đó là một bước tiến để tránh khỏi vấn đề các bản án oan sai.
Với tư cách là một người Luật sư tôi cho rằng cần thiết phải đưa quyền im lặng của bị can, bị cáo bổ sung trong Bộ Luật tố tụng Hình sự và họ có quyền im lặng cho tới lúc có luật sư bảo vệ quyền lợi cho họ.
-LS Trần Thu Nam
LS. Phan Trung Hoài khẳng định:
“Đây là vấn đề thuộc về nhận thức, nhưng rõ ràng nếu hiểu sự tham gia của LS sẽ gây khó khăn cho giai đoạn điều tra tôi nghĩ là không đúng. Nên hiểu, LS thực hiện chức năng xã hội của mình cũng góp phần chống và phòng ngừa tội phạm, để giúp các cơ quan tố tụng xác định sự thật khách quan và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con người. Hiểu như vậy để thấy vai trò của LS là phản biện, để đảm bảo phán quyết của tòa án phải xuất phát từ việc tranh tụng.”
Bằng một thái độ thẳng thắn, LS. Trần Thu Nam giải thích:
“Cái nguyên nhân là do thói quen từ trước đến nay họ đã như thế rồi, cho nên bây giờ sửa đổi theo chiều hướng có lợi cho bị can, bị cáo thì họ chưa sẵn sàng về vấn đề tâm lý, về kỹ thuật làm án và khả năng chứng minh tội phạm. Do vì chưa quen nên họ lo sợ quyền im lặng trong Bộ Luật tố tụng Hình sự mới sẽ làm khó khăn hơn trong công việc chứng minh tội phạm, từ đó sẽ dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm. Chính vì thế họ đã phản đối rất mạnh về việc ấy.”
Nói về các suy nghĩ của cá nhân, trước việc nhiều khả năng “Quyền im lặng” đối với các bị can, bị cáo sẽ không được đưa vào trong Bộ luật TTHS (sửa đổi) LS. Trần Thu Nam nói:
“Với tư cách là một người Luật sư tôi cho rằng cần thiết phải đưa quyền im lặng của bị can, bị cáo bổ xung trong Bộ Luật tố tụng Hình sự và họ có quyền im lặng cho tới lúc có luật sư bảo vệ quyền lợi cho họ. Tuy nhiên có nhiều nguy cơ quyền im lặng sẽ không được bổ sung trong Bộ Luật tố tụng Hình sự mới. Đó là một điều đáng thất vọng và cũng đáng thất vọng vì có một số những người có chức vụ quyền hạn lại có các phát biểu mang tính chất kém hiểu biết.”
Cũng theo báo Tuổi trẻ, ĐBQH Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM bày tỏ: “Đừng nghĩ rằng vì trình độ thế này chúng ta không nên cải cách. Chúng ta không kém hơn các nước, vấn đề là có tôn trọng quyền của bị can, bị cáo hay không”.
Một vấn để khác cần xem xét đó là, khi ĐBQH là một viên tướng công an thì việc bảo vệ quyền lợi cho người dân sẽ bị lệch lạc. Thay vì làm cho Hiến pháp công minh hơn, thì họ lại bênh vực cho người trong ngành của mình, tìm mọi lý do để làm cho việc điều tra xét hỏi thuận lợi. Bất kể sự thuận lợi đó có dẫn tới ép cung, nhục hình,  khi nghi can không có được quyền tối thiểu của một công dân là quyền im lặng cho tới khi có luật sư bảo vệ cho họ.

No comments:

Post a Comment