Tuesday, April 28, 2015

Nông dân Việt điêu đứng vì nông sản ế

HÀ NỘI (NV) .- “Ngành nông nghiệp chỉ tập trung cho sản xuất, trong khi khối công thương chỉ lo thị trường, doanh nghiệp chỉ tính lợi nhuận... là những lý do khiến việc tiêu thụ nông sản gặp khó khăn”.


Thiếu kết hợp trong cung cấp, xử lý thông tin thị trường giữa các cơ quan quản lý là một trong những lý do khiến tiêu thụ nông sản gặp khó. (Hình: VNExpress)

Giới nông dân Việt Nam điêu đứng hàng năm khi mùa thu hoạch đến vì “được mùa, rớt giá” thậm chí còn không có người mua, chuyện diễn đi diễn lại mãi nhưng nay mới thấy các ông cầm đầu ngành sản xuất nông nghiệp và các ông lo chuyện thương mại mậu dịch ở Bộ Công Thương ngồi họp lại với nhau nhìn nhận sự việc. Và cũng mới thấy nói.

Trong buổi tọa đàm “Tiêu thụ nông sản - Liên kết từ sản xuất đến thị trường” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 27/4/2015, người ta thấy trong nhiều nguyên nhân được nêu để lý giải tình trạng nông sản được mùa mất giá, Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP)- ông Nguyễn Hữu Dũng, được báo điện tử VNExpress thuật lời cho rằng “có sự lỏng lẻo giữa phối hợp điều hành của các cơ quan quản lý. Trong đó, công tác thông tin chưa đầy đủ”.

Còn ông Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trần Tuấn Anh cũng nhìn nhận không có sự phối hợp trong cuộc tọa đàm rằng "Sự rạch ròi, lẫn thiếu sự tổng thể dẫn đến đứt đoạn thông tin giữa bộ ngành quản lý của Nhà nước với địa phương, đứt đoạn giữa chính quyền với doanh nghiệp và người dân".

Cuộc tọa đàm được tổ chứcmột tháng sau khi tin tức hơn ngàn xe vận tải chở dưa hấu kẹt ở cửa khẩu Tân Thanh suốt nhiều ngày dẫn đến hư hỏng, hoặc đổ bỏ, hoặc bán với giá thật rẻ bên dưới giá vốn hồi cuối Tháng Ba vừa qua. Nông dân trồng dưa hấu ở một vài tỉnh miền trung vừa bỏ mặc dưa thối trên ruộng, vừa cho trâu ăn thay cỏ.

Ngày 18/4/2015, một viên chức Bộ Công Thương tiết lộ trên VNExpress rằng dưa hấu được trồng tại nhiều địa phương của Việt Nam nhưng lại bị chi phối bởi khoảng 10 thương lái Trung Quốc khi muốn xuất cảng qua nước họ.

Vì tin tức gây xúc động dư luận, không những dân chúng các địa phương trồng nhiều dưa hấu đứng ra bán giúp, mua giúp nông dân, ngay cả viên chức bộ Công Thương cũng đứng ra bán dùm nông dân, nhưng đây không phải là giải pháp căn cơ lâu dài. Vấn đề chính là chính sách và sự thi hành chính sách kinh tế.

Hôm Chủ Nhật 26/4/2015 VNExpress cho hay “Sau gần 2 năm nuôi tôm công nghiệp, hàng trăm hộ dân ở Cà Mau rơi vào cảnh nợ nần, phải bỏ đầm.” Nguồn tin dẫn lời ông Nguyễn Văn Kiên, nông dân nuôi tôm ở huyện Cái Nước (Cà Mau) than thở: "Nuôi keo nào thất bại keo nấy, gia đình tôi chấp nhận bỏ đầm. Ở địa phương, nhiều hộ cũng lâm cảnh nợ nần vì giá tôm quá thấp, có muốn gỡ nợ cũng không dám đầu tư tiếp".

Ba ngày trước buổi tọa đàm nói trên, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ CSVN dẫn thống kê của Sở Công Thương Lào Cai nói trong cuộc họp báo rằng “tại các kho chứa gần biên giới hiện tồn đọng hơn 20,000 tấn gạo, chưa kể số gạo còn nằm trên hàng trăm xe tải loại lớn ở các bãi tập kết hoặc đỗ tạm trên đường. Ước tính số gạo tồn đọng, ùn tắc tại Lào Cai gần 30,000 tấn.”

Bản tin ngày 19/4/2015 của VNExpress “50,000 tấn hành tím Sóc Trăng ế ẩm, mất giá” ở thủ phủ hành tím Vĩnh Châu tỉnh Sóc Trăng, bởi vậy “nông dân lao đao muốn bỏ nghề, bỏ xứ”.

Trước đó chỉ vài hôm tức ngày 11/4/2015, VNExpress báo động “hành tây Đà Lạt ế hàng ngàn tấn, giá thấp kỷ lục”.

Nông dân trồng lúa khu vực Đồng Bằng Cửu Long năm nào cũng điêu đứng với điệp khúc “được mùa rớt giá” dù chính ông thủ tướng Nguyễn tấn Dũng mấy năm trước đã ra chỉ thị cho các ông nông nghiệp và công thương phải làm sao cho nông dân lãi 30% thì mới đủ sống mà làm mùa cho các ông xuất khẩu lấy đô lo nuôi chế độ.

Cũng không thấy có một chỉ thị, lệnh lạt nào, đối phó với đám thương lái Trung Quốc lũng đoạn thị trường nông sản Việt Nam thấy nêu ra rất nhiều trên báo trong nước, ngoài những lời khuyến cáo suông đối với nông dân. (TN)

04-27-2015 6:11:45 PM

No comments:

Post a Comment