SÀI GÒN (NV) - Những ngày đầu của năm 2015, người Sài Gòn, sau hơn ba mươi năm mới thấy lại cái gọi là màu cờ xanh đỏ sao vàng của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam (GPMNVN) trên một số phố trung tâm Sài Gòn. Cái cờ từng một thời ám ảnh người dân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), nay được lộ diện dưới dạng cờ đèn, loại đèn màu chớp nhái rẻ tiền sản xuất từ Trung Quốc.
Góc đường Lê Lợi-Pasteur bị đóng khiến nhiều người không biết đi đường nào. (Hình: Bùi Nhật/Người Việt)
Người Sài Gòn lúc đó ngờ ngợ tự hỏi. Phải chăng để chuẩn bị cái gọi là lễ 40 năm ngày “giải phóng” miền Nam, những người Cộng Sản muốn cho sống lại cái xác Mặt Trận Giải Phóng để thực hiện mưu đồ chính trị cấp tiến nào đó trước nguy cơ mất nước vào tay Trung Quốc.
Người am tường lịch sử chế độ thì cười mỉa mai cho rằng: Chớ có ngây thơ, đến cỡ tướng Việt Cộng như Trần Văn Trà, Trần Độ hay ông cán bộ cấp cao Nguyễn Hộ còn bị Cộng Sản Bắc Việt thanh trừng thẳng tay nữa là.
Không khác với mọi năm, những này cuối tháng tư thời tiết Sài Gòn đang là đình điểm của nóng bức. Giữa lúc nắng cháy da, khó thở thì chế độ lại phủ một rừng cờ đỏ, khẩu hiệu đỏ lên thành phố.
Khi nói về “nét mới” trong việc phủ cờ đỏ này thì nhiều gia đình lại rủa thầm khi bị bắt đóng tiền để làm cái thứ cột cờ đồng phục treo ngay trước cửa nhà mình và kéo dài trên các phố.
Một người bán thức ăn cho cá ở quận Tân Bình nói. “Họ vét tiền thuế làm đại lễ còn chưa đủ sao mà còn bắt dân đóng tiền cắm cái que sắt làm cột cờ, đến mấy con cá kiểng trong hồ nhà tôi cũng chói mắt.”
Nhưng tin tức từ việc lương dân Long An, Bình Thuận nổi dậy tràn ngập trên các trang mạng đã làm người Sài Gòn phần nào vơi bức bối.
Hỏi chuyện một ông bán cháo lòng trên vỉa hè, ông khoảng 60 tuổi, nói. “Tôi có coi trên ‘dô tút,’ ban đầu thấy cảnh dân rượt công an trang bị súng đạn đầy mình ai cũng sướng hả hê, nhưng rồi nghĩ mà thương vì mình biết tụi nó sẽ bắt nguội không sót một ai.”
“Hồi trước tôi có đi lính VNCH, ở sư đoàn 7, khi Việt cộng vô mình lủi thủi về nhà, buồn cũng không dám nói ra chỉ nghĩ về hai tiếng hòa bình để an ủi, bây giờ thấy tụi nó tàn ác với dân nghèo quá mà thêm hận.”
“Chết đứng" vì đóng đường
Sáng ngày Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2015, cả khu trung tâm Sài Gòn đều bị phong tỏa để phục vụ cho cái gọi là tổng duyệt cho “ đại lễ kỷ niệm 40 năm mừng giải phóng.”
Toàn khu vực quanh Dinh Độc Lập bị đóng đường khiến hàng ngàn người dânkhổ sở trong dịp nhà cầm quyền kỷ niệm 40 năm “giải phóng.” (Hình: Bùi Nhật/Người Việt)
Ai cũng biết suốt từ tháng cuối năm 2014, các tuyến đường như Nguyễn Huệ, Lê Lợi... đã đốn hạ cây xanh, đào hầm xe điện ngầm, xây mới tượng đài ông Hồ... đã khiến các phố mặt tiền đẹp nhất, kinh doanh sầm uất nhất của Sài Gòn tê liệt, nay lại thêm thảm trạng bao vây, cấm đường suốt những tuyến phố chính như Lê Thánh Tôn, Paster, Đồng Khởi, Nguyễn Du, Xô Viết Nghệ Tĩnh...
“Chết đứng.” Đó là cụ từ mà giới kinh doanh lớn, các công ty cả ngoại lẫn nội cũng như những người bám vỉa hè mua bán kiếm sống qua ngày đã thốt lên.
Không ai biết Vương Cung Thánh Đường có phải hủy bỏ các khóa lễ ngày Chủ Nhật hay không, nhưng người ta biết chắc là sẽ không có mấy người dân chịu đưa con vượt các chốt đầy các binh chủng cảnh sát, các lực lượng quân sự và bán quân sự để đến vui chơi ở công viên Tao Đàn, Sở Thú...
Trò chuyện qua điện thoại với chủ quán cà phê ở đường Điện Biên Phủ, anh này nói. “Họ không cấm đường chỗ tôi, nhà nước cho cán bộ công nhân viên nghỉ năm ngày nhưng tôi tình nguyện nghỉ thêm đủ chục ngày, chớ kiểu ăn mừng rậm rật súng đạn này thì ai cũng muốn pha cà phê ở nhà để uống, ra đường ra quán vừa ớn lại vừa chán.”
Dù tiền thuế thu không thiếu ngày nào nhưng chính quyền độc tài của thành phố này không một lời xin lỗi về chuyện gây phiền toái và làm ảnh hưởng đến sự kiếm sống lương thiện của họ. Nhưng lớn hơn, chính sự khinh dân và đẩy lên tới đỉnh hoành tráng cái gọi là “đại lễ mừng 40 năm giải phóng...” đã trùm lại bầu không khí sợ hãi, chán ghét chế độ sau biến cố 1975 lên từng người Sài Gòn và cả miền Nam.
Sự lố bịch kéo dài
Thế thì người miền Bắc nhập cư sau 1975 và những thế hệ sinh sau năm 1975 nghĩ gì. Một nhà thơ có tiếng ở Hà Nội, một cựu binh VC, đang có mặt ở Sài Gòn để làm chương trình truyền hình đã nói riêng với bạn bè rằng, “Tôi là người lính sống sót ở cổ thành Quảng Trị, nói thật, với mọi người lính của hai phía ngày này là ngày sống sót, chớ năm nào cũng ca ngợi là ngày ‘chiến thắng, giải phóng’ ngay từ đầu đã lố bịch, mà sao cứ kéo dài mãi sự lố bịch đó nhỉ?”
Khác với những năm đầu sau biến cố 1975, việc chế độ độc tài sau 40 năm cứ ngang nhiên, bất chấp sự tổn thương vì chiến tranh của cả dân tộc để làm đại lễ “chiến thắng” mừng “ngày giải phóng Sài Gòn, miền Nam” đã phần nào cho thấy bản chất kiêu binh và dối trá.
Một nhà nhiếp ảnh, thuộc thế hệ 8x đã nói. “Hồi đi học phổ thông, cứ phải hát, ‘Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng’ ban đầu thì có chút cảm xúc sau thì tụi cháu hát như cái máy, mấy năm gần đây nhờ có Facebook nên biết nhiều sự thật, cái đáng biết nhất là cha ông của cháu không phải là lính ngụy như họ tuyên truyền và biết mình đâu có liên hệ gì đến ngày ‘chiến thắng’ này, đám con cháu các cán bộ tham nhũng giàu có ăn mừng là đúng còn tụi cháu được mấy ngày nghỉ là biến khỏi Sài Gòn.”
Các cuộc biểu tình của lương dân chống đốn hạ cây xanh ở Hà Nội, chống nhà máy điện gây ô nhiễm ở Bình Thuận... ngay trong những ngày tháng tư đen, được nhiều người Sài Gòn đón nhận như một tin lành và chính tin tức đó đã mở ra ý thức về những cuộc đấu tranh để quyền con người được tồn tại và vạch ra một giới tuyến xác định: Một đằng là những người Cộng Sản đang không ngừng tô son trét phấn cho việc chiến thắng chính dân tộc mình, cũng như đang ra sức đàn áp để có thêm ”vinh quang” khi tấn công các tầng lớp người dân đòi quyền sống ; một phía là các lương dân khắp đất nước đang thắp lửa đấu tranh để tìm con đường sống trước chế độ độc tài.
Thật hy vọng khi nghe người Hà Nội nói. “Đừng đùa, Chúng tôi bảo vệ cây xanh là làm cách mạng đấy.” Trong khi người Bình Thuận nói, “Chúng tôi sẽ liều chết với cái nhà máy nhiệt điện khốn nạn này.” Nội dung đấu tranh từ các cộng đồng các dân oan bị áp bức cưỡng đoạt đất đai, nhà cửa đã chuyển sang giới trung lưu đấu tranh vì môi sinh môi trường sống đang bị chế độ tham nhũng hủy hoại là một bước tiến dài khiến người bi quan nhất cũng cảm thấy vui mừng.
Một trí thức cao tuổi, lớp người Bắc di cư 1954 nói. “Đến những năm gần đây, ngày càng rõ cái mốc ngày 30 tháng 4, 1975 chính là ngày mất nước vào tay Trung Quốc.”
Bốn mươi năm của một chế độ độc tài, thời gian đủ dài để trôi tróc dần son phấn dối trá và phơi trần bản chất tham nhũng, bán nước. Dù cái gọi là đại lễ mừng chiến thắng này có rùm beng bao nhiêu đi chăng nữa thì cũng không dấu được sự trơ trẽn, thế tự cô lập và bị cô lập của đảng đã hết sạch những chiêu trò chính trị và đang phơi ra trước mắt dân tộc bộ mặt tập đoàn bạo quyền và tham nhũng.
04-27-2015 8:23:08 PM
Bùi Nhật/Người Việt
No comments:
Post a Comment