Tuesday, April 28, 2015

Khảo sát, dò tìm và phá hủy bom mìn cho một môi trường an toàn

Gia Minh, biên tập viên RFA
2015-04-28  
Một quả bom thời chiến tranh Việt Nam mới được khai quật nằm trên mặt đất gần nhà ở tại trung tâm tỉnh Quảng Trị (2006)
Một quả bom thời chiến tranh Việt Nam mới được khai quật nằm trên mặt đất gần nhà ở tại trung tâm tỉnh Quảng Trị (2006)-AFP

Cuộc chiến Việt Nam kết thúc đã 40 năm, tuy nhiên nhiều vùng vẫn còn bom mìn rải xuống trong thời chiến chưa phát nổ. Những vùng đó giới chuyên môn gọi là nơi bị ô nhiễm bom mìn, những vùng ‘đất chết’ vì nếu vô tình chạm đến những loại bom mìn vùi trong đất như thế có thể nổ gây chết người hay thương tật.

Trong nhiều năm qua cơ quan chức năng Việt Nam tiến hành công việc rà phá bom mìn tại tỉnh Quảng Trị. Đây là nơi có mật độ bom mìn sót lại dày đặc nhất ở Việt Nam.

Đến nay hoạt động đó đạt được những thành tựu thế nào và công tác sắp đến thế nào?

Thực tế

Vào trung tuần tháng tư vừa qua, mạng báo Thanh Niên loan tin cho biết đội rà phá bom mìn của tỉnh Quảng Trị một ngày trước đó thu được 5 quả đạn pháo chưa nổ, mỗi quả nặng từ 25 đến 38 kilogram.

Tổ chức Peace Tree, tổ chức nước ngoài đầu tiên tham gia công tác rà phá bom mìn tại tỉnh Quảng Trị, cho biết những đạn pháo đó có thể nổ bất cứ lúc nào nếu bị đụng đến.

Tỉnh Quảng Trị là địa phương được đánh giá còn có chừng 400 ngàn bom mìn chưa nổ còn sót lại sau chiến tranh, trên tổng số chừng 800 ngàn tấn vật liệu nguy hiểm như vậy ở khắp Việt Nam.

Từ năm 1975 đến năm 2011 có hơn 7 ngàn người Quảng Trị chết vì bom mìn, một phần ba trong số này là trẻ em.

Trước đó vào ngày 3 tháng tư nhằm hưởng ứng Ngày Bom mìn Thế giới 4 tháng tư hằng năm, Ban Chỉ đạo Chương trình Hành động Quốc gia Khắc phục Hậu quả Bom mìn của Việt Nam chủ trì chương trình mang tên ‘Vì một cuộc sống bình yên và phát triển’. Dịp đó bà Phạm thị Hải Chuyền, bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Việt Nam, nhắc lại thống kê trên 20% diện tích đất đai cả nước Việt Nam bị ô nhiễm bom mìn. Và ơn 100 ngàn người bị chết và bị thương do bom mìn kể từ khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt.

Chị Nguyễn thị Thu Thảo, thuộc Sáng hội Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ từng chiến đấu tại Việt Nam cho biết đánh giá về tình hình bom mìn tại Việt Nam lâu nay như sau:

Nếu chúng ta nhìn sang các nước Châu Âu bị ảnh hưởng bởi hai cuộc Chiến tranh Thế giới Thứ Nhất và Thứ Hai, đến nay những nước như Anh, Bỉ vẫn còn sinh sống với hiểm họa của bom để lại từ Thế chiến Thứ 2. Cuộc chiến đó đã kết thúc cách đây 100 năm rồi. Trên cơ sở đó chúng ta có thể đưa ra nhận định rằng ở Việt Nam chúng ta sẽ phải chung sống với bom mìn, vật nổ trong nhiều năm tới. nhiều thập kỷ tới. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng là chúng ta để cho người dân sinh sống trong điều kiện không an toàn mà là chính phủ có kế hoạch rất đầu đủ, cụ thể để giải quyết; và trước mắt là những phần ô nhiễm bom mìn có thể ảnh hưởng đến người dân. Sau khi giải quyết được cơ bản rồi thì có chiến lược chung sống lâu dài với những hiểm họa do bom gây ra, nhưng đó là những bom lớn nằm sâu trong lòng đất có thể không ảnh hưởng đến đời sống hằng ngày của người dân.

"Nhìn sang các nước Châu Âu bị ảnh hưởng bởi hai cuộc Chiến tranh Thế giới Thứ Nhất và Thứ Hai, đến nay những nước như Anh, Bỉ vẫn còn sinh sống với hiểm họa của bom để lại từ Thế chiến Thứ 2. Cuộc chiến đó đã kết thúc cách đây 100 năm rồi"-Chị Nguyễn thị Thu Thảo

Tôi nghĩ trong thời gian trước mắt chúng ta cần phải nhìn nhận là 20  năm, 30 năm, 40 năm …; nhưng trên thực tế bao nhiêu năm thì còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau. Ví dụ như nguồn lực cam kết không phải của chính phủ Việt Nam mà còn của các quốc gia có quan tâm đến vấn đề này. Thứ hai là công nghệ, trang thiết bị sử dụng đã hiệu quả chưa; thứ ba là về phương pháp tiếp cận: có phải chúng ta phải đi rà phá bom mìn ở tất cả những nơi bị ô nhiễm hay không, hay chúng ta tập trung ưu tiên tại những nơi bị ảnh hưởng nặng nề trước. Vì đó là những yếu tố sẽ tác động đến công tác khắc phục bom mìn, vật nổ ở Việt Nam còn diễn ra trong bao nhiêu năm nữa!

Đánh giá kết quả

Ông Ngô Xuân Hiền thuộc Dự án rà phá bom mìn tại Quảng Trị có tên RENEW cho biết những đơn vị lâu nay tham gia công tác này tại tỉnh được nói đứng đầu Việt Nam về lượng bom mìn sót lại sau chiến tranh chưa nổ.

Ở Quảng Trị hiện nay có những dự án như RENEW, Quỹ Viện trợ Nhân dân Na Uy, rồi Tổ chức Tư vấn về Bom mìn MAC, rồi dự án Cây Hòa Bình cũng là hoạt động ở Quảng Trị lâu rồi. Trước đây có tổ chức SODI của Đức và ACOCO của Bỉ nhưng do ngân sách hay cũng vì do hoạt động lâu rồi nên họ vừa chấm dứt hoạt động ở Quảng Trị.


Ngay sát khu dân cư phường Hòa Quý quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) lực lượng Trung tâm dò phá bom mìn 20 thuộc Tổng công ty 36 phát hiện một quả bom ở độ sâu khoảng 1m

Ở cấp trung ương, những tổ chức như chúng tôi ( RENEW) đều tham gia nhóm công tác về bom mìn, và có sự phối hợp giữa trung tâm các tổ chức phi chinh phủ do Liên hiệp Các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam- VUFO, tiến hành họp định kỳ. Tại diễn đàn đó, chúng tôi tham gia chia sẽ và cập nhật tình hình về bom mìn mà từng tổ chức theo dõi được.

Sự chung tay của những tổ chức phi chính phủ với nguồn kinh phí chủ yếu từ phía Hoa Kỳ được đánh giá đã mang lại một số kết quả tích cực. Nhà báo Hoàng Đức ở Quảng Trị đưa ra nhận định về những thành quả của công tác rà phá bom mìn mà ông nhận thấy:

Những dự án bom mìn được triển khai ở Quảng Trị rất sớm và lâu rồi; và phải nói rằng rất có hiệu quả nhất là những dự án quốc tế như RENEW của cựu chiến binh Mỹ, rồi MAC của Anh, Cây Hòa Bình, SODI… rất nhiều dự án. Chúng rất hiệu quả và giúp trả lại sự bình yên cho cuộc sống người dân. Người dân cũng rất phấn khởi khi những dự án đó được triển khai trên địa bàn.

Tôi thấy nhiều vùng đất mà trước đấy người ta cho là ‘vùng đất chết’ không ai dám canh tác; nhưng khi có dự án người ta tiến hành triển khai rà phá, tháo gỡ thì những vùng đó canh tác rất tốt và nói chung rất an toàn. Những vùng nào được rà phá, tháo gỡ thì thương vong do tai nạn bom mìn giảm hẳn luôn. Tôi thấy tại những vùng đó gần như không còn tai nạn nữa. Những vùng như Cam Lộ, Triệu Phong, Gio Linh… dân đã canh tác và làm những khu tái định cư rất tốt.

Một trong những kết quả đạt ghi nhận được là ý thức của nhiều người dân về nguy cơ bom mìn còn lại sau chiến tranh được nâng lên. Có thể nói từng có người đi đào tìm bom mìn về để cưa lấy kim loại và thuốc súng nay không còn người liều lĩnh như thế nữa. Người dân hợp tác với cơ quan và các tổ chức tham gia rà phá bom mìn bằng cách thông báo ngay những thông tin phát hiện bom mìn hay tai nạn xảy ra.

Chị Nguyễn Thị Thu Thảo đưa ra những bài học rút ra được từ hoạt động trong lĩnh vực giải quyết hậu quả bom mìn thời chiến tranh sót lại ở Quảng Trị trong thời gian qua:

Trên cơ sở Quảng Trị hơn 20 năm rà phá bom mìn, vật nổ cùng với ngân sách chính phủ với ngân sách nước ngoài thì rút ra được rất nhiều bài học, và chúng ta cũng vừa học vừa làm. Cơ chế để chia sẻ kinh nghiệm gọi là cơ chế chính thức thì chúng ta chưa làm tốt, nhưng cơ chế không chính thức thì luôn diễn ra hằng ngày, hằng giờ. Còn mô hình ở Quảng Trị có thể áp dụng như thế nào thì chúng ta rút ra được rất nhiều bài học. Bài học thứ nhất là sự chia sẻ thông tin; đặc biệt chính quyền tỉnh Quảng Trị đi đầu trong việc tạo ra hệ thống chia sẻ thông tin mạnh mẽ không chỉ giữa các cơ quan trong tỉnh nói riêng mà còn với các cơ quan nước ngoài đang hoạt động tại Quảng Trị trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn và vật nổ. Thứ hai là có sự phối hợp rất ăn ý giữa các tổ chức trong nước và ngoài nước.

Điều đó trung ương làm chưa tốt. Từ năm 2010 đến nay, trung ương mới thành lập được cái gọi là Chương trình Khắc phục Bom mìn, Vật nổ toàn quốc. Chương trình đó khi ra đời mới đưa ra được cách tiếp cận tổng thể, trong đó có nhiều hợp phần khác nhau của công tác khắc phục bom mìn, vật nổ, có rà phá bom mìn, hổ trợ nạn nhân, nâng cao nhận thức, quản lý thông tin. Việc đó cần có sự phối hợp của nhiều ngành khác nhau và trên cơ sở sự phối hợp của nhiều ngành khác nhau lại có sự hợp tác quốc tế, các tổ chức nước ngoài.

"Những dự án bom mìn được triển khai ở Quảng Trị rất sớm và lâu rồi; và phải nói rằng rất có hiệu quả nhất là những dự án quốc tế như RENEW của cựu chiến binh Mỹ, rồi MAC của Anh, Cây Hòa Bình, SODI… rất nhiều dự án. Chúng rất hiệu quả và giúp trả lại sự bình yên cho cuộc sống người dân"-Nhà báo Hoàng Đức

Đó là điều mà cấp quản lý trung ương cần phải học hỏi kinh nghiệm của Quảng Trị.

Hỗ trợ cho nạn nhân bom mìn

Như đã nêu, số nạn nhân tử vong hay bị thương do bom mìn trong những năm tháng qua khá lớn. Nhờ sự hổ trợ của các tổ chức quốc tế, những người không may bị thương do bom mìn gây nên cũng được giúp đỡ để có thể hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng.

Ông Ngô Xuân Hiền trình bày về lĩnh vực hỗ trợ cho các nạn nhân bị thương tật vì bom mìn gây nên như sau:

Đối với gia đình nạn nhân bom mìn, chúng tôi có những chương trình hỗ trợ cụ thể ví dụ như đối với những nạn nhân bom mìn bị cụt chân tay, họ rất mong muốn được tái hòa nhập cộng đồng. Chúng tôi có chương trình cung cấp chân tay giả cho họ. Chương trình này đặc biệt ở điểm là những người bị cụt chân tay là những người rất nghèo sống ở miền núi, nông thôn không có tiền để về thành phố mà được phục hồi chức năng. Chúng tôi có chương trình lưu động đến tại chỗ, đến từng xã làm việc tại địa phương. Chúng tôi tổ chức thăm khám và lấy mẫu ở những mỏn cụt của chân, tay của những nạn nhân đó. Rồi chúng tôi trở về xưởng sản xuất ra chân tay giả và trở lại cấp phát cho họ. Cho đến nay đã có trên 900 người đã nhận được chân tay giả để phục hồi chức năng, giúp họ đi lại được. Vì những người bị cụt chân tay thường là những người trụ cột, lao động chính trong gia đình nên khi nhận được chân, tay giả họ rất vui và có điều kiện để trở lại làm việc.

Chúng tôi cũng hỗ trợ cho những chị em phụ nữ của những gia đình nạn nhân bom mìn, cho họ tham gia vào chương trình vốn tín dụng cho vay một khoản tiền để mua gia súc chăn nuôi, tạo thu nhập.

Đối với những người mù mà ở tỉnh Quảng Trị đa số những người bị tai nạn bom mìn nên bị mù mắt. Họ cũng mong muốn có việc làm nên chúng tôi cũng tổ chức những khóa đào tạo nghề cho họ. Hiện nay chúng tôi đang hỗ trợ cho 50 người mù làm hương. Thu nhập của những người mù này từ 800.000 đến 1,2 triệu mỗi tháng. Đây là khoản thu nhập rất có ý nghĩa của một người mù so với người bình thường.

Nhà báo Hoàng Đức cũng cho biết về điều này:

Khi có nạn nhân, chỉ cần gọi điện là có những tình nguyện viên đến giúp đỡ. Thứ nhất mọi chi phí bệnh viện của nạn nhân ( bom mìn) được tài trợ tất cả. Nhiều gia đình bị bom mìn được các tổ chức tài trợ xây dựng nhà cửa và sản xuất như trồng nấm, trồng cây…Những dự án đó tôi thấy triển khai cũng tất tốt.

Những kết quả đạt được tại khu vực tỉnh Quảng Trị, nơi có nhiều bom mìn thời chiến tranh còn sót lại nhất ở Việt Nam, được cho biết sẽ đúc kết thành mô hình áp dụng cho những khu vực khác trên cả nước hiện vẫn chưa được rà phá.

Tạp chí Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại các bạn trong chương trình kỳ tới.

http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ScienceAndEnvironment/unexp-ordin-clearn-in-vn-04282015063324.html/04282015-unexp-ordin-clearn-in-vn.mp3

No comments:

Post a Comment