Theo NLĐO-17/04/2015 11:06
Hai phụ nữ này dựa vào ai mà ngang nhiên đập nhà người khác đến 38 lần? Vì sao sự việc xảy ra một thời gian dài mà các cơ quan chức năng không dám làm gì để ngăn chặn?
“Không thể hiểu nổi, nơi đâu cũng có lực lượng chức năng, chính quyền địa phương hùng hậu nhưng vẫn để những người lộng hành đập phá nhà người khác đến 38 lần mà không xử lý đến nơi đến chốn. Chính quyền địa phương tê liệt?”. Hàng trăm bạn đọc đã bức xúc đặt câu hỏi sau khi Báo Người Lao Động thông tin về bài viết Đập phá nhà hàng xóm 38 lần, công an vẫn làm ngơ.
Chí Phèo phải gọi bằng... cụ
Theo thông tin phóng viên điều tra, nguyên nhân của vụ việc là do bà Châu Thị Ba (ngụ ấp Khúc Tréo B, xã Tân Phong, huyện Gía Rai, tỉnh Bạc Liêu) và bà Nguyễn Thị Liên (ngụ ấp 2, thị trấn Hộ Phòng, huyện Giá Rai) không mua được căn nhà mà nhà nước bán hóa giá tại địa phương nên tức tối. Khi bà Liên Mỹ Lén mua được, xây cất thì bị bà Ba và bà Liên đập phá. Mỗi lần đập phá đều bị chính quyền địa phương lập biên bản, thậm chí đã ra quyết định khởi tố khi bị đập đến lần thứ 30 nhưng mọi việc vẫn không được giải quyết.
Ai bảo kê mà ngang nhiên đập nhà người khác?
Hai phụ nữ này ngang nhiên đập nhà người khác trong thời gian dài nhưng vẫn không bị ngăn chặn. Ảnh: Duy Nhân
“Đập phá nhà người khác là hành vi không thể chấp nhận được nhưng vẫn ngang nhiên đập đến lần thứ 38 thì không hiểu hai người đàn bà trên xem thường pháp luật đến đâu. Truyện xưa Chí Phèo uống rượu chửi làng chửi xóm nhưng cũng chẳng dám đập phá nhà ai đến bấy nhiêu lần. Hai phụ nữ này Chí Phèo phải gọi bằng... cụ” - bạn đọc Thanh Trần ví von.
Một điều rất khó hiểu là hai phụ nữ này dựa vào ai mà có thể ngang nhiên xem thường pháp luật đến thế. Ngay cả khi bị khởi tố nhưng vẫn bất chấp, tiếp tục đập nhà người khác thêm hàng chục lần. “Lý lẽ mà hai phụ nữ này đưa ra thật trái khoáy, chỉ vì không mua được căn nhà này. Sự ngang ngược như thế sẽ làm đảo lộn trật tự xã hội và dễ dẫn đến những xung đột nghiêm trọng. Chỉ cần chủ nhà mất kiềm chế sẽ dễ dẫn đến những án mạng, điều này đã từng xảy ra với những tranh chấp nhỏ hơn nhiều” - bạn đọc Lê Văn Lương, phân tích.
Chính quyền địa phương dung túng hay bất lực?
Trước vụ việc trên, ngoài bức xúc cho hành vi của hai phụ nữ trên,. Nhiều bạn đọc cũng rất bức xúc đối với cách giải quyết của các cơ quan chức năng địa phương. Sự việc xảy ra cả một thời gian dài và chủ nhà đã khiếu nại khắp nơi nhưng chẳng giải quyết được gì.
Người nhà của bà Ba và bà Liên đe dọa, ngăn cản thợ sửa nhà cho bà Lén vào ngày 7-4
Người dân khiếu nại đến xã, xã đổ cho huyện. Đến huyện lại chờ xin ý kiến của tỉnh. Thật là nực cười. Bạn đọc Khánh Nguyễn, bày tỏ: “Vụ án đã được khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết của Công an huyện Giá Rai và viện kiểm sát đồng cấp. Cứ thực thi đúng pháp luật, đúng người, đúng tội không cần phải xin ý kiến UBND tỉnh Bạc Liêu làm gì. Các cơ quan chức năng cứ đùn đẩy nhau hoài người dân phải chịu thiệt thòi, mà còn mang tiếng pháp luật chẳng nghiêm minh”.
Cùng quan điểm trên, nhiều bạn đọc cho rằng nguyên nhân để cho hai phụ nữ trên lộng hành chính là sự bất lực của chính quyền địa phương. Ngay lần đập phá đầu tiên nếu được xử lý nghiêm khắc, rốt ráo thì tin chắc rằng cả bà Ba lẫn bà Liên sẽ không dám và không có cơ hội tiếp tục đập phá nhà hàng xóm. “Những đồng lương của cán bộ chức năng chính từ những đồng tiến thuế của người dân nên khi họ có yêu cầu chính đáng thì anh phải phục vụ. Việc đùn đẩy nhau không giải quyết chính là thiếu trách nhiệm, quan liêu” - nhiều bạn đọc nhận định.
Đặt vấn đề xa hơn, bạn đọc Hoàng Văn Trọng, hoài nghi: “Các cơ quan chức năng từ cấp xã đến cấp tỉnh đều thừa nhận hành vi của hai phụ nữ trên là sai, cụ thể là đã có quyết định khởi tố nhưng tại sao không ngăn chặn? Chuyện này rất bất thường và dư luận có quyền đặt câu hỏi: Hai người phụ nữ này được ai “bảo kê”? Ai chỉ đạo dây dưa vụ việc? Nếu có người dung túng thì phải điều tra, xử lý. Nếu bất lực thì không cần thiết phải sử dụng những cán bộ này”.
Phạm Hồ
No comments:
Post a Comment