Nhóm phóng viên tường trình từ VN
Theo RFA-2015-04-17
Núi hành trước sân nhà nông dân ở Vĩnh Châu chờ người mua.RFA PHOTO
Kể từ tháng Chạp năm Giáp Ngọ đến nay, bà con trồng hành ở thị xã Vĩnh Châu tỉnh Sóc Trăng rơi vào khó khăn cùng cực bởi nguồn thu nhập chính từ hành tím ở đây hoàn toàn bị mất, giá hành rớt thê thảm không thể nào bù lỗ được và nguồn hàng ứ đọng, trong khi đó, bệnh về mắt ngày càng hoành hành ở đây bởi hơi cay của hành mới thu hoạch và hành thối gây ra. Có thể nói rằng nguồn sống của bà con nông dân thị xã Vĩnh Châu hoàn toàn bị cắt đứt, vô vọng và kiệt quệ.
Nguồn xuất khẩu bị đứt
Một nông dân tên Tính, có thâm niên trồng hành trên mười lăm năm ở Vĩnh Châu, chia sẻ: “Hiện tại gia đình tôi còn chín tấn, có nhà còn vài tấn, chục tấn cũng có. Thương lái không ghé đến, thị trường Ấn Độ, Mã Lai bị mất rồi. Nghe đâu người ta chế hành giờ mất chất lượng. Mình chẳng biết sao. Kiểu này chắc là đổ bỏ thôi, đào hố mà đổ chứ còn gì…!”.
"Hiện tại gia đình tôi còn chín tấn, có nhà còn vài tấn, chục tấn cũng có. Thương lái không ghé đến, thị trường Ấn Độ, Mã Lai bị mất rồi. Nghe đâu người ta chế hành giờ mất chất lượng. Mình chẳng biết sao. Kiểu này chắc là đổ bỏ thôi. "-Ông Tính
Theo ông Tính, nghề trồng hành tím ở Vĩnh Châu vốn đã có từ lâu đời, và trước đây người dân trồng hành tự tiêu thụ bằng cách mang ra các chợ vùng ven hoặc các chợ tỉnh khác để bán. Nhưng thời đó qui mô trồng không lớn như sau này. Đến khi củ hành tím được xuất khẩu sang Ấn Độ, nghề trồng hành tím mang lại nguồn lợi nhuận khá cao cho bà con nông dân.
Nhà cửa, xe cộ, con cái học hành đều dựa vào củ hành tím. Và mọi mơ ước tương lai cũng trông vào củ hành tím. Qui mô trồng hành của các gia đình ở Vĩnh Châu cũng mở rộng, nghề trồng hành trở thành chuyên nghiệp, người ta thi nhau đầu tư trồng hành và biến củ hành thành mũi nhọn kinh tế ở Vĩnh Châu. Một khi qui mô trồng hành mở rộng đến hết khả năng có thể thì mối nguy của nghề nghiệp cũng manh nha nếu như sự đầu tư bị chệch hướng.
Tình trạng củ hành bị ế ẩm, không xuất khẩu được nữa ở Vĩnh Châu là một bài học xương máu cho cả người nông dân và thương lái Vĩnh Châu. Bởi lượng xuất khẩu ồ ạt, số lượng có thể tính lên hàng trăm, hàng nghìn tấn mỗi năm, người nông dân và thương lái bắt đầu có dấu hiệu cẩu thả. Người nông dân thì dùng hóa chất để kích thích củ hành nhanh phát triển, thương lái thì bảo quản qua loa và chuyên tâm cho nông dân vay vốn, quay vòng đồng vốn để kiếm lãi hơn là đầu tư, tạo ra kế hoạch lâu dài nhằm đảm bảo thương hiệu hành tím Vĩnh Châu.
Hành tím chất thành đống ở Vĩnh Châu vì không có nơi tiêu thụ. RFA PHOTO.
Chính vì cách làm cẩu thả ngày càng tăng nên chất lượng củ hành tím ở Vĩnh Châu nhanh chóng bị xuống dốc, không những mất đi mùi hương đặc trưng của củ hành tím trồng đất chay, bón phân hữu cơ. Và đây cũng là lúc mà củ hành khó bảo quản nhất bởi lượng phân hóa học chứa trong đó quá cao. Chỉ cần sơ xuất là củ hành có thể bị úng thối ngay.
Một khi củ hành chứa quá nhiều hàm lượng chất hóa học thì mối nguy bệnh tật của người nông dân cũng tăng cao. Kể từ khi người nông dân dùng chất hóa học trong việc trồng hành, căn bệnh về mắt do hơi cay và mủ hành gây ra ngày càng cao, nhiều nông dân bị mù vĩnh viễn bởi hơi cay và mùi hành thối xộc vào mắt. Cái giá phải trả của việc trồng hành theo kĩ nghệ ăn xổi ở thì quá cao.
Tương lai mù mịt
Ông Lĩnh, một nông dân trồng hành khác ở Vĩnh Châu, chia sẻ thêm: “Kỳ này nó rớt giá lắm, hồi đó ký được mười mấy ngàn đồng, giờ thì có mấy ngàn ký. Củ hành bây giờ không tiêu thụ được, chỉ bán loanh quanh đây thôi!”.
Theo ông, chỉ cần liên tục hai vụ trồng hành mà không tiêu thụ được, bà con nông dân có thể phá sản. Mà hiện tại, đã qua ba vụ thu hoạch nhưng củ hành tím ở Vĩnh Châu vẫn không tiêu thụ được, khách hàng Ấn Độ chuyển sang những vùng trồng hành khác để mua. Củ hành ở Vĩnh Châu rớt giá thê thảm, từ vài chục ngàn đồng mỗi ký lô trước đây, giá hành rớt xuống còn ba ngàn đồng trên một ký trong dịp giáp Tết và hiện nay, giá chỉ còn một ngàn năm trăm đồng mỗi ký, như vậy, giá thành rớt xuống chưa còn 5% giá trước đây.
"Kỳ này nó rớt giá lắm, hồi đó ký được mười mấy ngàn đồng, giờ thì có mấy ngàn ký. Củ hành bây giờ không tiêu thụ được, chỉ bán loanh quanh đây thôi! "-Ông Lĩnh
Trong khi đó, mỗi ký lô hành tím, người nông dân thu lãi được trên 50% so với vốn đầu tư sau khi khấu trừ mọi khoản từ phân bón, tưới tiêu, ngày công lao động, máy cày… Nếu củ hành tím rớt xuống còn 70% giá so với giá xuất khẩu thì người nông dân hy vọng sẽ gỡ được vốn và chỉ mất ngày công lao động. Nhưng ở đây, giá củ hành rớt xuống còn ba ngàn đồng trong dịp cận Tết, nhiều gia đình chấp nhận không có tiền tiêu Tết, giữ hành lại chờ giá cao. Và đa số củ hành dự trữ này bị hư hỏng sau một trận mưa.
Nhiều gia đình vẫn còn hy vọng vào vụ thu hoạch sau Tết nên tiếp tục đầu tư mạnh, vay vốn ngân hàng để mở rộng qui mô sản xuất, thuê lại những ruộng hành bị bỏ hoang của các gia đình khác để trồng, số tiền vay ngân hàng có thể lên đến hàng trăm triệu đồng nhưng đến vụ thu hoạch mà củ hành vẫn tiếp tục rớt giá xuống còn một ngàn năm trăm đồng trên mỗi ký lô.
Đây là mối nguy lớn nhất đối với người nông dân vì nợ nần tiếp tục chồng chất nợ nần, lãi mẹ đẻ lãi con, nguồn thu nhập chính để đầu tư cho con ăn học, để chi tiêu sinh hoạt gia đình bị cắt đứt hoàn toàn. Cả một khối nợ đang chờ phía trước, có thể nói là tương lai quá mù mịt.
Hơn nữa, trong lúc này, căn bệnh về mắt lại bội phát ở khu vực trồng hành bởi hậu quả của việc tiếp xúc dai dẳng, thiếu bảo hộ lao động trong lúc sản xuất. Một khi củ hành rớt giá, không còn chỗ để bán, thương hiệu củ hành tím Vĩnh Châu bị chết trên thương trường và bệnh nghề nghiệp của người nông dân bội phát, không biết chuyện gì sẽ xảy ra cho tương lai người nông dân?!
Người nông dân Vĩnh Châu vẫn đang thao thức chờ đợi một sách lược hợp lý để cứu củ hành thoát khỏi tình trạng ế ẩm, hư hỏng và mất thị trường như hiện tại. Không biết sự thao thức chờ đợi, nỗi mong mỏi này có thể thành hiện thực được hay không?
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/the-painful-of-shallot-growers-04172015141529.html/ttvn04172015.mp3
No comments:
Post a Comment