(Tường trình từ Bình Thuận)
BÌNH THUẬN (NV) - Những ngày qua, hàng ngàn người dân ở thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, đã liên tục biểu tình.
Ðỉnh điểm là vào ngày 15 Tháng Tư, cuộc đụng độ giữa chính quyền và người dân trở thành cuộc bạo động, làm bị thương rất nhiều người dân cùng lực lượng cảnh sát cơ động.
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 ở huyện Tuy Phong, Bình Thuận. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)
Ngày 16 Tháng Tư, tức một ngày sau cuộc bạo động, chúng tôi đã có mặt ở hiện trường để tìm hiểu nguyên nhân sự việc, và được nhiều người dân ở đây cho biết “thông tin báo chí của nhà nước cho rằng người dân chúng tôi quá khích là hoàn toàn không đúng sự thật,” theo anh Hoàng Tuấn Nam, ngụ khu A, thôn Vĩnh Phúc, cho biết.
Anh cho biết thêm, “Từ trước Tết đến nay, khi nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đưa hai tổ máy vào hoạt động và đã gây ra nhiều cơn 'bão xỉ' từ bãi than, xỉ và ống khói khổng lồ thải ra khiến người dân thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân, gánh chịu toàn bộ. Nhà cửa, cây cối đều phủ đầy bão xỉ, thậm chí giếng nước cũng đã có dấu hiệu ô nhiễm không thể dùng sinh hoạt được.”
“Sau nhiều lần đưa đơn khiếu kiện lên xã, rồi huyện, thậm chí lên tỉnh, nhưng mọi lá đơn đều chỉ nhận được câu trả lời là ‘sẽ chú ý xem xét nguyện vọng của bà con.’ Rồi sau đó đều đi vào quên lãng. Người dân chúng tôi đã chịu hết nổi với cái bầu không khí đầy khói bụi này rồi, mới lên tiếng,” chị Hoàng Thị Thắm, ngụ khu phố 2, thôn Vĩnh Phúc, trình bày.
Chị cho biết thêm, “Vùng đất này chính là yết hầu của Nam Trung Bộ, nơi 'núi thò chân ra biển.' Quốc Lộ 1A độc đạo đi qua với một bên là núi, một bên là biển. Gọi là yết hầu hay độc đạo bởi không còn con đường nào khác nối liền Nam Bắc ở vùng duyên hải này. Bởi vậy người dân muốn lên tiếng chỉ còn cách ra chặn đường xe trên quốc lộ nhằm gây sự chú ý của công luận, khi mà mọi sự khiếu kiện của chúng tôi đều bị chính quyền phớt lờ.”
Xe tải chở xỉ trên qua địa bàn xã Vĩnh Tân. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)
Vì chính quyền không chịu lắng nghe?
“Nếu nói người dân chúng tôi quá khích là hoàn toàn không đúng. Lẽ ra chính quyền phải xuống để lắng nghe ý kiến của chúng tôi, nhưng ngược lại họ đem quân đội, cảnh sát, dùi cui, áo giáp... xuống để trấn áp chúng tôi. Vì lẽ đó chúng tôi buộc phải chống trả bằng bom xăng, gạch đá,” anh Phan Trọng Thắng cho biết.
Anh còn nói thêm, “Nếu lãnh đạo chính quyền xuống khu vực chúng tôi đang ở được một ngày sẽ hiểu rõ vấn đề. Người dân chúng tôi không thể sống nổi với cái nhà máy này, họ chỉ biết tăng gia sản xuất để có lợi cho họ, chứ không hiểu cho nỗi khổ của chúng tôi.”
Theo quan sát của chúng tôi vào chiều ngày 16 Tháng Tư, sau một cơn mưa khá lớn, thì đường cũng bớt khói bụi, tuy nhiên mỗi lần xe tải chạy ngang qua khụ vực bãi xỉ của nhà máy, thì bụi lại bay mù mịt.
Chị Trần Thị Thanh cho biết, “Bất đắc dĩ chúng tôi mới chặn xe lưu thông trên quốc lộ, ngoài việc giảm bớt khói bụi, chúng tôi còn muốn cho công luận biết đến hoàn cảnh của chúng tôi hiện nay ra sao. Chúng tôi biết hành động chặn xe là vi phạm pháp luật, nhưng chúng tôi không còn cách nào khác, bởi vì chính chính quyền đã vi phạm pháp luật trước chúng tôi.”
Chị cho biết thêm, “Tuy nhiên người dân chúng tôi cũng đã chuẩn bị nấu cháo, mì gói, hủ tiếu... và phát miễn phí cho những hành khách bị kẹt dọc đường. Chúng tôi hoàn toàn không quá khích như bao chí trong nước loan truyền.”
Chủ đầu tư Trung Quốc không tuân thủ luật bảo vệ môi trường
Theo quan sát của chúng tôi thì mỗi khi nhà máy hoạt động, ống khói (cao 210 m, đường kính 7 m) xả khói thẳng vào khu dân cư, khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Vấn đề nghiêm trọng thứ hai chính là bãi xỉ than của nhà máy này rộng tới 64.7 ha. Mỗi ngày, hai tổ máy của nhà máy thải ra ngót 4,000 tấn xỉ than.
Tuy nhiên, quá trình vận chuyển không bảo đảm như xe chở xỉ không có bạt che đậy, đổ xỉ không đúng nơi quy định. Quá trình vận chuyển rơi vãi trên đường, không tưới nước vào bãi xỉ, không có bãi rửa xe riêng... dẫn đến tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng cả khu vực.
“Nói chung, chủ đầu tư nhà máy chưa có ý thức bảo vệ môi trường, chưa nghiêm túc thực hiện đúng các quy định của pháp luật về môi trường. Họ không vận hành hệ thống xử lý nước thải, không có hồ sơ xác nhận đã có biện pháp bảo vệ môi trường, thực hiện không đúng việc xử lý chất thải nguy hại, đặc biệt là khói, bụi,” ông Ðỗ Văn Minh, trưởng thôn Vĩnh Phúc, cho biết.
Cũng theo ông Minh, do khí hậu ở xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, nơi có trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân được quy hoạch tới bốn nhà máy, rất nắng nóng và nhiều gió, mỗi khi ống khói hay các xe chở xỉ than hoạt động thì khói và bụi được gió biển đẩy thẳng vào khu dân cư, “bụi khói đến mức đứng cách xa nhau chục mét mà còn không nhìn thấy mặt nhau.”
Trụ sở của nhà máy điện bị đập. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)
“Ðến sáng nay (tức ngày 16 Tháng Tư), phía chính quyền và chủ nhà máy đã cam kết sẽ làm sạch, gia cố đường dân sinh trong thời gian hoàn thiện đường vận hành chính thức, giám sát không cho phép các xe chở xỉ che chắn không kỹ lưỡng tham gia vận chuyển, hạn chế tối đa phát tán bụi ra môi trường,” anh Thoái Văn Lanh, nhà bên cạnh nhà máy nhiệt điện, kể lại.
Anh cho biết thêm, “Chúng tôi tạm thời ghi nhận thiện chí của phía nhà máy và chính quyền. Tuy nhiên, trong những ngày tới, nếu vẫn còn tình trạng khói bụi, người dân chúng tôi sẽ tiếp tục xuống đường biểu tình để đòi quyền lợi.”
Ðược biết nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 được khởi công vào Tháng Tám, 2010, với chủ đầu tư Trung Quốc và là một trong ba nhà máy của trung tâm điện lực Vĩnh Tân, thuộc Quy hoạch phát triển điện quốc gia giai đoạn 2006-2015, có xét đến năm 2025 (tổng sơ đồ VI) đã được thủ tướng chính phủ phê duyệt. Tổng mức đầu tư của dự án là 23,477 tỷ đồng.
Trước đó, nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 được nhiều lần tiếp vốn. Tháng Mười Hai, 2010, Bộ Tài Chính và Ngân Hàng Xuất Nhập Khẩu Trung Quốc đã ký hiệp định vay $300 triệu để hỗ trợ dự án. Ðầu Tháng Giêng năm nay, cùng với nhiệt điện Duyên Hải, Vĩnh Tân 2 cũng được vay vốn tín dụng nhà nước hàng nghìn tỷ đồng.
No comments:
Post a Comment