Hoàng Thanh Trúc (Danlambao) - Chuyện dài môn Lịch Sử trong chương trình giáo dục vẫn chưa kết thúc. Sau nhà nước thì đến lượt đảng cộng sản, dưới sự chủ trì của Ban Tuyên giáo Trung ương đảng CSVN, Bộ Giáo Dục Đào Tạo và Hội Khoa học Lịch sử, thêm một cuộc bàn thảo diễn ra ngày 7.12 (Lao Động Online). Trong lịch sử ngành giáo dục chưa bao giờ có một môn khoa giáo nào lại được công luận quan tâm bàn thảo mổ xẻ với tầng suất dày đặt rộng rãi từ trong ra ngoài nước nhiều như vậy. Từ Quốc Hội cho đến phát thanh, truyền hình VN hầu hết các tờ báo giấy và các trang mạng điện tử lề đảng, lề dân, trong nước cũng như các đài truyền thông quốc tế (BBC 21-11-2015, RFA 13-10-2015, VOA 6/12/2015, RFI) đều có bài viết liên quan vấn đề này, đây được xem là một trường hợp ngoại lệ rất “đặc biệt” hiếm thấy.
“Với tụi em, môn Lịch Sử chết lâu rồi... có điều là chưa phải lúc để người ta chôn nó thôi”, đó là quan niệm từ 3 cô sinh viên ở tỉnh xa đang theo học Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh, thuê phòng trọ tại nhà tôi.
Số là một trong 3 cái laptop của mấy em khi chạy nóng quá hay “đứng màn hình” do lâu ngày hệ thống tản nhiệt không tốt nên nhờ tôi giúp, trong lúc tháo quạt gió cleaning (lau chùi) vô tình nhìn mấy em vừa lướt web vừa bàn thảo vấn đề “dạy và học môn lịch sử”, tôi lên tiếng hỏi có em đã trả lời với tôi như vậy. Tôi cười vui hỏi lại: Ủa! các em chưa đến tuổi 30... sao lại là “Lịch Sử chết lâu rồi” mà nó chết từ hồi nào!?
Chúng ta hãy lắng nghe nhịp đập của vài trái tim trẻ ngành Luật học Việt Nam hôm nay “thổn thức” về Giáo Khoa Lịch Sử thời XHCN/CS.
Cô sinh viên còn giữ nguyên mái tóc thề có đôi mắt bồ câu rất đẹp trên gương mặt cương nghị nói: “Với tụi em môn học lịch sử nó hấp hối từ lúc chiếc xe tăng có cắm lá cờ MTGP/MN nửa đỏ, nửa xanh, ủi tung cánh cổng dinh Độc Lập ngày 30/4-1975”…
Chiếc xe tăng với lá cờ nửa đỏ, nửa xanh, ủi tung cánh cổng dinh Độc Lập
“Hơn mười năm mài đủng quần trên ghế nhà trường qua 3 cấp học, lúc nào và bao giờ trong tiềm thức tụi em cũng được thầy cô và đảng, đoàn, nhà trường nhào nặn in hằn một dấu ấn: Đảng CSVN có công giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, xây dựng thành công CNXH như “bác Hồ” mong mỏi, thậm chí em và các bạn còn hân hạnh được nhà trường tổ chức cho đi tham quan Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh “giải phóng” miền Nam (nằm trên đường Lê Duẩn, Sài Gòn), tụi em được những sĩ quan huân chương trên ngực chỉ dẫn cặn kẽ hình ảnh bộ chính trị “đảng ta” hội họp bàn thảo kế hoạch tại Hà Nội và hướng tiến của các cánh “quân ta” từ bên kia sông Bến Hải vào miền Trung miền Nam...
Nhưng hỡi ơi cái hình ảnh đoạn kết cuối cùng là chiếc xe tăng phất cao ngọn cờ không phải là... “cờ đỏ sao vàng” của VNDCCH... mà lại là lá cờ “nửa đỏ nửa xanh” ủi cổng dinh Độc lập. Sao vậy? Tại thời điểm ấy ở miền Bắc cây kim sợi chỉ còn ngửa tay xin Tàu cộng thì làm gì chế tạo được chiếc xe tăng kia? Còn du kích miền Nam thì ở hầm, ở địa đạo quần áo không đủ mặc đi chân trần lại càng không thể có thứ đó... ấm ức quá lật lại sách giáo khoa Tài liệu ôn tập Lịch sử lớp 12 (được ghi chú là: Chương trình Chuẩn) (1)
Trong bộ sách này ghi rằng: “Cuối năm 1974 đầu năm 1975, trong tình hình so sánh lực lượng ở miền Nam thay đổi có lợi cho cách mạng (không ghi rõ là lính Mỹ rút hết theo Hiệp định Paris trước đó một năm - 1973) Bộ chính trị Trung ương Đảng đề ra kế hoạch giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976, nhưng nhấn mạnh “cả năm 1975 là thời cơ” và “nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”.
Như vậy thì chính quân đội “ta” từ miền Bắc tấn công miền Nam chứ còn ai? Nhưng sao xe tăng vào dinh Độc Lập lại không dám trương lên cờ “đỏ sao vàng” của VNDCCH? Tìm hiểu chi tiết hơn ở chương V cuốn sách giáo khoa lớp 12 này nhắc đến cái Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Việt Nam. Trong đó ghi rằng:
Ngày 02/3/1973, tại Paris hiệp định được ký kết giữa 4 Bộ trưởng đại diện các Chính phủ tham dự hội nghị gồm 4 bên là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa + Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa. Trong sách giáo khoa này có nhắc đến một số nội dung của Hiệp định Paris. Nhưng hoàn toàn không ghi những điều khoản quan trọng của Hiệp Định (2) mà về nguyên tắc một sách giáo khoa lịch sử người biên tập không được phép lược bỏ toàn văn một văn kiện lịch sử trong HĐ này... nhưng tụi em lục lọi trên mạng Internet đối chiếu bản gốc của HĐ Paris 1973 thấy trong đó có ghi những điều khoản quan trọng như thế này:
(theo văn bản gốc của HĐ Paris 1973)
“Thế nhưng sau khi ký rồi “nhà nước, đảng ta” đã thi hành “triệt để” Hiệp Định quốc tế Hòa Bình “không thôn tính nhau” này bằng một cuộc tấn công tổng lực từ Bắc vào Nam, khi tại miền Nam (1973-1975) không còn bóng dáng quân nước ngoài nào, nó y hệt như Hitler năm 1941, đã ký Hiệp ước không xâm phạm Liên Sô nhưng đơn phương tự xóa bỏ tiến hành tấn công nước này ngay sau đó. Có điều dù phất lên ngọn cờ nào (xanh hay đỏ) thì hành vi ấy của “đảng ta” cũng đều như “đi toilet” lên chữ ký của chính mình trong HĐ Paris, trước mắt quốc tế.”
CP miền Bắc và MT/GPMN ký kết HĐ Paris 1973 trước quốc tế
Chính vì vậy trong nhiều sách giáo khoa, tài liệu lịch sử, “nhà nước, đảng ta” không cho in các điều khoản chi tiết ấy, bởi nếu in vào thì “nặng mùi” quá. Không chỉ vậy, cũng trong cuốn sách Lịch sử lớp 12 (Chương trình Chuẩn) này nói về “Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968” như sau:
“ b. Diễn biến: 3 đợt.
* Đợt 1: Từ 30/1/1968 đến 25/02/1968 (chưa đầy 1 tháng)
Ta đồng loạt tấn công và nổi dậy ở hầu hết các tỉnh, đô thị, quận lỵ.
Tại Sài Gòn, ta tấn công các vị trí đầu não của địch (Dinh Độc lập, Tòa đại sứ Mỹ, Bộ tổng tham mưu Ngụy, Tổng nha cảnh sát Sài Gòn, sân bay Tân Sơn Nhất, Đài phát thanh…).
Ta loại khỏi vòng chiến 147.000 địch (43.000 lính Mỹ), phá hủy khối lượng lớn vật chất và các phương tiện” (1)
Trời ạ! Trong suốt cuộc chiến Việt Nam gần 8 năm (1965-1973) Quân Mỹ hy sinh 58 ngàn lính. Nhưng Mậu Thân 1968, từ 30/1/1968 đến 25/02/1968 (chưa đầy 1 tháng) “Ta loại khỏi vòng chiến 43.000 lính Mỹ” (!?) trong khi miền Nam tại thời điểm đó hiện diện rất nhiều phóng viên quốc tế Anh-Pháp-Mỹ lăn lộn săn tin khắp các chiến trường nhưng họ không chứng kiến lính Mỹ chết nhiều như vậy và cũng không thấy bất cứ sự nổi dậy nào của người dân? “Tết Mậu Thân khi thấy Việt Cộng xuất hiện ở đâu là dân chúng ở đó bồng bế chạy trốn hết về phía lính quốc gia ráo trọi” (các bậc cao niên trưởng thượng miền Nam đều nói như vậy).
- Theo “Sự kiện Tết Mậu Thân” trên Bách khoa toàn thư mở Wikipedia (do tuyên giáo CSVN biên tập) chỉ ghi nhận: Hoa Kỳ: 16.511 chết, 87.388 bị thương.
- Theo báo Điện tử: Một Thế Giới (Cơ quan chủ quản: Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ -đảng CSVN Việt Nam). Số thương vong còn ít hơn nữa, khoảng 4.000 quân Mỹ bị chết cùng 5.000 quân Nam Việt Nam. (3)
- Còn theo: Thư viện Học liệu Mở Việt Nam (VOER) Vietnam Foundation trụ sở tại California, Mỹ - Mậu Thân 1968 VNCH thiệt hại: 4.954 chết, 15.917 bị thương, Hoa Kỳ và đồng minh: 4.124 chết, 19.295 bị thương (4).
Nhân bữa đám giỗ gia đình, tụ họp họ hàng, thêm lần nữa, em kiểm tra điều này qua... cha, chú, bác, cậu và cả ông Ngoại, tất cả đều cười ngất, còn ông chú em thì trách: Hơn 10 năm cho con ăn học rồi bây giờ con muốn làm Robot hả, ông Tổng Thống Nga Putin nói rồi “Kẻ nào tin những gì CS nói là không có cái đầu. Kẻ nào làm theo lời của CS, là không có trái tim” chỉ có robot không có trái tim mới tin điều đó, tôi mãi ám ảnh lời này của Chú tôi... Người ta đang dạy những con người trở thành robot!
“Như thế đó, trong một sách giáo khoa lịch sử lớp 12 được ghi chú là Chương trình Chuẩn, người ta khoa trương nhân lên không chỉ một, hai, lần mà tới 10 lần con số thực tế khách quan lính Mỹ chết trận Mậu Thân? Còn phía “quân ta” thì đây là một thất bại “nặng nhất” kể từ trận Điện Biên 1954, “bốc hơi” hàng chục sư đoàn mà không “giải phóng” được thôn ấp đồn bót nào?
“Chúng em đã ở tuổi chuẩn bị làm thanh niên, lớp cuối cùng hệ 12 năm không còn là như những con cừu. Có thể ai đó sẽ hỏi: Tụi em không yêu nước ư? Thưa có chứ, còn nồng nàn là đằng khác nhưng không phải yêu nước như yêu tranh trừu tượng siêu thực... Picasso”.
- Tôi giật mình thú vị, liếc nhìn cô sinh viên này để thầm hiểu vì sao em chọn ngành luật học.
Cô sinh viên thứ hai, có khuôn mặt bầu bĩnh tóc ngắn, bê cái laptop đặt trước mặt tôi, tiếng nói rất nhẹ: Chú tham khảo vấn đề này của một sử gia chưa? Tôi liếc nhìn màn hình, lời ông Dương Trung Quốc một sử gia ĐB/QH trong một cuộc phỏng vấn với PV đài phát thanh nước ngoài...
“Tôi lấy ví dụ, trong sách giáo khoa nói về trận đánh, chỉ nói đến ngày tháng, nói đến bên này chết bao nhiêu, bên kia chết bao nhiêu, để cố gắng tôn vinh nó (chiến thắng) lên. Mà không thấy bài học cuối cùng của chiến tranh là bao giờ cũng phải hướng về mong ước hòa bình. Thế mà tưởng như là cuộc chiến tranh ấy như một chiến thắng thuần túy, có kẻ thắng, kẻ thua (mà 2 bên lâm chiến chỉ là anh em với nhau chứ không có tên ngoại xâm nào như sau HĐ Geneve 1954 và Paris 1973) Cái bài học lớn nhất là làm sao cho dân tộc không phải lâm vào một cuộc chiến tranh như thế, (như Nam- Bắc Hàn) thì lại chưa được giảng dạy, nhất là không có, không đề cập trong hệ thống sách giáo khoa. Chỉ tôn vinh một chiều thôi. Chính như vậy, làm cho các học sinh khi học, phải khổ sai trí nhớ nhưng luôn luôn cảm thấy rằng hình như có một cái gì đó mà người ta chưa nói, người lớn chưa nói được với mình tất cả” (ông Dương Trung Quốc trả lời phỏng vấn với RFI)
Cô sinh viên tóc dài mắt đăm đăm chỉ tay vào một đoạn bài viết trong latop reo lên: Đúng như vậy! em rất thích và ngưỡng mộ câu chữ đoạn này của ông sử gia:“Mà không thấy bài học cuối cùng của chiến tranh là bao giờ cũng phải hướng về mong ước hòa bình- Cái bài học lớn nhất là làm sao dân tộc không phải lâm vào một cuộc chiến tranh như thế, (như Nam-Bắc Hàn) thì lại chưa được giảng dạy”-(Dương Trung Quốc).
Cô sinh viên này tiếp theo: “Cùng là đồng bào như anh em, hai miền Nam Bắc đã ngồi lại được với nhau cùng đặt tay ký một Hiệp Định mang tên “Chấm dứt chiến tranh lập lại Hòa Bình” rồi thì hà cớ gì không chấm dứt máu xương, ai ở đâu thì ở đó lo làm ăn, cho dân giàu nước mạnh, sao còn tiếp tục nổ súng, từ tháng 4-1973 (ngày hiệp định có hiệu lực) đến tháng 4-1975? Mà kỳ lạ là phía miền Nam tuân thủ rất nghiêm túc Hiệp Định này? Dù miền Nam lúc ấy giàu có phát triển hơn miền Bắc hoàn toàn có khả năng nhưng không hề muốn “Giải Phóng” miền Bắc, họ luôn hướng về mong ước hòa bình? không muốn nồi da sáo thịt... chỉ muốn dành thời gian và tiềm lực nhân dân xây dựng lại đất nước cho thịnh vượng như các quốc gia láng giềng Đông Nam Á”. Mà sau khi chiếm được, chứng kiến miền Nam các chú bộ đội ai củng ngỡ ngàng.
“Còn hơn thế, là sinh viên một ngành học phải nghiệm suy rất nhiều trong lý luận, tụi em thừa biết, vì đã được thầy cô dạy: “Mục tiêu cao nhất và cũng là bản chất cốt lõi của Chủ Nghĩa Xã Hội là giải phóng con người khỏi mọi ách bóc lột nô lệ và kinh tế, xóa bỏ chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa, thiết lập chế độ công hữu hóa bắt buộc, cho sản xuất tập thể XHCN” - Nhưng hiện tại gần nữa triệu thanh niên nam nữ Việt Nam nhà nước đang đưa đi lao động làm thuê “đủ mọi tư thế” ở các quốc gia láng giềng khu vực và chúng ta tìm xem trên cả nước hiện nay còn bao nhiêu cái “Hợp Tác Xã” làm ăn tập thể kiểu XHCN, các công ty xí nghiệp đua nhau cổ phần hóa vậy thì nhà ngước đảng ta đã xây dựng thành công CNXH nào? nhưng giáo dục tụi em phải kiên định bảo vệ Chủ Nghĩa Xã Hội? trong sách giáo khoa ghi như vậy?”
Nữ sinh lớp 12 - trước ngưỡng cửa Đại Học (ảnh minh họa)
“Trong khi có dù là còn thơ dại nhưng tụi em đã biết ăn ngon mặt đẹp tất biết phải, trái, thì khi học tất nhiên là chỉ học cái chân lý đúng, chứ làm sao học cái vô lý, cái sai? Lời thánh hiền có nói “một sự bất tín thì vạn sự bất tin” mà vô số những điều bất tín trái với bản chất của sự thật, làm thế nào cho em xóa nhòa trong ký ức mấy năm cấp 1 và 2 rất nhiều bài học về lịch sử sách giáo khoa và thầy cô cứ dạy rằng tại miền Bắc quân dân ta bắn rơi máy bay Mỹ như sung rụng đập tan vĩnh viễn âm mưu của đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam.
“Nhưng rồi Internet nối mạng toàn cầu cho em và các bạn chứng kiến một Nhật Bản từng bại trận đầu hàng trước Mỹ, Nam Hàn từng nhờ Mỹ đổ xương máu kéo ra từ trong tay CS Bắc Hàn nhưng cả 2 đều phát triển giàu mạnh hàng đầu châu Lục, hiện tại hàng trăm ngàn lính Mỹ còn ăn ngũ tại 2 nước đó mà không có người dân Hàn-Nhật nào muốn chống “đế quốc Mỹ xâm lược” thì đế quốc Mỹ xâm lược miền Bắc để làm cái gì? không lẽ nước Mỹ không có sắn khoai và phân xanh phân Bắc?”
“Vậy thì vô tình hay cố ý bắt tuổi trẻ phải học thuộc lòng những sự gian dối của người lớn, thầy cô, dạy mình? Lịch sử bất luận thời kỳ nào thì nó vẫn phải thể hiện theo đúng tổng thể “logic” quá trình diễn ra của chính nó. Thú thật, không biết quan niệm 2 bạn chung phòng với em như thế nào, nhưng riêng em thì khẳng định tại Việt Nam chỉ khi nào CNXH/CS biến mất hay ít ra thay đổi như nước Nga và Đông Âu thì các sử gia mới có đủ khách quan vô tư biên soạn giáo khoa lịch sử chi tiết trong sáng tươm tất hơn cho học sinh, chứ cứ như hiện nay thì cơm áo, sổ hưu, và bả vinh hoa đã lấy mất lòng can đảm của các vị ấy dù các vị rất biết: Để cho sử xanh ngay hàng thẳng lối là sứ mạng của mình”.
Cô sinh viên tóc ngắn như bức xúc ngắt ngang lời bạn mình: Khoa Lịch Sử ngày nay bị tuổi trẻ “rẻ rúng”quay lưng là từ bản chất lừa dối sự thật của chính nó chứ không do phương tiện (dạy và học). Còn tôi thì im lặng với một nụ cười, vì trên màn hình laptop tôi đọc thấy dòng này của ông sử gia Dương Trung Quốc tạm thay cho lời muốn nói của mình:
“Lịch sử không bao giờ chết, nó bất tử với thời gian qua từng thế hệ và nó sẽ xuất hiện ở đúng những khúc quanh cần thiết quan trọng nhất, nếu không cẩn thận nó sẽ là một đòn vu hồi vào những người cố tình muốn quên lịch sử Tôi nghĩ rằng, những biến cố lịch sử trên thế giới, nhiều cái bắt đầu từ lịch sử, hoặc ít nhất coi lịch sử là nguyên cớ. Những cuộc khủng hoảng thay đổi chính trị ở không ít quốc gia bắt đầu từ việc đánh giá lại lịch sử”. (Nga-Đông Âu đánh giá lại Stalin-Lenin và CN/XH, để quay lại với tư bản tự do đa nguyên).
____________________________________
Chú thích:
No comments:
Post a Comment