Saturday, December 19, 2015

Mùa cứu trợ Tết bắt đầu

Nhóm phóng viên tường trình từ VN
 Theo RFA-2015-12-19   
tu-thien-622.jpg
Đồng bào thiểu nghèo nhận hàng từ thiện ăn Tết. RFA
Hàng cứu trợ, những chữ này lúc nào cũng nặng trĩu nỗi niềm đối với dân nghèo Việt Nam. Bởi nó hàm chứa tinh thần lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá nát và lá nát đùm lá te tua. Điều này giống như một dòng nước chảy nhẹ mà sâu, không gây nên những hốc xoáy nhưng thẳm nặng tình con người với con người. Mùa cứu trợ Tết lại về, những người miền Nam hào hiệp lại chuẩn bị những chuyến hàng cứu trợ về miền Trung hay ra Bắc, lên những vùng cao khó khăn.

Cứu trợ Tây Bắc

Cứu trợ những bản Mường, bản Dao và H.Mong vẫn là khái niệm quen thuộc của những sứ giả Sài Gòn, Hà Nội. Hằng năm, mỗi mùa mưa lụt và mùa giáp Tết, đó cũng là thời điểm bắt đầu của sự kết nối, liên thông giữa những sứ giả, mạnh thường quân trong nước và ngoài nước để góp chút hơi ấm tình người gửi đến đồng bào trong lúc khó khăn, đói khổ.
Công việc gom góp, kêu gọi mạnh thường quân để cứu trợ người nghèo là một công việc không hề đơn giản, bởi nó đòi hỏi ba tố chất căn bản mà người làm cứu trợ, từ thiện nếu không có thì sẽ không bao giờ theo đuổi công việc này được. Đó là lòng tự trọng, tính công tâm và lòng yêu thương không vụ lợi.
-Một người ở Tân Bình
Một sứ giả không muốn nêu tên, hiện sống tại quận Tân Bình, Sài Gòn, chia sẻ: “Công việc gom góp, kêu gọi mạnh thường quân để cứu trợ người nghèo là một công việc không hề đơn giản, bởi nó đòi hỏi ba tố chất căn bản mà người làm cứu trợ, từ thiện nếu không có thì sẽ không bao giờ theo đuổi công việc này được. Đó là lòng tự trọng, tính công tâm và lòng yêu thương không vụ lợi.”
Bởi lòng tự trọng sẽ giúp cho người làm từ thiện, cứu trợ, đặc biệt là những người làm việc này thông qua sự ủy lạo của người khác biết mình phải làm gì. Nếu có lòng tự trọng, biết giữ cho lương tâm mình đủ sạch để không thấy bị ray rứt, những sứ giả sẽ không cắt xén, ăn bẩn trong khoản tiền cứu trợ. Ngược lại, cũng không ít người mượn danh cứu trợ, từ thiện để trục lợi cá nhân. Khoản tiền xin về từ các mạnh thường quân bao giờ cũng lớn như cây tre nhưng họ chẻ ra thành vài chục bó tăm để cho vài chục nơi nào đó. Số còn lại họ tư túi.
Chuyện này, theo vị sứ giả lâu năm có bề dày kinh nghiện đối phó với các cơ quan cầm quyền địa phương nhận xét là do nguyên nhân nhà nước. Nghĩa là thường thì hàng cứu trợ, từ thiện sẽ không bao giờ đến đúng nơi nó cần đến, may mắn lắm thì nó đến được 50% nơi nó cần đến. Và theo cô sứ giả nầy, như vậy là quá đủ, quá mỹ mãn.
Nghĩa là hàng cứu trợ, từ thiện luôn phải qua một tấm lưới kiểm duyệt của chính quyền địa phương. Nếu không có họ nhúng tay, đưa danh sách và có khoản phí thù lao nước ngọt, rượu bia cho họ thì khó lòng mà lọt được vào các bản nghèo, nơi hẻo lánh mà cứu trợ, làm từ thiện. Chỉ cần thấy xe hàng đưa đến họ sẽ tịch thu. Thậm chí giữ cả người cứu trợ, từ thiện để điều tra, làm việc.
tu-thien-400.jpg
Đồng bào thiểu số đang chờ nhận hàng từ thiện ăn Tết. RFA PHOTO.
Chính vì kiểu làm việc này phát sinh một loại sứ giả đểu chuyên bắt tay với quan chức địa phương để tùng xẻo hàng cứu trợ, từ thiện. Năm 2009, đã có một chủ tịch xã ở miền Trung dắt sứ giả cứu trợ về nhà cho mẹ của anh ta một triệu đồng, sau đó sứ giả và chủ tịch xã chia chác số tiền bảy chục triệu đồng còn lại. Người nghèo không nhận được quà mặc dù vẫn mang tiếng đã được cứu trợ. Tất cả những hành vi nêu trên đều do thiếu vắng lòng tự trọng mà có.
Và cũng bởi thiếu tính công tâm, nên phần lớn các suất quà cứu trợ, từ thiện rơi vào không đúng chỗ nó cần đến. Mà vấn đề này thuộc về nhà cầm quyền địa phương, thay vì khi đưa danh sách đúng những gia đình nghèo, họ lại ghi phiếu cho bà con, họ hàng của họ đến nhận quà. Chính vì vậy có khi cả làng, cả bản đi nhận cứu trợ nhưng người nghèo vẫn không có gì để ăn Tết, ăn qua mùa mưa. Bởi lẽ hàng cứu trợ, từ thiện đã lọt vào những gia đình giàu có, khá giả, có gốc gác dây mơ rễ má với cán bộ địa phương.
Cô này cho biết thêm là cô từng gặp rất nhiều tay cán bộ giàu có, ăn ngập mặt nhưng vẫn sắm cho anh em, cha mẹ một bộ đồ rách rưới cất dành khi nào có cứu trợ thì đến mặc bộ đồ đó vào. Trong sự vương giả, xa hoa của họ có cả những suất quà cứu trợ dành cho người nghèo đói.
Sở dĩ có những chuyện đau lòng như vậy bởi vì theo cô, hình như lòng lân mẫn, tình yêu thương của con người đối với đồng loại đã cạn kiệt, khô héo đi rất nhiều sau những năm tháng sống trong đói khổ và tranh giành của kinh tế tập thể bao cấp rồi kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Những nhóm thiện nguyện trẻ

Một bạn trẻ cũng không muốn nêu tên, hiện đang là một thiện nguyện trẻ của một nhóm hoạt động phổ biến xã hội dân sự, chia sẻ: “Hiện nay, các nhóm hoạt động xã hội dân sự đã thiết lập một cơ chế hoạt động ngầm với nhau trong vấn đề làm thiện nguyện. Và các nhóm thiện nguyện hoàn toàn không liên quan đến nhà nước. Tôn chỉ của các nhóm là tìm đến những vùng cao, vùng sâu nghèo khổ, lên danh sách và một phần tự bỏ tiền túi, phần khác kêu gọi lòng hảo tâm của cộng đồng, xin các mạnh thường quân để góp gió thành bão, mua quà tặng những gia đình nghèo.”
Hiện nay, các nhóm hoạt động xã hội dân sự đã thiết lập một cơ chế hoạt động ngầm với nhau trong vấn đề làm thiện nguyện. Và các nhóm thiện nguyện hoàn toàn không liên quan đến nhà nước.
-Một bạn trẻ
Bạn này cho biết thêm là không riêng gì bà con đồng bào thiểu số ở miền núi Tây Bắc mà hầu hết bà con đồng bào thiểu số trên dãy Trường Sơn, từ Thanh Hóa vào đến Tây Nguyên đều có đời sống hết sức khó khăn. Từ các huyện Si Ma Cai, Bát Xát ở Lào Cai, Mường Lát, Ngọc Lặt, Bá Thước, Quan Hóa, Thường Xuân ở Thanh Hóa, Quì Châu, Con Cuông, Diễn Châu, Can Lộc ở Nghệ An, Hương Sơn, Hương Khê ở Hà Tĩnh, Hướng Hóa, Khe Sanh ở Quảng Trị, Nam Đông, A Lưới ở Huế, Đông Giang, Tây Giang, Quảng Nam và rất nhiều huyện miền núi khác, thậm chí huyện ở đồng bằng, đi đâu cũng gặp những gia đình nghèo khổ.
Một số gia đình còn không có cả muối để ăn. Theo tìm hiểu của bạn này, thực tế, hằng năm chính phủ có chương trình trợ cấp, cứu tế cho các huyện này nhưng khi về đến địa phương, các khoản tiền bị ăn chặn một cách thậm tệ. Chính vì vậy người nghèo luôn khủng hoảng muối và gạo. Bạn trẻ cho biết thêm là các suất quà cứu trợ, từ thiện nếu thông qua chính quyền địa phương để phân phát thì rất khó đến tay người nghèo bởi nó đã bị ăn chặn ngay từ đầu.
Chính vì sợ bị ăn chặn, các nhóm thiện nguyện chia sẻ với đồng bào nghèo bằng cách trực tiếp đến với bà con. Và việc này hết sức khó khăn bởi nhiều lực cản từ phía nhà cầm quyền địa phương. Đây là một thử thách lớn cho công tác chia sẻ của các bạn trẻ.
Một cái Tết nữa đang về, thời gian chỉ còn đếm ngược. Quĩ thời gian của một năm tỉ lệ thuận với hũ gạo của người nghèo miền núi, càng về cuối, càng lưng đáy và cái đói rập rình. Những sứ giả cứu trợ và các nhóm thiện nguyện lại lên đường. Phía trước họ luôn là những bức tường cơ chế và cửa quyền. Chúng tôi xin cầu chúc các nhóm thiện nguyện, những người đã dành một phần không nhỏ trong cuộc đời của mình để làm công việc chia sẻ hơi ấm với đồng loại được chân cứng đá mềm, mọi sự suôn sẻ và bình an!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

No comments:

Post a Comment