Theo BBC-17 tháng 12 2015
Việt Nam có thể gặp 'thách thức' trong việc điều hành tỷ giá năm 2016 sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2006.
Quyết định của Fed đã khiến lãi suất cho vay liên ngân hàng lên trong khoảng 0,25 -0,5%.
Cổ phiếu Châu Á đều tăng hôm thứ Năm 17/12
Thị trường chứng khoán Úc là nơi đầu tiên trong vùng mở cửa giao dịch sau khi thông tin này được công bố, và các nhà đầu tư đã ăn mừng.
Chỉ số S&P/ASX 200 ở Sydney tăng 1,69% trong phiên giao dịch buổi sáng.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản cũng tăng 2,15% lên 19.460,20 sau khi cũng đã có sự gia tăng cao nhất hai tháng qua vào hôm thứ Tư 16/12.
Đồng đôla cũng mạnh lên so với đồng yen Nhật, tỷ giá hối đoái nay là 1 đôla ăn 122,38 yen trên thị trường châu Á. Đồng yen yếu hơn sẽ tốt cho các nhà xuất khẩu lớn của Nhật.
Ở Hàn Quốc, chỉ số Kospi tăng 0,25% lên 1.974,1.
'Thách thức' với Việt Nam
Tại Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Thành – cán bộ giảng dạy chương trình Kinh tế Fulbright tại Việt Nam nhận định việc điều chỉnh lãi suất này “không ảnh hưởng nhiều đến dòng vốn vào Việt Nam’’.
Lý do có thể giải thích cho việc này là: “So với các nước khác Việt không lệ thuộc quá nhiều vào dòng vốn vay ngoại tệ ngắn hạn từ nước ngoài. Dòng vốn đầu tư chứng khoán ngắn hạn từ nước ngoài vào Việt Nam cũng không phải nhiều vì lý do lãi suất thấp trong thời gian qua ở Hoa Kỳ”
Tuy nhiên ông Thành cũng nói với BBC Tiếng Việt việc điều chỉnh tỷ giá này của Fed có thể sẽ tạo “thách thức cho Việt Nam trong việc điều hành tỷ giá trong năm 2016" vì đợt điều chỉnh tỷ giá này của Fed có thể "chỉ là đợt đầu tiên trong nhiều đợt điều chỉnh sắp tới."
Ông Thành cho biết: "Trước mắt Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam có thể quản lý tỷ giá theo hướng can thiệp lên thị trường bằng cách sử dụng dự trữ ngoại tệ.
Nhưng nếu định hướng thời gian sắp tới, có thể Ngân hàng nhà nước sẽ phải điều hành tỷ giá linh hoạt hơn, cho tỷ giá biến động theo áp lực cung cầu ngoại tệ trên thị trường."
Quyết định tăng lãi suất của Fed đã được trông đợi một thời gian và các nhà phân tích nói điều này cho thấy dấu hiệu lạc quan từ nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Shane Oliver, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư, kinh tế gia trưởng của Quỹ đầu tư AMP ở Sydney, nói: “Việc tăng lãi suất cho thấy sự tự tin vào nền kinh tế Mỹ trong quá trình hồi phục sau cuộc khủng hoảng tài chính.”
Ông cũng nói thêm: “Với nguy cơ giảm phát và tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, việc tăng lãi suất trong tương lai của Fed nếu có sẽ cẩn trọng và từ từ. ”
“Sau quyết định của Fed, cổ phiếu toàn cầu có vẻ như đang tăng trưởng trở lại nhưng cổ phiếu Mỹ tăng chưa nhiều.”
Ban đầu đồng đôla Úc sụt giá trước đồng đôla Mỹ nhưng sau đó đã tăng lại, hiện là 1 đôla Úc ăn 72,12 cent Mỹ. Úc trông đợi đồng nội tệ sẽ yếu đi trong vài tháng tới.
Ông Oliver nói lãi suất của Mỹ tăng sẽ giúp duy trì áp lực kiềm chế đồng đôla Úc trong năm 2016.
Ăn mừng Giáng sinh
Các nhà phân tích nói việc Fed có thể nâng tỷ lệ lãi suất cho thấy nền kinh tế Mỹ cuối cùng cũng đã có thể chịu được ảnh hưởng.
Ông Angus Nicholls từ công ty IG Markets nói: “Rất nhiều nhà đầu tư sẽ đặt câu hỏi là liệu đà tăng trưởng này của thị trường chứng khoán có đi lên đến đỉnh điểm trước lễ Giáng sinh và đến cuối năm hay không?”
“Có lẽ sẽ không có quyết định gây ảnh hưởng gì lớn tới thị trường trong thời gian tới và Fed cũng dè dặt về chính sách trong tương lai nên cơ hội cho đợt tăng đỉnh điểm này là có.”
Thị trường Trung Quốc cũng tăng trưởng tích cực hôm thứ Năm 17/12. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong đã tăng 0,83% lên 21.881,97 và chỉ số Shanghai Composite tăng 0,95% lên 3.549,66.
Sáng thứ Năm, Ngân hàng Trung ương Hong Kong đã tăng lãi suất chiết khấu thêm 0,25 lên mức 0,75%.
“Lãi suất tăng có thể tác động đến giá bất động sản – sẽ trở nên đắt đỏ hơn cho những người vay tiền để mua nhà. Động thái này đến sau khi Fed tăng lãi suất qua đêm,” - phóng viên kinh tế châu Á của BBC Karishma Vaswani giải thích.
Ngân hàng trung ương Philippines và Indonesia có thể sẽ có phản ứng trước quyết định của Fed trong ngày thứ Năm 17/12, tuy giới phân tích không cho rằng sẽ có biến động gì mạnh ở các nước này.
Phóng viên Vaswani nói thêm: “Các nước này đang ở thế khó là phải giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng, nhưng đồng thời cũng không được giảm quá nhanh vì đồng tiền sẽ bị yếu đi.”
No comments:
Post a Comment