Thursday, December 17, 2015

Tặng gạo mốc, ép mua bò rụng răng: lòng nhân nay đâu?

ĐẶNG TƯƠI - AN NHIÊN- 17/12/2015 07:51

TTO - Một người “được” nhận bò chia sẻ rằng xã bán cho chị con bò bị lở mồm long móng, chị yêu cầu đổi lại thì xã đổi bò già rụng hết răng. Người khác được đổi từ bò viêm loét da sang bò sứt mũi. 

Bà Mang Thị Củi (thôn Núi Ngỗng) bức xúc bên con bò già rụng hết răng - Ảnh: M.Trân
Bà Mang Thị Củi (thôn Núi Ngỗng) bức xúc bên con bò già rụng hết răng - Ảnh: M.Trân
Hàng ngàn bạn đọc đã lên tiếng thể hiện sự phẫn nộ trước thông tin cán bộ xã ép người dân nghèo mua bò lở mồm long móng, bò rụng hết răng, bò sứt mũi, bò viêm loét với giá từ 18-20 triệu/con.
Lòng nhân ở đâu, lấy dân làm gốc ở đâu?
Đó là câu hỏi bật lên với nhiều người khi biết thông tin này.
“Chuyện như vậy mà người ta cũng đành tâm làm được, không biết họ nghĩ gì”, bạn đọc Lúa nếp chua chát nói.
Giúp người là truyền thống đáng quý của dân tộc ta, là sự nhân đạo trong ứng xử giữa người với người. Nhưng bán bò già, bò rụng hết răng, bò lở mồm long móng giá chục triệu, người nghèo được giúp gì ở đây và lòng nhân của người thực thi việc bán này ở đâu?, chị Như Ngọc (Q.Gò Vấp, TP.HCM) đặt câu hỏi.
Bạn đọc lupham thì gọi đây là “những kẻ không có trái tim” và chỉ làm người dân khổ sở hơn chứ chẳng giúp được gì.
Dẫn lại câu nói “của cho là của nợ”, bạn đọc Minh Quang phân tích cụ thể nỗi khổ này: cho bò già, bò bệnh thế này về bò chết rồi tự dưng người dân nghèo có thêm khoản nợ ngân hàng.
Nhiều người cho biết họ chảy nước mắt vì xót xa quá cho thân phận người nghèo, ngỡ rằng được giúp để vươn lên nhưng hóa ra bị lừa mà chẳng biết phải kêu ai.
“Nước mắt người nghèo đã chảy qua bao tháng ngày gian khổ, xin đừng làm cho nước mắt chảy thêm”, anh Tongson ngậm ngùi.
Sao cứ nỡ lấy người dân yếu thế, ít học ra để ức hiếp và cứ lợi dụng sự nghèo nàn của họ để trục lợi. Cứ tưởng ngày xưa mới có câu:"Cướp đêm là giặc..."
Trong khi đó, nhiều bạn đọc cho rằng đây chỉ là một trong số những câu chuyện được phản ánh, đâu đó chắc hẳn vẫn còn những người nghèo “bị giúp đỡ" kiểu như vậy.
Cùng với sự xót xa đó, nhiều người đồng loạt lên tiếng phải điều tra rõ ràng và truy cứu trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân trong những vụ việc “giúp dân” kiểu này.
“Tôi nghĩ nên điều tra rõ ràng, xác định trách nhiệm, giải quyết cho các đồng chí ấy về nghỉ hưu sớm. Tôi đọc xong mà đau lòng muốn khóc...Nếu còn những sự việc như thế này tiếp tục diễn ra thì “dân giàu nước mạnh ở đâu”, “lấy dân làm gốc ở đâu”, bạn đọc Đặng Đình Phúc đề nghị.
Cấp trên quản lý lỏng lẻo, cấp dưới lộng hành
Không bằng lòng mua con bò lở loét da, bà Mang Thị Xúc được xã đổi lại con bò gầy ốm, sứt mũi rất khó cột dây dắt - Ảnh: M.Trân
Không bằng lòng mua con bò lở loét da, bà Mang Thị Xúc được xã đổi lại con bò gầy ốm, sứt mũi rất khó cột dây dắt - Ảnh: M.Trân
“Tắc trách, không làm đúng trách nhiệm” là ý kiến của PGS.TS Đặng Ngọc Dinh, giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng (CECODES) về cách giúp người nghèo bằng việc ép mua bò bệnh, bò già này.
“Cán bộ xã thực thi việc giúp dân theo nhiệm vụ được giao. Trong khi họ đã bận những việc công quyền mà còn phải làm thêm chuyện này thì đôi khi lại làm theo kiểu ban ơn”, PGS.TS Đặng Ngọc Dinh nói.
PGS.TS Vũ Hào Quang, nguyên phó viện trưởng Viện nghiên cứu dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo trung ương), giảng viên cao cấp Học viện Báo chí tuyên truyền đánh giá chính sự lỏng lẻo từ cấp trên làm cho một bộ phận cán bộ càng xa trung tâm càng “lộng hành”. Chính sự tha hóa, biến chất của những cán bộ này sẽ làm đời sống người dân khó khăn hơn.
“Giúp đỡ người nghèo là chính sách rất đúng đắn nhưng cơ chế kiểm soát việc thực thi thì cần xem lại vì thực tế cho thấy còn nhiều sơ hở”, PGS.TS Vũ Hào Quang nói.
Theo PGS.TS Vũ Hào Quang, việc “móc túi” Nhà nước, “móc túi”, bóc lột người nghèo sẽ làm niềm tin của người dân vào những chính sách giúp đỡ của Đảng, Nhà nước mất dần đi.
“Phải có hình thức xử lý rất nặng những đơn vị, cá nhân trục lợi từ tiền giúp đỡ bà con nghèo để lấy lại lòng tin trong nhân dân”, PGS.TS Vũ Hào Quang nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, PGS.TS Vũ Hào Quang cho rằng để việc giúp đỡ người nghèo thật sự hiệu quả, cần có sự quản lý chặt chẽ về cơ chế thực thi và gắn chặt trách nhiệm của cộng đồng, chính quyền địa phương.
“Ví dụ muốn giúp người nghèo 10 đồng thì Nhà nước cho 7 đồng, 3 đồng còn lại do chính quyền địa phương chi trả. Lúc đó, chính quyền địa phương sẽ thấy xót rồi quản lý chặt hơn. Nếu không, Nhà nước cho 10 đồng thì sẽ có chuyện đâu đó người ta xà xẻo của dân”, PGS.TS Vũ Hào Quang nêu.
Theo PGS.TS Đặng Ngọc Dinh, ở nước ngoài, với những hoạt động như thế này, chính phủ thường giao tiền cho các tổ chức phi chính phủ làm.
Với trọng trách của mình, các tổ chức phi chính thủ sẽ thực hiện việc giúp người một cách hiệu quả, thiết thực hơn.
"Răng lương tâm" đã rụng?
Việc chính quyền xã Nhơn Sơn giao bò bệnh cho dân cho thấy họ đã cố tình làm sai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, bởi trong quyết định này không nói đến việc những hộ dân được hỗ trợ phải nhận bò do xã mua dùm mà là họ được toàn quyền nhận tiền hỗ trợ, vốn vay và tự mình mua bò hay bất cứ con nào khác mà họ muốn.
Ở đây, nếu chính quyền địa phương thực hiện đúng và quan tâm tới việc sử dụng tiền, vốn hỗ trợ sao cho hiệu quả thì nên có những tư vấn về cách sử dụng đồng vốn hoặc giới thiệu những nơi bán bò có chất lượng tốt và để người dân tự đi mua.
Nhưng họ không làm thế mà lại đi mua bò dùm và mua bò có chất lượng kém rồi ép dân phải nhận thì chắc chắn là có việc trục lợi ở đây. Đây là điều mà lãnh đạo cấp trên phải làm sáng tỏ chứ không thể cho qua vì hành động của chính quyền xã đã làm méo mó chủ trương của chính phủ.
Cùng với việc giao bò bệnh cho người nghèo và trước đây là phát gạo mốc cho người nghèo còn phản ánh một căn bệnh nặng hơn mà xã hội đang phải đối diện đó là hình như con người ngày nay đang dần dần không còn sợ lương tâm nữa, hình như cái “răng lương tâm” đã bị rụng nên không con người không còn cảm thấy bị cắn rứt lương tâm khi làm điều ác, điều xấu nữa.
Người nghèo vốn đã là những người chịu nhiều thiệt thòi nhưng họ vẫn là những con người với đầy đủ quyền và phẩm giá của mình. Thế nên giúp đỡ người nghèo là một điều tốt, nhưng sự giúp đỡ ấy phải được thực hiện với sự tôn trọng nhân phẩm của con người chứ không phải với một thái độ ban ơn hay với suy nghĩ “nghèo thì người ta cho cái gì thì cho, đừng có ý kiến”.
Tiếc thay đây lại là một lối suy nghĩ, một lối ứng xử của không ít người, không ít cán bộ trong xã hội ta hiện nay.
Thạc sĩ Lê Minh Tiến

No comments:

Post a Comment