Thursday, December 17, 2015

Phía bên kia đại dương

Một người lính hải quân Việt Nam đứng canh gác tại đảo Trường Sa Đông thuộc quần đảo Trường Sa.
Một người lính hải quân Việt Nam đứng canh gác tại đảo Trường Sa Đông thuộc quần đảo Trường Sa.
Chiều tối ngày 26/11, ngư dân Trương Đình Bảy bị bắn chết ở vùng biển Trường Sa và cho đến ngày hôm nay, vẫn chưa có thông tin chính thức về việc cá nhân hay quốc gia nào gây nên cũng như chịu trách nhiệm việc bắn chết ngư dân Việt Nam này. Biết bao nhiêu những vụ đụng độ thuyền chài trên mặt biển giữa các nước làng giềng bao quanh khu vực biển kéo dài mãi không dứt. Chúng tôi, nằm ấm êm trong đất liền, chẳng biết tới bão tố đang gào thét trên những quần đảo chẳng biết thuộc về ai, đi mơ mộng và nguyện cầu cho cái chết của dân cư của đất nước cách xa hàng ngàn dặm. Nếu ISIS xông vào ngay giữa địa phận của các quốc gia họ cho là thù địch, xả súng tàn bạo vào con người sống trên đất ấy được gọi là khủng bố, thì đây gọi là gì? Các trang tin viết rằng hành vi bắn ngư dân ấy được quy là hành vi giết người dã man, vi phạm Khoản 1 Điều 93 Bộ Luật Hình sự của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và phải được đưa ra để khởi tố, nhưng khởi tố ai? Có nghĩa lý gì?
Những ngày này gần đến lễ Giáng sinh, tôi được quản lý ở thư viện trường mời đến dự bữa tối cùng gia đình. Vẫn nhớ buổi tối ấm cúng ấy, chỉ có hai vợ chồng ngoài tuổi tứ tuần vừa xì xụp thìa súp vừa nói chuyện với cậu con trai đang ở chiến trường giữa vùng chiến hiểm nguy tại Trung Đông. Những người lính như cậu, là họ tình nguyện ký tên vào trường quân đội quốc gia ngay trong lễ tốt nghiệp cấp 3. Sự kiện 9/11 là một tác động lớn cho hơn 10 ngàn thanh niên nam, nữ không ngần ngại nộp đơn để bảo vệ tổ quốc mình. Lướt qua những đoạn phim tài liệu trên chiến trường, với thời gian biểu chặt chẽ ở vùng đất mà hiểm nguy rình rập sát mình, tôi ngả mũ kính nể lòng can đảm của họ. Sau ngày 13/11/2015, số lượng tân binh nhập ngũ tại nước Pháp cũng tăng gấp 4 lần với lý do tương tự, bảo vệ tổ quốc khỏi những cuộc chiến đầy mất mát thương đau.
Ngẫm lại tổ quốc mình, thanh niên nhà nhà lũ lượt trốn nghĩa vụ quân sự. Không đi học thì chạy cho bằng được vào các trường dân lập, không đi làm cũng cố chứng minh đủ giấy tờ giả, muôn hình vạn trạng lý do được trình ra chỉ để thoát đi lính. Thay vào đó, số lượng người trẻ đi du học, và băn khoăn về nỗi niềm “nên về hay nên ở” thì tăng vọt. Tôi dám chắc phải đến 90% số lượng người dân, dù là du học sinh hay lao động ngắn hạn, một khi bước chân lên máy bay sẽ khó lòng nghĩ đến ngày thực sự quay về. Những người bạn đồng lứa chăm chỉ, cần cù để cạnh tranh một chỗ đứng nơi đất khách quê người khốc liệt. Có những người sẵn sàng vứt bỏ “đất mẹ”, bấu víu trên vùng đất mới lạ lẫm một cách vô danh, ẩn dật, có những người cha người mẹ “cày sâu cuốc bẫm” tích góp hàng tỉ đồng để mua bán quốc tịch cho con, mong mỏi chúng có được cuộc sống công bình hơn, thoải mái hơn. Tất cả là vì ước mơ phía bên kia đại dương. Bài thơ “Đất nước” với câu thơ bất hủ “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”, giờ chỉ lửng lơ vô hồn giữa trang giấy trắng trong đề thi đại học.
Tôi không trách cứ và cũng không lấy làm xấu hổ thay những hiện trạng như vậy. Có lẽ đó chỉ đơn giản là hệ quả từ sự thờ ơ, giấu giếm, dối lừa từ phía truyền thông, chính quyền, để niềm tin đang dần hao hụt đi trong thế hệ trẻ. Bởi chưa cần bàn đến tình hình chiến sự mới chỉ đang lăm le ngoài biển khơi, quyền lợi của cả cộng đồng hay tài sản quốc gia còn trở nên vô giá trị trước lòng tham và sự ích kỷ của những kẻ ăn trên ngồi trốc nơi đất liền yên bình, thì sao dám kỳ vọng, mong mỏi sự cống hiến và hy sinh cho một khái niệm Tổ quốc lớn lao vốn đã vô cùng mơ hồ? Có lẽ đã qua rồi những ngày chúng ta tự vẽ bản đồ vỗ ngực hô to “Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam” vinh danh hào nhoáng niềm tự hào quốc gia để rồi đánh đổi bằng số mạng của chính những người dân đang kiếm sống từ biển cả, vẫn vô tư quăng chài kéo lưới trên mặt biển lặng ngỡ chỉ của riêng mình.
* Blog 'Trong lòng Hà Nội' của Hoàng Giang là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

No comments:

Post a Comment