Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe bắt tay trước cuộc họp tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 12/12/2015.
VOA-17.12.2015
VOA-17.12.2015
“Đằng sau quan hệ đối tác đặc biệt này là tham vọng của hai quốc gia muốn trở thành cường quốc khu vực và thậm chí là cường quốc toàn cầu”, bài viết trên báo nhà nước Trung Quốc Hoàn Cầu Thời Báo, nhận định về thỏa thuận “Đối tác Chiếc lược Đặc biệt Toàn cầu” giữa Nhật Bản và Ấn Độ vừa đạt được trong chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe gần đây.
Hai nước Nhật Bản và Ấn Độ đã ký kết một số thỏa thuận hợp tác, trong đó có việc sử dụng dân sự năng lượng hạt nhân và Nhật Bản tài trợ tàu cao tốc đầu tiên cho Ấn Độ với khoản vay mềm 12 tỷ đôla.
Hai bên cũng đề cập đến bản tuyên bố chung về vấn đề Biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của các tuyến hàng hải ở Biển Đông đối với an ninh năng lượng khu vực và thương mại, đồng thời kêu gọi các bên liên quan kiềm chế những hành động có thể gây căng thẳng trong khu vực.
The Economic Times trích nhận định của Hoàn Cầu Thời Báo nói “qua việc hợp tác nói trên, chính quyền của ông Abe hy vọng có quan hệ quốc phòng và an ninh gần gũi với Ấn Độ để thiết lập ‘chuỗi hạt kim cương’ (một nhóm các nước hợp tác về an ninh) mà ông ấy không ngừng theo đuổi”.
Tờ báo nói tiếp: “Ông Modi đã đáp trả. Tuyên bố chung với ông Abe lần đầu tiên đề cập tới Biển Đông cho thấy sự ủng hộ của ông ta đối với sự can dự của ông Abe trong tranh chấp ở Biển Đông”.
Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 14/12, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho thấy sự bất bình sâu sắc về sự hợp tác này: “Chúng tôi hy vọng các quốc gia ngoài khu vực tôn trọng các nỗ lực của các nước trong khu vực trong việc duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Đông, thay vì làm ngược lại”.
Người đại diện Bộ ngoại giao Trung Quốc cũng khẳng định: “Các hoạt động xây dựng mà Trung Quốc thực hiện tại những bãi đá và các đảo ở Biển Đông là thuộc phạm vi chủ quyền của Trung Quốc”.
Cả hai quốc gia Nhật Bản và Ấn Độ đều có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Những thỏa thuận mới đây được xem là phản ứng chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Nhật Bản đã từng tránh hợp tác hạt nhân với Ấn Độ, nước không phê chuẩn Hiệp ước Không phổ biến Hạt nhân, nhưng các nhà phân tích nói Tokyo đã dịu lại trong lập trường của mình.
Việc Nhật Bản tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar với Ấn Độ và Mỹ gần đây cũng đã khiến Trung Quốc tức giận.
Theo The Economic Times, The Quint, Oracle Union.
No comments:
Post a Comment