Friday, December 18, 2015

Việt Nam bị áp lực phá giá đồng nội tệ lần thứ tư

HÀ NỘI (NV) - Trong khi Mỹ tăng lãi suất thì Việt Nam lại đẩy lãi suất ký thác đồng đô la xuống bằng không (0), một quyết định mà giới tài chính cho rằng đang có áp lực phá giá tiền đồng lần thứ tư.

Việt Nam đang bị áp lực phá giá đồng nội tệ lần thứ tư vào cuối năm 2015. (Hình : Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

Trong một thông báo phổ biến trên trang mạng, Ngân Hàng Nhà Nước CSVN hôm Thứ Năm 17 Tháng Mười Hai, 2015 loan báo lãi suất bằng không (0) cho tiền gửi ngân hàng bằng đô la Mỹ áp dụng từ ngày 18 Tháng Mười Hai, 2015. Mức lãi suất này áp dụng chung cho cả ký thác của cá nhân cũng như của các tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài).

Trước quyết định vừa kể, lãi suất ký thác tiết kiệm bằng đồng đô la Mỹ được Ngân Hàng Nhà Nước CSVN ấn định là 0.25%.

Hối suất đồng nội tệ của Việt Nam sụt giá 0.14% tuần này nên phải đổi (giá chính thức) 22,532 đồng ăn một đô la hôm Thứ Sáu. Từ Tháng Tám, 2015 vừa qua, nhà cầm quyền Hà Nội đã nới rộng biên độ hối suất đồng nội tệ từ 2% lên 3% hai chiều, tránh né nói thật là phá giá đồng bạc lần thứ 3 trong năm nay do phải vội vã đánh sụt giá đồng nội tệ sau khi Trung Quốc phá giá đồng nhân tệ.

Đồng tiền của nhiều nước Á Châu đang phát triển bị mất giá khi Quỹ Dự Trữ Liên Bang Mỹ (Fed) loan báo tăng lãi suất liên ngân hàng nhằm chận đầu dấu hiệu lạm phát trong khi Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc cũng vội hạ giá đồng nhân dân tệ.

Theo ông Đào Đức Mạnh, một nhà buôn bán ngoại tệ tại ngân hàng National Citizen Bank ở Hà Nội, được thuật lời trên bản tin của báo tài chính Bloomberg cho rằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc sụt giá sẽ tạo áp lực lên đồng nội tệ của Việt Nam. Bởi vậy, nhiều phần đồng bạc Việt Nam sẽ phải phá giá thêm vào đầu năm tới.
“Việc Ngân Hàng Nhà Nước hạ lãi suất ký thác đồng đô la Mỹ không có bao nhiêu tác động trong đoản kỳ.” Ông Mạnh nói. “Những ai muốn tích trữ đồng đô la thì họ vẫn tiếp tục làm như vậy vì lãi suất trước đó cũng đã thấp rồi.”

Vì cần thu gom ngoại tệ cho nhu cầu chi trả và nhập cảng, trước đây Ngân Hàng Nhà Nước CSVN ấn định lãi suất cho đồng đô la Mỹ ký thác là 0.75%. Nhưng đến ngày 27 Tháng Chín, 2015, đánh sụt xuống còn 0.25% và bây giờ thì chỉ bằng không (0).

Trong một cuộc phỏng vấn phổ biến ngay trên trang mạng của Ngân Hàng Nhà Nước, bà Nguyễn Thị Hồng, phó thống đốc, nói rằng Ngân Hàng Nhà Nước “sẽ tiếp tục nhất quán với những giải pháp điều hành, kể cả các giải pháp về lãi suất, về tiền gửi và các giải pháp liên quan đến cơ chế điều hành” để “ổn định thị trường.”

Trong bản thông báo chính thức, Ngân Hàng Nhà Nước CSVN nói việc định lãi suất bằng không (0) đối với đồng đô la Mỹ ký thác tiết kiệm là nhằm “thực hiện chủ trương chống đô la hóa của chính phủ, chuyển từ quan hệ huy động - cho vay bằng ngoại tệ sang quan hệ mua - bán bằng ngoại tệ.”

Một trong những mục đích mà Ngân Hàng Nhà Nước muốn xảy ra, khi thấy gửi tiền đô la ở ngân hàng không có sinh lời trong khi gửi đồng bạc nội tệ thì phân lời còn khá cao, người ta có thể bỏ chạy từ đô la sang tiền đồng để kiếm lời.

Tuy nhiên, hành động của Ngân Hàng Nhà Nước CSVN có đạt được mục đích tích cực nào không, sẽ còn phải chờ. Khi Hà Nội phá giá đồng bạc lần thứ ba vừa qua, rồi hạ lãi suất ký thác đô la từ 0.75% xuống còn 0.25%, không mấy ai bỏ đô la mà đổi lấy đồng bạc. Người ta luôn luôn sợ sự bấp bệnh của đồng bạc.

Trong một bài phân tích tình hình thị trường ngoại hối, tờ TBKTSG nói rằng khi “lãi suất giảm còn 0.25% nhưng huy động đô la Mỹ vẫn tăng đều trong các tháng gần đây và với doanh nghiệp dù lãi suất về 0% họ vẫn găm giữ ngoại tệ chứ không bán cho ngân hàng để chuyển sang tiền đồng.”

Theo ý kiến của một chuyên viên ngân hàng Ngân Hàng Quân Đội tại Hà Nội được thuật lại trên Bloomberg, đồng bạc của Việt Nam sẽ vẫn bị áp lực phá giá chừng nào Fed còn tăng lãi suất và Trung Quốc còn đánh sụt giá đồng nhân dân tệ để cứu nền kinh tế của họ.

Nhìn chung, đồng bạc của Việt Nam đã mất giá 5.1% năm nay sau ba lần phá giá vào Tháng Giêng, Tháng Năm và Tháng Tám. (TN)

12-18-2015 5:10:27 PM 

No comments:

Post a Comment