Friday, December 18, 2015

Tình trạng lãng phí xe công tại Việt

Nam Anh Vũ, thông tín viên RFA 2015-12-17  
xe-cong2-622.jpg
Xe công làm xe hoa Courtesy photo
Ở Việt Nam, hàng năm ngân sách phải chi hàng chục ngàn tỉ đồng cho việc vận hành xe ô tô công. Đây là một gánh nặng trong khi tình hình nợ công đang ở mức báo động. Thực trạng vấn đề lãng phí ngân sách trong việc sử dụng xe công hiện nay thế nào và cần có giải pháp gì để khắc phục?

Xe công dùng cho mục đích cá nhân

Theo số liệu do Cục Quản lý Công sản, Bộ Tài chính mới đây, cả nước hiện có 40.000 xe công, chưa kể các xe của các đơn vị vũ trang và xe của các doanh nghiệp nhà nước. Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, trong tổng giá trị tài sản Nhà nước đến hết năm 2014 là 999.692 tỉ đồng, thì tài sản xe công chiếm hơn 20.600 tỉ đồng, nghĩa là tương đương gần 1 tỉ USD.
Không chỉ số lượng xe công hiện nay là quá lớn, mà tình trạng các xe công bị dùng cho mục đích cá nhân hết sức phổ biến và đã khiến cho người dân hết sức bức xúc. Anh Hòa, một người dân ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang bày tỏ:
Tôi đi đám cưới để ý thấy 2/3 số xe ô tô ở đây toàn biển số xanh, biển số đỏ (xe nhà nước) và tôi không hiểu rằng người ta lấy những cái xe đó để sử dụng cho cá nhân thì ai là người trả tiền xăng, tiền dầu?
-Anh Hòa
“Tôi đi đám cưới để ý thấy 2/3 số xe ô tô ở đây toàn biển số xanh, biển số đỏ (xe nhà nước) và tôi không hiểu rằng người ta lấy những cái xe đó để sử dụng cho cá nhân thì ai là người trả tiền xăng, tiền dầu?”
Báo Tuổi trẻ online ngày 25/10/2015 đã phải đặt câu hỏi: cả nước có 63 tỉnh, thành, theo quy định thì mỗi tỉnh chỉ có 3 - 4 vị trí được sử dụng xe công thường xuyên. Trong điều kiện vận tải công cộng phát triển, đường xá lưu thông tốt hơn so với trước rất nhiều, xe cộ gia đình cũng không còn khó khăn nữa. Vậy tại sao có đến 40.000 xe công?
Đánh giá về thực trạng sử dụng xe công hiện nay, ông Nguyễn Hữu Hòa, cán bộ Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách nhận định:
“Tại quan bây giờ mắc bệnh hoành tráng, thích oai, có 2-3 ông xuống công tác ở một nơi cũng dùng 2-3 cái xe. Song vấn đề chính là tại mấy ông quản lý bật đèn xanh cho cấp dưới, ví dụ như ngày mai cần một cái xe đi đám cưới con cháu thì họ làm lệnh điều xe đi công tác. Thế là xăng nhà nước đổ vào, lái xe cũng của nhà nước… toàn là chi tiêu của công tác quản lý cả.”
Xe công từ trước đến nay luôn ở tình trạng sử dụng vô tội vạ, vì là của chung không ai xót và hiện nay việc sử dụng xe công cho mục đích cá nhân lại là chuyện bình thường. Ông Bùi Mão, một cán bộ về hưu đang sống ở Hà nội, cho biết:
“Xe công sử dụng cho việc riêng không phải là ít đâu, họ dùng thủ thuật để hợp lý hóa. Ngay từ lệnh điều xe, phiếu cấp xăng v.v… toàn ghi là đi công tác, hay đi giao lưu, đi học hỏi nhưng thực chất là đi nghỉ mát, đi chơi, đi thăm bạn bè.”

13.000 tỷ đồng chi phí mỗi năm

Báo Dân trí online ngày 23/10/2015 cho biết, theo tính toán của Bộ Tài chính, một xe công trung bình mỗi năm sẽ tốn chi phí vào khoảng 320 triệu đồng/năm bao gồm tiền xăng dầu, bảo dưỡng, sửa chữa và lương cho lái xe. Như vậy, ước tính mỗi năm, 40.000 xe công sẽ tiêu tốn khoản tiền ngân sách lên tới gần 13.000 tỷ đồng để nuôi số xe này.
xe-cong3-400.jpg
Xe công tại Việt Nam. Courtesy photo.
Bình luận về thông tin này, ông Nguyễn Hữu Hòa nhận xét rằng, theo Bộ Tài chính ấn định thì năm 2014 giá mua xe công là 923 triệu đồng. Theo ông, trung bình tuổi thọ của một chiếc ô tô là 10 năm thì mỗi năm mất hơn 90 triệu cho tiền mua xe và gộp với các khoản chi phí vận hành, bảo hiểm các loại khác thì cũng phải lên tới gần 400 triệu đồng/năm. Ông khẳng định:
“Con số 13 ngàn tỷ theo tôi là chưa chính xác, vì còn khấu hao xe, còn lãi suất của đồng vốn bỏ ra mua xe nữa chứ. Tôi nghĩ con số thật sẽ còn lớn hơn 13 ngàn tỷ nhiều.”
Khi được hỏi, nguyên nhân do đâu dẫn đến tình trạng sử dụng xe công tràn lan và hết sức lãng phí như hiện nay?
Ông Đỗ Viết An, một nhà báo ở Hà nội khẳng định:
“Tất cả là do cấp trên, kể cả Bộ Tài chính và các ban ngành buông lỏng, nếu họ không duyệt thì làm sao mua được và tại sao có tình trạng năm ngoái vừa đã mua xe mà năm nay lại cho mua tiếp? Cái đó cho thấy, việc quản lý hiện nay là quá lỏng lẻo.”
Nói về vai trò của nhà nước trong vấn đề sử dụng xe công hiện nay, một cán bộ thuộc Cục quản lý công sản, Bộ Tài chính yêu cầu dấu danh tính thấy rằng, tháng 9/2015 Thủ tướng đã có quyết định 32 để thay thế Quyết định số 59 và 61 của Chính phủ. Trong đó quy định cụ thể về việc thay thế xe ô tô công, định mức xe công, mức khoán kinh phí, đối tượng được đưa đón bằng xe công, quy định việc mua sắm xe công và quy định xử lý vi phạm trong mua sắm xe công. Ông cho biết:
Con số 13 ngàn tỷ theo tôi là chưa chính xác, vì còn khấu hao xe, còn lãi suất của đồng vốn bỏ ra mua xe nữa chứ. Tôi nghĩ con số thật sẽ còn lớn hơn 13 ngàn tỷ nhiều.
-Ông Nguyễn Hữu Hòa
“Tôi nghĩ, để giải quyết cái này chúng ta cũng có nhiều cách làm, song trước hết là phải thực hiện đúng pháp luật và cái thứ 2 là đòi hỏi tính tự giác của mọi người. Phải chăng, mỗi hệ thống các cơ quan (nhà nước) nên có 1 công ty xe tập trung và khi nào cần sử dụng xe thì yêu cầu công ty này bố trí xe và được trừ vào chi phí của đơn vị. Còn hơn là để ở mỗi cơ quan có một đội xe khoảng hơn chục chiếc.”
Trả lời câu hỏi về các giải pháp nhằm giảm và tiến tới chấm dứt tình trạng lãng phí trong việc sử dụng xe công hiện nay, ông Nguyễn Hữu Hòa thì thấy rằng, vấn đề con người là quan trọng, trước hết cán bộ lãnh đạo phải gương mẫu, theo ông đó là vấn đề then chốt. Ông khẳng định:
“Không thể nào để xảy ra tình trạng cơ quan nào cũng có xe công, cái thứ 2 xe công thì phải dùng cho việc công và phải để ở cơ quan chứ không cho mang về nhà. Và không chỉ đưa ra các chính sách hay các quy định về chế độ cụ thể, mà cần phải trong chờ vào tính tự giác của các vị này. Vì tầm cỡ của các vị ấy chẳng ai phải bảo cả, chẳng ai kỷ luật được các vị ấy cả, họ toàn là những cán bộ cao cấp chứ có phải cấp nhỏ đâu?”
Còn nhà báo Đỗ Viết An thì đề xuất:
“Theo tôi bây giờ cần phải có một quy chế, một quy định rất cụ thể là những đối tượng nào, ở cấp nào và chức vụ nào được sử dụng xe công? Còn lại những xe công ngoài những đối tượng đã quy định, thì chúng ta cho thanh lý, số tiền đó đưa vào sử dụng cho các công trình dân sinh, phúc lợi. Nếu như thế hàng năm còn tiết kiệm đỡ được biết bao nhiêu tiền.”
Như ý kiến của ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục quản lý công sản - Bộ Tài chính khi cho rằng, trong tình hình bội chi ngân sách Nhà nước khá cao, và nợ công chồng chất như ở VN hiện nay, thì các biện pháp chống lãng phí trong việc sử dụng xe công là một việc làm hết sức cần thiết. Và thay vì hô hào, kêu gọi, thì Nhà nước cần phải có những quy định cụ thể để làm rõ trách nhiệm của người lãnh đạo, nếu gây ra tổn thất và lãng phí, thì phải áp dụng các biện pháp chế tài cụ thế.

No comments:

Post a Comment