Sunday, December 13, 2015

Thuế và Hải quan: Doanh nghiệp nặng gánh với “phí bôi trơn”, “tham nhũng vặt”

 An Ngọc-12/12/2015, 15:07

Thuế và Hải quan: Doanh nghiệp nặng gánh với “phí bôi trơn”, “tham nhũng vặt”


Tình trạng doanh nghiệp phải “lót tay” cho cán bộ thuế vẫn là quan ngại của nhiều hiệp hội doanh nghiệp và liên minh hợp tác xã.

Thông tin trên được đưa ra trong Báo cáo kết quả giám sát lĩnh vựcThuế và Hải quan năm 2015 do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) vừa công bố chiều ngày 12/12 tại Hà Nội.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI, cho biết chi phí không chính thức làm việc với cán bộ thuế vẫn là vấn đề khá phổ biến khi có tới 55% đơn vị cho rằng nếu không “chi thêm” thì doanh nghiệp sẽ bị phân biệt đối xử. Cụ thể, có tới 85% cho biết sẽ bị yêu cầu bổ sung, giải trình hồ sơ; 68% bị kéo dài thời gian làm thủ tục và 66% gặp phải thái độ không văn minh, lịch sự của công chức thuế.
Thuế phiền hà với thủ tục thanh, kiểm tra
Tuy nhiên, tồn tại việc chi trả các chi phí không chính thức không chỉ từ thực trạng nhũng nhiễu, làm khó doanh nghiệp của một số cán bộ, mà có thể là do sự chủ động và đồng thuận của chính doanh nghiệp để tránh được một phần nghĩa vụ nộp thuế của mình.
“Nếu điều này xảy ra sẽ làm thất thu ngân sách, tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh, không công bằng với những doanh nghiệp khác tuân thủ tốt luật lệ” – VCCI nhận định.
Cũng trong báo cáo của VCCI, mặc dù nhóm thủ tục về khai thuế, đăng ký thuế và nộp thuế có tỷ lệ đánh giá "không" hoặc "ít phiền hà" tương đối cao, song vẫn còn một số thủ tục bị đánh giá đang còn nhiều trở ngại.
Trong đó, có 64% đánh giá thủ tục thanh, kiểm tra thuế còn phiền hà và tương đối phiền hà; 57% đánh giá nhóm thủ tục hoàn thuế và miễn giảm thuế còn phiền hà. Vấn đề thời gian vẫn là mối quan ngại lớn nhất cho các đơn vị, khi có tới 68% đơn vị cho biết thời gian giải quyết quá dài; 54% cho biết cán bộ thuế yêu cầu cung cấp thông tin, giấy tờ không cần thiết và 47% cho biết cán bộ thuế không hướng dẫn đầy đủ và tận tình.
Liên quan đến khảo sát trong lĩnh vực hải quan, có tới 60% đồng ý cho rằng các luật, pháp lệnh, nghị định của Trung ương về Hải quan được đánh giá là dễ tiếp cận nhất; 75% hài lòng với trang thông tin điện tử của cơ quan hải quan và 68% hài lòng với các buổi đối thoại do hải quan tổ chức…
Chất lượng tiếp cận thông tin thủ tục hành chính cũng tương đối tích cực khi có 66% đơn vị cho rằng thông tin sẵn có, dễ tìm; 55% đơn vị cho biết thông tin cơ quan hải quan cung cấp là thống nhất và 53% cho rằng cách bố trí sắp xếp đón tiếp khi doanh nghiệp tới tìm hiểu thông tin hải quan là thuận lợi.
TUy nhiên, ở hai tiêu chí đánh giá chất lượng thông tin cung cấp còn hạn chế khi chỉ có 39% đơn vị cho rằng cơ quan hải quan cung cấp thông tin nhanh chóng, kịp thời; 47% đơn vị cho rằng thủ tục đơn giản, dễ hiểu.
Theo VCCI, rõ ràng nếu không có các hành động tăng cường tính minh bạch, đơn giản hóa nội dung thông tin thủ tục hải quan cũng như nâng cao trách nhiệm của các cơ quan hải quan, thì chi phí thời gian để doanh nghiệp tìm hiểu thông tin về chính sách, pháp luật hải quan sẽ gia tăng, gây tốn kém và thậm chí còn làm mất đi cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.
Chỉ 21% cho biết cán bộ Hải quan lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp
Những nhóm thủ tục hải quan gây phiền hà nhất bao gồm: giải quyết khiếu nại (47%); xử lý vi phạm hành chính (41%) và thủ tục thông quan (40%). Trong đó, 69% cho rằng thời gian giải quyết là quá dài, 62% yêu cầu cung cấp thêm thông tin, giấy tờ không cần thiết và 45% cho biết cán bộ hải quan không hướng dẫn kịp thời, tận tình và 44% phải trả thêm các chi phí không chính thức và 36% cho biết gặp khó khăn khi biểu mẫu thay đổi.
Đặc biệt, đánh giá về cán bộ, công chức ngành Hải quan, phần lớn các đơn vị cho biết việc thực hiện kỷ cương của cán bộ Hải quan ở mức khá. Tuy nhiên, chỉ có 21% đơn vị đồng tình cán bộ hải quan lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp cho thấy doanh nghiệp khá quan ngại khi cho rằng tiếng nói của doanh nghiệp chưa tới được cơ quan hải quan.
Các đơn vị cũng bày tỏ quan ngại về tình hình chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ hải quan khi có tới hơn một nửa cho rằng vấn đề này vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện. 64% cho biết vẫn còn tâm lý e ngại bị phân biệt, đối xử nếu không “lót tay”; 86% cho biết sẽ bị kéo dài thời gian làm thủ tục và 74% bị yêu cầu phải giải trình và bổ sung các chứng từ không theo quy định; 39% cho biết cán bộ hải quan có thái độ không văn minh lịch sự.
Khảo sát của VCCI được thực hiện từ tháng 9 đến tháng 10/2015 và có 180 đơn vị phản hồi. Trong đó có 153 hội/hiệp hội doanh nghiệp và 27 liên minh hợp tác xã các tỉnh/thành phố.
Theo Trí thức trẻ

No comments:

Post a Comment