Ngày 11/12/2015, hàng loạt giáo dân Đông Yên, thuộc Thị xã Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh chủ yếu là đàn bà và trẻ con đã chặn đường Quốc lộ 1A và 1B qua địa bàn Kỳ Anh để phản đối việc nhà cầm quyền Hà Tĩnh đã bắt một số giáo dân cách trái pháp luật.
Việc chặn đường gây sức ép đã tạo ra sự ách tắc trên Quốc lộ 1 đoạn qua Kỳ Anh, Hà Tĩnh từ 8h sáng ngày 11 đến 11h30 ngày 12/12/2015. Hàng loạt xe cô qua đường đã tắc nghẽn vì một số người dân bồng bế con trẻ lên ngồi ở đường Quốc lộ 1A giăng biểu ngữ đòi thả người vô tội bị bắt cách mờ ám, trái quy định của pháp luật hiện hành. Nhà cầm quyền Hà Tĩnh phải nhờ đến Quảng Bình phân làn xe cộ đi từ Quảng Bình lên tuyến đường Trường Sơn tránh đoạn này.
Chặn bắt "người vôi tội", kiểu bắt cóc - trái luật pháp
Trả lời câu hỏi của chúng tôi về việc bắt giữ hai giáo dân, một giáo dân ở đây cho biết: "Hai người đang đi trên đường bị công an chặn bắt, không có lệnh mà cũng không về đến nhà cửa gì. Cứ thế là chặn bắt thôi".
Một giáo dân Đông Yên khác cho biết cụ thể hơn: "Khi người dân đi qua Cầu Rác (thuộc phía Bắc Kỳ Anh) thì họ chặn bắt. Còn một người đang làm việc ở Fomosa thì công an chạy xe về bắt đi".
Trả lời câu hỏi: "Sau khi bị bắt, nhà cầm quyền đã làm gì, đã thông báo gì về cho gia đình chưa"? Giáo dân trả lời: "Chưa có thông báo gì, mặc dù đã quá 24 tiếng bắt giữ nhưng gia đình vẫn chưa biết được bị bắt vì lý do gì". Còn một giáo dân khác thì cho biết: "Sau khi bắt, công an không nói gì, nhưng xã nói là bắt để điều tra".
Cũng cần nhắc lại rằng, việc bắt người dân một cách trái pháp luật quy định bằng biện pháp bắt cóc, không chỉ bây giờ, mà ở hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã xảy ra rất nhiều. Và vì rất nhiều lần không bị ai phản ứng, cơ quan luật pháp dung túng, do vậy họ đã coi như việc bắt công dân tùy tiện là việc đương nhiên.
Còn nhớ, những giáo dân Mỹ Yên (Nghi Lộc, Nghệ An) cũng đã bị bắt cóc khi ra khỏi làng đi thăm thân nhân, công việc...
Nguyên nhân việc bắt giữ của cơ quan Công an Hà Tĩnh ở đây là gì?
Theo báo Thanh Niên, thì "...tối 9.12, tại vùng tái định cư thôn Đông Yên (xã Kỳ Lợi) phát ra một tiếng nổ lớn nghi là tiếng mìn tự tạo phát nổ". Còn theo Báo Tuổi Trẻ, thì "trung tá Nguyễn Thanh Thiện, phó trưởng công an thị xã Kỳ Anh, khẳng định cơ quan điều tra bắt giữ hai người dân ở thôn Đông Yên là đúng. Theo trung tá Thiện, hai người này có hành vi bắt giữ người trái pháp luật rồi chém người, gây nổ mìn".
Như vậy, việc "phát ra một tiếng nổ lớn nghi là mìn tự tạo" vào tối 9/12 và việc Công an khẳng định "hai người này có hành vi bắt giữ người trái pháp luật rồi chém người, gây nổ mìn" để bắt cóc hai người này là căn cứ vào cơ sở pháp luật nào?
Hẳn nhiên, việc bắt giữ này không phải là việc bắt bớ thông thường. Vậy, đây có phải là vụ bắt giữ khẩn cấp?
Theo quy định pháp luật, thì việc bắt giữ khẩn cấp chỉ được thực hiện "Khi người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn". Điều này được quy định rõ ràng tại điểm b khoản 1 Điều 84 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS)
Cũng nếu trường hợp có lệnh bắt khẩn cấp, thì pháp luật quy định tại khoản 2 Điều 80, Điều 84, Điều 85 của BLTTHS: Lệnh bắt phải ghi rõ ngày, tháng, năm, họ tên, chức vụ của người ra lệnh; họ tên, địa chỉ của người bị bắt và lý do bắt. Lệnh bắt phải có chữ ký của người ra lệnh và có đóng dấu.
Người thi hành lệnh phải đọc lệnh, giải thích lệnh, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt.
Biên bản phải ghi rõ ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm bắt, nơi lập biên bản; những việc đã làm, tình hình diễn biến trong khi thi hành lệnh bắt, những đồ vật, tài liệu bị tạm giữ và những khiếu nại của người bị bắt.
Biên bản phải được đọc cho người bị bắt và những người chứng kiến nghe. Người bị bắt, người thi hành lệnh bắt và người chứng kiến phải cùng ký tên vào biên bản, nếu ai có ý kiến khác hoặc không đồng ý với nội dung biên bản thì có quyền ghi vào biên bản và ký tên.
Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó cư trú phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người láng giềng của người bị bắt chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó làm việc phải có đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi khác phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tiến hành bắt người.
Đặc biệt BLTTHS quy định rõ: Người ra lệnh bắt phải thông báo ngay cho gia đình người đã bị bắt, chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó cư trú hoặc làm việc biết.
Ở đây, theo giáo dân cho biết thì "Chưa có thông báo gì, mặc dù đã quá 24 tiếng bắt giữ nhưng gia đình vẫn chưa biết được bị bắt vì lý do gì". và "Sau khi bắt cóc, công an không nói gì, nhưng xã nói là bắt để điều tra".
Như vậy, hai người đang sinh sống bình thường ngay tại địa phương, đang đi làm tại cơ quan, đang đi giúp sửa chữa nhà người khác, không có đủ các cơ sở cho việc "Bắt khẩn cấp". Và việc bắt bớ đã diễn ra là bắt cóc dọc đường, không được thông báo cho thân nhân... thì nhà cầm quyền đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong quá trình bắt giữ và thủ tục cần thiết sau khi bắt giữ hai người này.
Người dân Đông Yên khẳng định với chúng tôi: "Những người bị bắt là những người vô tội, chính quyền sai hoàn toàn".
Chính vì vậy mà sự bức xúc của người dân nơi đây mới lên đến đỉnh điểm.
Phụ nữ và trẻ em đấu tranh cho thân nhân
Về vụ việc một số người bao gồm phần lớn là phụ nữ và trẻ em đã chặn đường Quốc lộ, giáo dân này cho chúng tôi biết: "Vì người trong làng trong nước, làng xóm với nhau, họ quen biết nhau, sống với nhau gần gũi, tình cảm với nhau, khi thấy bắt người vô tội thì họ buộc phải ra chặn đường gây sức ép buộc phải trả người lại".
Một giáo dân khác cho hay: "Vì sự bức xúc khi nhà nước bắt người vô tội, một số người đã chặn đường Quốc lộ 1A để yêu cầu thả người vô tội".
Chúng ta không bao giờ ủng hộ những việc làm trái luật pháp hay có tính chất bạo động, ảnh hưởng đến cộng đồng. Thế nhưng, khi nhà cầm quyền đẩy người dân đến chỗ cuối cùng, khi lòng tin trong họ không còn nữa, thì họ đã buộc phải tìm cho mình một phương cách phản ứng cuối cùng, dù biết đối đầu với súng đạn cộng sản là nguy hiểm và có thể mất mạng.
Việc người dân lo lắng cho thân nhân, láng giềng, hàng xóm của mình khi sa vào tay Công an một cách mờ ám và yêu cầu cơ quan công quyền làm rõ và đúng pháp luật là việc làm đầy tình nghĩa đáng hoan nghênh. Chỉ vì người dân Việt Nam gần đây đã chứng kiến không biết bao nhiêu người khỏe mạnh sau khi vào đồn công an đã trở thành cái xác không hồn, thànhtâm thần, tàn tật... bởi muôn vàn lý do như đùa. Từ lý do tự tử ngồi, rửa bát bẩn, đột quỵ do chống đẩy...
Thế nhưng, rồi tất cả hệ thống công an, công quyền, cán bộ đều bình an, vô sự hoặc vài cái án lấy lệ. Chỉ có những người chết thì gia đình đem về... chôn.
Bởi, hầu như hệ thống luật pháp này chỉ dùng cho người dân, còn với hệ thống công quyền, những chế tài của luật pháp được loại trừ? Trong ngày hôm nay, một tài xế xe tải hoảng loạn bỏ chạy kéo lê một CSGT đã đến trình diện và bị bắt giam hình sự ngay. Nhưng cách đây hơn một tuần, một cán bộ là Viện Trưởng Viện Kiểm sát VKSND huyện Tu Mơ Rông - Trần Quang Hùnguống rượu rồi lái xe đâm loạn xạ 6 người dân rồi bỏ chạy về nhà cố thủ trong nhà, thì các cơ quan đang nghiên cứu và... chờ xem có khởi tố hay không. Cũng chỉ bởi mạng 6 người kia chỉ là người dân mà thôi.
Tạm kết
Hai người dân Đông Yên bị bắt cách mờ ám, đang trong tay Công an. Chưa rõ công an sẽ làm điều gì để biến họ thành tội phạm. Điều này còn phải chờ đợi cách xử sự của nhà cầm quyền ở đây.
Nhưng!
Những giáo dân ở Đông Yên cho chúng tôi hay rằng: Những người bị bắt là những người dân hiền lành, được tôn trọng trong giáo xứ và không trộm cắp, không có hành vi vi phạm pháp luật. Họ là những người được tín nhiệm bầu làm Trưởng và Phó ban An Ninh giáo xứ, là những người có tư cách và đạo đức tốt từ xưa đến nay. Và họ khẳng định những người này vô tội.
Chỉ riêng việc hàng trăm người dân, cả cộng đồng dân chúng ở đây sau bao đời sống với nhau, từ bà già, phụ nữ đến trẻ em đã phải đoàn kết kéo nhau ra chặn đường như một biện pháp cuối cùng để đòi công lý cho nạn nhân, cũng đã đủ để hiểu nạn nhân là ai, và nhà cầm quyền đã hành xử như thế nào.
Bởi dù là cộng đồng nào, thì cũng chẳng có ai dung dưỡng cho những người có hành động giết người hay đạo đức xấu mà họ biết rõ.
Điều này, may ra chỉ có trong hàng ngũ cán bộ Cộng sản mà thôi.
Video: Phỏng vấn giáo dân Đông Yên về việc bắt giữ người 11/12/2015:
Hà Nội, Ngày 12/12/2015
· J.B Nguyễn Hữu Vinh
No comments:
Post a Comment