Vũ Minh Ngọc / SBTN-12/13/2015 - 07:33
Công nhân Việt Nam còn thiếu kỹ năng, thiếu tay nghề. Khả năng cạnh tranh của người lao động Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, cho nên sẽ thua ngay trên sân nhà trong bối cảnh cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập cuối năm nay.
Ảnh: S.Huỳnh
Đây là nhận xét của phúc trình do ông Nguyễn Sơn, phó văn phòng ban chỉ đạo liên ngành hội nhập kinh tế quốc tế thuộc Bộ Công Thương, trình bày tại Diễn đàn doanh nhân trẻ ASEAN+3 được tổ chức từ 12 đến 14-12, tại Sài Gòn.
Ông Sơn cho biết, hiện nay chỉ có khoảng 15% công nhân đã qua đào tạo nghề. Người lao động có trình độ đại học và sau đại học chỉ chiếm xấp xỉ 3%. Như vậy, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ thiếu lao động có kỹ năng, trình độ cao. Theo ông Sơn, việc mở cửa thị trường lao động đối với một số lĩnh vực, chẳng hạn như du lịch, kế toán... sẽ giúp doanh nghiệp tại Việt Nam bù đắp sự thiếu hụt lao động chất lượng cao nhờ nguồn cung từ các nước khác trong ASEAN. Điều đó có lợi nhất định cho các doanh nghiệp đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, nhưng đồng thời khiến lao động nội địa ít nhiều gặp khó khăn.
“Đây chính là điều bất lợi, thiệt thòi cho công nhân Việt Nam khi chúng ta không thể đáp ứng được những vị trí, công việc có thu nhập cao, mà lại nhường vị trí ấy cho lao động của các nước trong khu vực. Trong khi đó, lao động phổ thông của Việt Nam lại phải đi kiếm việc ở các nước khác”, ông Sơn nói thêm: “Hiện có khoảng 70,000-80,000 công nhân Việt Nam làm việc tại Thái Lan, nhưng trong đó có tới 50,000 lao động bất hợp pháp”.
Dẫn số liệu khác với ông Sơn, ông Phạm Phú Ngọc Trai, chủ tịch công ty tư vấn hội nhập toàn cầu, nói rằng Việt Nam chỉ có dưới 5% người lao động có tay nghề. Trong lúc đó, Việt Nam lại có tỉ lệ người lao động tốt nghiệp cao đẳng, đại học khá lớn nếu so với các quốc gia trong khu vực (9.1%). Nhưng rất nhiều người không được xếp đúng việc. Nhiều người tốt nghiệp đại học thất nghiệp, hoặc làm các việc đơn giản như bán hàng.
No comments:
Post a Comment