Sunday, December 13, 2015

Khi vụ án siêu nghiêm trọng trở nên cực kỳ nghiêm trọng

Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngồi trên đồi A1 ở Điện Biên Phủ (ảnh chụp tháng 5, 1984).
Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngồi trên đồi A1 ở Điện Biên Phủ (ảnh chụp tháng 5, 1984).
Gần đến Đại Hội XII đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN), xin lưu ý toàn đảng về một «Vụ án siêu nghiêm trọng» đã được nêu lên từ năm 2004, nhưng chưa được giải quyết minh bạch công khai. Nay nhân các nhà lãnh đạo cao nhất là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đều nói đến lập trường của đảng CSVN là công khai minh bạch trong mọi vấn đề đường lối chính sách và lịch sử, vấn đề này không thể bỏ qua.
Vụ án này được toàn xã hội biết đã 11 năm nay. Vào dịp lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 - 2004, người Hùng Điện Biên, nguyên Đại tướng - Tổng tư lệnh, Bí thư Quân ủy Trung ương Võ Nguyên Giáp đã lên tiếng nói về một «Vụ án siêu nghiêm trọng» của nước ta, cần giải quyết gấp rút theo đúng luật pháp của Nhà nước, kỷ luật quân đội, theo đúng kỷ cương của đảng CSVN.

Lời kêu gọi tâm huyết ấy lập tức được tuyệt đại đa số các tướng lĩnh, sỹ quan các cấp, cựu binh và trí thức hưởng ứng, trong đó có Đại tướng Chu Huy Mân và Đại tướng Nguyễn Quyết, các Thượng tướng Lê Ngọc Hiền, Phùng Thế Tài, Hoàng Minh Thảo, các Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Nguyễn Nam Khánh và Lê Tự Đồng, cùng với 20 thiếu tướng và 60 đại tá kỳ cựu, cùng một số cán bộ nòng cốt từ thời bí mật của đảng CSVN như cụ Mười Xô, các ông Nguyễn Văn Thi, Nguyễn Văn Bé, Trần Trọng Tân, Nguyễn Trọng Vĩnh, bà Nguyễn Thị Cương, …
Những tưởng rằng một vấn đề hệ trọng như thế ắt sẽ được giải quyết nhanh chóng, minh bạch, gọn gàng, để đất nước vươn lên mạnh mẽ, nhân dân sẽ được hưởng công bằng thành quả của phát triển trong thời kỳ mới, không bị hao hụt, cắt xén.
Nhưng không! Oái ăm thay, «vụ án siêu nghiêm trọng» đã bị Bộ Chính trị bóp chết, rồi rơi vào quên lãng đến mức mấy năm nay, không được ai nhắc đến nữa.

Bộ Chính trị khóa IX cuối năm 20O4 đã cử ra «Ban điều tra liên ngành» để điều tra về vụ án này, giúp cho cơ quan lãnh đảo của đảng kết luận. Nhưng khi ban này có bản kết luận sơ bộ và báo cáo thì Bộ Chính trị tự quyết định ỉm đi, không phổ biến, và không báo cáo cho Ban chấp hành Trung ương (BCHTƯ), cũng không báo cáo cho Đại hội X của đảng CS. Đây là một vi phạm nghiêm trọng Điều lệ và Cương lĩnh của đảng quy định BCHTƯ là cơ quan lãnh đạo cao nhất, ở trên Bộ Chính trị, và cấp trên cao nhất nữa là Đại hội đảng.
Và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người nêu lên Vụ án này đã chết, thọ trên trăm tuổi, mang theo mối hận ngàn thu khi thấy «Vụ án siêu nghiêm trọng» do ông nêu lên bỗng nhiên tan biến một cách thô bạo độc đoán, như mất hút khỏi trí nhớ mọi người.
Vào dịp Tết 2010, theo các báo mạng Dân Luận và Dân làm báo hồi ấy, khi Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đến chúc Tết, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - đã 97 tuổi – có nhắc đến vụ án này và đối tượng trung tâm của Vụ án thì được ông Mạnh cho biết: « Vâng, chúng tôi đang tìm nơi để cho anh ta đến rèn luyện». Sau đó nhân vật này, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, thủ trưởng Tổng cục II, được thăng chức thượng tướng (tháng 12/2011) và được bầu vào BCHTƯ. Thế là đại tướng đã ăn phải quả lừa của tổng bí thư như vậy đó.
Bài báo này là một nén hương an ủi của một người thân quen Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong mấy chục năm, từng đi cùng ông khắp các nẻo đường đất nước, rồi từ Á sang Âu, hiểu rõ tấm lòng của Tướng Giáp. Nay xa quê hương, tôi vẫn trân trọng tấm lòng của ông khi về già gần trăm tuổi còn lo nghĩ cho đất nước, 3 lần lên tiếng can ngăn vụ cho nước ngoài vào vùng chiến lược Tây Nguyên khai phá các mỏ bauxite tài nguyên hiếm quý của đất nước, với hậu quả khôn lường đối với môi trường.
Lúc này công luận không nên quên «Vụ án lớn» và quên con người bị hầu hết hàng tướng lĩnh và sỹ quan cao cấp đồng tình sâu sắc với tố cáo của Tướng Giáp coi là «kẻ nguy hiểm nhất cho nhân dân, cho Quân đội Nhân dân (QĐND) và cho đảng CSVN». Làm sao kẻ đó thoát tội, còn sống ung dung, và ngay cả trước khi Tướng Giáp qua đời, Nguyễn Chí Vịnh đã leo lên rất nhanh, rất cao trên đỉnh quyền lực, nghiễm nhiên đã trở thành vị tướng quyền lực thứ hai của QĐND, tham gia Đảng ủy Quân sự Trung ương, còn đảm nhận trọng trách Quan hệ Đối ngoại của Bộ Quốc phòng, cơ quan cơ mật nhất của Nhà nước, của đất nước, và trên thực tế lấn át chức quyền của đương kim Bộ trưởng Quốc phòng - Đại tướng Phùng Quang Thanh, vừa ốm vừa yếu đuối về mọi mặt.
Vì sao lại có chuyện kỳ lạ, trái khóay, bất thường như thế ?
Xin đưa ra một lý giải. Sau sự kiện Thành Đô tháng 9/1990, VN đã mở cửa hữu nghị thân thiết cho Bắc phương tràn vào nước ta nhân danh 16 chữ vàng. Theo tố cáo của cán bộ từng làm việc trong Tổng Cục II như Trung tá Vũ Minh Trí (xem tài liệu ghi dưới bài này) ngay từ trước đó Tổng cục II trực thuộc Bộ Quốc phòng đã móc nối liên lạc chặt chẽ với Cục Tình báo Hoa Nam là Cơ quan tình báo đông đảo lợi hại nhất của Trung Quốc, là trọng điểm hướng tới các nước Đông Nam Á ở phương Nam, mục tiêu «chinh phục» của đảng CSTQ, trong đó Việt Nam là mục tiêu hàng đầu.
Việc liên hệ mờ ám này tất nhiên được sự thúc đẩy của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Thủ tướng Đỗ Mười (2 người từng dự Mật đàm Thành Đô) và Chủ tịch nước Lê Đức Anh- người đã chủ trương nâng cấp Cục 2 - Cục Quân báo của Bộ Tổng tham mưu - lên thành Tổng cục II trực thuộc Bộ Quốc phòng đảm nhiệm cơ quan Tình báo Quốc gia. Các vị này ra sức thực hiện Mật ước Thành Đô, trong đó đại thể có những nội dung cơ bản được dự đóan - khó có thể sai - là:
« - Hai bên sẽ không nhắc gì đến cuộc Chiến tranh biên giới đầu năm 1979, chỉ hướng tới tương lai hòa hiếu, keo sơn lâu bền giữa 2 đảng và 2 nước, theo đúng 16 chữ vàng;

-  Sau bình thưòng hóa quan hệ 2 nước, VN dành cho Bắc Kinh là nguồn đầu tư số một, trao đổi buôn bán số một ; Bắc kinh sẽ là nguồn được đấu thầu ưu tiên, xây dựng các cơ sở công nghiệp lớn nhất, các nhà máy điện than, thủy điện, xi măng, gang thép, hóa chất, cơ khí, giao thông vận tải, cầu cống,, khai thác các mỏ, bô-xít ở Tây Nguyên là một trọng điểm, và trồng rừng dọc biên giới, với cán bộ và công nhân kỹ thuật TQ sang làm việc;

-  Việt Nam cam kết sẽ không liên minh với bất cứ nước nào khác, không cho quân đội nước ngoài có căn cứ trên lãnh thổ và hải phận nước mình, không cho quân đội nước ngoài nào đóng quân trên đất nước mình.Hai bên cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ về mọi mặt: chính trị, quốc phòng, an ninh, tình báo, kinh tế, tài chính, đào tạo cán bộ các ngành các cấp, nghiên cứu về đường lối chính sách; Trung Quốc đáp ứng mọi yêu cầu của Việt Nam khi cần, viện trợ hào hiệp như thời chiến, đầu tư quy mô lớn, cho vay với lãi xuất thấp, viện trợ không hoàn lại khi Việt Nam gặp khó khăn…»
Bên dưới là 4 chữ ký của Giang Trạch Dân, Lý Bằng, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười.
Hai tổng bí thư sau đó là Lê Khả Phiêu và Nông Đức Mạnh đều thi hành mẫn cán mật ước bất bình đẳng này và được Trung Quốc lớn đền bù hậu hĩ, do đó sống trong dinh thự như đế vương. Ông Mạnh đã cố ép Đại hội đảng khóa 10 (2006) cho con trai là Nông Quốc Tuấn và Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh vào BCHTƯ nhưng bị bác bỏ. Vậy mà tháng 12/2010 Tướng Vịnh vẫn được thăng cấp thượng tướng để đến năm 2011 được Đại hội XI bầu vào BCHTƯ trót lọt.
Theo bản tiểu sử tóm tắt trên Wikipedia, Tướng Vịnh từng được thăng cấp vùn vụt: trung úy,1981; thượng tá, vượt cấp, 1991; thiếu tướng, vượt cấp, 1999; trung tướng, 2004; thượng tướng, 2011.
Đây chính là «Con ngựa thành Troa của Bành trướng TQ», là nguồn gốc tai họa mất nước, mất chủ quyền, duy trì chế độ độc đảng toàn trị đúng theo mô hình TQ trên đất nước ta. Vậy mà trong văn kiện chuẩn bị cho Đại hội XII không hề nhắc đến dù thoáng qua, khi trên thực tế «Vụ án nghiêm trọng» do không giải quyết công minh đã trở nên cực kỳ nghiêm trọng, nghiêm trọng gấp bội trong 10 năm qua. Chính vì vậy mà bàn tay bành trướng đã thâm nhập sâu hơn, rộng hơn, nguy hiểm hơn 10 năm về trước.
Các thư góp ý của đông đảo trí thức, nhân sỹ cũng không ai nhắc đến, trên thực tế tuy đòi hỏi phải Thoát Trung nhưng không biết Thoát Trung như thế nào, vào lúc nào, với biện pháp nào, và quên hẳn một khâu then chốt. Đây có thể là «con át chủ» của bành trướng cài sâu vào nước ta, mà đảng và Nhà nước CS hoàn toàn làm như không có, không biết, vì hưởng nhiều lợi.
Đại hội XII theo đúng chức năng là cơ quan lãnh đạo cao nhất của đảng CS cần bàn cho ra lẽ vấn đề trọng yếu này trong lịch sử của đảng CSVN, vì hiện nay không ai phá đất nước, phá QĐND, phá đảng CSVN bằng nhân vật này, như một loạt tướng lĩnh QĐND từng nêu lên từ 10 năm trước. Đây cũng nên là một chủ đề trọng tâm để góp ý vào các văn kiện dự thảo cho Đại hội XII đang tới gần.
Giải quyết công khai nghiêm minh Vụ án còn lưu cữu này có thể là chìa khóa, mở rộng cửa cho một cuộc đột phá lớn nhằm thoát Trung để gắn bó với thế giới Dân chủ hùng mạnh, ưu việt, văn minh, mở ra Kỷ Nguyên Tự do - Dân chủ cho đất nước VN thân yêu. Đây rất nên, phải là một chủ đề tranh luận lớn nhất trong Đại hội XII sắp tới.
Một khi nhân vật cực kỳ nguy hiểm này và nhóm đương chức tiếp tay cho anh ta thành khẩn chủ động thú nhận tội lỗi, mong nhân dân ta sẽ cho họ hưởng đại xá, trong niềm hân hoan của toàn dân, kết thúc êm đẹp, có hậu một thời kỳ lịch sử bi thảm.
***
Chú thích:
Muốn biết đầy đủ về «Vụ án siêu nghiêm trọng» , xin tìm đọc cuốn sách «Vụ án siêu nghiêm trọng - Đấu đá ở thượng tầng kiến trúc Đảng CSVN». (Tủ sách Thời sự VN và thế giới- 2004, do Nhà xuất bản Cành Nam ở Hoa Kỳ phát hành- 350 trang ). Một số nội dung bài viết lấy từ tập sách này.
Email là: canhnam@dc.net Điện thoại : (703) 525-4538 . Ấn phí : 15 US$ - đôla. Địa chỉ: Cành Nam Publishers 2607 Military Road Arlington , Virginia 22207, U.S.A.
* Blog của nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

No comments:

Post a Comment