04.11.2015
Một tờ báo đã gỡ bỏ bài, trong đó dẫn bình luận nói rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang tỏ ra “nhanh chân” hơn ông Obama trong ván cờ Trung - Mỹ ở Biển Đông” khi tới thăm Việt Nam trong hai ngày sắp tới.Tờ Giáo dục Việt Nam cuối tháng trước đã trích bài viết của một tờ báo Trung Quốc ở hải ngoại, trong đó viết rằng “trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đặt chân đến Châu Á, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã quyết định thăm chính thức Việt Nam và Singapore từ 5/11 đến 7/11”.
“Mục đích chuyến thăm của ông Tập Cận Bình là nhằm ngăn chặn can thiệp của Mỹ vào Biển Đông và thúc đẩy cái gọi là đàm phán song phương theo lộ trình các bước và tần suất đàm phán do Trung Quốc đặt ra tránh để quan hệ giữa Hoa Kỳ với một số nước ASEAN mật thiết hơn nữa?!”, tờ báo viết.
"Tôi không chào đón ông ta [Tập Cận Bình] vì việc một kẻ đứng đầu một đất nước đang xâm chiếm biển đảo, và quân đội của họ vẫn đang đánh đập, bắt bớ ngư dân của mình thì họ không hề có một ý tốt đẹp nào với mình cả. Cho nên chúng tôi không muốn tiếp đón một người lãnh đạo của Trung Quốc."-Anh Nguyễn Văn Phương, câu lạc bộ bóng đá No-U, nói.
Tờ Giáo dục Việt Nam còn viết thêm rằng chuyến thăm của ông Tập “mang màu sắc nhanh chân chạy trước”.
Tuy nhiên, tới ngày 4/11, tức một ngày trước khi ông Tập tới Hà Nội, bài báo này không còn xuất hiện trên trang web của tờ báo thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.
Khi bấm vào đường dẫn bài báo trước đây thì chỉ nhận được thông báo: “Không tìm thấy trang bạn cần tìm! Rất tiếc trang web bạn cần tìm không tồn tại hoặc có thể đã được chuyển sang địa chỉ khác”.
Trong khi đó, một bài báo khác viết về lịch trình chi tiết chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc không còn trên trang web của báo điện tử VTC.
Giới quan sát cho rằng việc các tờ báo phải gỡ bài liên quan tới ông Tập cho thấy sự nhạy cảm trong quan hệ Việt – Trung cũng như mối bang giao tay ba Hà Nội, Washington và Bắc Kinh.
Động thái trên xảy ra trong bối cảnh nhiều cuộc biểu tình quy mô nhỏ, phản đối chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc, đã diễn ra ở cả Hà Nội và TP HCM trong ngày hôm qua và hôm nay.
Bài viết đã được gỡ xuống khỏi trang Giáo dục Việt Nam.
Facebooker Nguyễn Văn Phương, một trong các thành viên tích cực của câu lạc bộ bóng đá No-U, cùng hàng chục người khác xuống đường biểu tình ở Hà Nội hôm 3/11.
Ông Phương nói với VOA Việt Ngữ lý do lên tiếng hô vang các khẩu hiệu phản đối ông Tập Cận Bình:
“Tôi không chào đón ông ta vì việc một kẻ đứng đầu một đất nước đang xâm chiếm biển đảo, và quân đội của họ vẫn đang đánh đập, bắt bớ ngư dân của mình thì họ không hề có một ý tốt đẹp nào với mình cả. Cho nên chúng tôi không muốn tiếp đón một người lãnh đạo của Trung Quốc. Họ sang đây, theo cá nhân tôi nghĩ rằng, nó chỉ mang tính chất răn đe, hoặc đe dọa nào đấy đối với lãnh đạo của Việt Nam thôi. Chúng tôi là người dân và chúng tôi muốn biểu thị sự phản đối họ.”
Ông Phương nói thêm rằng giới lãnh đạo Việt Nam có thể biết về cuộc biểu tình, nhưng “chưa bao giờ lắng nghe người dân, nhất là trong vấn đề về chủ quyền biển đảo”.
“Qua rất nhiều năm và các cuộc biểu tình nổ ra, nhưng chính sách của họ không có gì thay đổi, vẫn theo đuổi chính sách lệ thuộc vào Trung Quốc”, Facebooker này nói thêm.
"Chắc chắn là không thể không đề cập tới chuyện này [Biển Đông]. Đây là câu chuyện hết sức nóng, hết sức phức tạp. Và muốn thúc đẩy quan hệ giữa hai nước phát triển theo thiện chí, thì chắc chắn phải cùng nhau xem xét lại vấn đề này để tìm câu trả lời mà hiện nay dư luận đang quan tâm”."-Ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ Việt Nam, cho biết.
Theo dự kiến, ông Tập Cận Bình sẽ bắt đầu chuyến công du hai ngày tới Việt Nam vào ngày mai, 5/11. Ngoài các cuộc hội kiến với giới lãnh đạo Việt Nam, ông Tập còn có bài phát biểu trước Quốc hội cũng như gặp gỡ thanh niên Việt Nam.
Về nội dung các cuộc thảo luận này, ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ Việt Nam, nhận định với VOA Việt Ngữ rằng lãnh đạo Việt – Trung “không thể không đề cập tới tham vọng của Trung Quốc về chủ quyền chiếm tới 90% diện tích biển Đông”. Ông nói thêm:
“Vấn đề biển Đông có thể sẽ được đề cập đến, tất nhiên, có thể dưới các hình thức khác nhau. Nhưng chắc chắn là không thể không đề cập tới chuyện này. Đây là câu chuyện hết sức là nóng, hết sức phức tạp. Và muốn thúc đẩy quan hệ giữa hai nước phát triển theo thiện chí, thì chắc chắn phải cùng nhau xem xét lại vấn đề này, để tìm ra được câu trả lời mà hiện nay dư luận đang quan tâm”.
Ông Trục nói thêm rằng hiện có nhiều ý kiến trên mạng xã hội, kêu gọi tẩy chay chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, “với những tình cảm trào dâng và bức xúc” mà ông “rất chia sẻ”.
Tuy nhiên, cựu quan chức này nói thêm rằng “trong bối cảnh hiện nay, muốn bảo vệ các quyền và lợi ích của mình, dù khó khăn, nhưng vẫn phải bình tĩnh tận dụng tất cả các cơ hội có thể được để có thể ngồi lại với nhau để cùng nhau đàm phán để giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình”.
“Nếu bây giờ mà làm căng với Trung Quốc thì xung đột và tranh chấp có thể xảy ra,” ông Trục nói thêm.
Trong khi đó, báo chí Việt Nam trích lời Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nói rằng trong khi ông Tập ở Việt Nam, hai bên sẽ “trao đổi tất cả các nội dung lớn trong quan hệ giữa 2 nước mang tầm chiến lược, phát triển quan hệ về kinh tế, văn hóa, thương mại”.
“Đương nhiên không những tăng cường quan hệ 2 nước trên các lĩnh vực mà những vấn đề gì trong quan hệ giữa 2 bên cũng có thể trao đổi, trong đó có vấn đề Biển Đông”, ông Minh được trích lời nói.
No comments:
Post a Comment