Tuesday, November 3, 2015

Trung Quốc đang thụt lùi hay giẫm chân tại chỗ ?

Thụy My - Ngày 02-11-2015 20:47
media

Các nhà đấu tranh nhân quyền "chào đón" Tập Cận Bình tại Luân Đôn,20/10/2015. REUTERS/Peter Nicholls

Nhật báo kinh tế Les Echos trong bài viết mang tựa đề « Khi Trung Quốc nghi ngại chính mình » đã nhận xét, càng thiếu tự tin, Bắc Kinh càng lớn tiếng với bên ngoài. Tác giả bài viểt, giáo sư Dominique Moïsi, cố vấn đặc biệt Viện Quan hệ Quốc tế Pháp nhận định, đối mặt với các thử thách mênh mông trong nước và những nghịch lý, chế độ đôi khi cho người ta cảm giác đang giậm chân tại chỗ.
Tổng thống Pháp François Hollande đến Bắc Kinh hôm nay, theo chân Thủ tướng Đức Angela Merkel có mặt cách đây hai ngày. Những tuần lễ trước đó, Chủ tịch Trung Quốc đã gặp gỡ Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Hoa Kỳ và được tiếp đón trọng thể tại Anh quốc. Những chuyến viếng thăm này đã mang lại thêm tính chính đáng cần thiết cho một Trung Quốc đang đối mặt với tăng trưởng giảm sút, đúng ra là những ngờ vực.
Chính quyền Trung Quốc có thể kiểm soát được vấn đề môi trường bằng cách buộc nhiều nhà máy xung quanh Bắc Kinh phải đóng cửa : thời tiết rất đẹp trong dịp Hội nghị Trung ương Đảng tuần rồi. Họ kiểm soát được vấn đề dân số, khi cho phép các cặp vợ chồng có hai con. Chính sách một con « là món quà của Trung Quốc dành cho nhân loại » - một lãnh đạo cao cấp Bắc Kinh tuần rồi đã nói trong vòng thân mật - vì nếu không, dân số nước này đã có thể lên đến 2 tỉ người !
Nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã không tìm ra lời giải đáp cho một thách thức khác trầm trọng hơn nhiều. Đó là làm thế nào duy trì quyền lực không suy suyển trong khi tất cả đều thay đổi, từ bên trong cũng như bên ngoài đất nước ?
Tác giả vốn có mặt ở Bắc Kinh tuần rồi nhận xét, có vẻ như thế giới tin tưởng vào Trung Quốc hơn là Trung Quốc tin vào chính mình. Thế vận hội năm 2008 có thể đã tạo nên đỉnh cao cho sự tự tin. Nhưng từ đó đến nay, một mặt, khủng hoảng kinh tế cùng với tăng trưởng chậm lại, mặt khác việc cá nhân hóa quyền lực xung quanh Tập Cận Bình đã tạo nên một không khí khác hẳn. Các diễn từ của quan chức Bắc Kinh tỏ ra ở thế thủ nhiều hơn, càng làm rõ thêm nghịch lý này.
Tác giả đặt câu hỏi, trên trường quốc tế, làm thế nào Trung Quốc có thể rao giảng về dân chủ hóa, khi từ chối thô bạo tiến trình này ngay trong đất nước mình ? Làm thế nào nêu ra việc tôn trọng luật quốc tế như một mô hình đạo đức, trong khi tỏ ra vô cùng thông cảm với Nga trong « việc đã rồi » Crimée ? Người ta không thể xây dựng nên lòng tin trên một sự tương phản quá lớn giữa lời nói và hành động.
Và cuối cùng, làm thế nào hòa hợp được giữa một vai trò quá khiêm tốn trên thế giới - đặc biệt tại Trung Đông - với sự hiện diện đầy đe dọa và những hành động quá hung hăng tại Biển Đông ? Tuy Trung Quốc không loại trừ việc can thiệp vào Syria với các điều kiện hết sức đặc biệt : nếu chính quyền Damas yêu cầu và nếu được Liên Hiệp Quốc ủy nhiệm.
Tại sao Trung Quốc tiếp tục núp sau những nguyên tắc đạo đức chung, trong khi lại hành xử nghiệt ngã với người khác ? Tại Bắc Kinh thứ Năm tuần trước, khi tham gia một cuộc tranh luận về trật tự thế giới, bà Angela Merkel đã ngạc nhiên khi thấy phía Trung Quốc tập trung các câu hỏi không phải về vấn đề nhập cư, mà về an ninh mạng. Sau khi chơi ván bài thương mại và tài chính cho Anh, Bắc Kinh lại chìa ra lá bài hận thù với Đức. Bà Angela Merkel nói chuyện với họ về ông Putin, họ lại trả lời bằng cách nêu ra việc nước Mỹ đã nghe lén điện thoại của bà.
Nội bộ càng bế tắc, Bắc Kinh càng cứng rắn trong đối ngoại
Giáo sư Moïsi nhận định, tất cả cho thấy dường như bên trong càng thiếu tự tin, thì Trung Quốc lại càng lớn giọng đối với bên ngoài.
Những thử thách nội bộ đúng là hết sức to lớn. Làm thế nào quản lý được một đất nước nay đã có nhiều tỉ phú hơn cả Hoa Kỳ, nhưng số người nghèo khổ lại đông đảo ngang bằng Ấn Độ ? Làm thế nào hòa hợp được giữa việc cổ vũ mạnh mẽ chủ nghĩa cá nhân trên lãnh vực kinh tế, nhưng lại bác bỏ toàn bộ về mặt chính trị ? Trong lúc khu trung tâm Bắc Kinh chuyển đổi thành một trung tâm thương mại sang trọng khổng lồ, trái tim quyền lực ở Đại sảnh đường Nhân dân dường như ngưng đọng lại trong khung cảnh xưa cũ.
Tác giả quan sát thấy trên các đường phố Bắc Kinh, cảnh sát trong bộ cảnh phục xanh lá và găng tay trắng hiện diện khắp nơi, nhưng cả người đi bộ lẫn người lái xe đều không tuân thủ luật lệ giao thông. Có vẻ như Nhà nước Trung Quốc không quan tâm đến việc giáo dục công dân, về sự tôn trọng lẫn nhau trong xã hội.
Một bầu không khí kỳ lạ ngự trị tại thủ đô. Những tuyên bố ủng hộ chế độ càng thêm cứng rắn, nhưng trong nội bộ hệ thống người ta cởi mở hơn, thận trọng bày tỏ những ngờ vực.
Chưa ai có thể dự đoán về tương lai Trung Quốc, nhưng đất nước này không còn tạo cho người ta cảm giác đang dần bước về một hướng tốt đẹp như vài năm trước đây. Vấn đề là làm sao biết được Trung Quốc đang thụt lùi ít hay nhiều, hay đơn giản chỉ là giậm chân tại chỗ ?

No comments:

Post a Comment