Tuesday, November 3, 2015

Điều quan trọng là tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình như thế nào

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Theo các thông tin chưa được xác nhận, nửa đầu tháng 11 năm 2015 ông Tập Cận Bình sẽ thăm Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang và Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng. Tin về chuyến đi gây cảm xúc mạnh trên các trang mạng.
Ngày 10/10/2015, trang AnhBaSam đăng bài “Có Nên Trải Thảm Đỏ Mời Giặc Vào Nhà?” của Đinh Tấn Lực. Bài này liệt kê một số việc tai hại mà vợ chồng Tập Cận Bình đã gây cho Việt Nam để rồi đặt câu hỏi: Có nên trải thảm đỏ mời giặc vào nhà?
Ngày 15/10/2015, ông Phạm Minh Hoàng thay mặt 127 nhà hoạt động công bố Bản lên tiếng “Chúng Tôi Phản Đối Tập Cận Bình Tới Việt Nam”.
Ngày 28/10/2015, trang AnhBaSam đăng bài “Ts Trần Công Trục: Nguyện được làm người trải thảm đỏ chào đón khách quý!” giới thiệu bài viết của Trần Công Trục có tựa đề “Nguyện được làm người trải thảm đỏ chào đón khách quý”, do báo điện tử Giáo Dục Việt Nam đăng. Phần giới thiệu, dưới tiêu đề “Đôi Lời”, cho thấy sự không đồng ý với quan điểm của Ts. Trần Công Trục.
Người viết bài này xin được trình bày vài suy nghĩ nhân đọc bài của ông Trần Công Trục do trang AnhBaSam giới thiệu.
A) TÔI ĐỒNG Ý NHIỀU ĐIỀU VỚI ÔNG TRẦN CÔNG TRỤC
Thí dụ như các dòng sau đây của ông:
“Bởi lẽ dù mâu thuẫn đến đâu, nhưng chỉ cần còn ngồi được với nhau cũng là cơ hội mà hai bên cần trân quý để nỗ lực tìm cách giải quyết vấn đề bằng con đường hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế một cách thiện chí và cầu thị”
“Bài học quý mang tầm vóc khu vực và quốc tế trong tiến trình đàm phán giải quyết tranh chấp biên giới, lãnh thổ có thể được đúc kết thành 3 nhân tố vô giá…. Đó là: THIỆN CHÍ – PHÁP LÝ – CẦU THỊ”
“Không nên để những phản ứng mang nặng cảm xúc tồn tại dai dẳng trong dư luận ở trong và ngoài nước như hiện nay khiến công chúng hoài nghi” và “Giữa Việt Nam và Trung Quốc, muốn có niềm tin bắt buộc hai phía phải bước qua được hàng rào tâm lý ‘nhạy cảm’, sòng phẳng với lịch sử”
B) NHƯNG KHI ĐỐI CHIẾU VỚI THỰC TẾ, TÔI THẮC MẮC…
1) Thiện chí – Cầu thị - Pháp lý phải là tinh thần của cả hai bên khi ngồi lại với nhau. Ta không ép được người khi người ta không có tinh thần Thiện chí – Cầu thị - Pháp lý, nhưng ít nhất, phần ta, ta phải thể hiện điều này một cách sòng phẳng và minh bạch tại cuộc gặp mặt.
Chuyện tàu Trung Cộng bắn giết ngư dân ta, húc chìm tàu cá dân ta, đi sâu vào vùng biển thuộc lãnh hải của ta… ta cần phải nêu ra rõ ràng.
Chuyện Trung Cộng đánh vào lãnh thổ Việt Nam và tàn sát trăm ngàn quân dân biên giới phía Bắc, ta phải nêu rõ ràng. Chuyện Trung Cộng đánh chiếm đảo và tàn sát quân lính ta năm 1988, ta phải nêu rõ ràng. Chuyện Trung Cộng đánh chiếm đảo và tàn sát quân lính Việt Nam Cộng Hòa năm 1973 ta phải nêu rõ ràng…  
Những chuyện chiếm đảo Việt Nam, giết lính Việt Nam còn tươi rói trong lòng nhiều người dân Việt. Nếu muốn nói chuyện trong tinh thần Thiện chí và Cầu thị, có nên trả lại hiện trạng trước khi chiếm, giết rồi mới bàn luận, thương thuyết hay không? Câu hỏi này ta cũng nên nói ra…
Ta cần nêu những vấn đề này để xem đối tác có quan điểm thế nào, tại sao hành động như vậy… Như thế mới thực sự là ta có Thiện chí đối thoại và có tinh thần Cầu thị. Nếu không, e rằng cảm nhận của dân chúng là chính quyền nhu nhược, hèn kém và thông đồng với Trung Cộng.
2) Vì sao “những phản ứng mang nặng cảm xúc tồn tại dai dẳng trong dư luận ở trong và ngoài nước”?
Đời nhà Trần cách nay gần 700 năm, quân Nguyên đe dọa xâm lấn. Trong nước triều đình sát cánh với dân chúng, họp đại hội toàn dân, cùng với dân thề lời “sát Thát”. Quan Tiết chế viết Hịch Tướng Sĩ khích lệ tinh thần chống ngoại xâm, và mộ quân chính qui, tổ chức các đội dân quân địa phương sẵn sàng chống xâm lược.
Lòng triều đình minh bạch như vậy nên dân chúng dốc lòng cùng triều đình chống giặc. Nên Thượng tướng thái sư Trần Quang Khải mới có thể cùng sứ giặc Sài Thung vui cười xướng họa, cầm tay hẹn câu tái ngộ… mà lòng dân vẫn tin tưởng rằng đó chỉ là chiến lược ngoại giao nằm trong kế hoạch tổng thể là vì dân và cùng dân đánh giặc.
Ý triều đình trung ương và lòng dân cùng một hướng là sức mạnh vô địch đập tan thế lực 50 vạn quân và ý chí xâm lược nước Việt của đế quốc Nguyên-Mông. Nên nhớ, thế và lực của nước Việt so với nước Nguyên lúc đó thực là nhỏ bé, nhỏ hơn tương quan giữa Việt Nam với Trung Cộng hiện nay nhiều!
Hiện nay, ý đảng và lòng dân khác xa nhau. Thực ra nên nói thêm rằng ý Ban Chấp hành trung ương đảng CSVN cũng khác xa với lòng của đa số đảng viên. Dân muốn dân chủ, đảng muốn độc tài! Dân muốn có các quyền tự do căn bản (tự do ứng cử bầu cử, tự do lập hội lập đảng, tự do ngôn luận, báo chí…) đảng dùng bạo lực tước bỏ tất cả các quyền đó! Dân muốn chính thể tự do đa đảng, đảng dùng trăm phương ngàn cách bá đạo duy trị sự thống trị cộng sản độc tài!
Trong mối quan hệ với Trung Quốc, dân chúng cảm nhận ý đảng cũng 180 độ ngược lòng dân! Đảng CSVN luôn xem đảng CS Trung Quốc là người anh thân thiết, là chỗ dựa sống chết.
Công hàm Phạm Văn Đồng nhìn nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về Trung Cộng, được dân chúng xem là công hàm bán nước. Đảng cứ mãi tôn vinh ông Đồng, đem tên ông đặt cho những con đường dài và rộng nhất các tỉnh thành của đất nước! Còn sự thách thức nào ngang ngược và đau đớn hơn đối với lòng dân yêu quí mảnh đất cha ông?
Toàn bộ ban lãnh đạo cao cấp nhất đảng CSVN sang Thành Đô họp với ban lãnh đạo đảng CSTQ. Sau cuộc họp, bộ trưởng ngoai giao Việt Nam, ủy viên bộ chính trị đảng CSVN kết luận: một thời kỳ Bắc thuộc mới đã bắt đầu! Nhân chứng cao cấp thời đó, thứ trưởng bộ ngoại giao, viết Hồi Ức ghi lại rằng trong hội nghị Thành Đô, ban lãnh đạo cao cấp nhất đảng CSVN đã nhượng cho đảng CSTQ rất nhiều quyền lợi quốc gia, có thể coi là bán đứng tổ quốc, chỉ vì theo cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh Trung Cộng có bành trướng thì cũng là CS. Cho tới bây giờ, hai mươi lăm năm trôi qua, đảng CSVN vẫn im tiếng không trả lời dân chúng, và các sự thật vẫn bị giấu kín!       
Quân Trung Cộng tiến đánh Việt Nam giết trên 100 ngàn dân quân Việt Nam, đảng CSVN xóa tan các di tích tưởng niệm liệt sĩ, di tích ghi công chống xâm lược, cấm dân chúng nhắc lại tội ác quân xâm lăng! Dân chúng biểu tình ôn hòa chống Trung Cộng chiếm biển đảo, đảng CSVN đàn áp dân chúng và bỏ tù những người ưu tú nhất! Trong quân đội Việt Nam, tướng lãnh tố cáo lãnh đạo cao cấp nhất quân đội lúc đó ra lịnh hải quân không được nổ súng kháng địch và toàn bộ toán quân bị quân Trung Cộng giết sạch! Người bị tố cáo, ông Lê Đức Anh, không một lời đính chính!
Hơn nữa, ông Phùng Quang Thanh, đại tướng ủy viên Bộ Chính trị kiêm bộ trưởng bộ Quốc Phòng, trong khi Trung Cộng giết dân chiếm đất Việt Nam, luôn miệng nói tốt cho Trung Cộng, sợ dân Việt ghét Trung Cộng, và xem mối bang giao với Trung Cộng là tốt và tích cực!    
Trong hoàn cảnh như vậy, làm sao mà “những phản ứng mang nặng cảm xúc” không “tồn tại dai dẳng trong dư luận ở trong và ngoài nước” cho được?
Phải thấy rằng những cảm xúc đó là rất không tốt đẹp về chính quyền, không tin cậy chính quyền, và chúng “tồn tại dai dẳng trong dư luận ở trong và ngoài nước” là đương nhiên! Cho nên chắc chắn đa số dân chúng sẽ cho rằng, trong cuộc gặp phái đoàn họ Tập sắp tới, thay vì tranh đấu cho sự toàn vẹn lãnh thổ, sự tự chủ của dân tộc, thì lãnh đạo đảng CSVN lại tiếp nối truyền thống Thành Đô, nhượng cho Trung Cộng thêm nhiều quyền lợi của tổ quốc và nhờ họ ủng hộ đảng CSVN đàn áp dân chúng Việt Nam yêu tự do và yêu tổ quốc.
Lòng dân đã không tin tưởng, ý đảng và lòng dân đã 180 độ ngược chiều nhau, thì có buổi “ngồi lại làm việc với nhau giữa hai đảng Cộng sản của hai nước” có thể thu được kết quả ích lợi gì cho dân tộc đây?
Vậy, điểm chính yếu trước nhất là phải hóa giải những ngờ vực của dân đối với chính quyền, để từ đó làm dân tin tưởng chính quyền.
C) LÀM SAO HÓA GIẢI SỰ KHÔNG TIN CẬY CỦA DÂN CHÚNG?
Điều này cũng đơn giản nếu thực tâm muốn phát triển đất nước, muốn xây nền tự chủ quốc gia. Nhiều đề nghị, gợi ý của các nhà trí thức Việt Nam về cách làm và các việc cần làm, có các điểm đồng qui như sau:
1) Công bố cho dân chúng biết một số điều họ muốn biết:
a) Nội dung hội nghị Thành Đô   
b) Cuộc chiến biên giới phía Bắc năm 1979: nguyên nhân, diễn tiến, thiệt hại phía Việt Nam, phía Trung Quốc (thương vong, lãnh thổ…)
2) Công bố cho dân biết đảng đang làm việc cho một lộ trình dân chủ hóa đất nước, trong đó trước hết là tự do ngôn luận và tự do báo chí…
3) Cho thấy đảng sẽ không đàn áp các cuộc biểu tình ôn hòa biểu thị lòng yêu nước, ý muốn giữ gìn lãnh thổ, biển đảo của tổ tiên…
Chỉ còn khoảng 10 ngày, hai tuần nữa ông Tập sẽ sang Việt Nam. Thời gian thực cập rập để tiến hành các việc nêu trên. Cho nên chỉ cần đảng phát ra tín hiệu, một cách chân thành, về ý hướng đi tới việc thực hiện những điều trên.
Chỉ cần như thế thôi, chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tập Cận Bình sẽ không còn gây tâm lý nặng nề nơi dân chúng như hiện nay. Các nhà lãnh đạo Việt Nam, quay mặt về dân chúng, sẽ nhận được ánh mắt thông cảm, hợp tác, gởi gắm hy vọng… Đối diện với Tập Cận Bình bằng thái độ ung dung, tự tin, chủ động… của người chủ nhân được sự nể trọng của khách mời.
Chỉ trong tư thế đó, hai bên mới có thể nói chuyện với nhau trong tinh thần Thiện chí – Cầu thị - Pháp lý một cách sòng phẳng, minh bạch. Và sau cuộc gặp mặt đó, mới có nhiều “diễn biến” đầy sáng tạo, ngoạn mục mang lại nhiều lợi ích cho đất nước theo hướng dân chủ và phát triển.
Trần Phan
Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

No comments:

Post a Comment