Theo Người Việt-10-25-2015 4:12:12 PM
Phải làm rõ trách nhiệm của các quan chức “thân Trung” ở những bộ ngành liên hệ quá môi răng với hàng nhập từ Trung Quốc: Bộ Trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, Bộ Trưởng Giao Thông Vận Tải Đinh La Thăng, Bộ Trưởng Xây Dựng Trịnh Đình Dũng. Việc làm rõ và quy trách nhiệm này cần được làm trước Đại Hội Đảng 12.
Mùa Thu năm 2015 và là lần đầu tiên kể từ Hội Nghị Thành Đô những năm 1990, báo chí và dư luận xã hội Việt Nam bất ngờ tỉnh ngủ về tương lai “thoát Trung” nếu Việt Nam được gia nhập Hiệp Định TPP. Thậm chí vài tờ báo nhà nước còn can đảm rút tít từ ngữ trong ngoặc kép bị coi là rất nhạy cảm này.
Sự kiện trên diễn ra trong bối cảnh hơn một năm sau thời điểm giàn khoan HD 981 của Trung Quốc tha hồ vỗ mặt Bộ Chính Trị và Quốc Hội Việt Nam, và ngay sau khi TPP kết thúc đàm phán với một chân của Việt Nam đặt trên ngưỡng cửa hiệp định cứu rỗi kinh tế này.
Cũng từ khoảng một năm qua, có tin cho biết “Trung ương đảng” đã quyết định “dần thoát Trung.” Bằng chứng là ngay cả một nhân vật bị coi là cực kỳ bảo thủ như Tổng Bí Thư Trọng cũng đã đặt chân đến Washington vào Tháng Bảy vừa qua.
Thế nhưng thực tiễn “thoát Trung” bằng cách nào và tiến hóa tới đâu lại là bài toán cực kỳ nan giải, nếu xét từ hệ quy chiếu ngàn năm Bắc thuộc và hệ tư tưởng cộng sinh của Hà Nội vào Bắc Kinh trong suốt bảy chục năm lịch sử đảng Cộng Sản Việt Nam.
Bởi “thoát Trung” ngay trong những năm tới là một khả năng hoàn toàn “viễn vông” - nếu có thể mượn từ ngữ này của Thủ Tướng Dũng để mô phỏng mối quan hệ Việt-Trung.
Mối tình ngang trái
Ngay sau vụ HD 981 vào giữa năm 2014, giới chính trị và người dân Việt Nam đã phải tính tới viễn tượng đất nước bị Trung Quốc tấn công. Nếu kịch bản này xảy ra ngay tức khắc, cánh cửa nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc dùng cho các doanh nghiệp dệt may sẽ bị đóng sập. Một số doanh nghiệp Việt Nam đã thản thốt than trời rằng nếu mất nguồn nhập khẩu đã ăn sâu vào não trạng này, họ chỉ có thể cầm cự được tối đa ba tháng.
Trong lịch sử buôn bán hai chiều với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam bị phụ thuộc vào Trung Quốc nhiều nhất. Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỉ trọng khoảng 20% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Năm 2014, nhập siêu của Việt Nam từ thị trường này ở mức kỷ lục với 28 tỷ USD - theo thống kê chính thức của phía Việt Nam. Nhưng số liệu phía Trung Quốc lại còn cao hơn, cộng thêm cả hàng nhập tiểu ngạch đường biên mậu, hàng lậu, trốn thuế. Nếu vào năm 2012, Việt Nam công bố con số nhập khẩu từ Trung Quốc là 28.8 tỷ USD, thì con số của cơ quan chức năng Trung Quốc lại đến 34 tỷ USD.
Phần lớn hàng nhập từ Trung Quốc là hàng trung gian, chiếm 60% gồm nguyên phụ liệu cho các ngành dệt may, da giày, điện tử; các loại máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng chiếm khoảng 30%; hàng tiêu dùng chiếm 10%.
Trong danh sách các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc năm 2014, Việt Nam tốn hàng chục tỷ USD cho nguyên phụ liệu dệt may, da giày, vải các loại, sắt thép, máy vi tính và sản phẩm điện tử linh kiện, máy móc, thiết bị dụng cụ, phụ tùng, điện thoại các loại...
Chỉ từ sau năm 2000 đến nay, giá trị nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc đã tăng đến 150 lần, từ mức 200 triệu USD lên đến 35 tỷ USD dự kiến trong năm 2015. Còn trong những năm 2013 và 2014, Việt Nam phải nhập siêu từ 23-24 tỷ USD hàng năm từ Trung Quốc. Đó là chưa kể đến 20 tỷ USD nhập lập từ Trung Quốc mà cho tới giờ này các bộ ngành Việt Nam vẫn còn nhắm mắt đổ lỗi cho nhau, không ai biết số hàng này tuồn đi đâu và cũng chẳng ai dám nhận trách nhiệm...
Một nghiên cứu của Trung Tâm WTO còn cho thấy, các nhà thầu Trung Quốc là tổng thầu EPC của 77/106 dự án lớn trong các lĩnh vực hóa chất, khai thác chế biến bauxite, xi măng, nhiệt điện... của Việt Nam. Đây là những dự án lớn, ảnh hưởng đến nền kinh tế nhưng do nhà thầu Trung Quốc thực hiện nên một phần đáng kể nguồn cung năng lượng, các hoạt động của nền kinh tế phụ thuộc vào năng lực, chất lượng và hiệu quả từ các hoạt động của nhà thầu nước này. Phần lớn các dự án lại sử dụng máy móc, vật tư, nguyên liệu nhập từ Trung Quốc càng khiến tình trạng nhập siêu của Việt Nam từ thị trường này thêm trầm trọng. Nhiều nhà máy sau khi đi vào vận hành lại gặp trục trặc, thời gian sửa chữa, bảo dưỡng kéo dài...
Đó là một sự mất cân xứng quá lớn và làm lợi rất nhiều cho Trung Quốc.
Ai và những cơ quan nào của Việt Nam đã tiếp tay cho hậu quả phụ thuộc thiên triều như thế? Làm sao có thể “thoát Trung” về kinh tế nếu vẫn khư khư ôm chặt mối tình bời rời ngang trái giữa hai thân xác chính trị thỗn thện?
Kẻ nào tiếp tay bán đứng dân tộc?
Giới chuyên gia đánh giá: Với tỉ trọng 60% nguyên phụ liệu đầu vào nhập từ Trung Quốc, nếu từ bỏ thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ xoay trở không kịp. Cơ cấu này đang gây khó rất lớn cho việc Việt Nam tham gia vào TPP, ứng với một điều kiện không thể thay đổi của TPP là Việt Nam phải chuyển đổi vùng nguyên liệu nhập khẩu từ các nước ngoài TPP như Trung Quốc về các nước trong khối TPP.
Vậy là TPP chỉ có thể làm được vài việc cho khả năng thoát Trung về kinh tế. Với quy định nghiêm ngặt của TPP về cơ chế phải nhập nguyên vật liệu từ các nước nội khối TPP, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải bắt buộc chuyển đổi dần cơ cấu nhập khẩu từ kênh Trung Quốc sang các nước khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore..., giãn dần tỉ lệ nhập siêu từ Trung Quốc.
Tuy thế, cản ngại rất lớn đang tồn tại đối với triển vọng thoát Trung không chỉ là là thói quen nhập hàng giá rẻ của Trung Quốc, mà còn bởi lợi ích nhóm về kinh tế và chính trị của một lực lượng không nhỏ giới quan chức Việt Nam nhưng “thân Tàu.” Trong thời gian qua, số quan chức này đã tìm cách ngăn cản và phá đám Hiệp Định TPP cho Việt Nam. Trong thời gian tới, những quan chức này còn có thể tiếp tục tạo ra những tình huống nan giản để gây khó khăn cho tiến trình Việt Nam triển khai thực thi các quy định TPP. Đặc biệt với những quan chức này nằm trong những bộ ngành kinh tế liên quan mật thiết đến TPP như Bộ Công Thương, Bộ Xây Dựng, Bộ Giao Thông Vận Tải, Bộ Kế Hoạch và đầu tư..., nhiều doanh nghiệp Việt Nam muốn chuyển đổi kênh nhập khẩu sẽ bị hành hạ không ít bởi chủ kiến chính trị của Bắc Kinh.
Bởi thế trong những năm trước mắt, chỉ có thể thận trọng nói tới khả năng Việt Nam “giãn Trung” về kinh tế, và tốt hơn nữa là “giãn Trung” về chính trị.
Nhưng muốn “giãn Trung” về chính trị như điều mà có lẽ phần lớn giới lãnh đạo Hà Nội đang ý thức một cách chậm chạp, lại cần phải có những hành động cụ thể thay cho lời lẽ đầu môi chót lưỡi và thay cho những khẩu hiệu mà đã khiến trí thức và nhân dân nhàm chán đến mức tăng vọt hệ số tiểu đường.
Tại sao dư luận càng phản ứng thì nạn nhập siêu từ Trung Quốc càng trầm trọng và năm sau càng trầm kha hơn năm trước? - đòi hỏi đầu tiên của nhân dân cần được giới lãnh đạo Việt Nam xử lý ngay.
20 tỷ hàng nhập lậu từ Trung Quốc đã đi đâu và ai, những cơ quan nào phải chịu trách nhiệm về lỗ hổng có thể nuốt sống cả dân tộc như thế? - một đòi hỏi tiếp theo.
Hai đòi hỏi trên lại dẫn đến đòi hỏi thứ ba và không thể thiếu: Phải làm rõ trách nhiệm của các quan chức “thân Trung” ở những bộ ngành liên hệ quá môi răng với hàng nhập từ Trung Quốc: Bộ Trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, Bộ Trưởng Giao Thông Vận Tải Đinh La Thăng, Bộ Trưởng Xây Dựng Trịnh Đình Dũng. Việc làm rõ và quy trách nhiệm đối với các ủy viên trung ương này phải được làm trước khi đảng cầm quyền tổ chức Đại Hội lần thứ 12.
Kể cả những kẻ đã tiếp tay bán đứng dân tộc này cho Trung Quốc...
Phạm Chí Dũng
No comments:
Post a Comment