Châu Phú-26/10/2015 02:00
Thì đây cơ quan tôi, bố chưa về hưu, con vừa ra trường đã được “nhắm” chỗ, đàng hoàng theo diện thu hút nhân tài.
Như cách nói của các bác trên tivi, chỗ tôi “xa trung tâm, xa cực tăng trưởng, xa vùng kinh tế trọng điểm” nên cái gọi là kinh tế nhiều thành phần không thấm tháp gì, tất tần tật nhờ vào “anh” kinh tế chủ đạo.
Cán bộ ăn rồi chủ yếu lo lương giáo viên đã bở hơi tai, còn người dân lo đủ thứ, nhưng lo nhất lâu nay vẫn là chuyện con cháu… vào biên chế! Có biên chế là có tất, gần thì hưởng lương tháng, chưa kể thu nhập khác, xa thì có lương hưu, khỏi lo lắng gì.
Hàng xóm nhà tôi, con gái đến “tuổi cập kê”, gặp anh chàng chả nghề ngỗng gì suốt ngày đàn hát thì buồn khổ ra mặt. “Con ơi, sau này về già nó chẳng có lương hưu y như bố mẹ mày đây à? Thế thì khổ suốt đời, con ạ, bố mẹ mày khổ thế này chưa đủ hay sao mà mày còn nhắm mắt lao vào…”
Chả thế mà cơ quan tôi lâu nay có quy định: hễ bố mẹ về nghỉ (nghỉ hưu, rất khuyến khích nghỉ sớm) ngay lập tức cho con vào thế chỗ, số biên chế trên giao không bị “phình”, tình nghĩa đồng nghiệp sau trước đảm bảo, vô cùng đúng với câu cha ông vẫn nói “hy sinh đời bố, củng cố đời con”.
Cháu tôi, thuộc diện “con nhà nghèo học giỏi”, cha đi cày, mẹ đi cấy nên xác định ngay từ khi vào đại học: muốn có công ăn, việc làm, vào biên chế sớm khi không thể “vật” nổi với nhiều người khác, thì chỉ có cách nhận công tác miền núi, vùng sâu vùng xa. Ở đó, biên chế có nhưng thiếu người. Cứ lên, mọi chuyện tính toán, lo lót sau, mình còn trẻ, đời còn bao la.
Ảnh minh họa |
***
Và cứ thế, muôn vàn cách để có “biên chế”. Chỉ đáng nói ở chỗ, có người “củng cố” được cả bố lẫn con, người thì… mất trắng!
Sếp tôi lúc nào cũng “công khai, minh bạch” chuyện nhận con em vào cơ quan: Nếu cháu nó học hành tử tế, bằng cấp hồ sơ long lanh, tư cách đạo đức tốt, hết lòng ủng hộ lãnh đạo thì việc vào biên chế coi như trong tầm tay.
Không những thế, nếu phấn đấu tốt, sẽ sớm cho cháu đi bồi dưỡng lớp cảm tình, rồi lớp nguồn…., sớm đưa vào quy hoạch trưởng phó phòng ban và cao hơn nữa, sớm được cất nhắc theo đúng quy trình, bỏ phiếu thăm dò đủ cả.
Nhưng một thời gian sau, nhiều người “ngẫm” ra sếp nói cứ nói, còn làm là chuyện… của sếp! Ai cũng thấy không có quy định, quy chế nào lại không bị làm cho xiên xẹo, không bị “lách” cách này hay kiểu khác.
Thì đây cơ quan tôi, bố chưa về (và còn lâu mới về vì vừa sửa giảm tuổi một cách ngoạn mục), con vừa ra trường đã được “nhắm” chỗ, đàng hoàng theo diện thu hút nhân tài, hưởng chế độ thu hút của tỉnh nên vừa có “một cục” vài chục triệu lại nghiễm nhiên có ngay… biên chế!
Ôi chao là giỏi giang, sáng láng, người già khen, kẻ trẻ tấm tắc. Nhất cử, nhất động của “công chúa” đều được tô màu, phóng đại, bình bầu hàng tuần, hàng tháng đều có tên và ở ô số 1. Ngay cả thi cấp quốc gia vẫn cậy người “chạy” giúp được cái giải… khúc khích. Mỗi khi “công chúa” hát, cả cơ quan hùa vào khen hay, tiếng thơm vang lên trên, bay đi xa. Mở mày, mở mặt, chất lượng thu hút của tỉnh quả là đúng, thậm chí trên cả đúng…
Trong khi đó, con của một “lão bất trị” nọ, đừng có lấy lý do bằng đỏ mà kênh kiệu, mới nứt mắt đã chê “nhà quê” nhé. Ông thì ông cho vào “lò”, ông thử thách miền núi, đi huyện cho trắng mắt, cho rã họng ra, ông cho quân nhận xét hàng tuần chả ra gì, cho quân moi bằng hết những yếu kém như vào cơ quan không chào hỏi ai, tóc tai, quần áo bụi bặm, lãnh đạo nói sai câu nào là “vè” câu đó, 6 tháng hay cuối năm xếp loại ông “hè” cánh hẩu bỏ phiếu “không hoàn thành nhiệm vụ” thì ra rìa cho người khác vào nhé.
Thế là chẳng chóng thì chầy, con vị kia vào cơ quan “theo quy chế” và bây giờ ra cũng theo… quy chế. Không kêu được một tiếng nào!
Mặc dù vậy, sếp vẫn to nhỏ với anh em, rằng: mấy ảnh trên tỉnh “nhắm” con em vào phòng ngân sách sở tài chính, phòng đầu tư sở kế hoạch, “tráng men” dưới huyện mấy tháng rồi về… mới là “ăn” chứ lỵ. Nhưng có chỗ vội vàng quá, bất chấp quá, nhảy cóc quá, ai lại 6 tháng một chức? Coi răng được hỉ?
Có bữa bốc lên, sếp mơ màng: phải học cách làm của các ông tỷ phú đôla ấy. Mười ba tuổi mới cho dùng điện thoại. Nghỉ hè phải tìm việc, bán kem chẳng hạn. Tiền nhà trọ phải lo trả. Phải cho phép con cái thất bại và thành công theo cách riêng của chúng. Ngay cả tỷ phú Việt cũng cho con làm nhà hàng suốt kỳ hè đấy. Chỉ để lại một tý tẹo tài sản, chúng phải tự vươn lên, tự đảm bảo cuộc sống, cấm được ỷ lại nhé, nhé. Các vị cứ nhìn con tôi đấy?
***
Ông bạn tôi, con sắp tốt nghiệp thì bố lại chuyển công tác, mang cả nhà đi theo, đành “lỗi hẹn” với quy chế cơ quan cũ.
Có lần nói chuyện với một người trẻ thành đạt, ông xin một lời khuyên về chuyện con cái và nghề nghiệp, được trả lời rằng: Nếu cho cháu về cơ quan nào đó, bác thừa sức xin được và trước mắt thu nhập cũng đủ ăn tiêu. Nhưng cháu khuyên bác cho em… đi chơi, tức đi du lịch thế giới ấy ạ. Đi nhiều sẽ mở ra chân trời mới, nhiều bạn bè mới khắp năm châu. Lúc đó, nó sẽ tự tìm việc làm, như chính cháu đây, thu nhập sẽ khác, cũng như cháu đây.
Ông bạn sáng mắt lên và như chợt nhận ra điều gì đó?
Cũng vừa lúc tôi cầm điện thoại gọi nhờ ông bạn vừa ra trung ương cao rộng, quan hệ sâu có cách gì giúp cho đứa cháu đi miền núi hơn 10 năm nay muốn về xuôi sẵn sàng chịu tốn kém? Cứ về gần bố mẹ già là được. Với lại cháu xác định làm công ăn lương, hoàn toàn không mơ màng gì chức tước cao thấp, lớn bé đâu mà người khác phải lo lắng, cảnh giác.
Người ta lo lót cho con em, cháu chắt, họ hàng, bộ tộc chuyện to chuyện lớn; tôi chỉ mong ông giúp lo cái biên chế cho cháu. Vẫn rất khó a? Cả làng tốt nghiệp đại học đang phải “giấu” bằng, tạm đi làm công nhân kia kìa…
No comments:
Post a Comment