Monday, October 26, 2015

Những ngôn từ “lạnh lẽo”

Thành Nam -Chủ Nhật,  25/10/2015, 19:59
(TBKTSG) - Một số độc giả phản ánh hiện nay rất khó để biết thực trạng một số ngân hàng nếu chỉ dựa trên báo cáo tài chính của họ.
Một nhà đầu tư dẫn chứng báo cáo tài chính bán niên 2014 của Ngân hàng TMCP Đại Dương không có “biểu hiện” gì, nhưng sang năm 2015 ngân hàng này đã bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng.
Trên báo cáo tài chính, không ít ngân hàng sử dụng những ngôn từ, khái niệm chẳng khác nào đánh đố người đọc, mà ngay dân tài chính, kiểm toán đôi khi cũng không “luận” nổi nghĩa là gì, hàm chứa gì trong đó.
Chúng tôi đã mang những thắc mắc đó trao đổi với lãnh đạo ban điều hành, kế toán trưởng một vài tổ chức tín dụng. Bài viết này tập hợp những giải thích xung quanh các ngôn từ đang ngày càng phổ biến trong báo cáo tài chính của ngân hàng. Hy vọng nó giúp ích ít nhiều cho bạn đọc.      
Lãi, phí dự thu + cam kết ngoại bảng + tài sản có khác
Trên bảng hạch toán của ngân hàng, bên nợ bên có bao giờ cũng cân đối. Nhìn vào bảng cân đối kế toán, hầu như không thể định giá giá trị các khoản cho vay còn lại bao nhiêu, bởi chúng luôn được hạch toán như giá trị cho vay ban đầu và vẫn đang sinh lời cho dù khách hàng có thể đã mất khả năng trả nợ, hoặc giá trị tài sản thế chấp đã hao hụt theo giá thị trường.
Lãi dự thu (lãi quá hạn không thu được là dự thu) là nơi có thể giấu nợ một cách kín đáo. Phí dự thu (lãi dự thu còn có tài sản đảm bảo) thường do ngân hàng đứng ra bảo lãnh, đến khi khách hàng không trả được, ngân hàng trả thay (mà không có tài sản đảm bảo vì là bảo lãnh). Đến phí còn không thu được, thì tất nhiên gốc làm sao thu được. Các ngân hàng không tách riêng phí phải thu, lãi phải thu, mà gộp chung thành lãi, phí phải thu.
Ủy thác đầu tư là động thái một số ngân hàng đưa tiền cho các công ty tài chính hoặc ngân hàng khác để cho khách hàng vay theo chỉ định của mình. Thí dụ ngân hàng A cho khách hàng vay 100 tỉ đồng, khách hàng không trả được, nhưng ngân hàng A vẫn gửi tiền ở ngân hàng B và chỉ định B cho khách hàng trên vay 100 tỉ đồng. Số tiền vay ở B được dùng để trả khoản nợ ban đầu ở A. Như vậy nợ đã được đảo và nợ xấu được chuyển sang cho B. Trong trường hợp này khách hàng vay ở B không cần phải có cả tài sản thế chấp.    
Những khoản vay thật, đã cho vay, được hạch toán vào nội bảng. Ngoại bảng là cam kết bảo lãnh của ngân hàng, chưa thực hiện, sẽ thực hiện trong tương lai. Một khi khách hàng không trả được, ngân hàng trả thay, rủi ro cao, giống như bom hẹn giờ, nó có thể trở thành nợ xấu, và bắt buộc phải đưa vào nội bảng.
Ngoại bảng còn là những cam kết của khách hàng trả nợ, trả lãi vay, khi ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro thì đưa ra ngoại bảng. Nếu ngân hàng thu hồi được, thì coi như tăng thêm thu nhập vì đã trích lập dự phòng. Trong ngoại bảng, phần “cam kết giao dịch hối đoái” thường được hiểu là mở L/C trả chậm.
Trong “tài sản có khác” thường là các khoản phải thu mà chưa thu được, hoặc tiền gửi ở các tổ chức tín dụng khác, hoặc đầu tư tài chính vào các doanh nghiệp (mua trái phiếu doanh nghiệp, cổ phần…).
Tài sản biến động
Tài sản của ngân hàng là tài sản tài chính, giá trị của nó thay đổi theo thị trường (biến động tỷ giá, giá trị tài sản thế chấp “bốc hơi”, giá trị trái phiếu doanh nghiệp nếu sức khỏe doanh nghiệp có vấn đề…), song trên bảng cân đối, sự thay đổi không được thể hiện. Nhìn trên sổ sách, giá trị tài sản ngân hàng còn nguyên, tiền cho vay vẫn như vậy. Trên thực tế, ngay cả với những khoản vay lành mạnh, chỉ cần mặt bằng lãi suất thay đổi, là giá trị khoản cho vay và tiền gửi đã khác. Thí dụ ngân hàng đang cho vay lãi suất 7%/năm, mà lãi suất thị trường chạy lên 9%/năm, thì có thể ngân hàng đã mất đi một mức lãi nào đó. Mỗi khi lãi suất biến động, giá trị bên nợ, bên có tăng/giảm một mức nhất định.
Nếu ngân hàng cho vay 100 món, không thu hồi được 3 món, mất trắng 3 món đó, thì tài sản ngân hàng mất đi, chẳng hạn 3%, làm cụt một phần vốn tự có. Ở nước ngoài, khi vốn tự có mất đến một mức nào đó, các cổ đông phải nộp bổ sung cho đủ mức vốn tự có ban đầu. Ở Việt Nam trước đây không có chuyện này, gần đây mới có chuyện xảy ra với ba ngân hàng cổ phần mất hết vốn chủ sở hữu và bị mua lại với giá 0 đồng.
Trong phân loại nợ của các ngân hàng hiện tại, một số ngân hàng chia ra nợ quá hạn và nợ tái cơ cấu. Nợ quá hạn được xử lý bằng cách bán cho VAMC, nhờ các ngân hàng khác đứng ra bảo lãnh, mua lại từng món, cho vay mới, biến thành nợ mới. Nợ tái cơ cấu là nợ đến hạn mà người vay không trả được, ngân hàng cơ cấu lại, kéo dài thời gian, điều kiện cho vay, điều chỉnh lãi suất vay, thời hạn trả nợ gốc… Có những doanh nghiệp còn khả năng trả nợ, cơ cấu lại nợ để có thể thu hồi, nhưng một số doanh nghiệp “chết lâm sàng” mà vẫn cơ cấu lại, thì không giải quyết được gì ngoài việc làm cho nợ xấu rối lên.            

No comments:

Post a Comment