Hà Nội nói phúc trình thường niên của Mỹ về tự do tôn giáo tại Việt Nam là 'không khách quan' và 'sai lệch'.
16.10.2015
Hà Nội tố cáo phúc trình thường niên của Mỹ về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam ‘không khách quan’ và ‘sai lệch’.
Tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 15/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình khẳng định nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo đảm các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân.
Ông Bình nói: "Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm sự phân biệt đối xử với công dân vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Nhà nước Việt Nam đã và đang thực thi nhiều chính sách và biện pháp cụ thể để đảm bảo người dân được thụ hưởng đầy đủ các quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng. Chính điều này đã tạo nên một đời sống tôn giáo, tín ngưỡng hết sức phong phú, sinh động ở Việt Nam".
Phản hồi được đưa ra 1 ngày sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ công bố phúc trình hàng năm về tự do tôn giáo thế giới, nêu rằng nhà cầm quyền Việt Nam tiếp tục giới hạn hoạt động của các tổ chức tôn giáo không đăng ký.
Báo cáo ghi nhận phản ánh từ tín đồ các tôn giáo trong nước về việc lực lượng công quyền tại các địa phương hoặc hành hung, giam cầm, kết án, theo dõi, sách nhiễu, đe dọa, ngăn cản tín đồ tham gia sinh hoạt đạo với các tổ chức tôn giáo không được nhà nước công nhận; hoặc không chịu cấp giấy phép hoạt động cho các tổ chức này khi họ đăng ký với nhà nước.
Phúc trình dẫn ra hàng chục trường hợp cụ thể cho thấy các hội nhóm tôn giáo độc lập với nhà nước hay còn được gọi nôm na là các tổ chức tôn giáo ‘ngoài quốc doanh’ bị nhà cầm quyền đàn áp và ngược đãi.
"Đáng tiếc Báo cáo tự do Tôn giáo quốc tế 2014 của Hoa Kỳ, mặc dù đã ghi nhận những thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực này, vẫn tiếp tục đưa ra một số đánh giá không khách quan, trích dẫn những thông tin sai lệch về Việt Nam."-Người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Lê Hải Bình.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói: "Đáng tiếc Báo cáo tự do Tôn giáo quốc tế 2014 của Hoa Kỳ, mặc dù đã ghi nhận những thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực này, vẫn tiếp tục đưa ra một số đánh giá không khách quan, trích dẫn những thông tin sai lệch về Việt Nam".
Ông Bình nhấn mạnh tự do tôn giáo không chỉ được ghi trong Hiến pháp, pháp luật Việt Nam mà còn ‘được bảo đảm, tôn trọng trên thực tế’.
Tuy nhiên, những người cổ xúy cho quyền tự do tôn giáo trong nước nói dù được Hiến pháp công nhận, nhưng quyền tự do tôn giáo trên thực tế bị quốc doanh hóa chặt chẽ, bị kiểm soát và bị vi phạm nghiêm trọng với rất nhiều những cản trở đối với các tổ chức tôn giáo không được nhà nước công nhận.
Mục sư Thân Văn Trường thuộc Giáo hội Tin lành Mennonite nhận xét phúc trình của Mỹ phản ánh đúng hiện tình hình tôn giáo tại Việt Nam :
“Tôi thấy đánh giá như vậy là đúng. Ngay tại chỗ chúng tôi đây luôn bị sách nhiễu. Mục sư quản nhiệm Hội thánh mà họ không cho tới để cầu nguyện với anh em. Công an cứ canh, họ đứng bên ngoài quay chụp khi chúng tôi nhóm cầu nguyện. Tôi thấy chính sách đối xử với tôn giáo như vậy thì đánh giá như thế là xác đáng. Trên thực tế còn khó khăn, sách nhiễu nhiều hơn thế chứ không phải chỉ như vậy. Tôi có điều kiện quan sát nhiều nơi. Ví dụ Hội thánh ở Hải Phòng do mục sư Huỳnh Trọng Nghĩa quản nhiệm, cũng bị như vậy. Cứ mỗi buổi nhóm là công an tới lập biên bản không cho nhóm. Một Phó chủ tịch phường trực tiếp đến làm việc và đem theo các lực lượng ‘xã hội đen’ đến phá rối Hội thánh. Họ hù dọa, hăm dọa anh em và lập biên bản. Trên thực tế, từ miền Bắc tới cao nguyên đều vậy. Trên Tây Nguyên, nhiều anh em vẫn bị canh giữ rất gắt gao. Những chỗ được công nhận thì không nói , còn những chỗ không được công nhận thì sinh hoạt tôn giáo rất là khó khăn”.
Linh mục Tadeo Nguyễn Văn Lý, 69 tuổi, bị Hà Nội kết án 4 lần với tổng cộng hơn 53 năm tù giam vì tinh thần kiên định cổ xúy cho nhân quyền ở Việt Nam.
Nhà chức trách Việt Nam nói họ giám sát hoạt động của một số tổ chức tôn giáo vì các hoạt động chính trị của những tổ chức này.
Mục sư Trường phản bác:
“Điều đó không đúng. Hội thánh chúng tôi chẳng hạn, trong những buổi nhóm Chủ nhật, chúng tôi thuần túy học kinh thánh chứ không có một chút gì là chính trị trong sự thờ phượng Chúa của chúng tôi cả, nhưng vẫn bị khó dễ”.
Trước những khó khăn đó, có người thắc mắc rằng tại sao các tổ chức này không đăng ký hoạt động với nhà nước để được công nhận và sinh hoạt đạo dễ dàng hơn.
Một số hội nhóm tôn giáo ‘ngoài quốc doanh’ nói thực hành tín ngưỡng là quyền căn bản, công dân có quyền sinh hoạt tôn giáo độc lập với nhà nước, không phải xin-cho.
Cũng có một số tổ chức tôn giáo cho biết họ đã nhiều lần đăng ký với nhà nước nhưng bị từ chối, trong số này có Hội thánh Chuồng bò thuộc Giáo hội Tin lành Mennonite mà Mục sư Thân Văn Trường là một thành viên:
“Người ta yêu cầu đăng ký với chính quyền địa phương, chúng tôi có lập hồ sơ đăng ký chứ không phải chúng tôi sinh hoạt bí mật, âm thầm chi cả. Chúng tôi có thực hiện yêu cầu của họ, nhưng có điều chính quyền họ chưa công nhận cho chúng tôi thôi. Giả như Hội thánh ở Hải Phòng của mục sư Huỳnh Trọng Nghĩa mà tôi vừa ra thăm hồi tháng 8, chỗ đó đã được chính quyền công nhận, được đại diện Bộ Công an và Mặt trận Tổ quốc tặng hoa trong dịp Giáng Sinh, nhưng họ vẫn khó dễ. Họ vẫn đem các lực lượng phức tạp đến phá rối, không cho nhóm lại. Họ yêu cầu phải đăng ký lại cho tới khi nào họ đồng ý thì mới được nhóm cầu nguyện. Vấn đề không phải chỗ được công nhận hay không, mà họ thích bắt bớ, khó dễ ở đâu thì họ làm thôi”.
"Tôi thấy đánh giá như vậy là đúng. Ngay tại chỗ chúng tôi đây luôn bị sách nhiễu. Mục sư quản nhiệm Hội thánh mà họ không cho tới để cầu nguyện với anh em. Công an cứ canh, họ đứng bên ngoài quay chụp khi chúng tôi nhóm cầu nguyện. Tôi thấy chính sách đối xử với tôn giáo như vậy thì đánh giá như thế là xác đáng. Trên thực tế còn khó khăn, sách nhiễu nhiều hơn thế chứ không phải chỉ như vậy."-Mục sư Thân Văn Trường.
Mục sư Trường hoan nghênh nỗ lực của Hoa Kỳ trong việc thúc đẩy cho nhân quyền tại Việt Nam mà bản phúc trình thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ về tự do tôn giáo thế giới như một lời nhắc nhở và đánh động sự quan tâm của quốc tế đối với các chính phủ vi phạm, nhưng ông nói cần có áp lực cụ thể mạnh mẽ hơn nữa để có thể nhìn thấy những cải thiện từ Việt Nam.
“Chính phủ Mỹ quan tâm và có những biện pháp như vậy rất tốt cho vấn đề tôn giáo ở Việt Nam. Họ cần phải có sức ép mạnh hơn nữa vì trên thực tế vấn đề bắt bớ tôn giáo ở Việt Nam rất nghiêm trọng mà phía Mỹ khó có thể biết hết được. Là những người theo đức tin, chúng tôi chỉ ước mong rằng luật pháp phải rõ ràng và chính quyền phải tôn trọng luật pháp do chính họ đề ra để hoạt động tôn giáo được trở thành bình thường , để tự do tôn giáo có giá trị thực tế chứ không phải chỉ trên tuyên truyền hay trên văn bản mà thôi.”
Nhân quyền Việt Nam trong đó có vấn đề tự do tôn giáo là một trở ngại trong mối quan hệ Việt - Mỹ.
Hoa Kỳ và các nước Tây phương nói Hà Nội cần cải thiện thành tích nhân quyền nội địa đáp ứng với các chuẩn mực chung toàn cầu trước khi muốn hưởng lợi từ các mối bang giao quốc tế trong nhiều lĩnh vực.
Mỹ cũng là nước đi đầu trong các nỗ lực kêu gọi Việt Nam phóng thích tù nhân chính trị, tù nhân tôn giáo.
Việt Nam nói quyền của mỗi cá nhân phải phù hợp với bối cảnh của xã hội, cộng đồng và rằng tại Việt Nam không có người nào bị giam cầm vì lý do tôn giáo, chỉ có những người phạm pháp mới bị xử lý.
Các tổ chức nhân quyền quốc tế nói nhân quyền là giá trị phổ quát toàn cầu, không thể bị chi phối bởi không gian địa lý hay hoàn cảnh xã hội.
Nhấp vào để nghe phần âm thanh
No comments:
Post a Comment