Wednesday, October 14, 2015

Nghề chăn nuôi, may ít rủi nhiều

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam Theo RFA-2015-10-14  
Cảnh nuôi vịt ngoài đồng kiếm thu nhập thêm
Cảnh nuôi vịt ngoài đồng kiếm thu nhập thêm -AFP
Nghề chăn nuôi vốn dĩ là nghề đã cứu người nông dân thoát đói nghèo mấy chục năm nay. Nếu như việc làm ruộng, làm vườn giúp cho người nông dân có hạt lúa, có bó rau để bán đi chợ thì việc chăn nuôi lại giúp người nông dân giải quyết được hạt lúa lép, hạt bắp hay hủ nước cơm mà tích lũy theo thời gian, dành khi hữu sự. Tuy nhiên, nghề chăn nuôi hiện tại không những không phù hợp với nhà nông mà con tạo ra nhiều phiền phức trrong đời sống của họ. Trong đó, nguyên nhân do qui hoạch thiếu khoa học ở các vùng quê và thực phẩm gia súc Trung Quốc là hai nguyên nhân chính.
Qui hoạch thiếu khoa học
Ông Trần Sáu, ngụ huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế, chia sẻ: “Có mấy người họ nuôi heo, nuôi nhiều lắm. Họ nuôi như chơi hụi vậy, không lợi mấy. Họ muốn heo mau to thì họ cho ăn bột Trung Quốc để thúc. Họ nuôi trang trại cũng vậy, mà họ nuôi vài con, vài chục con cũng vậy, họ cũng dùng bột Trung Quốc. Họ có làm ruộng nhưng họ tranh thủ họ nuôi để kiếm thêm thu nhập. Nhưng heo đó thì người mua họ ít ưa vì nó bột.”
Theo ông Sáu, vấn đề chăn nuôi hiện nay gặp rất nhiều phiền phức bởi nguyên nhân qui hoạch thiếu khoa học gây ra. Trước đây chừng mười đến mười lăm năm, những cặp vợ chồng ở quê tìm cách mua đất mặt tiền ở các đường liên xã, liên huyện để làm ăn. Muốn mua được đất, họ phải tham gia đấu giá và chung chi cho cán bộ địa chính để tìm được lô có vị trí tốt. Tuy nhiên, sau mười đến mười lăm năm sinh sống và làm ăn, hàng loạt thứ bất cập và rắc rối xuất hiện.
Vấn đề rắc rối đầu tiên là hầu hết những người mua đất đều là nông dân hoặc làm thợ xây, thợ mộc, ngoài khoản thu nhập từ công việc xây dựng, đóng hàng hay làm ruộng, họ phải nuôi thêm con heo, con gà để tích lũy. Thậm chí có nhiều nhà chuyên về chăn nuôi heo, mỗi lứa lên đến vài chục con heo và xem đây là nguồn thu nhập chính.
Nhưng cách qui hoạch nhà liền kề, không có đường luồng và chiều ngang mỗi lô đất chỉ dao động từ bốn mét đến năm mét, sau lưng nhà là ruộng đồng và không có hệ thống thoát nước, mọi thứ nước xả đều phải đưa ra sau ruộng, sinh hoạt của người nông dân trở nên ngột ngạt vô cùng.
Với kiểu bố trí nhà liền kề, việc chăn nuôi rất khó khăn, vừa dơ dáy, vừa gây tiếng ồn và mùi hôi thối của phân heo luôn làm cho hàng xóm khó chịu. Việc chăn nuôi từ chỗ là nguồn kinh tế chính và là công việc hết sức tự nhiên bỗng trở nên trái khoáy, nuôi heo giống như thách thức lời ra tiếng vào của hàng xóm. Đó là chưa muốn nói đến phân heo xả ra ruộng khiến cho chủ ruộng bất bình, lên tiếng.
Một trại chăn nuôi heo ở Vĩnh Long. AFP
Một trại chăn nuôi heo ở Vĩnh Long. AFP
Đã có nhiều cuộc ẩu đả hoặc cải vã đến đổ lửa giữa chủ ruộng và nhà chăn nuôi vì nước xả. Chuyện này chỉ có từ sau khi nhà nước qui hoạch đất ở và bán cho người nông dân đến nay chứ trước đây không có chuyện này. Và hiện tại, việc chăn nuôi của hầu hết những nhà ở thôn quê trở nên hết sức khó khăn. Nhiều người phải đi thuê đất để làm trại chăn nuôi. Nhưng thuê đất xa gia đình cũng không suông sẻ vì nạn trộm cắp ngày một gia tăng, sau một đêm, trại chăn nuôi mất vài chục con heo hay vài trăm con gà không còn là chuyện xa lạ ở quê.
Hơn nữa, vấn đề nguồn thức ăn gia súc nhập từ Trung Quốc khiến cho các loại gia súc, gia cầm tăng cân một cách thất thường cũng đẩy người nông dân đến chỗ khó. Từ chỗ nguồn thịt từ thôn quê vốn là thứ thực phẩm được ưa chuộng ở các thành phố, thức ăn siêu tăng trưởng Trung Quốc đã nhanh chóng xóa sạch uy tín của nguồn thực phẩm chăn nuôi từ thôn quê. Cũng giống như nhiều người nông dân khác, gia đình ông Sáu gặp nhiều trục trặc trong chăn nuôi và đây không còn là nguồn thu nhập chính của gia đình ông nữa.
Thức ăn Trung Quốc
Một nông dân khác ở huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi tên Tuấn, chia sẻ thêm: “Nuôi gà bây giờ tôi nuôi gà trống thiến. Nó đầy rủi ro, giá cả thị trường mình không chủ động được, phụ thuộc nhiều yếu tố.Nhưng rủi ro cao lắm, bởi công nghệ mình không nắm hết. Nhưng công nghệ của mình lạc hậu quá. Phải học được mô hình của họ. Như gà ở Mỹ sao giá rẻ bèo mà chất lượng cao. Mình phải thay đổi sao chứ lương thực (thức ăn cho vật nuôi) của mình giá còn cao, trừ khi du nhập được cái gì chứ thế này thì…”
Một khu chăn nuôi heo thất bại bỏ hoang
Một khu chăn nuôi heo thất bại bỏ hoang. RFA
Là người có thâm niên làm chăn nuôi lâu dài và làm giàu từ việc chăn nuôi, ông Tuấn tỏi ra lo lắng khi Việt Nam sắp sửa trở thành thành viên TPP. Bởi theo ông tìm hiểu, vấn đề tự do mậu dịch của TPP sẽ đòi hỏi uy tín hàng hóa trên thị trường rất khắc khe, mà muốn có uy tín thì phải có chất lượng. Trong khi đó, bản thân ông nói riêng và nhiều nông dân khác nói chung đều bị thói quen chăn nuôi bằng thức ăn Trung Quốc nhằm rút ngắn khoản thời gian chăn nuôi để kiếm lãi.
Và nghiệt ngã cho những người nông dân như ông Tuấn là nếu không nuôi bằng bột siệu tăng trọng thì không thể sinh lãi, vì điều kiện Việt Nam bắt buộc phải thế. Giải thích cái gọi là điều kiện Việt Nam, ông Tuấn cho biết là hầu hết mọi thứ vật liệu xây dựng đều đắt đỏ, đồng tiền nhanh rớt giá. Ví dụ như xây dựng một trại chăn nuôi, tốn kém ít nhất cũng là một chục lượng vàng nhưng chưa biết nuôi heo cho đến bao giờ mới sắm lại được vì đồng tiền liên tục rớt giá.
Trong khi đó, thời tiết Việt Nam nắng mưa thất thường, trời nắng thì phải bơm nước tắm cho heo chống nhiệt mỗi ngày cả chục lần, trời mưa thì chong đèn sưởi heo. Các loại gia súc, gia cầm nuôi lấy thịt khác cũng y qui trình như nuôi heo. Mà tiền điện tại Việt Nam là phải trả theo lũy tiến, hộ chăn nuôi không được xem là hộ sản xuất nên không được đăng ký điện sản xuất. Với mức độ mỗi ngày tắm cho heo đến chín, mười lần, đồng hồ điện chạy vùn vụt, mỗi tháng, một hộ chăn nuôi như ông có thể tốn lên đến năm, sáu triệu đồng tiền điện.
Từ thức ăn đến tiền điện, tiền ngày công lao động và chi phí cơ hội của chủ nuôi heo, có thể xem như chăn nuôi lãi không bao nhiêu, lấy công làm lãi. Tuy nhiên, đó là mức lãi của thời mà thực phẩm chưa bị cạnh tranh bởi nguồn thực phẩm sạch từ các nước tiến bộ nhập vào. Với uy tín gần như không có của ngành chăn nuôi Việt Nam, người trong nước cũng không tin vào nguồn thịt của Việt Nam thì cơ hội xuất khẩu thịt trong ngành chăn nuôi còn xa lắm. Trong khi đó, nguồn thịt sạch, đạt tiêu chuẩn từ nước ngoài nhập vào Việt Nam sẽ nhanh chóng đánh bại người chăn nuôi ở Việt Nam.
Để kết vấn đề, ông Tuấn nói rằng nhiều gia đình chuyên về nghề chăn nuôi tại Việt Nam sẽ phải bỏ nghề nếu cho họ cạnh tranh với bất kỳ nguồn thực phẩm sạch nào. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng có hai nguyên nhân chính: Giá điện quá cao và; Việt Nam đã bị Trung Quốc thao túng kinh tế, đã đánh mất phần uy tín còn rất mỏng của mình.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

No comments:

Post a Comment