PGS. TS. Phạm Quý Thọ Học viện Chính sách và Phát triển
Theo BBC-8 giờ trước
Kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào ngày 5 tháng 10 năm 2015, đối với Việt Nam là dấu mốc quan trọng của những nỗ lực kiên định chính sách mở cửa hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế của đảng và nhà nước Việt Nam.
Nhìn lại chặng đường dài 30 năm từ đường lối Đổi mới năm 1986, Việt Nam luôn tận dụng mọi cơ hội để tham gia các hiệp định hợp tác kinh tế song phương và đa phương, và trở thành một trong số các quốc gia đang phát triển có quan hệ đối tác kinh tế với nhiều nước nhất trên thế giới.
Sau khi gia nhập Tổ chức Thương Mại Thế giới (WTO), trong những năm qua, ngoài TPP, Việt Nam đã và đang đàm phán 7 đối tác thương mại tự do lớn (FTA); Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực Đông Á (RCEP); Các nước ASEAN, ASEAN+; Khu vực Mậu dịch Tự do Châu Âu (EVFTA); Hàn Quốc; Chile; Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan.
'Trì trệ nguy hiểm'
Sau mỗi lần kết thúc đàm phán hoặc ký kết một hiệp định các nhà đàm phán Việt Nam thường chia sẻ những kết quả đạt được từ những khó khăn, thách thức cũng như thuận lợi và cơ hội với những cảm xúc và hy vọng.
Các nhà lãnh đạo, xã hội và người dân quan tâm đa số họ đều chào đón với những mong muốn thay đổi đời sống kinh tế và xã hội tốt hơn, các hiệp định kinh tế lớn, trong đó có sự kiện gia nhập WTO và kết thúc đàm phán TPP, một hiệp định được coi là bước ngoặt quan trọng.
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên trưởng đoàn đàm phán Việt Nam gia nhập WTO, khi tham dự buổi báo cáo của Bộ Công Thương về việc kết thúc đàm phán TPP đã phát biểu: “Ngày nay, chúng ta sống trong cảm xúc quá nhiều, giống như WTO đã từng tạo ra trào lưu cảm xúc, tổ chức một cuộc đi bộ. Chúng ta thắng một trận đá bóng thì tâng lên tận mây xanh, nhưng thua một trận thì xuống hết cỡ. Phải hết sức bình tĩnh, không nên sống nhiều quá vào cảm xúc”.
Và ông thẳng thắn chia sẻ: “Tôi rất lo cho doanh nghiệp, nhưng tôi lo cho Nhà nước nhiều hơn bởi doanh nghiệp chịu sức ép của cạnh tranh thì phải vươn lên, có anh sẽ chết có anh trưởng thành, song bộ máy Nhà nước trì trệ rất nguy hiểm”.
Rút kinh nghiệm những bài học từ 8 năm thực thi WTO, lần này gia nhập TPP các nhận xét đã thận trọng hơn, thậm chí đưa ra cảnh báo về lo ngại, khó khăn, thách thức phải đương đầu trong thời gian tới.
Bài học kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai thực thi WTO cần được đúc kết cho TPP. Năm 2007 Việt Nam gia nhập WTO với một khí thế lạc quan sau một thời kỳ tăng trưởng kinh tế tương đối cao và kéo dài. Đã có những ngôn từ ‘con rồng, con hổ mới’ ở Đông Nam Á dành cho sự phát triển này của Việt Nam.
Cũng bắt đầu từ năm này với mong muốn tăng trưởng nhanh, kích cầu kinh tế với khoảng 160 nghìn tỷ đồng (tương đương với 8 tỷ đô la Mỹ) được bơm vào nền kinh tế, nhằm mục đích thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp. Dòng tiền đó, như một chất kích thích, kích động ‘những con thú đầu dài’ (như ông Thomas Friedman mô tả trong Thế giới phẳng’) tăng tốc săn mồi.
Lĩnh vực tài chính và bất động sản chính là những miếng mồi béo bở nhất, bị cắn xé dữ dội nhất. Tất yếu, hậu quả là bong bóng bất động sản và khủng khoảng tài chính – tiền tệ nặng nề cho đến nay vẫn đang phải khắc phục với các giải pháp mạnh của chính phủ mang tên ‘tái cơ cấu’ hệ thống tài chính – ngân hàng và các doanh nghiệp nhà nước.
Tất nhiên, cộng hưởng với quá trình này là khủng khoảng tài chính thế giới, bắt đầu từ một số ngân hàng Mỹ năm 2008. Bài học quý báu là mặc dù TPP sẽ có thể mang lại nhiều cơ hội, nhưng cần phải có những đối sách, cải cách và điều hành kinh tế phù hợp nhất, tránh nóng vội tăng trưởng, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới, Mỹ, Trung Quốc và các nước mới nổi đang suy giảm và biến động khó lường.
Chuẩn bị tích cực
Bài học tiếp theo đó là sự chuẩn bị tích cực cho thực thi các nội dung các điều khoản TPP khi được ký kết. TPP được mô tả là kiểu hiệp định ‘thế hệ mới’ với những chuẩn mực cao hơn so với các hiệp định thương mại hiện hữu. Sự chuẩn bị này cần có thời gian, nguồn lực và sự nỗ lực đột phá của lãnh đạo, doanh nghiệp và người dân.
Được biết, sau khi Việt Nam gia nhập WTO, Việt Nam đã soạn thảo khá nhiều chương trình hành động, nhưng còn thiếu trọng tâm và không hiệu quả. Đó là nhận định trong báo cáo “Thể chế thực thi và giám sát thực hiện chương trình hành động của Chính phủ sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO” của nhóm tư vấn cấp cao, ngày 15/8/2008 tại Hà Nội.
Theo đó, tỷ lệ bộ ngành, địa phương có chương trình hành động hậu WTO là khá cao (trên 80%) nhưng hầu hết lại được ban hành trong năm 2008. Đến hết ngày 30/6/2008, đã có 18/21 bộ, ngành và 53/64 tỉnh, thành phố chính thức ban hành chương trình hành động.
Tuy nhiên, việc xây dựng chương trình hành động tại các bộ ngành, đặc biệt là ở địa phương thực hiện theo phong trào, sao chép lẫn nhau, không có cơ sở khoa học, mang tính đối phó. Trong đó, nhiều địa phương xây dựng chương trình hành động cho mình bằng cách… bê y nguyên các điểm trong chương trình hành động của Chính phủ. Hơn nữa, sự phối hợp giữa các ngành các bộ, giữa trung ương và địa phương về chương trình hành động rất yếu và rời rạc...
Kết quả là đoán được, như đã biết, theo Báo cáo đánh giá tổng thể tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam sau 5 năm gia nhập WTO được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố ngày 3/4/2012 cho thấy, tăng trưởng bình quân khu vực nông - lâm nghiệp - thủy sản trong 5 năm từ 2007-2011 là 3,4% hàng năm, thấp hơn so với giai đoạn 5 năm trước khi gia nhập WTO tới 0,6 điểm phần trăm.
Tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2015, các chuyên gia đánh giá rằng chủ trương hội nhập là khâu đột phá quan trọng của Việt Nam, song chưa phát huy được mọi cơ hội và chưa vượt qua được những thách thức trong quá trình hội nhập. Trong phiên họp sáng ngày 18/9/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo giám sát "Kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam là thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)", Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng đã lưu ý: "Gia nhập WTO 8 năm rồi, thì sự tiến bộ của đất nước có gần lại với sự phát triển của các nước đi trước không hay là khoảng cách càng xa hơn, câu hỏi này phải trả lời".
Cải cách thể chế
Bài học lớn thứ ba từ thực thi WTO là cải cách thể chế. Mấy năm gần đây các chuyên gia đã chỉ ra rằng dư địa của Đổi mới đã cạn kiệt, điểm nghẽn thể chế là nghiêm trọng nhất trong ba điểm nghẽn được nêu ra (thể chế, nhân lực và cơ sở hạ tầng) tác động đến tăng trưởng bền vững của Việt Nam. Việc tạo dựng khuôn khổ pháp lý và kinh tế cho thể chế kinh tế thị trường còn nhiều bất cập.
Trong giai đoạn 2007 – 2014 khu vực kinh tế trong nước vẫn mất cân đối, luôn ở tình trạng nhập siêu, còn xuất siêu lại chủ yếu là của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Khu vực này đóng góp 21,7% tổng đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2014 so với những năm trước 2007, xoay quanh mức 15% (2006:16,2%).
Ngoài ra, đóng góp của khu vực FDI trong GDP cũng tăng mạnh từ năm 2007, năm 2015 ước tính GDP tăng 6,2%, trong đó 1/4 nhờ giá trị xuất khẩu của khu vực FDI. Thu hút đầu tư nước ngoài được coi là một điểm sáng, song mặt khác cho thấy yếu tố kinh tế thực, nội lực của Việt Nam vẫn còn yếu, kém.
Gia nhập TPP Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao theo các điều khoản thỏa thuận, để có thể được hưởng lợi từ các tác động tích cực, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, Việt Nam buộc và cần phải cải cách triệt để trên nhiều lĩnh vực, trong đó có việc điều chỉnh khuôn khổ pháp lý và cải tổ bộ máy nhà nước.
Bài học được rút ra là nếu chỉ hội nhập kinh tế thôi là chưa đủ, nếu chỉ cải cách thể chế kinh tế không thể tạo ra được tăng trưởng bền vững, mà cần có cải cách sâu rộng hơn mọi mặt đời sống xã hội, trong đó có cả chính trị.
Trong Hội thảo khoa học “Cải cách thể chế kinh tế Việt Nam để hội nhập và phát triển giai đoạn 2015-2035”, tổ chức ngày 28/8/2015, báo cáo đã chỉ ra đổi mới thể chế kinh tế trong thời gian tới cần tập trung vào các nội dung: Đổi mới tư duy và mô hình tăng trưởng; Chuyển mạnh nền kinh tế sang kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại; Cải cách thể chế trong tổ chức và cung ứng dịch vụ công; Cải tổ mạnh mẽ doanh nghiệp nhà nước và hệ thống tài chính ngân hàng; Đảm bảo nợ công trong ngưỡng an toàn; Đào tạo theo nhu cầu xã hội…
Các chuyên gia trong hội thảo đều nhấn mạnh sự cấp thiết phải cải cách thể chế một cách mạnh mẽ hơn, thậm chí nâng tầm như một cuộc Đổi Mới lần 2.
Tại phiên bế mạc hội nghị TƯ 10 Đảng Cộng sản Việt Nam chiều ngày 12/01/2015, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh việc tiếp tục đi sâu phân tích làm rõ hơn các đề xuất liên quan đến vấn đề "đổi mới đồng bộ hơn giữa chính trị và kinh tế”, tuy nhiên khẳng định đổi mới chính trị không phải là làm thay đổi chế độ chính trị, thay đổi bản chất của Đảng, Nhà nước.
Cho đến nay, trong các hội thảo khoa học chính thức còn thiếu vắng các nghiên cứu về đổi mới chính trị đáp ứng các yêu cầu này.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính sách công, Học viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam.
No comments:
Post a Comment