Saturday, October 17, 2015

Gì cũng sợ!

Theo Người Việt-10-17-2015 1:39:45 PM

 Các lãnh tụ Trung Cộng lâu nay hành xử như là trên đời này không có gì đụng đến họ được, coi trời bằng vung. Nhưng ấy vậy mà một văn kiện viết trên một tấm da cừu từ 800 năm nay đã làm họ sợ!
Cũng phải xin thêm ngay văn kiện đó rất đặc biệt. Mang cái tên là Magna Carta (Hiến chương lớn), nó là một văn kiện từ năm 1215 mang chữ ký của Vua John của Anh Quốc. Năm nay kỷ niệm đúng 8 thế kỷ từ khi văn kiện này được ký kết, thành ra Anh Quốc đã mang những bản còn lại đi triển lãm trên khắp thế giới. Chính phủ Anh, qua cơ quan British Council, đã dự trù một cuộc triển lãm lưu động “đầy tham vọng.” Và sở dĩ văn kiện này được coi như là một trong những văn kiện quan trọng nhất của nhân loại vì nó đã bảo đảm quyền của cá nhân và quan trọng hơn, nói rằng người cai trị, nhà vua, cũng phải tuân theo luật lệ.
Thực ra, khi Vua John và một nhóm các vị công hầu bá tước nổi loạn gặp nhau ở một bãi cỏ bên ngoài thành Luân Đôn vào năm 1215, tạo nên nền tảng của nền dân chủ hiện đại không phải là mục đích của họ. Nhưng Magna Carta, văn kiện mà nhà vua và các nhà quý tộc sau cùng đồng ý, đã vượt xa mục đích nguyên thủy của nó là bảo vệ các đặc quyền của các nhà quý tộc trước quyền của nhà vua. Magna Carta đã trở thành biểu tượng toàn cầu cho quyền cá nhân chống lại các chế độ độc tài.
Viết bằng tiếng La Tinh khó hiểu trên một tấm da cừu, nó đã tiến hóa từ một hòa ước cho giới quý tộc Anh Quốc đang lâm chiến để trở thành nền tảng cho việc thông qua tu chính án thứ nhất của Hiến Pháp Hoa Kỳ, tu chính án về quyền con người.
Sở dĩ ngày nay chúng ta có không phải là một mà vài bản của văn kiện này là vì sau khi ký kết, văn bản được sao chép thành nhiều bản để gửi đến các thành phố quan trọng tuyên đọc cho dân chúng nghe. Và theo địa chỉ WeChat của Tòa Đại Sứ Anh Quốc ở Bắc Kinh, thì một trong những bản của văn kiện vô giá này sẽ được đưa ra trưng bày ở viện bảo tàng của Viện Đại Học Nhân Dân ở Bắc kinh. Nhưng cuộc triển lãm đột ngột bị dời về tư dinh của bà đại sứ, với rất ít vé được phát cho dân chúng và không thấy có giải thích nào cả. (Tòa đại sứ tuy vậy có nói là văn kiện sẽ được trưng bày ở Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ ở Quảng Châu và ở một viện bảo tàng ở Thượng Hải).
Không rõ tại sao việc trưng bày đã bị dời khỏi khuôn viên Viện Đại Học Nhân Dân. Nhưng với Magna Carta được rộng rãi coi như là nền tảng của chế độ hiến định của Anh Quốc và Hoa Kỳ, và một chế độ chính trị như vậy là “tối kỵ” với các vị lãnh tụ Trung Quốc, vốn coi chế độ hiến định là một đe dọa cho sự cai trị độc quyền của đảng Cộng Sản.
Hồi năm 2013, đảng đã đưa ra “bảy điều cấm kỵ,” tức là những đề tài mà các đảng viên không được nói đến. Và điều đầu tiên mà họ không được nhắc đến là chế độ dân chủ lập hiến theo kiểu Tây phương. Chính quyền sợ sự lây lan của thứ “thuốc độc dân chủ” này đến nỗi mà hai chữ “Magna Carta” đã bị kiểm duyệt cấm nếu đánh thử trên địa chỉ Sina Weibo, một thứ tương đương với Twitter ở Trung Cộng.
Nhà tranh đấu nổi tiếng Hồ Giai nói là ông không ngạc nhiên khi cuộc trưng bày này bị dời khỏi khuôn viên viện đại học. Ông nói Nhân Dân Đại học có liên hệ mật thiết với học viện chính trị của đảng Cộng Sản Trung Quốc và rằng những nguyên tắc mà văn kiện này đề cao là hoàn toàn đi ngược lại với lập trường của đảng Cộng Sản. Quan trọng hơn, ông nói, các nhà lãnh đạo Bắc Kinh có thể lo ngại là cuộc triển lãm này trở thành được nhiều người chú ý và điều họ còn sợ hơn nữa là “sinh viên đổ đến xem đông đảo.”
Ông Hồ kết luận “Họ sợ là một chủ thuyết như vậy và văn kiện lịch sử sẽ ăn sâu vào tâm khảm của sinh viên.”
Mà kể họ sợ cũng phải, một văn kiện từ 800 năm nay rồi nhưng trong đó điều quan trọng nhất là nhà cầm quyền không được quyền đứng trên pháp luật, sẽ làm cho họ mất hết lý do để biện minh cho việc đảng Cộng Sản tự cho mình quyền đứng trên pháp luật.
Sự thay đổi nơi trưng bày bí ẩn này đã xảy ra chỉ một tuần trước khi chủ tịch nhà nước Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đến công du Anh Quốc. Ông sẽ là lãnh tụ đầu tiên từ một thập niên nay đến thăm Anh. Chính phủ của ông David Cameron đã gọi năm 2015 là “năm vàng” trong liên hệ giữa hai quốc gia, và đang cố gắng hết sức để lôi cuốn đầu tư của Trung Cộng. Điều mỉa mai hơn nữa là chuyến đi trưng bày của Magna Carta đã được diễn tả là một phần của liên hệ ngày càng sâu đậm giữa hai quốc gia. Theo một thông cáo báo chí được phổ biến hôm thứ ba vừa qua, bà đại sứ của Vương Quốc Thống Nhất Anh và Ái Nhĩ Lan, bà Barbara Woodward, đã viết: “Tôi muốn nhân cơ hội này để mời tất cả những bạn bè trên toàn Trung Quốc viếng thăm một tiêu biểu quan trọng của di sản văn hóa của chúng tôi trong năm vàng của liên hệ Anh Trung, và để nó sẽ là khởi điểm cho những hợp tác tương lai về chế độ pháp trị và dịch vụ tư pháp.”
Hẳn bà đại sứ không có ý định mỉa mai nhưng bất cứ một ai biết về Trung Cộng thì cũng đều phải cười mỉm. Nói chuyện chế độ pháp trị và dịch vụ tư pháp với một chính quyền vừa cho bắt bỏ tù cả trăm luật sư thì nếu không phải cố tình cũng thật quá ngây thơ cho một vị đại sứ của nền dân chủ cổ nhất thế giới.
Vả lại, bà đại sứ hy vọng là dân Trung Hoa đến xem văn kiện này, nhưng kiếm được một cơ hội để vào xem văn kiện ở tư dinh của bà đại sứ quả rất khó khăn. Việc ghi tên đã kết thúc từ 9 giờ tối hôm trước, và cuộc trưng bày cho công chúng chỉ kéo dài có ba tiếng đồng hồ hôm tối thứ tư, theo bản tin viết bằng chữ hán trên địa chỉ của tòa đại sứ. Ông Mark Gill, giám đốc điều hành của Ủy Ban Magna Carta 800 năm có trụ sở ở Luân Đôn, than phiền là căn phòng nhỏ ở tư dinh chỉ có thể chứa được một số người rất giới hạn.
Một đại diện của Bộ Ngoại Giao ở Luân Đôn thì tìm cách biện bạch nói là quyết định trưng bày Magna Carta ở tư dinh là “dựa hoàn toàn trên những thực tế về hành chánh và tiếp liệu” (sic). Và chính ông Gill cũng phải thêm “Thực ra chúng tôi rất mừng là nó đến được đó.” Tuyên bố từ Bắc Kinh, ông cũng thêm là nhận thức về văn kiện này ở Trung Quốc rất thấp so với nhiều quốc gia khác.
Nhưng đồng thời, phóng viên Michael Forsythe của tờ The New York Times thêm, ở viện bảo tàng rộng lớn của Nhân Dân Đại học đường còn rất nhiều chỗ cho khách đến xem. Vào chiều tối ngày thứ tư vừa qua, viện bảo tàng vắng hoe, chỉ có nhân viên, không một người khách.
Ba nhân viên của viện bảo tàng không chịu cho biết tên nói là họ được bảo cho biết mấy ngày trước khi triển lãm bắt đầu là cuộc triển lãm sẽ bị dời chỗ. Một người trả lời điện thoại ở chi bộ đảng ở nhân dân đại học đường bảo ông không biết gì về sự dời chỗ. Văn phòng báo chí của Tòa Đại Sứ Vương Quốc Anh ở Bắc Kinh và Bộ Ngoại Giao ở Luân Đôn đã không trả lời cho câu hỏi của tờ Times về việc thay đổi nơi trưng bày.
Điều cũng phải thêm là Magna Carta đã là đề tài của nhiều cuộc hội thảo và diễn giảng ở Trung Cộng năm nay, kể cả hai cuộc hội thảo ở ngay viện đại học nhân dân. Một sinh viên tiến sĩ về sử vốn biết nhân viên của viện bảo tàng nói là trường đã hủy cuộc trưng bày theo yêu cầu của Bộ Giáo Dục.
Cựu đại sứ Kerry Brown, vốn đã từng là đại sứ Vương Quốc Anh tại Bắc Kinh và nay là giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Trung Quốc ở Viện Đại Học Sydney ở Úc thì mỉm cười phê bình “Để cho bị lo sợ vì một văn kiện cổ lỗ sĩ như Magna Carta ư? Họ có vẻ mong manh và dễ vỡ quá phải không, mấy ông lãnh tụ Trung Quốc? Tội nghiệp họ quá.” Đó là chúng tôi dịch thoát thôi chứ chữ ông đại sứ dùng còn mỉa mai hơn nhiều. Ông nói “Poor dears.”
 Lê Phan

No comments:

Post a Comment