Saturday, October 10, 2015

Bao giờ mới hết tình trạng bệnh viện quá tải?

 Anh Vũ, thông tín viên RFA -2015-10-10  
000_Hkg9725957-622.jpg
Một bệnh viện ở Hà Nội, ảnh minh họa chụp trước đây. AFP

Phải cam kết nằm ghép

Bệnh nhân phải ký giấy cam kết đồng ý nằm ghép khi đến điều trị tại bệnh viện Nhiệt đới Trung ương tại Hà Nội. Đây là tin do tờ Tuổi Trẻ loan đi hôm đầu tháng 10. Điều này cho thấy tình trạng quá tải ở các bệnh viện tại Việt Nam là hết sức đáng lo ngại.
Việt Nam nằm trong danh sách 33 quốc gia có tỷ lệ giường bệnh thấp nhất trên thế giới, 1 giường bệnh/1.000 dân.
Thống kê của Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế cho biết, hiện nay tình trạng các bệnh viện công đang quá tải ở mức trầm trọng. Công suất sử dụng giường bệnh luôn ở mức từ 90-110%, bệnh nhân thường phải nằm 2-3 người/giường, thậm chí có nơi tới 4-5 người/giường. Trong lúc đó tỷ lệ bác sĩ trên 1 vạn dân mới ở mức 7,4 bác sĩ/ 10.000 người.
Từ hôm vào bệnh viện con tôi có được nằm ở giường đâu, toàn nằm dưới đất chứ làm gì có giường, vì còn các cháu bé hơn con mình nên mình phải nhường. Có đến 4 cháu chung một giường thì làm sao mình có thể nằm được.
-Ông Thịnh
Do đó, tình trạng ở các bệnh viện 2-3 người bệnh nằm chung một giường hay ngồi la liệt ngoài hành lang, hoặc phải chầu trực xếp hàng khám chữa bệnh từ 4-5 giờ sáng là hiện tượng hết sức phổ biến.
Ông Thịnh, quê ở Nam Định một người nhà bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện Nhi Trung ương ở Hà nội cho biết:
“Từ hôm vào bệnh viện con tôi có được nằm ở giường đâu, toàn nằm dưới đất chứ làm gì có giường, vì còn các cháu bé hơn con mình nên mình phải nhường. Có đến 4 cháu chung một giường thì làm sao mình có thể nằm được.”
Điều đáng nói là, tình trạng nằm ghép 2-3 người bệnh/giường được coi là chuyện đương nhiên, và người bệnh phải biết chấp nhận. Ông Thành quê ở Thanh hóa tiếp lời:
“Bệnh viện đông quá, phải nằm 02 cháu một giường nhưng do các cháu ốm đau nhiều quá thì phải chấp nhận như thế, biết làm sao được?”
Tình trạng quá tải ở các bệnh viện hiện nay đã ở mức đáng báo động; nhất là mỗi khi xảy ra dịch bệnh. Nói về tình trạng quá tải ở các bệnh viện hiện nay, BS Đông ở bệnh viện Ung bướu TP. HCM ghi nhận:
“Từ trước đến giờ bệnh viện luôn quá tải, nguyên nhân là do nguồn bệnh nhân từ các tỉnh chuyển lên thêm tới 60-70%. Theo định biên thì bệnh viện có 1.300 giường nhưng chỉ có 700 giường nội trú thôi, nhưng số bệnh nhân nội trú luôn là 1.700-1800 người, kể cả bệnh nhân ngoại trú là 8.000 người. Vì thế tình trạng một giường nằm 2-3 người thậm chí không phải là nằm nữa, mà gọi là ngồi.”
benh-vien-1-622.jpg
Phòng cấp cứu của một bệnh viện công ở Việt Nam.
Theo báo Thanh niên online, Bộ Y tế cho biết tình trạng quá tải bệnh nhân sẽ làm chất lượng khám chữa, chăm sóc người bệnh tại bệnh viện bị ảnh hưởng. Ngoài ra môi trường bệnh viện cũng dễ bị nhiễm khuẩn hơn và cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều tiêu cực trong ngành y như: vòi vĩnh, hạch sách người bệnh và gây ra nguy cơ mất an ninh trong bệnh viện.
Đã có 20 bệnh viện tuyến trung ương ký cam kết không để bệnh nhân nằm ghép và thực hiện nghiêm túc thông tư số 14/2014/TT-BYT ngày 14/4/2014 về quy định việc chuyển tuyến giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc các trường hợp từ chối tiếp nhận người bệnh trái quy định gây ảnh hưởng sức khỏe của người bệnh, làm bức xúc đối với người bệnh.

Nguyên nhân

Trả lời câu hỏi: nguyên nhân do đâu khiến cho tình trạng quá tải ở các bệnh viện trở nên trầm trọng?
Do khả năng và chất lượng khám chữa bệnh ở các tuyến khác nhau, nên người dân không tin các bệnh viện ở tuyến cơ sở, họ đã bằng mọi cách tìm về các bệnh viện tuyến trên để khám chữa và điều trị. BS Quảng ở bệnh viện Đa khoa Đan phượng, Hà Nội cho biết:
“Nếu như bệnh viện được đầu tư trang thiết bị thì bệnh viện sẽ đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh, không phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên sẽ giảm được tình trạng quá tải. Đồng thời các bác si sẽ được phát huy năng lực, được sử dụng các thiết bị hiện đại từ đó sẽ nâng cao chất lượng điều trị. Và sẽ tạo được sự hài lòng của người bệnh khi đến khám chữa bệnh.”
Nguyên nhân cơ bản là số giường bệnh trên đầu người quá thấp, số bệnh nhân nội trú trong 20 năm qua tăng gấp 10 lần, song số giường bệnh chỉ tăng có 2 lần. Bên cạnh đó đầu tư của ngân sách nhà nước dành cho ngành Y tế ở mức quá thấp, đặc biệt là vốn cho xây dựng bệnh viện còn quá ít, BS Đông khẳng định:
Tình trạng quá tải hiện nay của của chúng ta đã quá căn cơ, nguyên nhân cơ bản nhất là chúng ta thiếu nhân lực và thứ 2 là do chúng ta quá thiếu bệnh viện.
-BS Đông
“Tình trạng quá tải hiện nay của của chúng ta đã quá căn cơ, nguyên nhân cơ bản nhất là chúng ta thiếu nhân lực và thứ 2 là do chúng ta quá thiếu bệnh viện.”
Một thực tế khá trớ trêu, trong lúc các bệnh viện công thì quá tải song các bệnh viện hay các cơ sở y tế tư nhân được đầu tư với số lượng vốn lớn, khang trang lại đang phải đối mặt với vấn đề thiếu bệnh nhân. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do chính sách Bảo hiểm Y tế còn quá nhiều bất cập. BS Hưng thuộc bệnh viện Chuyên khoa Nội Khánh Lương, một bệnh viện Tư nhân ở Hà nội giải thích:
“Vì đa số bà con ta có mức sống còn quá thấp nên là khám chữa bệnh họ chỉ trông chờ vào Bảo hiểm Y tế, mà Bảo hiểm Y tế thì các nơi khác chuyển đến thì họ được giảm 40%. Nhưng bây giờ khám ngoại trú thì họ không được giảm đồng nào. Chính vì thế mà họ không dám đến khám chữa bệnh ở các bệnh viện ngoài công lập.”
Tuy vậy, trong thời gian qua ở các BV luôn có các nỗ lực bằng nhiều cách khác nhau để giảm thiểu vấn đề quá tải của bệnh viện và bước đầu cũng đã đạt được những kết quả nhất định. Nói về giải pháp, BS Vĩnh ở bệnh viện Nhi trung ương cho biết:
“Bằng cách tạo ra một lớp lọc nữa, tức là với những trường hợp người bệnh nếu cho về nhà thì chưa yên tâm, nhưng nếu cho ở lại viện thì chưa cần thiết thì chúng tôi đưa họ vào khu vực lưu ngắn để theo dõi họ trong khoảng 4-5 giờ đồng hồ.”
Để giải quyết tình trạng quá tải thì không chỉ xây thêm bệnh viện hoặc tăng số giường bệnh, mà phải tăng chất lượng điều trị, một cán bộ thuộc Trung tâm Phát triển năng lực quản lý khám, chữa bệnh – Cục Quản lý khám chữa bệnh – Bộ Y tế cho chúng tôi biết về giải pháp:
“Đầu tiên là phải nâng cao chất lượng điều trị, làm thế nào để giảm số ngày nằm viện càng ít càng tốt, bằng cách chúng tôi sẽ đưa ra các tiêu chuẩn được nằm viện một cách chặt chẽ, không cho nhập viện một cách ồ ạt. Đối với các bệnh nhân không xứng đáng phải nằm viện thì chúng tôi sẽ chuyển xuống tuyến dưới hoặc cho họ điều trị tại nhà với các tư vấn thật là chi tiết.”
Người dân thiếu đói, thất học, bệnh tật nhưng không được chạy chữa đúng mức là những hình ảnh thể hiện sự nghèo đói, kém văn minh, đồng thời qua đó cũng cho thấy sự quan tâm của nhà nước đối với dân chúng ở mức độ nào? Hậu quả của quá tải bệnh viện không những làm cho người bệnh gặp rất nhiều khó khăn, phiền toái mà còn gây nhiều hệ lụy xấu cho ngành Y tế.

No comments:

Post a Comment