Tuesday, September 15, 2015

Việt Nam sẽ cụ thể hóa tội ‘tuyên truyền chống nhà nước’?

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng.
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng mới lên tiếng nói rằng Việt Nam “không thể để một cái tội chống nhà nước quy định chung chung, muốn bắt ai thì bắt”.

Báo chí trong nước dẫn lời ông Hùng phát biểu như vậy hôm qua, 14/9, tại phiên thảo luận về Bộ luật hình sự (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Người đứng đầu cơ quan lập pháp của Việt Nam cũng đề nghị phải làm rõ tội danh chống phá nhà nước nhằm “đảm bảo công bằng, đảm bảo quyền con người và quyền của công dân”.

Ông được trích lời nói: “Tôi nói thật là ta phát biểu nhiều khi cũng vi phạm, bắt cũng được đấy. Nói như vậy để thấy là không thể để một cái tội chống nhà nước quy định chung chung như vậy, muốn bắt ai thì bắt, đâu có được”.

Luật sư Trần Thu Nam, người từng bào chữa cho nhiều nhà bất đồng chính kiến ở Việt Nam, cho VOA Việt Ngữ biết rằng ông “rất bất ngờ” về lời phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Ông nói:

“Tôi rất là hoan nghênh về cái nhận thức pháp luật của ông Chủ tịch Quốc hội và cũng hy vọng rằng các điều luật về an ninh quốc gia nó sẽ rõ ràng hơn để mà trong các vụ án, khi đưa ra xét xử, thì nó được làm rõ hơn. Đối với các vụ án về an ninh quốc gia, trong thời gian vừa rồi, các điều khoản được áp dụng không được rõ ràng, minh bạch và nhiều chi tiết mang tính trừu tượng”.

Theo dự thảo Bộ Luật hình sự sửa đổi, tội phản bội Tổ quốc; tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội gián điệp; tội bạo loạn; tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam…có mức hình phạt cao nhất là tử hình.

"Tôi rất hoan nghênh về nhận thức pháp luật của ông Chủ tịch Quốc hội và cũng hy vọng rằng các điều luật về an ninh quốc gia nó sẽ rõ ràng hơn để mà trong các vụ án, khi đưa ra xét xử, thì nó được làm rõ hơn. Đối với các vụ án về an ninh quốc gia, trong thời gian vừa rồi, các điều khoản được áp dụng không được rõ ràng, minh bạch..."-LS Trần Thu Nam, người từng bào chữa cho nhiều nhà bất đồng chính kiến ở VN.
Với những trường hợp chuẩn bị phạm tội thì bị áp dụng hình phạt tù từ 1 – 5 năm. Dự thảo luận cũng ghi rằng người đã tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, người nhận làm gián điệp, nhưng không thực hiện nhiệm vụ được giao, thành khẩn khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được miễn trách nhiệm hình sự về tội này.

Luật sư Nam cho biết thêm rằng tội danh liên quan tới chống nhà nước “ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống chính trị” của những người bị kết án, và “thời gian chấp hành án cũng dài hơn so với các tội danh khác”.

Ông nói thêm rằng việc cộng đồng quốc tế lên tiếng thời gian qua đã gây áp lực đối với chính phủ Việt Nam. Ông Nam nói:

“Để có một phát biểu của ông Chủ tịch quốc hội thì các luật sư làm việc liên quan tới bào chữa về các vụ án liên quan tới an ninh quốc gia, các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan ngoại giao quốc tế, các tổ chức bảo vệ quyền con người đã nhiều lần lên tiếng nói về các điều khoản này nó mập mờ. Họ đã lên tiếng liên tục trong các vụ án.”

Các tổ chức thúc đẩy nhân quyền quốc tế lâu nay vẫn không ngừng cáo buộc Việt Nam sử dụng các điều luật mà họ cho là “mơ hồ”, như như điều 79 ‘âm mưu lật đổ chính quyền’ hay điều 88 ‘tuyên truyền chống nhà nước’ thuộc Bộ Luật hình sự, để tống giam những người có quan điểm trái với nhà nước.

Trong khi đó, chính quyền Hà Nội tuyên bố không bắt giam những người bất đồng chính kiến mà chỉ kết án những người vi phạm pháp luật.

Gần 20.000 tù nhân đã được đặc xá nhân dịp Quốc khánh 2/9 vừa qua, nhưng trong số đó không có tù nhân chính trị nào.

No comments:

Post a Comment