Tuesday, September 15, 2015

Chợ quê nay còn đâu?

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
2015-09-14
Nhiều người chọn mua hàng ở chợ tự phát vì sự tiện lợi
Nhiều người chọn mua hàng ở chợ tự phát vì sự tiện lợi -RFA
Chuyện người nông dân bán vài củ khoai, trái bí, trái bầu hay vài con gà, con vịt, sáng ra, thay vì gánh ra chợ để bán, người ta lại đưa lên đầu xóm, ngay ngã ba đường ngồi bán đã thành một nếp quen ở khắp miền quê Việt Nam. Lâu ngày thành chợ, những góc chợ quê như thế tuy đơn giản chỉ là việc mua với bán cho nhanh để còn thời gian ra làm đồng nhưng vô hình trung lại trở thành nét văn hóa nông thôn. Hình ảnh chợ quê đi vào tâm hồn người ta một cách tự nhiên, lặng lẽ. Mãi cho đến khi công an, nhà cầm quyền địa phương vác gậy, mang bình xịt hơi cay ra xua đuổi thì mọi chuyện có khác…!
Chợ quê từ đâu?
Ông Kha, một lão niên ở Quỳnh Lưu, Nghệ An, chia sẻ: “Chợ quên thì nhiều chỗ, còn nhiều lắm. Bán các loại hàng hóa lặt vặt cũng có, bán sỉ cũng có. Giá chợ quê rẻ hơn chợ thành phố, chợ quê vui vẻ, thân thiện...”.
Theo ông Kha, chợ quê vốn có từ khi người Việt có nhu cầu mua bán, trao đổi, theo thời gian, chợ phát triển theo nhiều kiểu khác nhau. Có những chợ quê nằm gần sông được giữ lại, phát triển thành chợ thị trấn, chợ xã, chợ thị tứ hoặc chợ thành phố. Nhưng trường hợp này cũng hiếm, đa số các chợ quê mọc lên tự phát và đến một lúc nào đó thì tự biến mất bởi có một khu chợ khác mọc lên phong phú hơn hoặc thuận tiện cho việc mua bán hơn.
Cũng theo ông Kha, đa phần chợ quê bị biến mất là do vấn đề giao thông bị cản trở, để đảm bao an toàn giao thông, nhà cầm quyền địa phương buộc phải dẹp bỏ những khu chợ tự phát ở các ngã ba, ngã tư thôn quê. Bởi việc mua bán ở đây gây ảnh hưởng và cản trở giao thông. Chính vì vậy, các khu chợ quê nhanh chóng lụi tàn theo thời gian.
Phần lớn các khu chợ quê tự phát bị mất hẳn là do chính quyền địa phương chủ trương dẹp bỏ, họ huy động công an, dân phòng, dân quân tự vệ và dùng các biện pháp mạnh như hất đổ đồ, tịch thu hàng hóa, đập bỏ bàn ghế hoặc đập bỏ các quầy mua bán và sau đó liên tục bắt những người có liên quan, mua bán lâu ngày ở chợ quê phải nộp tiền phạt vì lấn chiếm lòng lề đường.
Xét trên khía cạnh lý trí thì việc làm này hoàn toàn hợp lý, không có gì đáng bàn. Tuy nhiên, do các chợ thị trấn, chợ thị xã quá xa những làng mạc, thôn xóm, trong khi đó, một số bà mẹ, bà nội trợ vẫn còn giữ thói quen gánh hàng đi bán và không biết đi xe đạp. Chính vì vậy, quãng đường càng ngắn càng có lợi cho việc bán xong các thức quà quê, nông sản lại về nhà ăn vội chén cơm nguội để kịp ra đồng, ra vườn làm việc.
Chính vì điều kiện về thời gian thôi thúc, gấp gáp nên nhiều bà mẹ, bà nội trợ nghĩ cách đứng ở các ngã ba đường để bán hàng, tuy rẻ hơn một chút mà lại nhanh chóng xong việc để còn kịp làm việc khác. Chính cách nghĩ tuy rẻ vẫn nhanh đó mà các món hàng bán ở góc quê luôn được mua nhanh chóng, người mua cũng tìm đến các góc ngã ba thôn quê để mua hàng vừa rẻ lại vừa đáng tin cậy. Chợ quê đông dần theo hướng này, lâu ngày trở thành chợ có buổi họp chợ hẳn hoi.
Một chợ quê tự phát ở Thanh Hóa. RFA
Một chợ quê tự phát ở Thanh Hóa. RFA
Và khi chợ đủ đông, nhà cầm quyền địa phương bắt đầu tìm cách dẹp để ổn định trật tự giao thông. Người mua kẻ bán lại cố gắng nấn ná được bữa nào hay bữa đó với chợ quê đang bị cấm, bị dẹp. Bởi lẽ, nhà cầm quyền cấm chợ ở các góc ngã ba nhưng lại không qui hoạch được một khu chợ mới cho người dân. Và nếu qui hoạch, xây dựng chợ, số tiền có thể lên đến vài chục tỉ mà tính thuận lợi trong mua bán lại rất kém vì nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân tiền thu thuế chợ quá cao và muốn mua bán ổn định, người ta phải bỏ ra một khoản tiền quá lớn để mua quầy mà chưa chắc mua bán thuận lợi được giống như các chợ tự phát.
Chính vì lẽ này, hầu hết các chợ tự phát đều là những khu chợ tuy không rộng lớn, qui mô nhưng lại mua bán rất thuận lợi, nhanh chóng trở thành điểm giao thương của người dân trong vùng. Mà một khi chợ do nhà nước qui hoạch bị bỏ trống, chợ tự phát lại nhanh chóng móc lên, điều này chẳng khác nào một gáo nước lạnh dội vào nhà cầm quyền. Chuyện nhà cầm quyền gay gắt, mạnh tay dẹp các chợ quê cũng có một phần nguyên nhân vừa nêu.
Dùi cui và bình xịt hơi cay…
Một người tên Năm, vốn là cựu tư thương ở các chợ quê tự phát, không phải đóng thuế, chia sẻ: “Có chứ, ở đây nhiều chợ, chợ tự phát ở ngã ba đường còn nhiều. Đã sinh ra chợ thì có các mặt hàng, hàng gì cũng có, rau thịt cũng có. Nếu ảnh hưởng giao thông thì an ninh xã họ dẹp. Chợ quê thì mặt hàng không đầy đủ bằng chợ lớn ở thành phố. Chợ quê thì mua bán trao đổi giữa người nông dân với nhau chứ không qui mô như chợ thành phố…”.
Theo bà Năm, việc mua bán ở chợ quê tự phát rất phù hợp với người nông dân chân lấm tay bùn. Bởi đơn giản thời gian của người nông dân không giống như thời gian của giới công chức, có giờ ăn, giờ nghỉ và có cả ngày nghỉ, kì nghỉ xả hơi. Người nông dân suốt ngày đầu tắt mặt tối chạy đua với thời gian để kiếm chén cơm, ở đâu mua bán nhanh chóng, thuận lợi thì ở đó có người nông dân.
Không chỉ riêng người nông dân mà một số cán bộ nhà nước thuộc hàng lương bét, không có quyền thế cũng thường mua bán ở chợ quê tự phát. Bởi lẽ, những cán bộ này cũng phải làm việc quần quật với lương ba đồng ba cọc, thời gian đối với họ là tắm lợn, chăn bò, nuôi gà để kiếm thêm thu nhập. Chợ quê với giá cả vừa phải, chất lượng tươi ngon và ít tốn thời gian luôn thu hút giới này.
Một người phụ nữ đang trên đường chở ít rau muống mới hái ra chợ đầu làng. RFA
Một người phụ nữ đang trên đường chở ít rau muống mới hái ra chợ đầu làng. RFA
Rất tiếc là nhà nước luôn qui hoạch chợ không theo mong muốn của người mua bán mà qui hoạch theo chủ ý của những người có khi cả đời không bước ra chợ. Chính vì vậy, cái chợ họ xây lên có khi rất hoành tráng, qui mô nhưng lại vô cùng bất lợi cho việc mua bán. Có thể là đường đến chợ quá xa, hoặc giá hàng quá cao bởi tiền mua chỗ rất cao nhằm bù vào khoản tiền khủng xây chợ… Cuối cùng, chợ quê lại âm ỉ mọc lên.
Và khi chợ quê mọc lên, nhà cầm quyền địa phương đã dùng đến cả dùi cui, bình xịt hơi cay để đuổi những người mua bán. Hành vi dẹp chợ của giới chức địa phương không phải là mời bà con lên ủy ban họp để thông báo việc giải tán chợ mà dùng biện pháp mạnh để giải tán. Chính điều này tạo ra không ít bất bình đối với người dân.
Vì với nhà cầm quyền, một cái chợ mọc ra có thể gây cản trở giao thông hoặc gây mất vệ sinh một khu phố. Nhưng nếu không có lý do chính đáng, cái chợ ấy đã không tồn tại và hơn nữa, người dân họp chợ là có lý lẽ của họ, ít nhất cũng là lý lẽ của việc thuận mua vừa bán, bảo vệ chén cơm manh áo của gia đình.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

No comments:

Post a Comment