Trong khi đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng Việt Nam là “học trò ngoan”, TS. Võ Trí Thành lại nhận định Việt Nam là “học trò trung bình khá” trong WTO. Tweet
Chưa hội nhập sâu rộng xong WTO, Việt Nam đã “nhảy” vào 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) khác, câu hỏi đặt ra Việt Nam có quá liều khi tham gia hàng loạt các FTA như vậy. Tham gia nhiều FTA đặt ra những thách thức, cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt và hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Tại cuộc toạ đàm “Kết nối ngân hàng và doanh nghiệp xuất khẩu đón bắt cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do” diễn ra chiều 14/9, đại diện Bộ Công Thương, các doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế đã bàn luận quanh những vấn đề nêu trên.
"Chàng trai dũng cảm" với "gã khổng lồ"
Điểm lại các FTA Việt Nam đã hoàn tất và các FTA đang đàm phán, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, số lượng 15 FTA là tương đối nhiều nhưng các FTA Việt Nam tham gia đều có hoàn cảnh đặc thù, đã tổng hoà nhiều yếu tố, tránh việc phụ thuộc quá mức vào một thị trường, tiến tới việc đa dạng hoá thị trường tập trung vào những thị trường có tính chất bổ sung như Hoa Kỳ, EU, Nga.
Bổ sung thêm, ông Lương Hoàng Thái, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cũng cho biết, với xu hướng toàn cầu Việt Nam có động cơ tham gia vào chuỗi giá trị chung của toàn cầu để tạo lợi thế cạnh tranh.
"Việt Nam mở cửa thị trường, đối đầu với các nước mà nhiều nước cũng phải e ngại như Trung Quốc”, ông Thái nói.
Tại cuộc toạ đàm, TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) so sánh việc tham gia hàng loạt các FTA của Việt Nam, Việt Nam như "chàng trai trẻ dũng cảm chơi với các gã khổng lồ" mà trong đó phải giải quyết 2 câu chuyện: sự hỗ trợ của Chính phủ và đồng hành của ngân hàng.
Toạ đàm "Kết nối ngân hàng và doanh nghiệp xuất khẩu đón bắt cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do". Ảnh: N. Thảo
"Chính phủ thể hiện lòng hảo tâm đối với doanh nghiệp như thế nào? Mong muốn tạo ra cơ hội tốt nhất cho doanh nghiệp, thị trường tốt nhất và vốn liếng nhiều nhất cho doanh nghiệp.
Tiếp nữa, dù muốn nhưng ngân hàng cùng Chính phủ có đồng hành và tạo thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận hay khi doanh nghiệp đến vay vốn lại nói đây là chuyện thị trường, ngân hàng cũng là doanh nghiệp", ông Thành phân tích.
Việt Nam như "học sinh trung bình khá"
Theo số liệu được cung cấp bởi ông Trần Thanh Hải, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, năm 2014 doanh nghiệp FDI đóng góp 62,5% kim ngạch xuất khẩu, doanh nghiệp trong nước đóng góp 37,5%. Trong khi đó, tỷ trọng nhập khẩu của doanh nghiệp FDI chiếm 57% tổng kim ngạch nhập khẩu, còn doanh nghiệp trong nước chiếm 43%.
Đánh giá từ ông Hải cho thấy, doanh nghiệp xuất khẩu trong nước quy mô vốn nhỏ, hạn chế về kiến thức, kinh nghiệm, trình độ quản lý. Hạn chế về khả năng tiếp cận thị trường, khả năng chịu đựng biến động thị trường còn hạn chế, dễ đổ vỡ…
Thách thức từ hội nhập đôi với doanh nghiệp là cạnh tranh cả trong và ngoài nước. Khả năng “tiêu hoá” vận dụng những ưu đãi của các FTA, thiếu những doanh nghiệp đầu tàu, mũi nhọn.
Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu có xu hướng muốn hàng rào thuế quan của nước ngoài xuống thấp, hàng rào kỹ thuật giảm bớt, hàng rào phòng vệ không quá phi lý.
Tuy nhiên, ông Hải cũng đánh giá đối với các biện pháp tự vệ Việt Nam có 4 vụ khởi kiện trong khi các nước khác là 93. “Điều đó thể hiện Việt Nam như bước vào 1 lớp học mà thành tích xuất khẩu tốt nhưng khi bị các anh khác cấu véo lại phản ứng quá hiền lành”, ông Hải so sánh.
Đồng tình với những quan điểm được ông Hải đưa ra song TS. Thành lại cho rằng, Việt Nam thực chất là “học trò trung bình khá”.
“Nhìn xuất khẩu, tốc độ tăng khó có nước nào nhanh như Việt Nam trong vòng 10-15 năm trở lại đây nhưng Việt Nam lại có tài biến toàn bộ cơ hội thành thách thức”, ông Thành nhấn mạnh.
Ông Thành cho rằng, Việt Nam có thể học hỏi mô hình phát triển của Hàn Quốc khi nước này đã hỗ trợ những doanh nghiệp tốt nhất, kết quả trong số 22.000 trung tâm nghiên cứu và phát triển về ứng dụng công nghệ nhưng có tới trên dưới 50% là trung tâm chỉ có khoảng 4-5 người.
"Muốn nâng cao giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh, một trong những vấn đề là chuyển sang công nghệ gốc, công nghệ tốt nhất", Phó Viện trưởng CIEM cho hay.
Diễn đàn đầu tư
No comments:
Post a Comment