QUẢNG NGÃI 18-9 (NV) - Huyện đảo Lý Sơn, dù từng được xác định là một vị trí quan yếu về an ninh quốc phòng, nhà cầm quyền CSVN lại đang thảo luận với một công ty Trung Quốc để lập đồ án “quy hoạch” trên đảo này.
Đảo Lý Sơn được xác định là khu vực phòng thủ quốc gia quan yếu nhung nhà cầm quyền mời tập đoàn CPG của Trung Quốc “tư vấn lập dự án quy hoạch”. (Hình: Nông Nghiệp VN)
Theo tờ Người Lao Động hôm Thứ Sáu 18 tháng Chin, 2015, một công ty có tên tắt là CPG ở Singapore đã có cuộc họp với tỉnh ủy tỉnh Quảng Ngãi “về đồ án quy hoạch huyện đảo Lý Sơn.”
Huyện đảo Lý Sơn thuộc tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền 15 hải lý ngày xưa gọi là Cù Lao Ré, là một trong 7 hòn đảo cấp huyện của Việt Nam, dân số hơn 21,000 người.
Tờ Người Lao Động viết rằng “Tại buổi làm việc, các chuyên gia đến từ Tập đoàn CPG đánh giá cao vai trò và vị trí của đảo Lý Sơn. Vì vậy, họ cho rằng cần đánh giá, phân tích kỹ thực trạng, từ đó đưa ra những ý tưởng, tầm nhìn dài hạn cùng giải pháp, chính sách thiết thực để phát triển đảo Lý Sơn một cách bền vững trong tương lai, nhất là về môi trường, hiệu quả kinh tế, an sinh xã hội… Các chuyên gia Tập đoàn CPG mong muốn sẽ trở thành đơn vị tư vấn, lập quy hoạch phát triển đảo Lý Sơn.”
Sau khi nghe “mong muốn” của đại diện công ty CPG, tờ Người Lao Động kể tiếp là “Sau khi nghe các chuyên gia của CPG trình bày, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đánh giá cao ý tưởng của tập đoàn này, đồng thời mong muốn các chuyên gia của CPG nghiên cứu thêm về tiềm năng, lợi thế của Lý Sơn trong nuôi trồng thủy sản, phát triển dịch vụ, du lịch. Bên cạnh đó, cần đưa ra chiến lược, quy hoạch đảo gắn liền với biển, đất liền… cũng như giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa trên đảo một cách tốt nhất.”
Trong bản tin của tờ Người Lao Động, người ta thấy tiết lộ không phải là nhà cầm quyển tỉnh Quảng Ngãi tự động mời CPG tới thảo luận quy hoạch đảo Lý Sơn. Nguồn tin thuật lời ông Lê Minh Huấn, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi, ngày 18 tháng Chín, 2015 cho biết “Tập đoàn CPG đến Quảng Ngãi làm việc theo sự giới thiệu của các đơn vị cấp trên.”
Ông Huấn nói “Tỉnh vẫn chưa quyết định thuê Tập đoàn CPG tư vấn lập quy hoạch đảo Lý Sơn và cũng nghe thông tin CPG không phải là doanh nghiệp (DN) của Singapore. Tỉnh sẽ nghiên cứu kỹ trước khi quyết định có thuê họ lập quy hoạch hay không. Đến nay, CPG mới trình bày ý tưởng và tỉnh mới tiếp thu ý tưởng đó thôi.”
Trong cuộc phỏng vấn của đài BBC, ông Lê Viết Chữ chối rằng ông “chưa có quan hệ trực tiếp gì với CPG” trong khi tờ NLĐ tường thuật “buổi làm việc” giữa ông với “các chuyên gia của CPG” ngày 14 tháng Chín, 2015.
Cuối năm ngoái, trước áp lực của dư luận, nhà cầm quyền Thừa Thiên-Huế đã phải dừng dự án xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng của một công ty Trung Quốc dưới chân đèo Hải Vân nhìn vào cảng và thành phố Đà Nẵng được coi là địa điểm trọng yếu an ninh quốc phòng.
Năm năm trước đó, dư luận trong nước đã vô cùng tức giận khi biết tin một số tỉnh từ miền bắc đến miền Trung đã cho thuê dài hạn 50 năm hơn 300,000 hecta đất rừng đầu nguồn, các khu vực quan yếu quân sự cho các công ty Trung Quốc khai thác trồng rừng.
Hàng chục ngàn người Việt Nam đã biểu tình dẫn đến bạo động đốt phá các công ty ngoại quốc đầu tư tại Việt nam giữa năm ngoái khi Trung Quốc đưa giàn khoan khổng lồ HD981 tới dò tìm dầu khí ở phía nam quần đảo Hoàng Sa, vùng biển đảo mà Việt Nam vẫn cả quyền chủ quyền không thể tranh cãi dù bị Trung Quốc cướp đoạt.
Việc nhà cầm quyền tỉnh Quảng Ngãi, và có thể do “cấp trên” nào đó ở Hà Nội chỉ thị, giao cho một công ty ở Singapore nhưng thực chất là một công ty của Trung Quốc làm chủ, khiến dư luận nghi ngờ và hỏi có phải chế độ muốn bán vị trí chiến lược bảo vệ tổ quốc cho Bắc Kinh?
Trên tờ Người Lao Động, ông Lê Việt Trường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội CSVN, cho biết “đảo Lý Sơn đã được Bộ Quốc phòng xác định là vị chí chiến lược, khu vực phòng thủ quốc gia.”
Ông nói “Nói chung, tất cả đảo ven bờ đều được xác định là vị trí phòng thủ quốc gia, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Đó là những khu vực phòng thủ từ xa của đất nước. Các đảo này được coi như những tàu chiến không bao giờ bị đánh chìm, bởi vậy những vị trí này có vai trò hết sức quan trọng.”
Ông Lê Việt Trường còn cho biết “căn cứ vào hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, quy trình thẩm định các dự án, quy hoạch ở khu vực phòng thủ quốc gia phải được Bộ Quốc phòng, thậm chí Chủ tịch nước, xem xét cụ thể để ra quyết định”.
Theo tài liệu NLĐ trưng dẫn từ báo Finance Asia của Hồng Kông, Tập đoàn CPG từng là một phần của Sở Công chính thuộc Chính phủ Singapore trước khi được chuyển thành một công ty thương mại độc lập vào năm 1999 và đổi thành tên như hiện nay vào năm 2002. Tháng 3-2003, CPG được bán cho Tập đoàn Downer EDI của Úc chuyên về các dịch vụ xây dựng, cơ sở hạ tầng và nguồn lực.
Theo Reuters, đến tháng Mười Hai, 2012, Downer EDI thông báo đã bán CPG cho Tập đoàn Thiết kế và Nghiên cứu Kiến trúc Trung Quốc (CAG) – một DN nhà nước Trung Quốc với giá 147 triệu đô-la Úc.
Trên trang web chính thức của CPG có giới thiệu đầy đủ về nguồn gốc từ Sở Công chính cũ của Singapore, đồng thời quảng cáo rằng tập đoàn này là một trong những đơn vị chuyên nghiệp phát triển hàng đầu tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cung cấp các dịch vụ quản lý, phát triển nhà và cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, các thông tin liên quan tới những lần đổi chủ lại không được đề cập tới. Theo Wikipedia, CPG hiện có rất nhiều văn phòng ở nước ngoài, trong đó có Việt Nam, theo NLĐ.
Những năm qua, ngư dân Lý Sơn đã bị tàu tuần Trung quốc bắt giữ, đốt, cướp phá, đâm chìm khi họ khai thác thủy sản ở ngư trường Hoàng Sa, ngư trường truyền thống của họ từ bao thế kỷ. (TN)
09-18- 2015 4:20:32 PM
No comments:
Post a Comment