Saturday, September 26, 2015

Trường ĐH tự phong GS, PGS: Liệu có là bước ngoặt trong xã hội hư danh?

Trường ĐH tự phong GS, PGS: Liệu có là bước ngoặt trong xã hội hư danh?
Trường ĐH tự phong GS, PGS: Liệu có là bước ngoặt trong xã hội hư danh? Ảnh: đặt bởi VNTB
Việc Trường Đại học Tôn Đức Thắng TP.HCM tự phong phó giáo sư, giáo sư thời gian qua đang gây ra những tranh luận trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng, có thể sự tiên phong này cũng là một bước ngoặt trong tự chủ đại học, như nhiều nước trên thế giới đã làm. Tuy nhiên, thực tế khi mà xã hội còn chuộng hư danh thì đây là câu chuyện chưa thể thực hiện ở Việt Nam…
Vấn đề chính là năng lực của trường
Câu chuyện của Trường ĐH Tôn Đức Thắng lần đầu tiên xảy ra ở Việt Nam. Theo lời lãnh đạo nhà trường, việc bổ nhiệm chức vụ chuyên môn cho chuyên gia, nhà khoa học của trường được thực hiện dựa trên quyền tự chủ được cho phép thí điểm theo Quyết định 158 của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện nay, Trường ĐH Tôn Đức Thắng đang triển khai thực hiện việc phong GS, PGS cho cán bộ, giảng viên, nhà khoa học trong và ngoài nhà trường. Hiện trường bắt đầu xây dựng thủ tục quy trình và ra thông báo để cán bộ, viên chức trong trường và các nhà khoa học bên ngoài cũng có thể nộp đơn đăng ký bổ nhiệm GS, PGS…
Theo một số liệu thống kê năm 2013 – 2014, cả nước có khoảng 9.000 GS và 24.300 tiến sĩ, nghĩa là Việt Nam có số GS, tiến sĩ “nhiều nhất Đông Nam Á”. Và hơn 60% (có ý kiến cho là hơn 70%) GS, PGS là các cấp lãnh đạo, các giám đốc doanh nghiệp, nghĩa là không giảng dạy, không nghiên cứu khoa học.
Thế nên, việc phong hàm như vậy dễ xảy ra tình trạng đánh đồng giữa GS trường tự phong và GS do Nhà nước phong tặng. Đấy là chưa kể sẽ triệt tiêu sự phấn đấu, cạnh tranh, phát triển trong nghiên cứu khoa học, bởi sẽ có tư tưởng kiểu gì chả có chức danh GS. Trong khi đó, một đất nước có quá nhiều GS mà lại đào tạo ra số lượng sinh viên ra trường thất nghiệp mỗi năm một tăng.
Sự minh bạch luôn là điều cần thiết
Nói về vấn đề này, GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, nguyên Chủ tịch Hội đồng chức danh GS Nhà nước nhận xét, những năm gần đây, số lượng GS và PGS đều tăng so với năm trước do được đầu tư nghiên cứu nhiều. Có trường đã mạnh tay đầu tư những khoản thù lao lên đến vài trăm triệu đồng để đăng tải bài trên các tạp chí uy tín cao của thế giới.
Đây là đầu tư có ý nghĩa. Tuy nhiên, mục tiêu đầu tư cuối cùng phải để phục vụ phát triển đất nước. GS Phạm Minh Hạc cho rằng hiện tại nhiều GS, PGS chỉ làm đúng chức năng giảng dạy tối thiểu, vì họ còn phải làm việc khác để kiếm sống, phấn đấu để có căn hộ tốt, có xe ôtô để đi.
Trong khi đó, PGS Văn Như Cương – Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) “cảnh báo”: “Đừng để xảy ra tình trạng “chạy đua” lên GS! Quy định của Bộ GD-ĐT là mỗi một ngành muốn đào tạo tiến sĩ thì phải có số lượng GS, PGS nhất định. Với mong muốn được đào tạo thì nhất định phải “đôn” một số người lên GS, PGS để đủ tiêu chuẩn, “chạy đua” lên GS và đây là điều cần phải dè chừng”…
Theo nhiều ý kiến chuyên gia, trường tự chủ phong học hàm hay vẫn do Nhà nước phong thì sự minh bạch luôn là điều cần thiết. Bởi theo thông lệ quốc tế trong việc bổ nhiệm GS thì cũng nên học những thông lệ khác cho nhất quán: các trường ĐH có uy tín đều công khai thành tích chuyên môn, danh sách bài báo khoa học, bằng phát minh sáng chế, giải thưởng chuyên ngành (nếu có) của từng giảng viên trên trang web nhà trường. Lý lịch này có ghi rõ đơn vị bổ nhiệm chức vụ GS. Tất cả thông tin này đều có thể kiểm chứng.
Do đó, nếu tự chủ, các trường cần công khai tiêu chuẩn và quy trình xét chọn, bổ nhiệm của mình trên trang web. Chỉ cần vài phút tìm trên internet, ta có thể biết một người đã được phong GS ở trường nào, dựa trên những tiêu chuẩn ra sao, thành tích nghiên cứu của người ấy gồm những gì và hội đồng xét chọn gồm những ai, chứ không phải có không ít PGS, GS hiện nay không được giới học thuật công nhận. Chưa kể tới việc manh nha tự phong theo phong cách “con hát, mẹ khen” chưa tới hồi kết như ở câu chuyện tự phong đang ồn ào dư luận.
 Nguyễn Mỹ -09-26-2015
Theo(báo Pháp Luật)

No comments:

Post a Comment