Thursday, September 17, 2015

TRUNG TÂM CHỐNG NGẬP TP.HCM: Các dự án chống ngập đã phát huy hiệu quả (!?)

TRUNG THANH - KHANG BÁCH - Thứ Năm, ngày 17/9/2015 - 08:15
(PL)- Trong 66 điểm ngập chiều 15-9, có nhiều điểm nằm trên các tuyến đường mới thực hiện dự án chống ngập.
“Trận mưa lớn trong chiều tối 15-9 đã gây ngập 66 điểm, chỗ sâu nhất khoảng 50 cm. Tuy nhiên, đây chỉ mới là con số thống kê ngập đường, chưa tính ngập các tuyến hẻm” - sáng 16-9, ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý thoát nước, Trung tâm Chống ngập TP.HCM, cho biết.
Lại ngập do… trời!
Theo ông Long, nguyên nhân gây ngập trên diện rộng ở TP.HCM là do mưa lớn kéo dài trên khắp địa bàn, vượt tần suất thiết kế của hệ thống cống thoát nước. “Tại khu vực An Lạc, quận Bình Tân lượng mưa đo được lên đến 142 mm, lớn nhất từ năm 2008 đến nay. Thời điểm có mưa, triều cường lại dâng cao 1,4 m (đo tại trạm Bình Triệu, quận Bình Thạnh). Trong khi đó, cống thoát nước lớn nhất hiện nay ở TP.HCM chỉ được thiết kế tương ứng với lượng mưa 85 mm, chịu trong ba giờ và đỉnh triều 1,32 m” - ông Long giải thích.
Ông Long cho biết thêm hiện nay có đến 63% diện tích toàn TP có cao độ thấp hơn 1,5 m, trong khi mưa lớn và triều cường liên tục tăng cao. Gần đây liên tục xuất hiện những trận mưa lớn trên 100 mm và đỉnh triều thường cao hơn 1,6 m. “Để giải quyết bài toán này, TP đang chỉ đạo xây khoảng 100 hồ điều tiết. Hiện có ba dự án đang gấp rút thực hiện là hồ ngầm ở Bàu Cát (Tân Bình), hồ Khánh Hội (quận 4) và hồ Gò Dưa (Thủ Đức)”.
Ngoài giải pháp trên, TP cũng đang khẩn trương thực hiện dự án xây đê bao và cống ngăn triều ven sông Sài Gòn ở phía Nam để chống ngập trong bối cảnh bị tác động của biến đổi khí hậu. “Dự án này sẽ khởi công vào đầu năm 2016. Khi thực hiện xong, với hệ thống đê bao ngăn triều không cho nước xâm nhập vào kênh rạch, công trình này sẽ hỗ trợ đáng kể cho việc chống ngập của TP.HCM. Về cơ bản, đến năm 2020 TP sẽ hết ngập” - ông Long nói.
Ngập như thế này nhưng Trung tâm Chống ngập vẫn cho rằng các dự án chống ngập đã phát huy hiệu quả! Ảnh: H.TRÂM
Để ngập rồi mới chống
Tại buổi gặp gỡ ngày 16-9, PV Pháp Luật TP.HCM đã đặt ra một số câu hỏi với đại diện Trung tâm Chống ngập.
. Phóng viên: Nếu mưa liên tục vượt tần suất thiết kế, vậy các dự án chống ngập hiện nay có tăng tiết diện cống lên không, thưa ông?

 
+ Ông Đỗ Tấn Long: Theo tôi biết thì các dự án thuộc quy hoạch thủy lợi chống ngập cho TP khi tính toán số liệu đều dựa trên kịch bản biến đổi khí hậu. Nghĩa là dùng các số liệu dự báo mới chứ không tính theo quy chuẩn cũ. Còn các dự án thoát nước ở nội thành có tăng tiết diện cống hay không tôi chưa rõ. Tôi sẽ kiểm tra nên hẹn trả lời sau.
10 năm qua TP.HCM đã đầu tư hơn 24.000 tỉ đồng chống ngập. Vậy hiệu quả ra sao? Ông có thể trả lời cho người dân biết đến nay tình trạng ngập giảm hay tăng?
+ Từ khi Trung tâm Chống ngập được thành lập (2008) đến nay, các dự án chống ngập chủ yếu tập trung giải quyết khu vực nội thành với diện tích khoảng 100 km2. Hiện nay, những khu vực như Tân Định (quận 1), Đinh Tiên Hoàng (quận 1, Bình Thạnh), Kỳ Đồng (quận 3)… đã giảm ngập đáng kể so với trước đây. Trong trận mưa chiều 15-9, theo số liệu tổng hợp của chúng tôi, những nơi có dự án chống ngập thì nước rút nhanh nên ngập không đáng kể.
Nhưng các khu vực như Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Bình Chánh, Hóc Môn… lại ngập dữ dội so với trước, nguyên nhân vì sao?
+ Đó là do tốc độ đô thị hóa xảy ra quá nhanh, hạ tầng không đáp ứng được nhu cầu tiêu thoát nước. Nhiều nơi trước đây là đồng trống nhưng giờ lại là khu dân cư, nhiều tuyến đường vẫn chưa có cống thoát nước… Do đó, khi mưa lớn tình trạng ngập ở ngoại thành có tăng so với trước đây.
Như vậy, có thể nói chúng ta đang chờ ngập trước rồi mới chống sau, chống ngập như thế chẳng khác nào rượt đuổi theo ngập?
Không phải làm theo kiểu rượt đuổi mà là đầu tư theo từng giai đoạn, theo phân kỳ. Như tôi đã phân tích, trong giai đoạn hiện nay TP tập trung nguồn vốn để chống ngập khu vực nội thành. Sau đó sẽ thực hiện các giải pháp chống ngập cho vùng ven với diện tích khoảng 500 km2. Nói chung các giải pháp chống ngập đều đã được tính toán trước chứ không phải ngập rồi mới tính.
. Xin cám ơn ông.
Nói giảm ngập trong nội thành là chưa thuyết phục!
Một cán bộ chuyên ngành thoát nước cho rằng sau trận mưa chiều qua, cả TP có đến 66 điểm ngập, trong đó có nhiều điểm thuộc nội thành. Do đó, nếu nói ngập ở nội thành đã giảm đáng kể là chưa thuyết phục. “Cụ thể như ở lưu vực Bắc Nhiêu Lộc hay lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm dù đã có rất nhiều công trình chống ngập nhưng hàng chục tuyến đường vẫn ngập sâu. Vì thế, theo tôi cần phải khảo sát, xem lại hiệu quả chống ngập của các dự án đã thực hiện” - vị này nói thêm.
Phân tích nguyên nhân chủ quan gây ngập
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín vừa giao Sở GTVT phối hợp hoàn chỉnh báo cáo tổng kết công tác chống ngập giai đoạn 2011-2015 và đề xuất giải pháp cho giai đoạn 2016-2020.
Trước đó, Thường trực Thành ủy TP giao cho Ban Cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo UBND TP phân tích nguyên nhân chủ quan về những hạn chế trong việc chống ngập. Thường trực Thành ủy còn yêu cầu trong đề xuất giải pháp chủ yếu giai đoạn 2016-2020 cần có giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nhiều quy chuẩn chưa hợp lý
Theo quan sát của tôi, cách thiết kế các miệng thu gom nước mưa trên những tuyến đường lớn hiện chưa hợp lý. Cụ thể, theo quy chuẩn, các miệng thu gom nước trên đường cách nhau khoảng 20 m. Đường phố ở TP.HCM mở rộng nhiều so với trước nên khoảng cách chỉ  20 m không đảm bảo thu nước.
Ngoài ra, quy chuẩn thiết kế giữa các cống to, cống nhỏ cũng không hợp lý. Ví dụ cống cấp 2 được thiết kế tương ứng với lượng mưa khoảng 92 mm, còn cống cấp 3 nhỏ hơn 90 mm, cống cấp 4 nhỏ hơn 80 mm. Trong khi đó, nước chảy từ cống nhỏ ra cống lớn, nếu cống nhỏ quá tải thì sao nước thoát ra cống lớn được.
ThS HỒ LONG PHI, Giám đốc Trung tâm Quản lý tài nguyên nước và biến đổi khí hậu, ĐH Quốc gia TP.HCM

TRUNG THANH - KHANG BÁCH

No comments:

Post a Comment