Nhạc sĩ Tuấn Khanh, viết từ Sài Gòn
Theo RFA-2015-09-16
Theo RFA-2015-09-16
Ảnh minh họa File photo
Trong những câu chuyện về biển, mộ gió là một trong những điều khi nói đến, bất kỳ ai cũng cảm nhận được sự bi ai của kiếp người. Mộ gió là nơi gọi hồn trở về đại dương mênh mông sau khi người đi biển đã đặt cược đời mình với biển cả.
Từ đời Chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1563 -1635 ), cùng với lời khuyên của học giả Đào Duy Từ (1572-1634), biển được lưu tâm là nơi đánh dấu bờ cõi Việt Nam, nhưng cũng là nơi mà những người lính – ngư dân đầu tiên đi mà không hẹn ngày về. Mộ gió có từ đó. Những ngày Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa cũng là những ngày mà người ta vẽ lại hình người bằng đất sét, thương nhớ thịt xương đã nằm sâu dưới đáy biển hay trong bụng cá. Lúc đó, kẻ thù của ngư dân chỉ là bọn cướp vặt hoặc là thời tiết chứ chưa đầy hiểm nguy như hôm nay, bởi những chiếc tàu Trung Quốc dữ tợn vượt hơn tất cả.
Mộ gió hôm nay, lại nhiều hơn bao giờ hết. Nhìn những nắm đất xếp cạnh nhau trãi dài trên bờ cát mới thấy thiên nhiên không thể khốc liệt bằng con người. Con người không có bão táp không tay như sẳn sàng nhấn chìm đồng loại của mình, sẳn sàng tàn phá mọi thứ không phải vì quá nghèo khó, không phải vì thù hận, mà chỉ điên cuồng vì thách thức và cưỡng đoạt. Những ngôi mộ gió giờ không còn lính, chỉ những người đàn ông hiền lành đi biển, mong kiếm thêm bữa cơm cho gia đình mình. Những ngôi mộ gió đó uất nghẹn và bàng hoàng không hiểu vì sao mình lại ở đây.
“Giờ thì ít ai dám đi biển xa. Cách bờ biển mình chừng 12 hải lý tàu cá Trung Quốc nó đậu dày đặc. Mà không biết nó có phải là tàu cá chi không vì cần thì tụi nó rút súng bắn đùng đùng như cơm bữa”, một người dân miền Trung kể với chúng tôi, những người ở thành phố vẫn ăn cá mà thật là thờ ơ, ít khi nào hình dung sự sống và cái chết chung quanh thuyền cá Việt hôm nay ra sao.
Trên bãi biển mà chúng tôi thấy, những chiếc tàu đánh cá vội vã trở về lúc bình minh ở bãi. Họ đi và canh cánh nỗi sợ hãi ngay trên mép biển của mình, sẳn sàng quay đầu chạy khi xa xa có bóng cờ của Trung Quốc láng giềng. Giờ thì lệnh cấm đánh bắt của Trung Quốc ban hành, ngư dân Việt Nam cũng thì thầm nhắc nhau vì không khéo, đó là những chuyến đi đầy mạo phạm không có ngày về. Tổ quốc trong lời thì thầm. Tổ quốc mộ gió.
Chuyện mộ gió hôm nay với ngư dân không chỉ là sự thương tiếc cho người ở lại biển, mà còn là sự cảnh báo: Biển không còn bình yên bởi con người và trò chơi chính trị. Biển bị bao vây trong những cái bắt tay và nụ cười hữu nghị cộng sản, trao về mộ gió.
Tôi gọi điện thoại cho một ngư dân ở Quảng Ngãi, khi nghe tin Việt Nam có nghị định mới (71/2015 ) về chuyện tàu hải quân Việt Nam được phép dùng vũ khí để truy đuổi những tàu nước ngoài xâm phạm lãnh hải. Người đi biển này im lặng một hồi rồi nói "liệu mọi thứ rồi sẽ tốt hơn không?”. Chuyến đi dọc miền Trung mới đây, tôi chợt nhận ra rằng người miền Trung trực tính, hay nói và dễ gần... như đã thay đổi. Họ hay nói lãng sang chuyện khác và né tránh về những câu chuyện biển mà họ đang sống chết với nó. Ở trên biển, họ lo sợ tàu Trung Quốc, nhưng ở trên bờ, họ ngại ngùng điều gì đó thật khó hiểu. Thậm chí, có người lỡ bộc bạch, đã canh cánh gọi vào 2, 3 lần chỉ để dặn rằng thôi đừng nhắc gì về những điều ông đã nói. Ngay cả trong đời sống, nỗi niềm của những ngư dân Việt cũng đã chôn vào mộ gió sao?
Thật võ đoán, nếu liên hệ chuyện tàu hải quân Việt Nam được dùng vũ khí với chuyện có đến 4 tàu cá của ngư dân Việt bất ngờ bị “tàu lạ” liên tục tấn công ở vùng biển Kiên Giang, kề với người bạn láng giềng tính tình khó đoán Campuchia. Nhưng chắc chắn phải có điều gì đó khiến các vụ tấn công dã man này hoàn toàn khác, so với những vụ cướp và tấn công vặt trước khi Việt Nam có tuyên bố mạnh hơn trên biển. Các “tàu lạ” này xông thẳng và nhắm bắn trực diện vào ngư dân. Anh Ngô Văn Sinh, 38 tuổi, người cha của một gia đình, người đứng lái tàu, đã bị những “kẻ lạ” biết nói tiếng Việt bắn thẳng vào mặt và chết ngay trên buồng lái. Kể từ khi Campuchia có vẻ gần hơn với Trung Quốc, biển Việt Nam ở phương nào cũng đầy nguy nan.
Mọi thứ dường như hiện rõ hơn, chứ không khó khăn để phỏng đoán. Cách thức của “kẻ lạ” tấn công ngư dân Việt chẳng khác gì tàu cá Trung Quốc áp sát bờ biển miền Trung. Ông Lê Thế Hưng, đại tá Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng nói rằng từ đầu năm đến nay, lượng tàu Trung Quốc tiến vào biển Việt Nam ngày càng có thái độ nguy hiểm. Ngoài chuyện đánh bắt, tàu Trung Quốc còn đưa máy móc vào thăm dò biển Việt Nam, uy hiếp, cướp tài sản của tàu cá Việt... Thậm chí tàu đánh bắt gần bờ hướng Hoàng Sa cũng bị tàu Trung Quốc rượt đuổi và cướp.
Kiên Giang không có mộ gió, vì lâu nay, nơi này chỉ là vùng làm ăn thanh bình của cực Nam nước Việt. Nhưng có lẽ đến lúc người dân đi biển ở đây nghĩ về mộ gió, thứ mà biển đã muốn giữ lại con người hiền lành chăm chỉ, chỉ trả lại gió – như cái kết buồn của những số phận vô danh và luôn yêu đất nước này.
Một người quen từng kể về câu chuyện bà mẹ hóa điên khi đứa con trai út đi biển, và không trở về. Bà hay ngồi trên mộ gió của con mình và hát như một bài hát ru vào vô tận. Giọng hát miền Trung à ơi mà tôi đã được nghe khi đi qua vùng đất này – liệu có đổi giọng thành những giọng hát miền Nam hay miền Bắc vào những ngày sắp tới? Những tiếng hát Việt Nam đau thắt trong vòng vây của tình hữu nghị.
Để ghi lại những gì mình thấy, tôi hỏi ông chủ nhà trọ rằng nơi đây có internet không. Ông ngớ người ra giây lát rồi nói "Dạ chụ, nơi đây không cọ internet, chỉ có wifi thôi". Thật buồn cười và dễ thương. Người miền Trung vậy đó, hiền lành và chất phác với đời sống. Con cá không có tổ quốc, nhưng người đi biển biết mình thuộc về nơi nào. Họ không quá dũng cảm để chọn hy sinh nhưng ra khơi là bổn phận sinh tồn mà họ không thể làm khác.
Vì vậy, dù bên tai có văng vẳng tiếng hát ru Việt Nam của bà mẹ hoá điên trên mộ gió, ngư dân Việt lại vẫn im lặng giong buồm ra biển - như một cách để tự nhận thấy mình thật cô đơn, ngay trên chính tổ quốc của mình.
Tuấn Khanh, Sài Gòn 15/09/2015
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.
No comments:
Post a Comment