Thursday, September 17, 2015

Công nhân và những chia sẻ về cuộc sống (phần 2)

Chân Như, phóng viên RFA
2015-09-16  
Ảnh chụp tháng 11 năm 2013 cho thấy những công nhân bị sa thải mất việc nay thất nghiệp ngồi chờ hàng ngày ở các ngã ba ngã tư đường xem có ai mướn làm bất cứ công việc gì theo giờ theo ngày...
 Ảnh chụp tháng 11 năm 2013 cho thấy những công nhân bị sa thải mất việc nay thất nghiệp ngồi chờ hàng ngày ở các ngã ba ngã tư đường xem có ai mướn làm bất cứ công việc gì theo giờ theo ngày...AF
Phần hai bài này sẽ là những chia sẻ của các bạn trẻ công nhân về suy nghĩ của họ về một công đoàn độc lập: CÔNG NHÂN VÀ CÔNG ĐOÀN ĐỘC LẬP
Trong kỳ phát thanh trước chúng tôi đã có cuộc nói chuyện với 3 bạn trẻ công nhân, những người đang làm việc tại các hãng xưởng của các công ty nhà nước và công ty đầu tư nước ngoài, về đời sống của họ và những khó khăn mà họ gặp phải tại công sở.  Tuần này mời quý vị cùng nghe các bạn chia sẻ về vấn đề công đoàn độc lập và họ nghĩ thế nào về việc có riêng một công đoàn độc lập không phụ thuộc vào sự giám sát của chính quyền?.
Chân Như: Xin chào 3 bạn, Thành, Vĩnh và Châu. Như chúng ta đã chia sẻ đôi chút về những áp bức mà các bạn đã gặp phải trong công sở, mà nguyên nhân cũng là vì công đoàn hiện tại không giúp gì được cho các bạn.  Vậy  xin hỏi rằng các bạn có biết được công đoàn tại Việt Nam hoạt động ra sao hay không?
Châu: Công đoàn ở Vn thì không thể tồn tại độc lập được vì dĩ nhiên đảng lãnh đạo toàn diện tuyệt đối; Và có nhiều nơi nhiều chỗ gần như là độc quyền về công tác và tổ chức cán bộ. Chính vì không tồn tại độc lập được thì có một số nơi tính đấu tranh của các đảng viên bị tê liệt hoặc là bí thư chi bộ mà một bàn tay che cả bầu trời thì không thể bảo vệ quyền lợi cho người lao động và cái này đã có thực tế và báo chí đã từng nêu
Thành: Công đoàn của công ty em hoạt động giống như hình thức thôi chứ không bảo vệ được người lao động chính xác. Em thấy  nhiều khi mình lên tiếng với công đoàn ví dụ về vấn đề lương bổng rồi thời gian làm việc rồi chế độ nghỉ phép, những người mà có gia đình, có thai sản thì họ cũng cho nghỉ thôi nhưng lên tiếng làm đơn lâu, rắc rối nhiều công đoạn, nhiều người ký.  Đơn giản như buổi sáng hôm đó mình bị chuyện đột xuất ví dụ đau bụng, muốn xin ra cũng phải có giấy phải trải qua ba người ký, tổ trưởng, lãnh đạo, công đoàn ký mới được ra. Trong khi mình đau bụng không thể đi được.
Rồi vấn đề thức ăn nhiều khi không được vệ sinh, nhưng mình cũng chấp nhận ăn thôi Đến lúc bị ngộ độc thì công đoàn lên tiếng và nói xử lý rút kinh nghiệm cho qua vậy thôi, và công nhân vẫn chịu thiệt thòi.
Vấn đề lương bổng cũng vậy, thường thời gian 3 tháng lên lương một lần, nhưng ở đây công đoàn họ ra chính sách bắt chẹt người lao động, chỉ lên chút đỉnh. Với đời sống hiện nay thì hiện giờ lương lên không đáng được bao nhiêu hết.  Họ không đứng về phía công nhân mà đứng về phía chủ lao động, những người  trả lương cho họ và làm việc một cách như hình thức thôi chứ không bảo vệ công nhân cho lắm.
Vĩnh: Công ty em thì khôn lắm, tức là ở ngoài thì nói bảo vệ anh, thí dụ có chuyện gì thắc mắc về công việc bị áp bức bóc lột công việc hoặc những người làm chung áp bức mình thì mình cứ việc lên nói với họ, nhưng họ nói họ sẽ xử lý trong nội bộ của họ. Thí dụ ban công đoàn xử lý không được thì họ đưa lên ban giám đốc; không được thì đưa lên tổng giám đốc.Như vậy thì  cũng như là họ xử lý trong nội bộ thôi chứ họ cũng không có thể bảo vệ được những quyền lợi cho người công nhân.  Và em thấy là công đoàn rất là áp bức bóc lột tiền của công nhân, thí dụ một tháng đóng 20 ngàn, một năm 12 tháng đóng hai trăm mấy chục ngàn nhưng đến khi cuối năm thì họ chỉ phát cho một hai chai dầu và một hai bịch đường vậy thôi. Tuy vậy lại mang tiếng là họ cho chứ không phải là do tiền mình đóng, họ nói là của họ cho chứ không phải ở đâu hết.
Châu: xin bổ sung một tí là công đoàn ở Vn được đặt dưới sự lãnh đạo của tổ chức đảng. Vì vậy những chủ tịch công đoàn thì thường là được người đứng đầu đảng đưa lên, cho nên mọi hoạt động công đoàn gần như làm theo chỉ đạo của ông chủ cơ quan như theo hai bạn nói. Công đoàn được coi như là nó liên quan đến tất cả mọi thứ về quyền lợi và lương bổng nên không bao giờ tồn tại độc lập được. Đó là thực tế ở các cơ quan nhà nước mà mình thấy.
Vĩnh: thì đúng rồi công đoàn ở VN nói chung là đảng cộng sản  không muốn cho tất cả những gì ngoài tầm kiểm soát của họ.  Tất cả như anh Châu vừa nói cũng đúng như những thực tại đang xảy ra với em.
Chân Như: Nếu như những gì các bạn vừa chia sẻ thì chuyện người lao động có quyền thành lập công đoàn độc lập cho riêng họ mà không liên quan đến công đoàn do nhà nước kiểm soát là một điều không thể thực hiện được?
Vĩnh: theo em, nếu  mà ở Việt Nam có đại diện quốc tế qua kiểm soát hoặc là ký hiệp định bên đây có sự giám sát của quốc tế thì những người lao động như tụi em sẽ rất là muốn; Còn nếu không có giám sát mà chỉ Việt Nam xử lý thì em có muốn cũng không được tại vì các quyền cũng do nhà nước tự quyết, họ tự sắp đặt hết chứ họ không cho công nhân có quyền lên tiếng hay là tự đặt ra công đoàn riêng độc lập không có sự giám sát của họ. Vì công đoàn dù ở nhà nước hay tư nhân em thấy công đoàn tạo ra để bảo vệ cho chủ chứ cũng không bảo vệ gì được cho công nhân.
Thành: Theo em nếu mà tình hình còn như hiện nay thì sẽ không có một công đoàn nào riêng do mình lập đâu anh, phải do nhà nước hết đó anh.  Vì em biết năm 2008 có một tổ chức riêng đó là tên là liên đoàn Việt lập ra nhưng cũng bị nhà nước dẹp bỏ và bị bắt là chị Đỗ Thị Minh Hạnh.  Việt Nam không được thành lập một tổ chức riêng nếu không được sự quản lý của nhà nước, nên em nghĩ chắc khi nào còn đảng thì sẽ không có đâu anh.
Chân Như: Theo hiến pháp của Việt nam thì mọi người dân đều có quyền tự do lập hội, tuy nhiên theo như những hiểu biết của các bạn, mà các bạn đã chia sẻ thì chính quyền VN vẫn chưa chấp nhận quyền thành lập công đoàn độc lập của công nhân, vậy nguyên nhân là gì?
Châu: Trước khi trả lời câu hỏi này thì em xin bổ sung một tí: theo hiến pháp của VN thì mọi tổ chức cá nhân có quyền lập hội, nhưng thực tế VN không thể thành lập được vì tất cả mọi sự đều do đảng cộng sản và chính quyền kiểm soát mà nếu mình lập thì sẽ chịu ảnh hưởng bị cơ quan, bị tất cả hệ thống trong quyền lực cách này hay cách khác để khống chế tổ chức, hoặc gây rất nhiều mặt thậm chí khủng bố, o ép.  Tuy nhiên,  nếu lập ra được rồi thì phải đấu tranh rất dai dẳng mà cũng không thể bảo vệ quyền lợi cho công nhân, công đoàn độc lập có ra đời được thì cũng phải qua cơ quan nhà nước giải quyết và với cơ chế như thế này thì chẳng có ai giải quyết được. Thậm chí mọi người còn nhìn vào thấy lập tổ chức này không hay.
Còn nguyên nhân thì hiện nay vẫn do sự lãnh đạo của ĐCS toàn diện và tuyệt đối- lãnh đạo về chính quyền, về các tổ chức chính trị xã hội. Bất kỳ những tổ chức nào cũng phải do người đảng viên đứng đầu tổ chức cơ quan, mọi cơ quan thậm chí công ty nhà nước trừ công ty có vốn nước ngoài may ra không có người của đảng tham gia quản lý.  Do vậy, không bao giờ có công đoàn độc lập được vì nguyên nhân là do sự lãnh đạo toàn diện tuyệt đối và độc quyền về công tác cán bộ của đảng cộng sản.
Hàng nghìn công nhân Công ty Pouyen Việt Nam (TP HCM) đã xuống đường tuần hành phản đối quy định bảo hiểm mới trong 5 ngày qua. 31/3/2015. RFA
Hàng nghìn công nhân Công ty Pouyen Việt Nam (TP HCM) đã xuống đường tuần hành phản đối quy định bảo hiểm mới trong 5 ngày qua. 31/3/2015. RFA
Vĩnh: Công đoàn của bên em cũng giống như bên anh Châu vừa nói, có nghĩa là họ lập ra cũng do nhà nước cũng do đảng viên thôi, chứ còn công nhân thì không thể nào tự lập ra công đoàn. Việc này cũng giống như cái gì nó tạo ra ở bề ngoài, cái vỏ bề ngoài cho thế giới nhìn vô thấy rằng VN mình cũng có những công đoàn độc lập, có tiến bộ, chứ thật sự ở trong vẫn vậy- vẫn bóc lột về quyền lợi công nhân chứ không bảo vệ công nhân. Nếu mà còn những hội đoàn do nhà nước họ quyết định bổ nhiệm người làm bên đoàn, nếu mà công nhân lập ra thì em nghĩ cũng không thể được.
Thành: Em cũng đồng quan điểm với hai anh vừa rồi. Nếu mà tổ chức hoạt động riêng do người công nhân thành lập, không liên quan đến nhà nước thì em nghĩ phải có quốc tế can thiệp vào sâu hơn nữa thì may ra mới có tổ chức như liên đoàn Việt hoạt động được. Em cũng hy vọng một ngày tương lai gần sẽ có tổ chức đứng về phía công nhân thật sự, không như bây giờ.
Chân Như: Như Thành chia sẻ là chỉ có thể có được công đoàn độc lập khi có quốc tế giám sát, Châu nhận xét sao?
Châu: Theo thực tế hiện tại ở VN hiện nay thì dù quốc tế có quan sát  cũng không có một cá nhân hay tổ chức nào có thể thành lập được một công đoàn độc lập được trong bối cảnh hiện nay,  rất khó có thể xảy ra. Châu thấy rằng trong thời gian sắp tới chắc nằm mơ thì VN cũng chưa có chuyển biến theo chiều hướng thế đâu.
Vĩnh: VN cũng chuẩn bị gia nhập vô TPP. Em nghĩ sắp tới thì họ cũng sẽ tiến bộ về quyền lập hội. Tuy nhiên, em nghĩ phía trong tổ chức đó họ vẫn kiểm soát và kiểm soát một cách toàn diện chứ họ cũng không cho công nhân hoặc tổ chức nào ngoài nhà nước mà có thể tự lập ra hội đoàn được. Chắc chắn họ cũng sẽ cho lập nhưng họ cũng sẽ đưa ra những điều luật mơ hồ để cho người ta thực hiện để dễ dàng quy tội các tổ chức đó mà làm những công việc không theo đường lối của đảng đã đề ra. Em nghĩ nếu mà VN gia nhập TPP để thay đổi nhằm tránh phụ thuộc vô Trung Quốc thì em nghĩ là sẽ có một số tiến bộ để chuyển hướng kinh tế nhưng ở trong vẫn vậy.
Thành: Em nghĩ vậy VN mình muốn nhập TPP, việc này phải làm thôi: tổ chức thành lập một công đoàn lao đông riêng cho người công nhân- em nghĩ sẽ có tại vì quốc tế họ lên án về nhân quyền VN nhiều năm rồi, lần này sẽ mạnh hơn. Em nghĩ sẽ có thành lập nhưng không biết hoạt động ra sao? Hy vọng sẽ đứng về phía người lao động hơn.
Vĩnh: Em có một câu nói rất là đơn giản tại vì nếu mà còn ĐCS thì ĐCS phụ thuộc vô hệ tư tưởng của Trung Quốc rồi; Trung Quốc từ xưa đến giờ làm gì cũng độc đoán độc quyền hết thì họ không có dân chủ nên em nghĩ Việt Nam còn hệ tư tưởng của Trung Quốc thì sẽ không bao giờ có được những hội đoàn độc lập, quyền nói lên được tiếng nói của mình ở trong một xã hội độc tài.
Châu: Em nghĩ rằng bởi cơ chế một đảng lãnh đạo như hiện nay thì ngoài mặt về đời sống kinh tế xã hội do đảng kiểm soát hết nên mình rất khó để thành lập một công đoàn độc lập kể cả khi vào TPP người ta cũng có thể có một số sửa đổi và điều chỉnh nhưng chắc chắn rất chi là chậm, vì mấy chục năm qua thấy sự chuyển biến về tồn tại các hội đoàn độc lập thì gần như là không có.  Vừa rồi thì có một số hội thành lập như hội Văn đoàn độc lập, hội Nhà báo được lập thì nhiều tổ chức của đảng cũng phủ nhận những tổ chức ấy và cho là tồn tại không hợp pháp. Do vậy, rất khó để có công đoàn độc lập.
Cám ơn phần chia sẻ của Thành, Vĩnh và Châu cho đề tài khá thú vị này.

No comments:

Post a Comment