TP - “Nói tỉnh nghèo chơi trội là hoàn toàn không đúng và hiểu sai bản chất của vấn đề. Với một địa phương có điểm xuất phát thấp như Quảng Bình, không có những ý tưởng hay dự án mang tính đột phá thì rất khó phát triển” - Ông Trương An Ninh, Chánh Văn phòng, người phát ngôn UBND tỉnh Quảng Bình mở đầu cuộc phỏng vấn với báo Tiền Phong liên quan đến dự án tổ hợp 10 sân golf mà địa phương này đang muốn đầu tư.
Vùng đất Quảng Bình dự kiến đầu tư tổ hợp 10 sân golf. Ảnh: Hoàng Nam.
Tổ hợp của những sân golf đẳng cấp nhất thế giới
Ông có thể cho biết về quy mô dự án tổ hợp 10 sân golf mà Quảng Bình đang muốn đầu tư?
Đây mới chỉ là ý tưởng, mong muốn của tỉnh Quảng Bình và nhà đầu tư. Việc dự án có khả thi hay không, trước hết, phải bổ sung quy hoạch, trên cơ sở đề xuất của địa phương, các bộ ngành thẩm định, trình Thủ tướng phê duyệt.
Ý tưởng và mong muốn đó là gì, thưa ông?
Trong chiến lược phát triển kinh tế, Quảng Bình lấy du lịch làm trọng tâm, mũi nhọn để thúc đẩy các ngành kinh tế khác. Với các tiềm năng nổi trội như hang động, bãi biển, tâm linh, nếu có kế hoạch khai thác tốt, kết hợp với những dự án mang tính đột phá, Quảng Bình sẽ không chỉ là trung tâm du lịch của cả nước mà còn là khu vực và quốc tế.
Việc đầu tư tổ hợp 10 sân golf là một trong những ý tưởng đột phá và nếu thành công, đây sẽ là dự án mang tính điểm nhấn cho du lịch Quảng Bình. Cùng với những hang động kỳ vĩ, bãi biển đẹp nhất Việt Nam, các điểm tâm linh nổi tiếng..., thêm tổ hợp sân golf sẽ thu hút khách du lịch nhiều tiền đến với Quảng Bình, kéo dài thời gian lưu trú. Một chuyên gia kinh tế thế giới đã từng ví von: “Golf là công nghiệp của ngành công nghiệp không khói”. Bởi người chơi golf hiện nay đa phần vẫn là các doanh nhân. Khi họ đến một địa phương nào đó chơi golf, với con mắt của doanh nhân, chắc chắn họ sẽ nhìn thấy những lĩnh vực đầu tư phù hợp cho doanh nghiệp của mình và khi có dự án tổ hợp sân golf sẽ thu hút được các dự án khác đến với Quảng Bình.
Vậy ý tưởng cụ thể ở đây là gì?
Nhà đầu tư cho biết, họ sẽ mua bản quyền các sân golf nổi tiếng thế giới, lấy thiết kế đó để về xây dựng thành một tổ hợp sân golf ở Quảng Bình. Điều này sẽ thu hút các golf thủ trên khắp thế giới đến với Quảng Bình, vì trong một thời gian ngắn, họ được chơi nhiều sân. Bởi người chơi golf, luôn thích chinh phục và khám phá những sân chơi mới. Thay vì họ phải bỏ tiền của, thời gian đi khắp thế giới để được chơi những sân golf đẳng cấp, thì họ chỉ cần đến một điểm như Quảng Bình là có thể trải nghiệm được tất cả, vừa tiết kiệm tiền bạc, vừa tiết kiệm thời gian đi lại.“Nguồn vốn dành cho dự án tổ hợp sân golf này hoàn toàn do nhà đầu tư tự thu xếp, không có chuyện tỉnh phải bỏ tiền để đối ứng”.Ông Trương An Ninh, Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình
Ngoài ra, ở Việt Nam, do điều kiện kinh tế mà người chơi golf còn hạn chế, chứ ở các nước phát triển, môn golf còn được đưa vào trường học. Vào mùa đông, nhiều sân golf ở các nước bị tuyết bao phủ nên họ phải tìm đến những nước không có tuyết như Việt Nam để chơi golf. Nhiều trường học ở Hàn Quốc, Nhật Bản đã đưa học sinh của mình sang Việt Nam lưu trú cả tháng để chơi golf. Điều này sẽ khắc phục được tình trạng, lâu nay các tỉnh từ Bắc Trung bộ trở ra chỉ làm du lịch được nửa năm mùa hè, còn nửa năm mùa đông thì èo uột vì không có khách.
Để hiện thực hóa ý tưởng này, nhà đầu tư sẽ xây dựng một tổ hợp 10 sân golf dọc theo bờ biển từ TP Đồng Hới, qua huyện Quảng Ninh, đến điểm cuối là xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy. Bình quân mỗi sân golf có 18 lỗ, tương đương với nguồn vốn đầu tư tối thiểu là 3.000 tỷ đồng. Diện tích đất dành cho tổ hợp sân golf này chừng 1.000 ha.
Lấy đi 1.000 ha đất xây dựng sân golf, dân trong vùng sẽ lấy gì để sản xuất, nuôi sống họ?
Quảng Bình có một dải cát trắng chạy dọc ven biển, có nơi rộng đến 4-5km. Nhiều năm nay, tỉnh cũng đã thử nghiệm nhiều loại giống cây để cải tạo vùng cát nhưng không thành công. Đến nay, hơn 3.000 ha cát ven biển gần như vẫn còn hoang hóa, không có dân sinh sống, chỉ có đôi chỗ cây phi lao được trồng lên để chống cát bay, cát lấp. Nếu làm được tổ hợp sân golf này, chúng ta đã nâng cao giá trị sử dụng cho dải sa mạc cát ven biển Quảng Bình. Thảm cỏ xanh, rừng cây của sân golf sẽ chống được nạn cát bay, cát chạy, bảo vệ mùa màng, nhà cửa của người dân phía trong, ven các đồi cát. Xin khẳng định rằng, dự án tổ hợp sân golf này không lấy đất sản xuất nông nghiệp của dân mà chủ yếu là diện tích các đồi cát bị sa mạc hóa.
Người dân không mất mà chỉ được lợi từ dự án tổ hợp 10 sân golf khi nó đi vào hoạt động. Cứ mỗi sân golf sẽ kèm theo một resort đẳng cấp 5-6 sao để phục vụ khách du lịch và các golf thủ lưu trú, nghỉ dưỡng. Bình quân mỗi sân golf thu hút hàng trăm lao động trực tiếp và một lượng lớn lao động phục vụ gián tiếp ở các nhà hàng, khách sạn... Tính ra, dự án tổ hợp sân golf này sẽ tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động. Nhà đầu tư cam kết sẽ sử dụng 90% lao động của địa phương. Như vậy, dân không mất gì nhưng lại có công ăn việc làm với thu nhập cao.
Tổ hợp liên hoàn 10 sân golf chạy dọc biển hàng chục km, sẽ bịt hết lối ra biển nghỉ ngơi, làm ăn của người dân?
Điều này đã nằm trong tính toán của dự án. Bởi trước đây, không ít địa phương khi cấp đất cho các nhà đầu tư xây dựng các cơ sở nghỉ dưỡng, lưu trú đã quên mất điều này khiến người dân bức xúc, phản đối. Sân golf sẽ được quy hoạch xây dựng đảm bảo hài hòa, đủ không gian và đường giao thông cho người dân có nhu cầu ra biển.
Tỉnh không bỏ vốn đầu tư
Vậy nguồn vốn đầu tư cho dự án này sẽ được lấy từ đâu, Quảng Bình phải bỏ bao nhiêu để đối ứng và hiệu quả của nó đến đâu?
Nguồn vốn dành cho dự án tổ hợp sân golf này hoàn toàn do nhà đầu tư tự thu xếp, không có chuyện tỉnh phải bỏ tiền để đối ứng. Tỉnh sẽ minh bạch toàn bộ thông tin về dự án để mọi người cùng hiểu và ủng hộ. Lãnh đạo tỉnh mong muốn người dân, báo chí, các bộ ngành trung ương và Thủ tướng Chính phủ ủng hộ cho dự án.
Hiện nay duy nhất trên thế giới, đảo Hải Nam của Trung Quốc có tổ hợp 12 sân golf và rất thành công cả về mặt kinh tế và xã hội. Nếu dự án tổ hợp 10 sân golf của Quảng Bình hoàn thành, thì đây sẽ là cú hích mạnh không chỉ du lịch mà còn cả nền kinh tế của Quảng Bình.
Xin cảm ơn ông!
No comments:
Post a Comment