Tuesday, August 11, 2015

1027 loại 'phí' và 'lệ phí' nông nghiệp tại Việt Nam

HÀ NỘI 10-8 (NV) - “Dù đã tích cực rà soát để bỏ nhiều loại song vẫn còn 937 khoản phí và 90 lệ phí trong riêng lĩnh vực nông nghiệp”. Bộ trưởng Bộ Tài chính CSVN Đinh Tiến Dũng nhìn nhận như vậy.


Chợ gà bên lề đường ở một khu vực Hà Nội. Một con gà hay ngay cả một quả trứng cũng phải gánh “14 loại phí”. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)

Tình trạng thuế và phí chồng chất đánh vào nông dân, nông nghiệp được nêu ra trong phiên thảo luận ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội CSVN hôm Thứ Hai khi thảo luận về  dự án Luật Phí và Lệ Phí.

Theo tường thuật về cuộc thảo luận trên tờ Người Lao Động, ông Đinh Tiến Dũng cho biết dự luật “phí và lệ phí” ban đầu đưa ra 73 khoản phí và 42 lệ phí, nhưng “sau khi nghe góp ý đã giảm chỉ còn 48 khoản phí và 33 lệ phí.” Tuy nhiên, khi thấy “riêng lĩnh vực nông nghiệp hiện có 90 lệ phí và 937 khoản phí” thì Bộ Tài chính của chế độ “đang rà soát lại.”

Tình trạng thuế, phí và lệ phí tròng tréo nhau, các địa phương tùy tiện đẻ ra các cách thu tiền của dân từng bị bị đả kích nhiều lần là trái luật vẫn thấy xảy ra.

Không riêng gì lãnh vực nông nghiệp, theo tờ Người Lao Động, “các lĩnh vực khác như chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm có 16 lệ phí, 95 khoản phí; quản lý chất lượng nuôi trồng thủy sản có 183 khoản phí, chăn nuôi có 16 lệ phí, 1 khoản phí.”

Hồi Tháng Giêng 2015 vừa qua, ông bộ trưởng Nông Nghiệp và Phát triển Nông Thôn Cao Đức Phát từng bị đả kích về chuyện một con gà hay 1 quả trứng khi đến tay người tiêu thụ đã phải gánh tấc cả “14 loại phí”. Ông đã hứa buộc các cơ quan dưới quyền ông “đề xuất sửa đổi và báo cáo” cho ông trước ngày 15/2/2015.

Nay lại vẫn thấy ông Nguyễn Sinh Hùng, chủ tịch Quốc hội CSVN rên rỉ trong cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là “Một quả trứng đếm ra đếm vào 14 lần để thu phí. Trời đất ơi, như thế người dân sống sao được. Trong khi quy trình để thu được 1 đồng phí rất phức tạp.”

Ngày 27/6/2013, có một cuộc hội thảo do Báo Nông thôn ngày nay cùng Viện Chính Sách và Chiến Lược Phát Triển nông thôn tổ chức ở Hà Nội. Dịp này, một bản kết quả nghiên cứu được đưa ra nói rằng nông dân Việt Nam vẫn chiếm hai phần ba dân số cả nước và càng ngày họ càng nghèo đi. Kết quả nghiên cứu dựa trên các cuộc phỏng vấn với 3,000 họ gia đình tại 12 tỉnh ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, cứ 2 năm thực hiện một lần.

Hồi tuần trước, một cuộc nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh Tế của Việt Nam (CIEM) được công bố cho thấy người nông dân Việt Nam vẫn ngày một bần cùng khốn khổ.

Một vài hình ảnh được ông Ngô Trí Long, phó viện trưởng của viện vừa kể dẫn ra như 40 kg chanh chỉ bán được có 6,000 đồng, vừa đủ để mua một ổ bánh mì thịt. Hai ký lô khoai lang bán đi chỉ bằng giá một ly trà đá rẻ tiền.

Không mấy năm người ta không nghe thấy điệp khúc người nông dân trồng lúa “được mùa, rớt giá.” Trùm trên tất cả là các chính sách thuế khóa tròng tréo và vô trật tự là một trong những nguyên nhân làm người nông dân sản xuất ra thực phẩm lại có đời sống kinh tế khốn khổ mà ông Lưu Đức Khải, trưởng ban chính sách phát triển nông thôn của CIEM thú nhận “niềm tin, sự hài lòng về cuộc sống của nông dân ngày càng giảm”.

Bởi vậy, ông Ngô Trí Long cảnh cáo rằng những lời báo động trước đây về nguy cơ “tụt hậu” nay “không còn là nguy cơ nữa mà nó đang hiện hữu”. (TN)

08-10- 2015 4:24:53 PM

No comments:

Post a Comment