Saturday, August 15, 2015

Khi nào thì “nhục quốc thể”?

Dr. Nikonian - Mấy hôm này, các diễn đàn mạng dậy sóng về những hình ảnh và ý kiến của một khách du lịch Việt Nam về những điều chưa hoàn thiện của ngôi nhà Việt Nam ở triển lãm Italia Expo 2015 tại Milan, Ý.

Thực tình, dưới mắt tôi, cách bày biện, trang trí Nhà VN ở Italia Expo không thật ưng cái bụng lắm. Văn hoá VN xứng đáng với một cách decor khác tao nhã, tinh tế hơn nhiều. Ít nhất là như một số showroom ở Sài gòn, Hà nội mà tôi rất thán phục cách bày biện, chiếu sáng, phối cảnh, màu sắc. Ngôi nhà bằng tre quả độc đáo, nhưng cách trưng bày sản phẩm bên trong thì xin lỗi, trông khá “mậu dịch quốc doanh”. Nó chưa thể hiện được cái ambience, cái hồn Việt!

Cũng như nụ cười mãn nguyện của ông Đô trưởng Hà Nội khi tặng quà cho thượng nghị sĩ John McCain, chắc những người tổ chức cho vậy là duyên dáng, là “charming”, là ý nhị... lắm rồi. Thôi kệ, vậy cũng được!

Tuy nhiên, nói là “nhục quốc thể” thì cũng hơi quá lời. Tôi thấy không đến mức đó. Không thể đòi hỏi một xứ nghèo, quan trí thấp lè tè lại có thể kiến tạo một không gian bài trí tầm cỡ như kiến trúc sư Courbusier lừng danh được.

Ngược lại, chỉ coi một vài bức ảnh Tây nó sắp hàng, bu đen bu đỏ cũng chưa hẳn là Nhà VN được tán thưởng nhiệt liệt. Vì nó có thể chỉ xảy ra trong một khoảng khắc nào đó, dưới một tác động nào đó (ca nhạc miễn phí chẳng hạn). Ảnh không biết nói dối, nhưng không phải khi nào ảnh cũng nói lên HOÀN TOÀN câu chuyện hay sự thực (xin nhớ lại bức ảnh tướng Loan bắn Bảy Lốp).

Các comment từ khách tham quan sẽ đáng tin cậy hơn. Nhưng tôi không thấy ban tổ chức trích dẫn, như một bằng chứng khả tín, khách quan về mức độ thành công của triển lãm nhà VN.

Phân trần “các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua thăm và đều đánh giá rất tốt” là một nguỵ biện thô thiển và nô dịch. Vì cái nhìn của chính khách không tương đồng với một thẩm định nghệ thuật hay chuyên môn.

Còn những tình huống mà tôi đã chứng kiến như vầy, xin kể vắn tắt thôi:

- Ở Tokyo, khi ngắm nghía chiếc xe đạp của một cụ già bán hoa trên hè phố, cụ thủng thẳng nói: “hồi đó để đây không sao. Từ lúc có tụi VN qua học nghề, hở ra là mất!”

- Tôi thấy hai quan chức nhà mình sau khi tham quan một phòng thí nghiệm sinh học ở San Francisco, bèn điềm nhiên bỏ 2 cái kính bảo hộ đeo mắt (visor) vào túi áo vest.

- Sau khi tham quan phòng sưu tập tranh cá nhân tại nhà riêng của một ông CEO nọ ở Bắc Mỹ, một quan chức nhà ta liền vỗ vai chủ nhân mà rằng: “You’re culture man!” (?)

- Ở Milan, một đám “y khoa đại học sĩ” sau khi đánh chén ở một nhà hàng sang trọng, bèn rút chai rượu đế đem từ nhà qua trong chai nước suối La Vie và chuyền nhau uống bằng nắp, trước mặt bá quan thiên hạ.

- Tại New Orleans, cũng một đám ngự y hè nhau uống Johnny Walker trong cái ca nhựa, hò hét “dô dô 100%” dưới cặp mắt kinh dị của bà chủ quán người Tàu.

- Ở Osaka, một nữ đồng nghiệp lên xe bus muộn, bắt cả đoàn phải chờ gần 30 phút. Mà chưa hết, trên tóc còn cài một bông hoa anh đào mới hái (chẳng là đang mùa hoa nở).

- Một chị in chữ GS. lên danh thiếp, sau 1 ly rượu vang, bèn viện cớ xây xẩm và nằm dài ra ghế trong một quán ăn ở Luân Đôn, trước mặt GS Graham Foster, một người Anh cực kỳ tao nhã.

Thú thật, tôi chỉ muốn độn thổ, cáo lui ra ngoài lơ láo nhìn trời. Trong những tình huống đó, điều duy nhất mà tôi có thể làm là nói với chủ nhân một câu: “xin ông (bà) hãy tin rằng không phải người VN nào cũng như nhau”.

Sẽ không có người Tây người Mỹ nào chê cười người Việt vì không thành thạo dùng dao muỗng nĩa, hay không thật rành rẽ các etiquette giao tế Tây phương. Cũng như chúng ta không cười nhạo một anh Tây ăn đũa không rành, hay một chị đầm không thuần thục các phép tắc về làm dâu nhà Việt. Nhà nào có qui tắc của nhà đó, không ai có quyền cười nhạo ai cả.

Tuy nhiên, khi một người dẫm đạp, xâm phạm vào những điều tối kỵ nơi công cộng như nói to, khạc nhổ, ngoáy mũi... những qui chuẩn lịch sự mà nước nào cũng phải tuân thủ, người ấy đã xâm hại đến lòng tự trọng (không phải tự tôn) của dân tộc mình. Chứ không phải bằng sự nghèo khó, lúng túng... của mình trước một nền văn hoá lạ lẫm khác.

Nhiều khi, chỉ cần “đi nhẹ, nói khẽ” nơi công cộng là đủ để không làm “nhục quốc thể”, hay để người ngoài không đánh đồng chúng ta với đám du khách Hoa lục khả ố đang nhan nhản khắp nơi.

Mà này, tôi có quyền thấy “nhục quốc thể” trong những tình huống người thật việc thật như trên không?

Lại thêm một câu hỏi cắc cớ nảy ra trong đầu: “ăn ở thế nào mà làm gì dân cũng chửi?”


No comments:

Post a Comment