Wednesday, August 19, 2015

Hồn ‘Sát Thát’ có được đi vào Dự thảo luật Trưng cầu dân ý?

Cát Linh, phóng viên RFA-2015-08-19  
Ảnh minh họa Hội nghị Diên HồngẢnh minh họa Hội nghị Diên Hồng-File photo
Dự luật Trưng cầu dân ý vừa qua đã được đề cập và thảo luận tại Uý ban thường vụ quốc hội. Đây không phải là lần đầu tiên nhà nước Việt Nam đưa ra dự thảo luật trưng cầu dân ý. Trong lịch sử, hơn 700 năm trước, Việt Nam đã từng có hội nghị Bình Than, hội nghị Diên Hồng, sau đó là trưng cầu dân ý 1955. Những cuộc trưng cầu dân ý trong lịch sử và trong dự thảo luật của xã hội hiện đại có cùng tính chất hay không?
Những ‘cuộc trưng cầu dân ý’ năm xưa
“Nếu chấp nhận hoà với quân giặc nghĩa là mất tất cả. Còn như nếu toàn dân đồng lòng liều chết để đánh thì có thể giữ được tất cả. vậy, Đại Việt nên hoà hay nên đánh?”(Trích Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sỹ Liên)
Sau câu hỏi ấy, tiếng hô vang trời ‘”Quyết đánh” đã làm rung chuyển cung điện Diên Hồng, ghi một dấu ấn vào đường lối chính trị của lịch sử Việt Nam. Chỉ một tiếng hô “Đánh!” hay “Không đánh!” từ những các bậc phụ lão, người đại biểu của dân, hội nghị Diên Hồng xảy ra vào tháng Chạp năm Giáp Thân (1284), là thể hiện của một triều đại được cai trị bằng ý thức tin vào sức mạnh và trí tuệ của người dân.
Trong Đại Việt Sử Ký Toàn thư, bản kỷ toàn thư quyển 5, Nhà sử học Ngô Sĩ Liên có viết rằng: “Thượng hoàng triệu phụ lão trong nước họp ở thềm hội nghị Diên Hồng, ban yến tiệc và hỏi kế đánh giặc. Các phụ lão đều nói ‘đánh’, muôn người cùng hô một tiếng, như bật ra từ một cửa miệng.”
Hội nghị Diên Hồng được xem như là hội nghị dân chủ đầu tiên có từ thời đất nước mang tên Đại Việt. Tuy những vị bô lão lúc ấy không phải là người đưa ra quyết định cuối cùng, mà là Thượng hoàng Trần Thánh Tông và hoàng đế  Trần Nhân Tông. Tuy nhiên, điều này đã thể hiện rõ tính dân chủ trong cách trị nước ngày xưa của ông cha ta. Đó là lấy dân làm gốc.
“Giặc Hồ vào cướp nước là nạn lớn nhất của đất nước. Hai vua hiệp mưu, bầy tôi họp bàn há lại không có kế sách gì chống giặc mà phải đợi đến ban yến hỏi kế ở các phụ lão hay sao? Là vì Thánh Tông muốn làm thế để xét lòng thành ủng hộ của dân chúng, để dân chúng nghe theo lời dụ hỏi mà cảm kích hăng hái lên thôi. Đó là giữ được cái nghĩa người xưa nuôi người già để xin lời hay vậy.” (Trích Đại Việt sử ký toàn thư bản kỷ toàn thư quyển 5)
Tôi nghĩ rằng câu chuyện về hội nghị Diên Hồng diễn ra ở thời kỳ nhà Trần nó mang tính chất biểu trưng cho việc người lãnh đạo đất nước hỏi ý kiến người dân.
Dương Trung Quốc
Có cái nhìn tương đồng trong tính chất của sự kiện lịch sử này, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết:
“Tôi nghĩ rằng câu chuyện về hội nghị Diên Hồng diễn ra ở thời kỳ nhà Trần nó mang tính chất biểu trưng cho việc người lãnh đạo đất nước hỏi ý kiến người dân. Tuy nhiên đối với người xưa thì là hỏi những vị bô lão, những người có uy tín trong xã hội để hoạch định những chiến sách, quốc sách có ý nghĩa quan trọng với quốc gia.”
‘Diên Hồng’ trong hiện tại
700 năm sau, sau khi câu chuyện Diên Hồng trong lịch sử diễn ra với nước Đại Việt, trưng cầu dân ý đã trở thành một công cụ cho các chính khách của các quốc gia trên toàn thế giới. Việt Nam từng đưa ra luật trưng cầu dân ý trong hiến pháp năm 1946, nhưng chỉ là trên văn bản, chưa thông qua quốc hội và chưa đi vào thực tế cuộc sống.
Sát Thát
Sát Thát
Cho năm 1955, miền Nam Việt Nam có cuộc tổng tuyển cử nhằm truất phế vua Bảo Đại để ông Ngô Đình Diệm lên nắm quyền. Đây là cuộc trưng cầu dân ý được nhà sử học Dương Trung Quốc cho là quan trọng nhất và thật sự đúng nghĩa nhất trong lịch sử Việt Nam.
Từ đó cho đến nay, nhà nước Việt Nam có thêm hai lần thực hiện việc gọi là trưng cầu dân ý, đó là dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992 và 2013. Thế nhưng, giáo sư Tạ Văn Tài, người từng giảng dạy môn Luật Quốc tế ở đại học Havard thì ông không nghĩ rằng hai lần hỏi ý kiến trước đây là cuộc trưng cầu dân ý đúng nghĩa.
“Thật ra, đứng về phương diện luật, hiến pháp, những lần hỏi ý kiến trước, thí dụ về bộ luật hình sự hay hiến pháp thì không phải là một cuộc trưng cầu dân ý, chỉ là một cuộc thăm dò dư luận thôi. Còn trưng cầu dân ý là một biện pháp mà theo luật hiến pháp trên thế giới của các nước là có một cuộc bầu phiếu, rồi đếm số phiếu đó xem bao nhiêu số phiếu đồng ý trong quả đại quần chúng, chứ chưa hề có 1 cuộc trưng cầu dân ý nào rộng rãi theo đúng nghĩa của luật pháp tại Việt Nam.”
Tôi không quan tâm mấy đến vấn đề cái gọi là luật trưng cầu ý dân. vì tôi cho rằng cái quan trọng là cái nền tảng mà dân chủ văn minh tiến bộ của 1 xã hội mới là quyết định. Còn nền tảng của một xã hội mà không có sự văn minh tiến bộ thì những luật đó cũng chỉ là những tờ giấy lộn thôi
Tiến sĩ Trần Nhơn
Hai lần “trưng cầu dân ý” đó, theo cách gọi của nhà cầm quyền Việt Nam, cũng là hình thức mà nhà nước đặt ra câu hỏi, và những bô lão bây giờ là công dân trong xã hội, trả lời, biểu quyết, bằng lòng hay không bằng lòng, thuận hay không thuận. Thế nhưng, nếu những tiếng hét vang dội điện Diên Hồng năm xưa đã giúp hoàng đế Trần Nhân Tông biến thành sức mạnh ý chí dân chủ bảo vệ và xây dựng đất nước, thì những ‘vị bô lão” ngày nay đã đặt luật trưng cầu dân ý ấy sang một vấn đề khác cần được xem trọng hơn. Tiến sĩ Trần Nhơn, nguyên Thứ trưởng bộ Thuỷ lợi quan tâm đến cái mà ông gọi là nền tảng quyết định:
Quốc hội họp cho ý kiến về dự luật Biểu tình và Trưng cầu ý dân hồi tháng 5, 2015. Ảnh minh họa Hoàng Ngọc
Quốc hội họp cho ý kiến về dự luật Biểu tình và Trưng cầu ý dân hồi tháng 5, 2015. Ảnh minh họa Hoàng Ngọc
“Tôi không quan tâm mấy đến vấn đề cái gọi là luật trưng cầu ý dân. vì tôi cho rằng cái quan trọng là cái nền tảng mà dân chủ văn minh tiến bộ của 1 xã hội mới là quyết định. Còn nền tảng của một xã hội mà không có sự văn minh tiến bộ thì những luật đó cũng chỉ là những tờ giấy lộn thôi.”
Theo ông Trần Nhơn, sự văn minh, tiến bộ của người dân là do họ nhận được đầy đủ thông tin ngược chiều lẫn xuôi chiều từ chính quyền và truyền thông. Không những thế mà họ phải nhận được sự hướng dẫn và phân tích đúng về những gì cần hỏi ý kiến từ họ.
So sánh với hội nghị Diên Hồng trong lịch sử, ông Trần Nhơn cho rằng người đứng đầu nước Đại Việt lúc đó đã có quyến định “Đánh!”. Trưng cầu dân ý là một hình thức chuyển thể ý kiến của vua trở thành ý kiến của nhân dân, và quan trọng là biến thành sức mạnh của toàn dân, được toàn dân ủng hộ biểu quyết.
“Tôi chưa cần thiết đặt vấn đề trưng cầu ý dân. Mà cái quan trọng tôi là người trong bộ máy nhà nước thì tôi đã biết được ý dân thế nào rồi. Nếu trưng cầu thì trưng cầu cho vui thôi, đã nắm được ý dân thế nào rồi. Và tôi phải làm sao để dân nắm được hết thông tin ngược chiều, xuôi chiều để có trưng cầu thì nó mới đúng. Chứ 1 nhà nước độc tài, toàn trị thì có cho truyền thông 1 cách cân xứng thông tin không?”
Tập quán xã hội
Cũng liên quan đến hình thức thực hiện, nhà sử học Dương Trung Quốc không chú trọng nội dung, mà ông cho rằng kỹ thuật thực hiện mới là quan trọng.
“Thí dụ như cách đặt câu hỏi có khách quan không? Hay cách tổ chức để người dân thực sự bày tỏ quan điểm của mình hay không hay chỉ là một hình thức người ta đi bỏ phiếu, làm cho xong việc của họ thôi chứ họ không tin tưởng vào ý kiến của họ sẽ được tiếp thu 1 cách nghiêm túc.”
Những vị bô lão của Diên Hồng đưa ra ý kiến “Đánh!”, người quyết định là hoàng đế Đại Việt. Còn ngày nay, hàng triệu người dân có ý kiến, thì ai là người quyết định? Đó sẽ là địa phương? Hay trung ương? Nếu trung ương thì sẽ là ai? Kết quả được thực thi thế nào? Người dân cần phải biết.
Với những dự thảo luật quan trọng như hiến pháp, luật hình sự, và trên hết là luật trưng cầu dân ý, thì phải chăng người dân cần có một cơ chế kiểm soát, và thẩm định chính xác để mọi người có niềm tin là quyền dân chủ của mình được thực hiện đúng?
Và theo tinh thần những đóng góp mà bạn đọc và khán thính giả của Đài Á Châu Tự Do gửi cho chúng tôi, câu hỏi lớn nhất vẫn là có hy vọng câu chuyện Diên Hồng, hay nói cách khác, là tinh thần Sát Thát của Diên Hồng sẽ được đi vào xã hội ngày nay?

No comments:

Post a Comment