Wednesday, July 15, 2015

Quân đội Trung Quốc: Chỉ giỏi "cậy gần nhà"!

Bình Nguyên | 15/07/2015 07:30
Quân đội Trung Quốc: Chỉ giỏi "cậy gần nhà"!
Thay vì dùng hình tượng "con hổ giấy" như chuyên gia David Axe, nhà bình luận quân sự Dean Chang cho rằng Quân đội Trung Quốc không phải là gã khổng lồ, cũng chẳng phải cậu tí hon.

Với vai trò hỗ trợ Ủy ban Giám sát về An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung, Tập đoàn tư vấn về chính sách công RAND (Hoa Kỳ) gần đây đã cung cấp một Báo cáo về những hạn chế của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).

Tiếp đó, các chuyên gia Dean Chang (trên The Daily Signal) và David Axe (trên Fiscal Times) với hai bài bình luận khác nhau nhưng lại có cùng một điểm chung đó là đánh giá xoay quanh những điểm yếu và hạn chế của PLA dựa vào báo cáo kể trên.

Xe tăng Trung Quốc dù được quảng cáo rất hiện đại nhưng vẫn còn kém xa so với xe tăng Nga và Phương Tây
Xe tăng Trung Quốc dù được quảng cáo rất hiện đại nhưng vẫn còn kém xa so với xe tăng Nga và Phương Tây. Ảnh: Nationalinterest.org

PLA đã hiện đại hóa đáng kể...

Kể từ sau chiến tranh biên giới năm 1979, PLA hầu như không tham chiến tại bất kỳ cuộc xung đột quy mô lớn nào, dẫn tới thiếu kinh nghiệm chiến đấu một cách nghiêm trọng. Đây là một trong những bất lợi cực lớn khiến họ loay hoay tìm hướng hiện đại hóa.

Trong suốt những thập kỷ 1980 và 1990, chất lượng đào tạo kém, tình trạng tham nhũng tràn lan, trong đó có sự liên quan đến các hoạt động "làm kinh tế" của quân đội, đã khiến PLA tụt hậu rất xa so với thế giới, dẫn tới sức chiến đấu kém cỏi.

Vũ khí trang bị lạc hậu, chất lượng binh lính bao gồm cả công tác đào tạo hết sức tệ hại. Chính vì vậy, mọi nỗ lực đã được tập trung để hiện đại hóa và tăng khả năng của PLA, nhằm xóa nhòa những ký ức về một đội quân yếu kém về mọi mặt.

Chính vì thế, cho dù PLA đã có sự thay đổi lớn kể từ giữa những năm 1990 và đã đạt được những khả năng nhất định nhằm ngăn chặn hoặc nếu cần thiết, có thể đương đầu với sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ ở khu vực Châu Á - TBD nhưng về cơ bản, họ vẫn đang bế tắc.

Theo Dean Chang, PLA chưa phải là gã khổng lồ nhưng cũng không còn là cậu bé tí hon, trong khi đó, David Axe cho rằng, thực chất PLA chỉ là một "chú hổ giấy".

Quả vậy, 30 năm sau khi bắt đầu nỗ lực hiện đại hóa quân đội song hành với sự cất cánh của nền kinh tế, hàng trăm tỷ USD đã được Bắc Kinh chi cho quân đội, nhưng gần như họ vẫn dậm chân tại chỗ chưa thể thực sự lột xác.

Lính biên phòng Trung Quốc huấn luyện vượt vòng lửa. Ảnh: Reuters/China Daily
Lính biên phòng Trung Quốc huấn luyện vượt vòng lửa. Ảnh: Reuters/China Daily

... nhưng còn xa mới đạt yêu cầu

Báo cáo của RAND ghi nhận, "về tổng thể PLA đã có sự phát triển ấn tượng, và rõ ràng họ đang trở thành một lực lượng chiến đấu ngày càng chuyên nghiệp và có sức mạnh hơn nhiều". Tuy nhiên, về cơ bản, họ vẫn còn tồn tại quá nhiều yếu kém.
Các chuyên gia của RAND nhận thấy rằng những chương trình hiện đại hóa của PLA đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn từ khả năng hậu cần cung cấp đạn dược, huấn luyện đào tạo cho tới khả năng không vận chiến lược.

Bởi lẽ, một khi định hướng chiến lược vẫn chỉ là phòng thủ trên biển gần, dù có vươn tầm xa hơn thì việc tập trung vào mua sắm vũ khí trang bị đa phần là tầm gần và thiên về phòng thủ của Trung Quốc cũng không có gì lạ.

Bên cạnh đó, ngược với Hoa Kỳ - vốn có nhiều đồng minh và căn cứ quân sự trên toàn cầu, Trung Quốc hầu như không có đồng minh thân cận, đủ để đặt căn cứ ở hải ngoại. Do vậy, khả năng vươn xa, tác chiến dài ngày của quân đội nước này là gần như không thể.

Thế nên, Trung Quốc chỉ giỏi "cậy gần nhà" với các yêu sách chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc ngày càng trắng trợn và phi lý, thể hiện rất rõ qua việc leo thang các hoạt động phi pháp ở Biển Đông khi tiến hành nạo vét, bồi đắp đảo nhân tạo trái phép.

Chính điều đó không chỉ làm dấy lên sự lo ngại của các quốc gia Đông Nam Á mà còn khiến Hoa Kỳ và đồng minh của họ ở Đông Bắc Á cảm thấy bất an và buộc phải tìm cách đối phó.

Chắc chắn xác suất nổ ra chiến tranh giữa 2 cường quốc hàng đầu thế giới là rất thấp, nhưng chiến lược xoay trục, chuyển trọng tâm của Hoa Kỳ về Châu Á - Thái Bình Dương đã buộc Trung Quốc phải tiếp tục đẩy mạnh chương trình hiện đại hóa quân đội.

Thật vậy, gần đây họ đã xác định bằng mọi giá tập trung nguồn lực phát triển hải quân và nâng cao khả năng tác chiến của lực lượng đối kháng điện tử cũng như phòng thủ không gian. Những nỗ lực này đã bắt đầu gặt hái thành quả nhất định.
Nghiêm túc mà nói, dù số lượng vũ khí hiện đại đang tăng nhanh nhưng vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ, PLA vẫn phải dựa vào số đáng kể vũ khí lạc hậu, "lấy lượng bù chất" để "thách thức" với Hoa Kỳ và các đồng minh của họ.

Theo Đại Lộ

No comments:

Post a Comment