Kính Hòa, phóng viên RFA
2015-07-15
2015-07-15
Trước khi ông Nguyễn Phú Trọng đi sang Hoa Kỳ thì ông đã đi qua Bắc Kinh, gặp ông Tập Cận Bình chủ tịch nước Trung Quốc-Source photos AFP
Chuyến thăm viếng nước Mỹ của người đứng đầu đảng cộng sản Việt nam Nguyễn Phú Trọng đã kết thúc vào ngày 10/7. Xung quanh chuyến đi này có những đánh giá khác nhau về tầm quan trọng của nó. Sau đây là lược lại những ý kiến khác nhau đó về chuyến công du của ông Nguyễn Phú Trọng đến nước Mỹ.
Chuyến đi không có gì quan trọng
Khuynh hướng thứ nhất trong việc đánh giá chuyến thăm Mỹ của ông Nguyễn Phú Trọng là cho rằng chuyện này sẽ không làm thay đổi điều gì đáng kể.
Một trong những người có quan điểm này là Giáo sư Vũ Tường, giảng dạy môn chính trị tại Đại học Oregon, Hoa Kỳ. Giáo sư Tường cho rằng chuyến đi là kết quả của việc đấu đá nội bộ trong đảng cộng sản Việt nam, và áp lực ngày càng tăng của Trung quốc. Ông kết luận rằng chuyến đi này thể hiện một phần sự bế tắc trong nền chính trị Việt nam hiện nay.
Một số nhà hoạt động bất đồng chính kiến trong nước cũng không đánh giá cao chuyến viếng thăm này. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang cho rằng ông không hy vọng là ông Trọng sẽ thực hiện được điều gì cao hơn những nhà lãnh đạo khác đã làm được với Hoa Kỳ trước ông Trọng là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Nhà báo Võ Văn Tạo ở Nha Trang thì cho rằng ông Trọng cũng sắp mất quyền lực rồi cho nên chuyện ông sang Mỹ cũng không quan trọng.
Một ý kiến khác cũng không đánh giá cao chuyến đi vừa rồi của ông Trọng là của ông Nguyễn Minh Cần. Ông Cần hiện sống tại Nga, và là một trong những người đầu tiên ly khai khỏi đảng cộng sản Việt nam từ rất sớm. Ông nói:
Trước khi ông Nguyễn Phú Trọng đi sang Hoa Kỳ thì cũng phải nhớ ông đã đi qua Bắc Kinh, đã gặp tổng bí thư và chủ tịch nước Trung Quốc...Từ chỗ đó, chuyến đi tháng Bảy này của ông Nguyễn Phú Trọng tôi nghĩ không thể có một hy vọng rằng ông sẽ bắt tay với Hoa Kỳ để làm bạn để mà đối trọng lại với Trung Quốcông Nguyễn Minh Cần
Trước khi ông Nguyễn Phú Trọng đi sang Hoa Kỳ thì cũng phải nhớ ông đã đi qua Bắc Kinh, đã gặp tổng bí thư và chủ tịch nước Trung Quốc, thì ta thấy đường lối của Việt Nam thể hiện qua ông Nguyễn Phú Trọng và cả đoàn đại biểu là một đường lối khuất phục rõ ràng trước những bước tiến công của Trung Quốc. Từ chỗ đó, chuyến đi tháng Bảy này của ông Nguyễn Phú Trọng tôi nghĩ không thể có một hy vọng rằng ông sẽ bắt tay với Hoa Kỳ để làm bạn để mà đối trọng lại với Trung Quốc.
Một chuyến đi quan trọng
Có những ý kiến khác đánh giá cao chuyến đi Mỹ của ông Trọng.
Một trong những người lên tiếng đầu tiên đánh giá cao chuyến đi của ông Tổng bí thư là ông Carl Thayer, chuyên gia về Đông Nam Á của Học viện quốc phòng Australia. Ông cho rằng chuyến đi này thể hiện sự công nhận đảng cộng sản Việt nam từ phía Hoa kỳ.
Cùng có ý kiến này là Tiến sĩ Vũ Hồng Lâm, từ Trung tâm nghiên cứu chiến lược châu Á Thái Bình Dương ở Hawaii, ông nói về chuyến đi của ông Trọng:
“Về phía Mỹ thì họ công nhận cái thực tế Việt nam, cái thông điệp ngầm mà có lẽ phía Mỹ muốn gửi, và ít nhất phía Việt nam cũng hiểu được, đó là cái sự chấp nhận của Mỹ đối với chính thể cộng sản ở Việt nam, chấp nhận vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản Việt nam, chấp nhận cái tính gọi là chính danh của chế độ cộng sản ở Việt nam, thì tôi nghĩ đó là sự hiểu ngầm giữa hai bên. Và cái đó chính là một yếu tố rất là quan trọng để mà nó nâng cao cái lòng tin chiến lược.”
Về cá nhân ông Trọng, không như những ý kiến cho rằng ông không phải là người có quyền lực, ông Vũ Hồng Lâm nói rằng phía Mỹ xem ông là người lãnh đạo tối cao ở Việt nam. Ý kiến này cũng là của ông Nguyễn Gia Kiểng, người sáng lập Tập hợp dân chủ đa nguyên tại Pháp, khi ông cho rằng đừng xem ông Trọng là con người mờ nhạt, và một cách chính thức ông chính là người đại diện cao nhất của Việt nam.
Cùng quan điểm này, nhà báo Ngô Nhân Dụng từ California cho rằng chuyến đi của ông Trọng là quan trọng vì ông đại diện cho toàn bộ đảng cộng sản Việt nam, và điều đó thể hiện sự thay đổi quan điểm của đảng này đối với nước Mỹ.
Nhận định về sự thay đổi đó, ông Vũ Hồng Lâm nhận xét:
“Thứ nhất có thể nói rằng bản thân nó đã là một sự thay đổi. Thứ hai là để có được nó thì đã phải thay đổi rất nhiều. Thứ ba là sau khi có nó rồi thì nó sẽ tiếp tục tạo thành một cái đà, tạo thành một biểu tượng để người ta có thể tiếp tục thay đổi. Còn nếu hỏi sự thay đổi là gì thì tôi có thể nói là một sự thay đổi rất là lớn, trong quan hệ quốc tế, trong mối quan hệ tay ba, giữa Việt nam, Mỹ và Trung quốc, dẫn đến những thay đổi trong khu vực. Và đồng thời là sẽ có những thay đổi trong nội bộ Việt nam.”
Tôi có thể nói là một sự thay đổi rất là lớn, trong quan hệ quốc tế, trong mối quan hệ tay ba, giữa Việt nam, Mỹ và Trung quốc, dẫn đến những thay đổi trong khu vực. Và đồng thời là sẽ có những thay đổi trong nội bộ Việt namông Vũ Hồng Lâm
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng từ Virginia, Hoa Kỳ cho rằng nếu sau chuyến đi của ông Trọng tới Hoa kỳ mà quan hệ giữa hai bên nâng cao hơn trên phương diện chiến lược và quân sự thì điều này sẽ xóa đi quan ngại từ trước tới nay là ông Trọng có quan điểm thân Trung quốc. Giáo sư Hùng nói tiếp là sự thành công của chuyến đi sẽ đặt tiền lệ cho chính sách từ đây về sau của đảng cộng sản Việt Nam trong việc xích lại gần Hoa kỳ hơn.
Nhân quyền và địa chính trị
Đối với nhiều nhà hoạt động dân sự trong nước thì có một sự lo lắng rằng nước Mỹ sẽ không gây sức ép đủ mạnh để Việt nam cải thiện thành tích nhân quyền của mình.
Báo chí Mỹ cũng có nhận xét là mặc cho Việt nam vẫn còn là một quốc gia không dân chủ được lãnh đạo bởi một đảng cộng sản, nhưng do những quyền lợi địa chính trị dài lâu mà Washington đã thực hiện một bước đi ngoại giao để kéo Việt nam lại gần mình hơn trong thế cờ đối địch với Trung quốc.
Một nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế tại Singapore là Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp trong bài lược lại lịch sử quan hệ Mỹ Việt cũng cho rằng những quyền lợi trong tranh chấp quốc tế đóng vai trò rất quan trong cho mối quan hệ này. Ông trích lời Lord Palmerston, một nhà chính trị của nước Anh rằng không có những kẻ thù và đồng minh vĩnh viễn mà chỉ có những quyền lợi vĩnh viễn.
Trả lời câu hỏi là liệu trong chuyến thăm Mỹ của ông Trọng, vấn đề nhân quyền có bị xem nhẹ quá hay không! Nhà báo Ngô Nhân Dụng trả lời rằng nước Mỹ tiếp cận vấn đề này bằng cách mở rộng bang giao để làm thay đổi những quốc gia khác.
Còn Tiến sĩ Vũ Hồng Lâm thì nói rằng:
“Trên cái cán cân tính toán của nước Mỹ thì những cái mà nước Mỹ được, từ cái quan hệ nồng thắm với Việt nam nó sẽ nhiều hơn rất nhiều so với những gì nước Mỹ mất khi phải phần nào nhắm mắt làm ngơ trước những cái vi phạm dân chủ, nhân quyền, sự thiếu tự do ở Việt nam. Thì đây là một sự tính toán.”
Ông nói thêm là những giá trị về nhân quyền vẫn là những giá trị mà tất cả những chính trị gia của nước Mỹ có trong máu của mình, và trên con đường lâu dài khi họ thực hiện các chính sách đối ngoại thì họ vẫn tâm niệm rằng sớm hay muộn họ cũng sẽ thực hiện điều đó.
No comments:
Post a Comment