Saturday, July 25, 2015

Một trường hợp thương tâm ở Quảng Nam

VIỆT NAM (NV) - Qua lời kể của một người quen, chúng tôi đến bệnh viện Chợ Rẫy để tìm hiểu thêm về hoàn cảnh của cô Nguyễn Thị Lan, 24 tuổi, bị liệt hai chân, trong khi gia cảnh đang lâm vào túng quẫn. Tới nơi thì được biết cô đã được chuyển qua bệnh viện nhân dân Gia Định.


Cô Nguyễn Thị Lan và người cha. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Sang bệnh viện Gia Định, chúng tôi được gặp gia đình cô Lan.

Ông Hối, thân phụ cô Lan, một nông dân hiền lành, lam lũ, từ lâu đã phải bỏ việc đồng áng ở quê để vào Nam, sống vật vờ trong bệnh viện nuôi con gái. Nhìn ông mới thấy hết cái cảnh “gà trống nuôi con.” Gia đình ông Hối sống tại xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

Cô Nguyễn Thị Lan vốn là công nhân công ty giày Rieker, có nhà máy tại tỉnh Quảng Nam. Lương công nhân của cô Lan vào khoảng 3 triệu ĐVN/tháng. Đi làm xa nhà, cô Lan phải thuê nhà trọ; sau khi trừ mọi chi phí hàng tháng, tiền ăn, tiền điện, tiền nước... tằn tiện lắm, cô để dành được hơn một triệu (khoảng gần $50/tháng). Sau hơn một năm dành dụm, cô mua một cái xe máy cũ để cuối tháng về quê thăm nhà.

Nhưng hơn một năm nay, đôi chân cô Lan yếu dần, yếu dần, rồi liệt hẳn.

Gia đình cô chạy đôn chạy đáo kiếm tiền đưa ra Đà Nẵng chữa trị. Gia đình nghèo, vốn dĩ nông dân, tiền bạc không có là bao, nhưng cha mẹ cô không nỡ nhìn đứa con ở tuổi thanh xuân đã phải trở thành phế nhân.

Lưu lại Đà Nẵng gần một năm, thuốc thang châm cứu mọi đàng, đôi chân Lan không khá hơn, thậm chí bắt đầu mất hết cảm giác.

Thông qua giúp đỡ của một nhà hảo tâm, gia đình đưa cô Lan vào Sài Gòn, “còn nước còn tát.”

Bệnh viện Chợ Rẫy ở Sài Gòn, sau khi thực hiện các xét nghiệm cần thiết, tìm ra căn bệnh. Bệnh án ghi, “Dò động tĩnh mạch mảng cứng tủy sống D11-D12.”

Nhưng chi phí điều trị tại Chợ Rẫy quá cao, nội tiền phòng đã mấy trăm ngàn một ngày. Do vậy, một bác sĩ giúp chuyển bệnh nhân Nguyễn Thị Lan sang bệnh viện nhân dân Gia Định, nơi có trung tâm thực nghiệm y khoa đủ phương tiện điều trị nhưng giá thành thấp hơn.

Các bác sĩ cho biết, bệnh của cô Lan “khá lạ.” Với y khoa thế giới, căn bệnh này có thể chữa được, riêng tại Việt Nam, căn bệnh này mới được chẩn đoán đúng và có hướng điều trị khoảng 1, 2 năm nay. Từ đầu, căn bệnh của cô Lan vẫn bị lầm tưởng và điều trị theo hướng “tai biến mạch máu não.” Tuy nhiên, với kết luận “Dò động tĩnh mạch mảng cứng tủy sống D11-D12,” các bác sĩ giải thích là do máu không xuống được động mạch ở hai chi dưới-tức chân, dẫn tới việc đôi chân yếu dần và sẽ liệt hẳn.

Phương pháp điều trị hiện nay là can thiệp động mạch chủ bằng cách luồn dây vào mạch máu, bơm keo y khoa kết nối lại chỗ bị “rò rỉ,” giúp máu trở lại lưu thông bình thường qua động mạch xuống nuôi hai chi dưới. Sau đó bệnh nhân sẽ được tập vật lý trị liệu, giúp cơ thể phục hồi bình thường.

Đến bệnh viện Gia Định thăm cô Lan, chúng tôi được ông Hối kể cho biết thêm nhiều điều về gia cảnh.


Biên lai chi phí bệnh viện, gần 14 triệu ĐVN. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Hơn một năm đi nuôi con gái bại liệt, từ Đà Nẵng vô tới Sài Gòn, ông Hối chỉ toàn ăn cơm từ thiện, có đồng nào để dành hết cho con. Nhưng xem ra, đường xa cũng còn mịt mù vì bệnh viện tốn nhiều tiền quá, nhất là đối với hoàn cảnh một nông dân nghèo quê Quảng Nam.

Gia đình ông Hối có vài sào ruộng, chăm chỉ hà tiện không thuê mướn ai phụ giúp, một năm không thiên tai bão lụt thì cao lắm dư ra được 3 tới 4 triệu đồng. Phần trồng lúa để có gạo ăn, thêm phần rau cỏ nuôi con heo, con gà, con bò; khi hữu sự thì bán đi mà lo.

Ba năm trước, mẹ cô Lan đi chăn bò bị bò húc đổ ruột, nằm bệnh viện Đà Nẵng mất mấy tháng, nhà phải bán đi một con bò để lo viện phí. Ra viện, sức khỏe bà mẹ yếu đi, không làm việc nặng được.

Khi Lan bệnh, ông Hối bán nốt con bò còn lại. Đúng giá bình thường thì con bò vào khoảng 20 triệu đồng, nhưng bán gấp chỉ được 15 triệu. Lo cho con gái hơn một năm nay, tiền bạc cạn kiệt, ông Hối vay mượn tứ tung, “còn nước thì còn ráng mà tát, hy vọng con gái có ngày lành bệnh.” Hàng đêm, nằm nơi hành lang bệnh viện, lòng ông Hối ngổn ngang chuyện nhà ngoài quê, chuyện con gái trong Nam và những ngày sắp tới, không biết còn dài bao lâu. Đời người sao mà khổ quá! May mà còn có những tấm lòng hảo tâm, khi người này, khi người khác cho ít tiền mà gia đình ông Hối còn gắng gượng “trụ” được cho tới bây giờ.

Nói chuyện với Lan, đôi mắt em thật sáng, hoàn cảnh bệnh tật khó khăn hơn năm trời, em vẫn cố gắng giữ nụ cười trên môi. Nhưng lòng em chắc như lửa đốt: nhà nghèo, nợ nần, cha già mẹ yếu, em trai còn đi học ngoài quê... Và em, ở đây, năm liệt một chỗ.

Mới đây, khi tới thăm tại bệnh viện, được biết ca mổ tại bệnh viện nhân dân Gia Định thực hiện tương đối thành công. Cô Lan đã có cảm giác, mấy ngón chân đã nhúc nhích được. Nhưng riêng tiền của ca mổ này trong biên lai thanh toán đã là gần 14 triệu đồng (khoảng gần $700).

Rồi họ sẽ về lại quê nhà ở Quảng Nam, rồi phải ra Đà Nẵng tập vật lý trị liệu. Sau đó, từ 3 cho tới 6 tháng phải vô Sài Gòn tái khám. Ít nhất trong vòng nửa năm tới, được điều trị tích cực và hỗ trợ tốt thì trường hợp của Lan mới có thể bình phục
07-24- 2015 4:38:42 PM
Văn Lang/Người Việt

No comments:

Post a Comment