Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter thăm Việt Nam hồi tháng Sáu
Năm 2015 đánh dấu dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam.
Sự kiện này đánh dấu điểm nhấn quan trọng giữa hai quốc gia vì hai nước đã trải qua chặng đường dài. Như bà Hillary Clinton bình luận, quan hệ hai nước đã phát triển theo những cách không thể hình dung nổi trước đây.
Từ vài năm qua, quan tâm an ninh lớn nhất tại châu Á – Thái Bình Dương là sự trỗi dậy của Trung Quốc. Việc quân đội Trung Quốc hiện đại hóa gây lo ngại do sự thiếu minh bạch. Trung Quốc đang nhanh chóng phát triển lực lượng hải quân nước xanh, và có thể cho rằng nước này làm thế nhằm thay đổi hiện trạng ở châu Á – Thái Bình Dương. Trung Quốc đã chứng tỏ hung hăng trong các đòi hỏi chủ quyền ở Biển Nam Trung Hoa. Việt Nam, có đòi hỏi lớn thứ hai chỉ sau Trung Quốc, đang đối diện khủng hoảng.
Từ góc nhìn của Việt Nam, nước này có nghị trình hai điểm trong quan hệ với Mỹ. Thứ nhất, Hà Nội muốn đa dạng hóa hồ sơ đầu tư thông quan quan hệ kinh tế với Mỹ. Sự đa dạng hóa đó sẽ bảo vệ Việt Nam nếu xảy ra bất ổn thương mại với người láng giềng phương bắc.
Thứ hai, Hà Nội muốn củng cố đòi hỏi trên Biển Nam Trung Hoa. Quan hệ gần hơn với Mỹ cũng sẽ đem lại lợi ích ngoại giao và chính trị cho Việt Nam. Một diễn biến đáng quan tâm trong hợp tác an ninh song phương sẽ là khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam. Tháng 10 năm ngoái, Mỹ đã giảm bớt hạn chế trong vấn đề bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Mỹ tuyên bố họ không theo phe nào trong xung đột Biển Nam Trung Hoa. Nhưng họ lại đang giúp Việt Nam củng cố khả năng quân sự. Tuy vậy, việc này sẽ được làm thận trọng, và trong tương lai gần, việc bán vũ khí tấn công sẽ không thể xảy ra vì Mỹ không thích thú với ý tưởng này.
Đối với Mỹ, Việt Nam là nước quan trọng trong chiến lược Tái cân bằng. Mỹ tìm kiếm đối tác thực thi chính sách này bằng cách thiết lập quan hệ mới và củng cố quan hệ cũ.
Vì thế Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta đã thăm Vịnh Cam Ranh năm 2012, một điều chưa từng có. Mặc dù chính sách an ninh của Việt Nam không cho phép nước ngoài đặt căn cứ tại đó, nhưng họ đã mở cửa vịnh cho mục đích thương mại (sửa chữa tàu). Mỹ là nước đầu tiên tận dụng điều này. Năm 2010, Mỹ ký hợp đồng để sữa chữa nhỏ các tàu của Mỹ. Bằng cách này, tàu Mỹ sẽ được vào vịnh, và nếu xảy ra xung đột, nó sẽ có giá trị hậu cần to lớn.
Nhưng Việt Nam sẽ không cho phép sự tiếp cận đặc biệt đối với hải quân bất kỳ nước nào. Việt Nam và mọi nước ở Đông Nam Á sẽ không chấp nhận cân bằng để chống lại Trung Quốc. Việt Nam chỉ đề phòng Trung Quốc bằng cách hợp tác với nhiều đại cường. Nước này duy trì quan hệ gần gũi với Ấn Độ và Nga trong lúc tìm kiếm đối tác mới như Mỹ và Nhật.
Xu hướng chiến lược của Việt Nam ngày càng dịch chuyển từ phòng thủ trên bộ sang trên biển. Trong bối cảnh kinh tế đang tăng trưởng và toàn cầu hóa nhiều hơn, Việt Nam nhận ra giá trị của vùng đặc quyền kinh tế và tầm quan trọng của tự do đi lại trên biển. Sự dịch chuyển địa chiến lược này khiến việc nhích lại gần hơn với Mỹ được ủng hộ, vì Mỹ vẫn là nước bảo vệ an ninh chính tại Đông Nam Á.
Nhưng dù hai nước có gần nhau hơn, các thách thức vẫn còn đó. Mỹ vẫn lo ngại về nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam.
Hợp tác an ninh song phương sẽ tiến triển dần dần. Nếu Mỹ bị hạn chế vì các vấn đề nhân quyền và tự do, Việt Nam sẽ lại nghĩ về quan hệ với Trung Quốc.
Có một tầng lớp ở Việt Nam vẫn nghi ngờ Mỹ, tin rằng Mỹ muốn gây bất ổn cho chính thể cộng sản thông qua diễn biến hòa bình. Do sự nhạy cảm này, hợp tác an ninh Mỹ - Việt sẽ chỉ hạn chế ở các vấn đề an ninh phi truyền thống trong tương lai gần.
Tác giả đang làm việc ở Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Đại học Jawaharlal Nehru, New Delhi.
No comments:
Post a Comment