Saturday, July 25, 2015

Chỉ 19% người Việt hài lòng với tình hình hiện tại

HÀ NỘI (NV) - Đó là kết quả cuộc khảo sát cảm nhận của cả dân chúng lẫn viên chức Việt Nam về “nhà nước và thị trường,” do Ngân Hàng Thế Giới và Phòng Thương Mại Công Nghiệp Việt Nam thực hiện. 


Hơn 50% người nghèo ở Việt Nam không được nhận trợ cấp. (Hình: Thời báo Kinh Tế Sài Gòn)

Theo đó, gần như tất cả những cá nhân trong nhóm 19% hài lòng với tình hình hiện tại là viên chức trong hệ thống công quyền. Đa số còn lại không hài lòng vì khoảng cách giữa giàu với nghèo tại Việt Nam quá nhanh và quá lớn, vì cải cách và chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở Việt Nam quá chậm.

Đáng lưu ý là dù Việt Nam liên tục yêu cầu các quốc gia khác công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường nhưng kết quả khảo sát lại cho thấy, đa số dân chúng “phân vân” vì theo họ, kinh tế Việt Nam “vẫn do nhà nước điều hành!”

Tuy doanh nghiệp nhà nước và các chương trình bình ổn giá là những công cụ chủ yếu mà chính quyền Việt Nam đang sử dụng để ổn định thị trường và giá cả nhưng rất ít người cho rằng chúng có hiệu quả.

Trong hàng ngàn cá nhân đại diện cho cả viên chức lẫn thường dân đánh giá về bốn loại dịch vụ công (do chính quyền cung cấp) thiết yếu là: giáo dục, y tế, giao thông công cộng, công chứng thì chỉ có khoảng 15% tỏ ra hài lòng về giáo dục, 11% tỏ ra hài lòng về y tế, 10% tỏ ra hài lòng về giao thông công cộng, 26% tỏ ra hài lòng về công chứng.

Ông Đậu Anh Tuấn, trưởng Ban Pháp Chế của Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại diện nhóm thực hiện cuộc khảo sát vừa kể cảnh báo, tỷlệ hài lòng của dân chúng về thực tại đã giảm đáng ngại.

Cũng cần nhắc lại rằng hồi đầu năm ngoái, Trung Tâm Thông Tin và Dự Báo Kinh Tế Xã Hội Quốc Gia thuộc Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư, từng công bố kết quả cuộc khảo sát cảm nhận của riêng dân chúng Hà Nội về kinh tế Việt Nam trong năm 2013 và chỉ có 3% dân Hà Nội cho rằng “tốt.”

Lúc đó, theo những người thực hiện cuộc khảo sát thì dù có 41.7% dân chúng Hà Nội cho rằng, tình hình kinh tế của sáu tháng cuối năm 2013, tuy có khá hơn 6 tháng đầu năm 2013, song nhìn chung, đa số dân chúng Hà Nội vẫn hết sức bi quan về tương lai.

Lý do khiến dân chúng Hà Nội bi quan về tương lai được lý giải là do thu nhập của đại đa số đã giảm đáng kể. Có đến 34.1% tự đánh giá thu nhập của họ quá thấp. Tỷ lệ hài lòng về thu nhập chỉ ở mức 6.3%.

Đến tháng 9 năm ngoái, chương trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) công bố một báo cáo mà theo đó, Việt Nam không có tiến bộ về “phát triển con người.” Chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2013 của Việt Nam được xếp hạng 121, tương đương năm 2012.

Nhìn rộng hơn thì từ năm 2000 đến nay, chỉ số HDI của Việt Nam đã giảm từ 1.7 hồi trước năm 2000 xuống còn 0.96 trong năm 2013. HDI là chỉ số tổng hợp từ các yếu tố tuổi thọ, tri thức (trung bình số năm đi học và số năm đi học kỳ vọng), mức sống (GNI bình quân đầu người) nhằm đo lường thành tựu về phương diện phát triển con người.

Hầu hết các quốc gia ở Châu Á đều có chỉ số HDI và thứ hạng cao hơn Việt Nam. Chẳng hạn Nam Hàn đứng hạng 15, Malaysia đứng hạng 62, Thái Lan đứng hạng 89, Trung Quốc đứng hạng 91, Indonesia đứng hạng 108, Philippines đứng hạng 117.

Vào thời điểm đó, bà Pratibha Mehta, trưởng văn phòng của UNDP tại Việt Nam, nhận xét, tuy Việt Nam có những tiến bộ đáng kể trong phát triển con người qua các số liệu về giảm nghèo, phát triển y tế và giáo dục, song kể từ 2000, tốc độ của các tiến bộ về phương diện phát triển con người của Việt Nam chững lại và giảm xuống từ 2008. Cũng vì vậy, Việt Nam “dễ bị tổn thương.”

Theo UNDP, tình trạng bất bình đẳng trong xã hội Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Gần đây, nhóm 20% người có thu nhập cao nhất tại Việt Nam đang có mức tăng thu nhập rất nhanh, trong khi 50% người nghèo không có trợ cấp xã hội và Việt Nam chỉ bỏ ra chưa tới 1% GDP để trợ cấp cho người nghèo. (G.Đ)
07-24-2015 3:41:06 PM

No comments:

Post a Comment