Tuesday, June 16, 2015

Thế hệ vàng Việt Nam!

Phước An Thy (Danlambao) - Ngày nay có nhiều người thường nói, thường gọi nhau là “Thế hệ vàng” của Việt Nam và báo chí cũng sử dụng nhiều từ ngữ “Thế hệ vàng”. Đọc qua những tờ báo Việt Nam chúng ta có thể gặp những câu: Thế hệ vàng của bóng đá, xiếc, Vpop, cải lương, diễn viên, điện ảnh, hoa khôi, người mẫu, thế hệ vàng của trường THPT, 8x, 9x Việt Nam... Thế hệ vàng của văn học, thơ, hội họa, báo chí cách mạng, thế hệ vàng Quân đội Nhân dân, thế hệ vàng Chống Mỹ cứu nước, bộ đội cụ Hồ là thế hệ vàng, tôn vinh và tri ân thế hệ vàng của dân tộc, Đại tướng - Nhân vật cuối cùng của thế hệ vàng, thi sĩ - Người cuối cùng của một thế hệ vàng, thế hệ vàng của Đảng là Hồ Chủ tịch, Võ Nguyên Giáp, là Lê Duẩn, Lê Đức Thọ... Cả các công ty cũng: Công Ty TNHH Thương Mại Thế Hệ Vàng, Công Ty Cổ Phần Thế Hệ Vàng, Trung Tâm Giáo Dục Đào Tạo Thế Hệ Vàng...

Nhiều “Thế hệ vàng” như vậy là điều mừng, nhưng đừng quá coi trọng những thành tích nho nhỏ mà tự hào và lạm dụng từ ngữ “Thế hệ vàng”. Chúng ta nên tự hỏi, tại sao nhiều “Thế hệ vàng” như vậy mà đất nước ta lại tụt hậu so với các nước trong vùng Đông Nam Á và khi nào Việt Nam mới đuổi kịp Nam Hàn, Nhật, Singapore, Thailand? Có phải tất cả đều là “Thế hệ vàng”?

Thế hệ vàng là gì? Thế hệ vàng là một thế hệ phát triển toàn diện, cống hiến sức lực, tài năng và đạo đức cho đất nước mà không đòi hỏi quyền lợi và danh vọng. Thế hệ ấy làm chủ, thay đổi vận mệnh, tương lai của quốc gia, để lại cho đời sau cả một cơ đồ sự nghiệp và những tấm gương về nhân cách. Thế hệ vàng là những người có công khai sáng, hoàn thiện, có những thành tích vượt trội và có tầm ảnh hưởng trong các lãnh vực như chính trị, kinh tế, xã hội, giáo dục, văn chương, nghệ thuật... Những thành tựu của họ được đất nước và đời sau tôn vinh. Cái chính là kết quả, đưa quốc gia tiến lên ngang hàng với các cường quốc trên thế giới.

Chúng ta không nên tự gọi mình là “Thế hệ vàng”, “Người thân thế hệ vàng”, “Con cái thế hệ vàng” một cách tràn lan, thiếu khiêm nhu để đòi hỏi danh lợi cho mình. Thử nhìn vài lãnh vực mà người Việt ta thường gọi là “Thế hệ vàng”.

Các cầu thủ bóng đá của chúng ta so với thế giới thì chẳng tên tuổi gì, chỉ đá lòng vòng trong nước, cao lắm là đá giải Đông Nam Á chứ không thể so tài tranh giành ở các giải Châu Á chứ đừng nghĩ đến Quốc tế. Có vài cầu thủ Việt vừa nổi tiếng không bao lâu thì vụt tắt vì bán độ để nuôi gia đình, tự cao, ăn chơi sa đà để tài năng tàn lụi. Các cầu thủ bóng đá của ta tuy có vài người tài năng, nhưng chưa mang về được chiếc huy chương vàng nào ở các giải đấu quốc tế, chưa đủ để coi là một thế hệ vàng làm khuynh đảo nền bóng đá Việt Nam, Châu Á hay quốc tế. Vào những năm 90, Man United trở thành CLB hàng đầu nước Anh và là biểu tượng của toàn cầu, họ không cho mình là thế hệ vàng mà sau này thế giới gọi họ là thế hệ vàng 1992. David Beckham, Nicky Butt, Ryan Giggs, Paul Scholes, Phil, Gary Neville là những cầu cầu thủ nổi tiếng bóng đá thế giới, ấy vậy mà họ còn không dám tự đắc gọi mình là thế hệ vàng. Phải đầu tư, rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm chứ không cứ tự gọi “Thế hệ vàng” là nền bóng đá của chúng ta sẽ vô địch Đông Nam Á, cao ngang tầm Châu Á và thế giới được. Nhà nước, cầu thủ và người hâm mộ bóng đá Việt nên xem lại cách dùng chữ “Thế hệ vàng” khi trong bảng xếp hạng bóng đá nam FIFA, Việt Nam có vị trí cao nhất là 84 vào năm 1998, thấp nhất là 172 vào năm 2006 và hiện nay, đội tuyển đang đứng thứ 127 trên thế giới.

Về lãnh vực âm nhạc, thời chống Pháp chống Mỹ, chỉ có nhạc tuyên truyền cách mạng, phục vụ mục tiêu chiến tranh nên có rất ít bài mang giá trị nghệ thuật thực sự. Còn âm nhạc thời nay, có nhiều tác phẩm hay, phong cách mới, nhưng bên cạnh đó cũng không ít tai tiếng làm khán giả thất vọng bởi những lần bị tố cáo là đạo nhạc, nhái nhạc, chiêu trò. Nghệ sĩ, ca sĩ thế hệ trẻ chưa thật sự tạo được dòng nhạc, phong cách riêng mà chỉ sáng tác và trình diễn bắt chước nước ngoài như VPop rập khuôn KPop quá nhiều. Một số ca khúc dành cho giới trẻ, bị cho là nhảm nhí, lời lẽ thô tục, thiếu văn hóa, MV có hình ảnh gây sốc như màn cởi đồ, khiến Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch đã phải ra quyết định tháo bỏ vì không hợp thuần phong mỹ tục, đồng thời xử phạt hành chính các trang nhạc đăng tải các bài hát này. Để được gọi là Thế hệ vàng âm nhạc Việt thì người nghệ sĩ nên viết theo ý tưởng riêng của mình chứ đừng nên dễ dãi với các ca khúc chạy theo thị hiếu tạm thời để rồi nhanh chóng rơi vào quên lãng, đừng trình diễn rập khuôn phong cách nước ngoài để thành bản sao của các nghệ sĩ quốc tế.

Thế hệ vàng sân khấu kịch, màn ảnh nhỏ, màn ảnh rộng trước năm 1975, thường là “Đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào”, “Đâu có giặc là ta cứ đi”... Thu hẹp đề tài, kịch bản, kiểu nhân vật một chiều “Cái gì ta cũng tốt, địch là xấu” như “Trăng Trung Hoa tròn hơn trăng nước Mỹ”, “Đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sỹ”, “Đồng chí ta, hàng ngũ ta không ai xấu”... Nên khó có những tác phẩm thực sự có chỗ đứng trong dòng nghệ thuật Việt Nam. Ngày nay thời mở cửa có khá hơn, nhưng cũng chưa có thể tự hào là thế hệ vàng vì đã không quan tâm nhiều đến đại đa số người nghèo khổ, mà chỉ quay đi quay lại lấy cuộc sống sang giàu, nhà lầu, xe hơi, đại gia, chân dài làm những nhân vật điển hình, làm nội dung chủ đề đã khiến sân khấu, điện ảnh Việt nhàm chán, ít bất ngờ thú vị. Nghệ sĩ cải lương ngày xưa được khán giả yêu mến nên cất tiếng ca lên là khán giả đã biết ai liền, ngày nay tiếng ca của các nghệ sĩ từ trường lớp ra mà tiếng ca ai cũng giống ai. Không cần dẫn giải nhiều, chỉ cần đọc những bài báo với tựa đề, “Vì sao cải lương thụt lùi”, “Vì sao cải lương chết”... thì sẽ rõ hơn.

Mới đây Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT vừa được Chính phủ ban hành đã bị Báo Phụ Nữ cho là “Thiếu thực tế, cứng nhắc. Cụ thể phải có đủ các tiêu chuẩn về trung thành với tổ quốc, có phẩm chất đạo đức tốt, tài năng nghệ thuật xuất sắc, tiêu biểu cho ngành nghề nghệ thuật, có uy tín nghề nghiệp, được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ, phải có 20 năm hoạt động chuyên nghiệp trở lên, ngoài ra phải có ít nhất 2 giải vàng quốc gia hoặc một giải vàng cùng hai giải bạc quốc gia mới được xét tặng danh hiệu NSƯT hay NSND. Tuy nhiên, giải Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam và Huy chương vàng của Liên hoan truyền hình toàn quốc được quy đổi bằng ½ giải Bông sen vàng. Ở lĩnh vực âm nhạc, sân khấu, huy chương vàng của các hội diễn, liên hoan cấp khu vực do Bộ VH-TT-DL, các hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành hoặc của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức được tính là 2/3 huy chương vàng. Một đạo diễn sân khấu lên tiếng: Tôi không hiểu nổi căn cứ vào đâu hội diễn toàn quốc mà Bộ tổ chức thì được tính là 1 huy chương, trong khi hội diễn do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức thì chỉ được tính là 2/3 huy chương? Không biết có phải uy tín của hội chúng tôi chỉ bằng 2/3 của Bộ VH-TT-DL? Nhiều nghệ sĩ đã đưa ra ý kiến, đặt câu hỏi về nghị định mới ban hành này: Nổi tiếng và cống hiến cho nghệ thuật từ bao nhiêu năm nay, giọng hát chẳng ai phủ nhận là hay, đẳng cấp, nhưng không tham gia một hội diễn nào thì lấy đâu ra huy chương vàng cho đủ tiêu chuẩn mà xét tặng danh hiệu? Một đạo diễn là NSND cho rằng: Tiêu chí tưởng chuẩn nhưng hóa ra lại chưa chuẩn. Có thể có những người được nhiều huy chương vàng hoặc bạc, nhưng lại không có ảnh hưởng đến khán giả”.

Ở Việt Nam, Hội nhà văn, nhà báo là những tổ chức chính trị, là tiếng nói của Đảng và nhà nước, với họ chỉ đi theo “Ngọn cờ chiến đấu của cách mạng, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và ngòi bút, trang giấy là vũ khí chiến đấu”. Trong chế độ độc tài Cộng sản, nhà văn, nhà báo trở thành công cụ tuyên truyền của người cầm quyền, để tồn tại trong xã hội đó, dù muốn hay không, họ đã trở thành những kẻ bồi bút. Xin đưa ra một ví dụ, khi Joseph Stalin chết, liền có những bài: “Đời đời nhớ ơn ông” (Thơ của Tố Hữu, khóc thương xót Stalin còn hơn cả cha mẹ), “Stalin không chết” (Thơ của Chế Lan Viên, Stalin đã mất, thế giới không còn cha), “Thương tiếc đại nguyên soái Stalin” (Thơ của Xuân Diệu, yêu Người tận xương tủy vì Người thật là bát cơm miếng bánh), “Nhớ đồng chí Stalin” (Thơ của Huy Cận), “Một vị học giả Mac-xit thiên tài” (Văn của Phan Khôi, chúng ta phải học tập Stalin vì đó là một đảm bảo vững chắc cho cuộc thắng lợi của chủ nghĩa xã hội)...

Thế hệ nhà văn, nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước chỉ có những tác phẩm đại loại ít nghệ thuật, ca ngợi một chiều như, “Maxcơva còn hơn cả thiên đường”, “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi”, “Những bài thơ đánh giặc”... Cũng là những tác phẩm nói về chiến tranh, nhưng văn học Việt Nam viết về “Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vô cùng vĩ đại”, “Cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta” lại chẳng có tác phẩm nào có giá trị như tác phẩm "Chiến tranh và hòa bình" của văn hào Nga Lev Nikolayevich Tolstoy.

Ngày 18/03/2015, để hướng đến 40 năm đất nước thống nhất và 70 năm ngày Quốc khánh Việt Nam, Công ty CP sách Thái Hà xuất bản bộ sách “Tướng lĩnh Việt Nam thế kỷ XX qua lời kể của người thân” tại Hội trường Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng, TP. HCM. Ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa TT&TT, phát biểu trong buổi lễ ra mắt sách: “Những người lính chống Mỹ cứu nước tự hào nói rằng chúng tôi là thế hệ vàng của quân đội nhân dân Việt Nam”. Tuy là “Thế hệ vàng của quân đội nhân dân Việt Nam”, nhưng khi ông lo sợ “Về những chiến công, kỳ tích, những hình ảnh vẻ vang của thế hệ vàng đang dần dần lặng lẽ ra đi cùng những chứng nhân của lịch sử” nên đã huy động cộng đồng chung tay góp sức xây dựng công trình tuyển tập “Ký ức người lính” để tôn vinh và tri ân thế hệ vàng ấy, ông đã phải than: “Quá trình triển khai vẫn còn không ít khó khăn, khó khăn lớn nhất hiện nay là tài chính”. Cả một thế hệ vàng như vậy, chỉ in mấy cuốn sách mà khó khăn nhất là thiếu tiền thì phải thấy rằng, ngày nay chẳng mấy ai, kể cả nhà nước quan tâm đến những câu chuyện chiến công, kỳ tích trong các cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ nữa rồi.

Bốn mươi năm trôi qua sau chiến tranh, các nhà văn Việt Nam hôm nay dù nghệ thuật viết văn có mới mẻ, có những sáng tạo, nhưng vẫn mắc phải những nhược điểm của người đi trước, vẫn bị sự kiểm duyệt của đảng Cộng sản, đảng lúc nào cũng nghĩ chúng ta là “Đỉnh cao của tri thức”, viết dưới sự đặt hàng và sự cấp phép của Bộ TT & TT thì đất nước chúng ta, hy vọng gì ở những người thuộc “Thế hệ vàng” mới này? Khi nào mới có được những tác phẩm, những bài viết nổi tiếng thế giới?

Về kinh tế, sau đệ nhị thế chiến, Nhật và Nam Hàn đã phục hồi, nhanh chóng trở thành hai cường quốc, trong khi đó Việt Nam sau bốn thập kỷ hòa bình, không thể so với Thailand, Malaysia và cả các quốc gia nhỏ hơn ở Đông Nam Á. Kinh tế Việt Nam thời bao cấp, thời tem phiếu thì không có gì để nói vì mọi người đều nghèo, còn hiện tại có khá hơn, có nhiều người giàu hơn. Tuy nhiên số người giàu lên chủ yếu do công sức mình rất ít, đại đa số người giàu là người ở trong chính quyền hay người thân của quan chức và rất nhiều người giàu lên là nhờ vào quan hệ, cướp tài nguyên đất nước làm của riêng, tham ô, hối lộ... Đất nước có những người giàu lên bằng những thủ đoạn phi pháp, quốc gia phát triển do đi xin viện trợ và mượn nợ các nước trên thế giới thì chúng ta có nên tự hào không? Hiện tại lúc nào cũng nghe “Nợ công đụng trần”, “Nợ công như núi”, “Nợ công tới ngưỡng”, nhưng những người trong chính quyền lại có suy nghĩ, “Họ cho mượn thì ta cứ mượn”, “Con cháu ta sau này sẽ trả” thì sao có thể gọi là thế hệ vàng được. Điều quan trọng là thế hệ vàng trước, để lại số nợ “Khủng” như vậy thì thế hệ vàng con cháu sau này chỉ lo trả nợ cũng đã hết trí lực rồi, chớ làm sao dám mơ bằng các nước Đông Nam Á.

Xã hội Việt Nam ngày nay, ai cũng thấy là đạo đức băng hoại khủng khiếp, cán bộ tham nhũng, bằng cấp giả tràn lan, lối sống bầy đàn, đánh dã man người cô thế, nạn cướp giật, hút sách, hiếp dâm, phá thai, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, thực phẩm độc, hàng hóa giả, công trình “dỏm”, hủy hoại môi trường… Học sinh đánh nhau, thầy trò đánh nhau đăng đầy trên Youtube. Học trò, hoa khôi, ca sĩ bán dâm, con giết cha mẹ, cha mẹ giết con đầy các trang báo. Thế hệ trẻ xuất khẩu lao động, làm vợ, mại dâm phục vụ khắp thế giới. Thế hệ 8x, 9x tự hào “Ta là thế hệ vàng” mà làm những điều thị phi, ăn nói thô tục, chụp hình tự sướng thiếu văn hoá khoe đầy trên mạng Internet. Ngay cả chọn avatar, “Thế hệ vàng” này cũng chọn những hình khoe của, kheo ngực, khoe chân. Phải chăng nền giáo dục của Thế hệ vàng mã đã tạo ra Thế hệ vàng này?

Đảng Cộng sản Việt Nam bắt thế hệ trẻ phải học tập “Đạo đức Hồ Chí Minh”, noi gương “Đại diện thế hệ vàng - Đại tướng Võ Nguyên Giáp” và đi theo “Truyền thống hào hùng của cha anh”. Vậy thế hệ trẻ có nên học, noi gương theo lời Đảng và “Thế hệ vàng thời đại Hồ Chí Minh” hay không?

Có quá nhiều tài liệu về việc Đảng Cộng sản đưa đất nước vào vòng lệ thuộc Trung cộng, về những tội ác Đảng gây ra cho dân tộc và sự đạo đức giả của Hồ chí Minh, nên trong khuôn khổ bài viết này không cần phải kê ra dài dòng, chỉ hỏi tình trạng đất nước suy đồi, kinh tế tụt hậu, đạo đức xã hội băng hoại là do ai? Tất nhiên lỗi là do hệ thống chế độ của Đảng Cộng sản Việt Nam mà Hồ Chí Minh là người sáng lập Đảng và chế độ Cộng sản Việt Nam. Thế giới đã ném bỏ chủ thuyết Cộng sản sai lầm, đưa Staline, Mao Trạch Đông, Kim Nhựt Thành, Pol Pot và Hồ Chí Minh vào danh sách tội phạm chống nhân loại, vậy thế hệ trẻ có nên học tập “Đạo đức Hồ Chí Minh” hay không?

Cũng có rất nhiều tài liệu về “Huyền thoại thiên tài - Đại tướng Võ nguyên Giáp”, mọi người có thể tìm thấy qua sách vở và trên mạng Internet, trong bài này chỉ đề cập vài điểm về nhân cách của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong vụ án Nhân văn Giai phẩm và Vụ án chống đảng, các bạn bè, đồng chí và thuộc hạ của Võ Nguyên Giáp bị Lê Duẩn, Lê Đức Thọ đưa ra đấu tố, ông không có một chút cản đảm để thốt lên lời nào bênh vực cho phe cánh mình. Từ một Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng kiêm Tổng Tư lệnh Quân đội bị đẩy xuống làm Chủ tịch Ủy ban Sanh đẻ có kế hoạch, một hình thức hạ nhục, mà ông vẫn luôn giữ “Niềm tin sắt đá vào sự nghiệp” và nói, “Đảng giao việc gì làm việc nấy, làm hết sức mình”. Khi người dân đứng lên chống Trung cộng lấn đất lấn biển thì ông dường như không nghe, không nhìn thấy sự kiện xâm lược ấy. Một đại tướng bất lực không giúp được cho thuộc hạ, cầu an một cách hèn nhát khi bị sỉ nhục và ung dung tự tại trước hiểm nguy đất nước bị Hán thuộc thì có đáng để tôn vinh “Người đại diện cho thế hệ vàng”, “Vị anh hùng tầm cỡ có khi hàng trăm năm mới xuất hiện” và có xứng đáng cho “Thế hệ vàng kế tiếp noi gương” không?

Tuổi trẻ phải phân biệt, chọn điều gì nên và không nên học từ thế hệ cha anh, không phải khi sinh ra, cha mẹ ta tin tuyệt đối và yêu Bác, yêu Đảng là ta cứ theo truyền thống gia đình mà mù quáng tin yêu theo được. Thực tế đã cho thấy, lý tưởng của thế hệ cha anh là gắn bó, trung thành với “Sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc”, quyết “Thống nhất đất nước, xây dựng Xã hội Chủ nghĩa theo Chủ nghĩa Marx-Lenin”, nguyện “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại” là sai lầm và hoàn toàn thất bại. Ngày nay Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa đất nước theo xu hướng Kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, điều đó đã chứng tỏ rằng, cả một “Thế hệ vàng” cha anh đã bị lừa dối khi đi theo Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản để xây dựng bánh vẽ “Xã hội Chủ nghĩa, độc lập, tự do, hạnh phúc, không có người bóc lột người, không có giàu nghèo”.

Để duy trì quyền lãnh đạo độc tôn, Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra những biện minh lừa dối khác và để ru ngủ, làm yên lòng một số người già, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ca tụng thế hệ “Chống Mỹ cứu nước là thế hệ vàng”. Các bậc cha anh đã sai lầm khi đặt tình yêu quê hương, dân tộc của mình vào tay những kẻ ác, nhưng bây giờ họ có thật sự thấy mình đã bị lừa dối, có tỉnh ngộ, muốn nói lời xin lỗi vì đã làm hại quê hương, dân tộc không, hay chỉ tự sướng, thấy cái mà họ muốn thấy để được an phận. Chúng ta không trách họ, nhưng thương hại họ đã bị Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản độc tài nhồi sọ, huỷ hoại nhận thức, nên họ không thấy cái sai của mình, không thể phân biệt được tốt xấu. Riêng những người cuồng tín, những người đã thấy, đã biết sai lạc, nhưng vì quyền lợi cá nhân vẫn một mực tôn thờ Chủ nghĩa Cộng sản thì xem như họ đã “Hết thuốc chữa”. Tuổi trẻ tự hào về thế hệ cha anh đánh giặc giữ nước là chính đáng, nhưng có cần tự hào đến mức, ai ai cũng là Thế hệ vàng và nhìn đâu cũng thấy Thế hệ vàng. Khi chúng ta vuốt ve, ca ngợi thành tích của thế hệ cha anh phục vụ cho Đảng Cộng sản Việt Nam là ca ngợi thành tích tội ác, giết người Việt Nam của đảng Cộng sản.

Chúng ta đã biết Chủ nghĩa Xã hội và sự cai trị độc tài của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa đất nước tụt hậu so với thế giới, là lực cản đưa đất nước đi lên, vậy nên tuổi trẻ ngày nay phải làm sao quy tụ được mọi thành phần trong xã hội, đoàn kết đấu tranh dẹp tan lực cản này, khi ấy tuổi trẻ ngày nay mới xứng đáng được đời sau xưng tụng là Thế hệ vàng. Tuổi trẻ ngày nay cố gắng học tập, tích lũy kiến thức, học hỏi điều hay lẽ phải, làm những điều đúng đắn, để lại những thành quả tốt đẹp cho thế hệ mai sau, đưa đất nước trở thành cường quốc, thì chắc chắn thế hệ này sẽ được ghi vào lịch sử Việt Nam, được tôn vinh và tri ân là Thế Hệ Vàng của đất nước.

16.0602015


No comments:

Post a Comment