HÀ NỘI 15-6 (NV) - Đa số đại biểu Quốc hội CSVN xuôi theo đòi hỏi của giới công nhân về việc lãnh tiền bảo hiểm xã hội một lần sau khi nghỉ việc chứ không đợi tới khi nghỉ hưu mới được lấy.
Công nhân hãng Pou Yuen ở Sài Gòn đình công chống Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội hồi cuối Tháng Ba 2015. (Hình: VNExpress).
Báo chí ở Việt Nam cho hay có 87.45% đại biểu đồng ý trong cuộc “lấy ý kiến” các “đại biểu Quốc hội” về chủ trương ban hành một nghị quyết cho người lao động lãnh tiền bảo hiểm xã hội trọn gói và một năm sau khi nghỉ làm.
Điều 60 của Luật bảo hiểm xã hội của CSVN được sửa đổi năm 2014 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, đã gây phẫn nộ trong giới công nhân nên đã dẫn đến các cuộc biểu tình rầm rộ hồi cuối Tháng Ba vừa qua.
Theo bản tin VNExpress, kết quả tổng hợp “xin ý kiến đại biểu Quốc hội” về chủ trương ban hành nghị quyết về việc người lao động sau một năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần, đã giống như chủ trương “ở trên” nhằm tránh phản ứng dữ dội hơn, nguy hiểm cho chế độ.
Theo Điều 60 Luật bảo hiểm xã hội được sửa đổi, người lao động không được nhận tiền một lần ngay sau khi nghỉ việc như Luật bảo hiểm xã hội năm 2006 mà phải đợi đến tuổi nghỉ hưu. Khi nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng, người lao động được hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, tư vấn việc làm. Đến khi người lao động trở lại làm việc, thời gian đóng bảo hiểm xã hội sẽ được cộng dồn, tích luỹ đủ để đến tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu theo quy định.
Cuối Tháng Ba vừa qua, khoảng 90,000 công nhân công ty Pou Yuen ở Sài Gòn và công nhân nhiều hãng khác ở Long An, Tây Ninh, Tiền Giang đã đình công đòi nhà cầm quyền CSVN qua cơ quan quản trị bảo hiểm xã hội phải cho họ lãnh trọn gói khi nghỉ làm. Tuổi nghỉ hưu hiện đang được quy định là 55 đối với phụ nữ và 60 đối với nam giới.
Từ trước tới dịp đó, hàng ngàn các cuộc đình công của giới công nhân tại Việt Nam đều tập trung vào việc đòi tăng lương, đòi tiền thưởng tết, đòi bỏ các quy định hà khắc như nhà tù, nói chung là chống bóc lột lao động.
Lần đầu tiên người ta thấy giới công nhân tại Việt Nam đình công chống đối một chính sách của nhà nước. Vì nhìn thấy nguy cơ lan rộng ra cả nước, nhà cầm quyền trung ương CSVN vội vã trấn an và loan báo sẽ 'kiến nghị” quốc hội điều chỉnh lại điều luật làm người dân tức giận.
Theo Liên Đoàn Lao Động Quốc Tế tiên đoán, Quỹ bảo Hiểm Xã Hội của Việt Nam sẽ vỡ nợ trong khoảng một hai thập niên tới đây. Một trong những lý do được thấy qua các tờ báo trong nước là hàng trăm công ty xí nghiệp khắp nơi đã chây ỳ, không chịu đóng tiền bảo hiểm xã hội. Số tiền nợ tồn đọng của những công ty này lên hàng ngàn tỉ đồng.
Nhưng có những nguyên nhân lớn hơn, ngoài chuyện quỹ Bảo Hiểm Xã Hội cạn dần, là đồng tiền CSVN ngày một mất giá. Trước khi xảy ra đình công của giới công nhân ít ngày, dư luận tại Việt Nam xôn xao xúc động khi có tin một người gửi tiết kiệm ở ngân hàng số tiền trị giá bằng một căn nhà. Hai mươi năm sau xin lãnh thì cả vốn lẫn tiền lời gộp lại không đủ ăn vài bát phở. (TN)
06-15-2015 2:35:47 PM
No comments:
Post a Comment